Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 3 MÙA PHỤC SINH, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 3 MÙA PHỤC SINH, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 3A PS

Trên Đường Emmau

Lc 24,13-35a(Lc 24,13-35)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Đây là một trong những truyện ngắn khác giá trị ngàn đời

1.1.Truyện thuật việc hai môn đệ đi về phía mặt trời lặn

Có lẽ chính vì thế họ không nhận ra Chúa Giêsu. Emmau nằm về phía tây Giêrusalem. Mặt trời đang lặn, ánh sáng làm chóa mắt, vì thế họ không thấy Chúa. Bất kể thế nào, Kitô hữu không phải là người đi về hướng mặt trời lặn mà về hướng mặt trời mọc. Do Thái xưa đã đi về hướng mặt trời mọc (Ds 21:11). Kitô hữu tiến tới, đi về phía trước, không về phía đêm sắp đổ, nhưng về hướng bình minh… và chính vì trong sầu muộn và thất vọng mà hai ông trên đường Emmau không nhận biết Chúa Giêsu.

1.2. Chúa Giêsu hướng con người đến những việc có ý nghĩa

Hoàn cảnh thật bi đát, thất vọng, buồn thảm khôn nguôi… ‘chúng tôi hy vọng Người là Đấng sẽ giải thoát Ítraen’. Đó là những lời của những người hy vọng đã chết, đã bị chôn vùi. Lúc đó Chúa đến nói với họ, và ý nghĩa cuộc đời trở nên sáng sủa, bóng tối trở nên ánh sáng. ‘Tôi chưa thấy ý nghĩa cuộc đời cho đến khi thấy nó trong đôi mắt bạn’, nhân vật trong một cuốn truyện đã thú nhận. Chỉ trong Chúa Giêsu, dầu vào lúc hoang mang nhất, ta có thể học biết cuộc đời có ý nghĩa.[1]

1.3. Chúa khéo léo khi giả bộ đi tiếp

Người không cưỡng bách mà chờ họ mời. Thiên Chúa đã ban cho con người một món quà lớn lao nhưng cũng nguy hiểm nhất, đó là tự do, có thể dùng để mời Chúa vào nhà hay từ chối, để Người ra đi.

1.4.Họ nhận biết Chúa khi Người bẻ bánh

Đây có chút ý nghĩa như là một bí tích, nhưng không phải. Đó là bữa ăn bình thường trong những nhà bình thường, khi bánh bình thường được chia nhau mà hai ông nhận ra Chúa Giêsu. Có lẽ đẹp khi đề nghị rằng có thể hai ông đã có mặt trong phép lạ bánh hóa nhiều nuôi năm ngàn người, và khi Chúa bẻ bánh trong căn nhà lều của hai ông mà hai ông lại nhận biết đôi tay của Chúa. Không phải tại Bàn Thánh ta có thể ở với Chúa mà thôi, mà có thể ở với Người trong bàn cơm của ta. Người không là khách trong Thánh Đường mà thôi, Người còn là khách trong mọi nhà. Fay Inchfawn viết: ‘đôi khi mọi sự đều xấu; ngày vắn, đêm dài; ngày giặt đến bầu trời lại u ám. Chẳng có gì có thể khô. Khi ống khói nhà bếp bốc lên lúc chẳng có gì kỳ lạ! Khi bạn bè nuối tiếc tuổi xuân tôi, khi bé thơ nhú răng đầu. Trong khi chỉ bé John, quấn quít váy tôi suốt cả ngày; còn Jane bụ bẫm lại buồn thiu, Anh hàng thịt thì không tới. Đôi khi có những ngày như thế, làm tôi bỗng nhớ một vệt hạnh phúc. Không một ngày thảnh thơi, thì Người đến… nhưng đến trong ngày như thế!’. Người Kitô hữu luôn luôn sống mọi nơi trong thế giới đầy Chúa Giêsu Kitô.

1.5. Các ông vội vã trở về giữa đêm khuya

Các ông vội về, không ngại quãng đường chừng 7 dặm mà trời đã về đêm, để chia sẻ niềm vui với các ông khác. Thông điệp của người Kitô hữu không bao giờ đầy đủ cho đến khi được chia sẻ với người khác.

1.6.Tới Giêrusalem, hai ông thấy các ông khác cũng đang hân hoan

Vinh dự của Kitô hữu là sống với những người cùng kinh nghiệm. Bạn hữu chỉ có khi hai người đã chia sẻ cùng một kỷ niệm và người này có thể nói với người kia ‘mày có nhớ…’. Mỗi chúng ta là một trong tổ người chia sẻ cùng một kinh nghiệm và cùng ghi nhớ chung về Chúa của mình.

7.Chúa hiện ra với Phêrô, với kẻ đã chối Người ra sao…

Đây phải là một trong những truyện lớn không được thuật lại trên thế giới. Nhưng thật là thú vị vì một trong những lần đầu tiên Chúa đã hiện ra với kẻ đã chối Người. Vinh danh cho Chúa là Người có thể ban lại cho kẻ tội lỗi thống hối niềm tự trọng.[2]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

1.Hai môn đệ trên đường emmau

Hai môn đệ trên đường Emmau không phải là lương dân, tức là những người không hề nghe nói về Chúa Giêsu hoặc chẳng hề nhận được sứ điệp của Ngài. Họ là những tín hữu, những người có niềm tin. Họ đã nhận Ngài “như một vị tiên tri, quyền năng trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân”. Hơn nữa, họ còn hiểu rằng: “chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel”.

Nhưng cuộc khổ nạn của Ngài làm cho lòng tin của họ bị lung lạc. Họ không thể hiểu nổi một vị cứu thế lại phải chịu khổ nạn như vậy. Nói cho cùng, họ không tin vào biến cố phục sinh.

Họ đã nghe các bà loan tin về biến cố ấy, nhưng họ vẫn lưỡng lự, hồ nghi. Thực tại thập giá đã khiến họ phải tháo chạy, họ đã rời bỏ Giêrusalem, và vì thất vọng họ đã để mất lòng trông cậy.

Khổ đau vẫn luôn là chướng ngại vật, là cớ vấp phạm lớn lao, khiến những ai đã tin tưởng cũng dễ lung lay. Người ta khó có thể dung hoà đau khổ với lòng tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Lòng tin từ thời ấu thơ của họ dường như trở thành ảo tưởng, hão huyền bởi sự khổ đau ấy, gắn liền với những chán chường nên họ đã đi đến chỗ mất niềm tin.

2.Con đường Emmau cũng chính là con đường mà bao người đang gặp được Chúa

Con đường hai môn đệ đi về Emmau xa cách Giêrusalem, cũng chính là con đường mà bao người đang gặp phải, nhưng chính trên con đường này mà hai môn đệ đã gặp Chúa.

Trước khi các môn đệ thành Emmau nhận ra Ngài, thì Ngài đã ở giữa họ và đã có ảnh hưởng nơi họ rồi: “lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta, và giải nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” Tâm hồn họ ngầm cháy. Sự kết hợp với Chúa Kitô nung nấu các linh hồn mà nếu không có Ngài, các tâm hồn đó sẽ lạnh ngắt và chết mất.

Khi nhận ra Chúa Giêsu họ liền “chỗi dậy trở về Giêrusalem”. Đó là một kết quả thấy được tận mắt, một biến đổi tận gốc rễ đã xảy ra: sầu tan vui đến, họ đổi buồn thành vui, tuyệt vọng biến thành hy vọng, nhát sợ kinh hoàng thành tin tưởng sướng vui. Trình thuật hai môn đệ trên đường Emmau cho thấy khi có Chúa, mọi sự đều thay đổi.

Các trình thuật phục sinh khác nhau đều quả quyết sự kiện không thể chối cãi được: Chúa đã sống lại thật. Sau kinh ngạc trước ngôi mộ trống, sau sững sờ trước sứ điệp các thiên thần, giờ đây thực sự đã hoàn tất: Chúa đã sống lại thật.[3]  

3.Coi chừng kẻo chính chúng ta cũng không nhận ra Đức Giêsu nơi những người chung quanh chúng ta

Chúng ta sống với những người chung quanh, mà không bao giờ hoặc rất ít khi ta nhận ra Thiên Chúa hay Đức Giêsu ở nơi họ. Dường như đối với ta, Thiên Chúa hay Đức Giêsu là người ở đâu đâu, ở trên trời, ở trong nhà tạm của nhà thờ, hoặc ở khắp nơi một cách thiêng liêng.

Ngài có vẻ là một thực tại rất trừu tượng, nếu có cụ thể thì chỉ là những ảnh vẽ, những bức tượng bất động, vô hồn. Và tình yêu của chúng ta đối với Ngài cũng rất trừu tượng, rất bí tích, chỉ được thể hiện bằng sự hướng thiện, bằng việc năng cầu nguyện, năng tham dự và lãnh nhận các bí tích. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta một chân lý hết sức quan trọng. Thiên Chúa hay Đức Giêsu có thể chính là người bộ hành mà mình ngỡ là rất xa lạ. Nghĩa là Ngài có thể mặc lấy những bộ mặt khác nhau, hình dáng khác nhau, với những tính tình khác nhau, tư cách điệu bộ khác nhau nơi những người ta gặp trên đời, nơi những người sống chung quanh ta. Và tình yêu của chúng ta – nếu có – đối với Ngài thì phải được thể hiện cụ thể nơi những con người cụ thể ấy, chứ không phải một cách trừu tượng.

Có thể nói: muốn yêu Đức Giêsu, thì cách tốt nhất, cụ thể nhất và chắc chắn nhất là yêu những người chung quanh ta, và bất kỳ người nào ta gặp trong cuộc đời. Và cũng có thể nói một cách chắc chắn: nếu ta không yêu những người ấy, thì ta không thật sự yêu Đức Giêsu hay yêu Thiên Chúa. Nếu ta tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa, yêu Đức Giêsu bằng cách này hay cách khác, nhưng ta không hề yêu Ngài nơi những con người cụ thể chung quanh ta, thì tình yêu ấy chắc chắn chỉ là một ảo tưởng. Rất có thể ta đang yêu chính bản thân mình một cách ích kỷ, nhưng sự ích kỷ ấy lại mặc lấy một hình thức khôn khéo là yêu Thiên Chúa hay Đức Giêsu một cách trừu tượng. Thánh Gioan viết: “nếu ai nói “tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Vì thế, thánh Phaolô viết: “ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8.10),

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta chân lý quan trọng này: tha nhân chính là hình ảnh, hay một cách nào đó, là hiện thân của Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy tập nhìn họ là “Em-ma-nu-el” (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Thiên Chúa hay Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, ở với chúng ta qua những người chung quanh chúng ta.

Lạy Chúa, bài Tin Mừng hôm nay thật là tuyệt vời, nó cho con thấy và nhắc lại cho con một chân lý kỳ diệu: hững người gần gũi với con, sống chung quanh con một cách nào đó là hiện thân của Chúa, nếu con yêu mến Chúa tất nhiên phải yêu những người ấy. Và chỉ khi con yêu họ, con mới chứng tỏ được rằng con thật sự yêu mến Chúa. Lạy Chúa, xin giúp chúng con tâm niệm và thực hiện điều Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen

 LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

 

 

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.488

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.490

[3] R.Gutzwiller, CN 3A PS

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …