Home / Chia Sẻ / BẢN CHẤT

BẢN CHẤT

BanchatBản chất – hoặc bản tính – là tính chất vốn có sẵn của sự vật, là cái chính của một vật từ khi sinh ra, chưa bị ảnh hưởng bên ngoài. Bản ngã là cái tôi, là tư cách riêng của mỗi người tự ý thức cái hiện có, thực thể của mình. Ý thức về cái tôi không là trực giác mà là kết quả của lối sống nội tại dần dần tạo nên.

Nhân chi sơ tính bản (bổn) thiện. Đó là bản chất tốt lành nơi mỗi con người được Thiên Chúa tạo dựng. Nhưng theo thời gian, người ta thoái hóa vì tham lam, ham muốn, không kiềm chế nó nên tạo thành thói quen, rồi thói quen tạo nên tính cách, rất khó thay đổi, và rồi nó hóa thành số phận. Vì thế người ta nói: “Giang san dễ đổi, bản tính khó dời.” Thực sự rất đáng sợ!

Người Biệt Phái vốn dĩ ưa hình thức nên họ ham hố tiền bạc, (Lc 16:14) mà tiền bạc là cội rễ sinh ra mọi điều ác. (1 Tm 6:10) Nổi bật nhất là Giuđa Ítcariốt, chỉ vì tiền bạc mà ông dám bán luôn cả Thầy mình! Những tấm gương mờ đục vẫn còn đó, cần “soi” để thấy rõ chính mình. Tiền bạc bình thường mà bất thường, nó không là dao mà có thể “cắt đứt” mọi thứ, kể cả tình thân thiết nhất.

CHUYỆN BÌNH THƯỜNG

Con người khôn ngoan Salômôn xác định: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si.” (Kn 13:1a) Nghe câu này chắc là có người thấy “nóng gáy” lắm. Vua Salômôn dùng chữ “ngu si” chứ ông không dùng chữ khác nhẹ nhàng hơn – như ngây ngô, dại dột, dốt nát,…

Bình thường mà bất thường. Là ngu chứ không dốt hay dại. Tại sao? Vua Salômôn lý giải chi tiết và rạch ròi: “Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hóa Công. Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua, hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn, hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần, là những bậc quản cai hoàn vũ.” (Kn 13:1b-2) Thế thí ngu si thật chứ không đùa đâu.

Ngày xưa dân Israel cũng hóa ngu khi đúc bò vàng để thờ lạy. Hết nước nói! Thờ lạy một con người nào đó cũng đã là ngu xuẩn lắm rồi, vì họ cũng là thụ tạo như mình mà lại đi thờ lạy họ thì không ngu chứ là gì? Càng ngu hơn khi người ta tôn thờ con vật, thậm chí là một cơ phận nào đó của con người thì đáng ghê tởm quá. Không biết đầu óc họ thế nào mà tổ chức những lễ hội kinh dị như vậy. Rõ ràng là tự làm nhục chính mình đấy, sao lại ngu xuẩn vậy?

Chúng ta chỉ được và phải tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi. Ngay cả Đức Mẹ và các thánh cũng không được tôn thờ. Chúng ta không tôn thờ mà chỉ tôn kính các ngài. Thiên Chúa truyền lệnh: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta, và không được phủ phục trước một thần nào khác.” (Xh 20:3; Xh 34:14; Đnl 5:7) Và có hệ lụy tất yếu: “Kẻ tế thần khác ngoài Đức Chúa, sẽ bị Đức Chúa loại trừ.” (Xh 22:19) Thật vậy, “chỉ mình Ngài là Đấng phải thờ lạy mà thôi!” (Br 6:5)

Người nhận biết Thiên Chúa là ai, đó là khôn ngoan. Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu, (Tb 14:6; Hc 18:1; Ga 8:24, 28, 58; Ga 13:19) Đấng Hằng Sống, (Xh 3:14; Đnl 5:26; Gs 3:10; Tl 8:19; R 3:13; 1 Sm 14:39 & 45; 1 Sm 17:26 & 36; 1 Sm 19:6; 1 Sm 20:3 & 21; 1 Sm 25:26 & 34; 1 Sm 26:10 & 16; 1 Sm 28:10; 1 Sm 29:6; 2 Sm 2:27; 2 Sm 4:9; 2 Sm 12:5; Tv 42:3; Tv 84:3; Mt 16:6; Mt 26:63; Ga 6:57; Ga 8:24b; Ga 8:58; Cv 14:15; 2 Cr 3:3; 2 Cr 6:16; 1 Tx 1:9; 1 Tm 3:15; 1 Tm 4:10; Dt 7:24-25) và Đấng Duy Nhất. (Đnl 6:4; Nkm 9:6; Xh 20:3; Đnl 5:7; Đnl 32:39; Gđt 8:20; Kn 12:13; Is 43:10; Is 45:6; Is 46:9; Đn 3:28-29; Đn 14:41; Hs 13:4; Mc 12:29; Ga 5:44; Ga 17:3) Nhưng đáng “quan ngại” nhất là Ngài KHÔNG THIÊN VỊ bất cứ ai. (Đnl 10:17-18; Hc 35:12; Lc 20:21; Cv 10:34; Rm 2:11; Gl 2:6; Ep 6:9)

Chắc chắn rằng “từ đời này qua đời khác, hết những ai đặt hy vọng vào Thiên Chúa sẽ không bị suy tàn,” (1 Mcb 2:61) “hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được ơn cứu độ.” (Ge 3:5) Ngược lại, “hết những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ bị bứng khỏi đất.” (Gr 17:13) Ai cũng cần phải học hỏi, để có thể nhận thức và ý thức, bởi vì “hết những ai không có người chỉ bảo đều lầm lạc mà thôi.” (Kn 17:1)

Thánh Augustinô cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa. Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa. Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo chân Chúa luôn. Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa. Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa. Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.”

Ước gì chúng ta cũng luôn biết cầu nguyện như vậy!

CHUYỆN LIÊN QUAN

Mọi thứ đều có tính liên đới và liên quan với nhau, dù là vật chất hay tinh thần, thậm chí là tội và phúc cũng liên quan như vậy. Ví dụ, “một linh hồn công chính có thể xin được ơn tha thứ cho cả ngàn tội nhân.” (Thánh Margaret Maria Alacoque) Vả lại, “cấu trúc tội lỗi” cũng có “chiều kích xã hội,” vì nó nằm trong cách mà chúng ta có thể phạm tội – không chỉ là hành động trực tiếp của mình, mà còn là động thái gián tiếp liên lụy các tội lỗi do người khác phạm trực tiếp.

Nói chung, dù là điều tốt hay xấu cũng đều có tính liên đới với nhau. Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (GHXHCG – Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa, Compendium of the Social Doctrine of the Church) xác định liên đới là một nguyên tắc cốt lõi: “Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giácác quyền và con đường chung của các cá nhân và các dân tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày càng gắn bó hơn… Việc gia tăng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đưa bất công lên tầm mức toàn cầu. Việc tăng tốc tình trạng tương tác giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được đi kèm với những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đem bất công lên phạm vi toàn cầu.”

Tuy nhiên, về tính liên đới, nên phân biệt hai trường hợp này:

  1. Thấy một người mù từ thuở mới sinh, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”Ngài trả lời: “KHÔNG phải anh ta, cũng CHẲNG PHẢI cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.”(Ga 9:1-3)
  2. Một hôm, có mấy người đến kể lại cho Chúa Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Ngài nói với họ: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”(Lc 13:1-5)

Hơn 40 năm trước, có một khoảng thời gian tôi tập hát cho ca đoàn ở một xứ miền quê, nơi mà người ta thường nói vui là “chết rồi không biết đường vô Thiên Đàng, cũng chẳng thấy lối vào Hỏa Ngục,” bởi vì hồi đó không có điện như bây giờ, chỉ thắp đèn dầu mù mờ lắm.

Thi thoảng có vô nhà xứ nên tôi hay chuyện trò với “bà bếp.” Đơn giản thế thôi. Có những lần bà ăn cơm với chuối xanh kho nước mắm, vì linh mục xứ không để gì ở bếp cho bà dùng, chỉ có chai nước mắm loại dở nhất. Có lần bà mời tôi ăn chén chuối kho cho bà vui, tôi cũng ăn và trò chuyện với bà. Có lần bà nói rằng, bà bị đối xử tệ quá nên bà buồn, bà định về với các cháu nhưng bà không dám – một phần vì bà đã hứa với bà cố sẽ giúp đỡ “người con linh mục” của bà cố, một phần vì bà không có tiền bạc, về với các cháu thì chúng cũng chẳng coi ra gì. Nghe tâm sự của bà mà thấy thương và buồn cho bà quá!

Rồi một lần nhà xứ tổ chức tiệc tùng gì đó, bà bếp đem đồ đi trả cho người ta thì bà bị té. Bà lớn tuổi rồi nên tình trạng nặng thêm và bà bị liệt. Bà không có thân nhân, các bà Dòng Ba Đa-minh phải thay phiên nhau giúp đỡ bà. Có lần vào khoảng 6 giờ chiều, trong phòng đã tối, tôi định thắp đèn thì bà nói rằng thắp đèn sớm sẽ bị la mắng. Ai la mắng? Không có điện, chỉ có cây đèn dầu nhỏ mà cũng không cho thắp lên. Tại sao vậy? Số kiếp của bà bếp sao mà đau khổ và nhục nhã quá. Bà vẫn chịu đựng và không hề nói xấu hoặc trách móc bất cứ ai.

Có lần Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây và trái để nói về bản chất của con người: “Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12:35-37)

Cuối cùng, tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu trăn trối với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em HÃY YÊU THƯƠNG NHAU; anh em hãy yêu thương nhau NHƯ Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là ANH EM CÓ LÒNG YÊU THƯƠNG NHAU.” (Ga 13:34-35)

TRẦM THIÊN THU

Lễ Lá – 2023

 Bài Ca Rửa Chân – https://youtu.be/6PYNjGmU1Vw

 

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …