Home / Chia Sẻ / SỰ LÃNG PHÍ CÂN ĐỐI

SỰ LÃNG PHÍ CÂN ĐỐI

SulangphicandoiLễ Giáng Sinh là lễ của những nghịch lý. Một nghịch lý tốt đẹp của lễ này là sự kết hợp giữa tỷ lệ và sự xa hoa, giữa những gì cần thiết và những gì không xứng đáng. Sự giáng sinh của Đức Kitô vừa cân đối với nhu cầu của chúng ta vừa quá mức về sự ban tặng.

Nhập thể là ví dụ tuyệt vời về câu châm ngôn kinh điển này: “Quidquid recitur ad modum receiveris recitur.” – Bất cứ thứ gì nhận được đều được đáp lại như đã nhận. Bằng cách nhập thể vào cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, Con Thiên Chúa tự cân đối với “cách thức” của chúng ta để chúng ta có thể đón nhận Ngài. Trong lòng thương xót của Ngài, Ngài không đòi hỏi chúng ta phải có khả năng như Ngài nhưng làm cho Ngài có thể được chúng ta đón nhận. Lòng thương xót đích thực luôn có phẩm chất thích hợp, được làm riêng cho những người có nhu cầu, không quá cao để họ vói tới cũng không quá khó để họ chấp nhận.

Vì vậy, Thiên Chúa đến với chúng ta theo cách chúng ta có thể đón nhận. Cái vô hạn trở thành hữu hạn, cái vĩnh cửu đi vào thời gian, và Đấng Tạo Hóa sinh ra bởi Đức Trinh Nữ và nằm trong máng cỏ. Chúng ta có thể đón nhận Ngài vì Ngài đã trở nên dễ tiếp cận với tất cả chúng ta, với mọi loại người trong chúng ta, từ những người chăn cừu tầm thường cho đến những đạo sĩ uyên bác. Chúng ta có thể nhận được lòng thương xót dễ dàng hơn bởi vì lòng thương xót đã được thu nhỏ theo kích thước của chúng ta, mà không mất đi chút sức mạnh nào.

Không chỉ với kích thước của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng phù hợp với bản chất con người bị tổn thương của chúng ta. Ngài sinh ra nghèo khó để gặp gỡ chúng ta – những người đã phung phí những món quà của mình và đánh mất gia nghiệp của mình. Ngài sinh ra là người vô gia cư đối với chúng ta, những người sống trên thế giới này như những kẻ lưu vong. Ngài sinh ra đã phải tiếp xúc với các yếu tố và thậm chí với kẻ thù của mình để gặp gỡ chúng ta – những người quá yếu đuối và đang gặp nguy hiểm. Ngài sinh ra đã bị xa lạ với dân tộc của Ngài, vì “người nhà không chịu đón nhận Ngài.” (Ga 1:11) Ngài đến thế gian để nên một với chúng ta, những người xa lạ với Thiên Chúa và với nhau.

Người liên kết với chúng ta trong những đau khổ này bởi vì lòng thương xót không đứng xa mà nhìn những người đau khổ. Thiên Chúa của lòng thương xót đến gần, kết hợp với chúng ta và nên một với chúng ta trong cảnh khốn cùng của chúng ta. Sự nghèo khó giáng sinh cho thấy Chúa Giêsu là con người đau khổ, liên kết với mọi loại đau khổ của nhân loại – tâm tư, tình cảm, thể lý, tinh thần.

Nhưng sự đơn giản và dễ dàng mà giờ đây chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa không có nghĩa là lòng thương xót của Ngài nuông chiều và dễ dãi. Ngược lại, giống như tất cả các trẻ thơ, Ngài gọi và hỏi chúng ta điều gì đó. Chúa Kitô trẻ sơ sinh kêu lên với chúng ta, yêu cầu chúng ta đón nhận Ngài và đáp lại. Tuy nhiên, ngay cả sự bất tiện này cũng phù hợp với nhu cầu của chúng ta, vì nó giúp chúng ta không có thói quen coi thường lòng thương xót của Ngài.

Thiên Chúa không áp đặt lòng thương xót của Ngài. Nhưng Ngài kêu gọi chúng ta, ban lòng thương xót đó cho tất cả những ai mong muốn lãnh nhận và sống theo lòng thương xót đó. Câu trả lời Ngài mong muốn là làm cho lòng thương xót của Ngài dành cho chúng ta càng nhiều hơn. Thật vậy, điều đó trở thành một phần của chúng ta khi chúng ta đáp lại lời đề nghị của Ngài, khi chúng ta tận dụng những gì Ngài ban, khi chúng ta vội vã đến Belem.

Đồng thời, ngay cả khi lòng thương xót của Thiên Chúa được cân đối với nhu cầu của chúng ta là những sinh vật bị thương, nổi loạn, lòng thương xót đó cũng quá mức với những gì nó đạt được: “Từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” (Ga 1:16) Lòng thương xót của Thiên Chúa cân đối với con người của chúng ta nhưng tìm cách làm cho chúng ta trở nên nhiều hơn những gì chúng ta đang có. Thánh Athanasiô nói: “Vì Con Thiên Chúa đã làm người để chúng ta có thể trở thành Thiên Chúa.”

Khác với lòng thương xót keo kiệt và giới hạn của chúng ta (xin thì tha… lần này xin tha…), lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đi trước và vượt trên những gì chúng ta cầu xin và ước ao. Dân Israel chờ đợi Thiên Chúa sai đến một Vị Cứu Tinh, chính Thiên Chúa đã đến làm Vị Cứu Tinh của họ. Họ chờ đợi sự giải cứu khỏi các quyền lực thế gian, Ngài đã giải cứu họ khỏi mọi quyền lực tự nhiên và siêu nhiên. Họ mong đợi Vị Cứu Tinh của chính họ, Ngài đến để cứu tất cả – kể cả kẻ thù của Ngài. Họ cầu xin cho vương quốc Israel được phục hồi, Ngài đã dẫn họ vào Vương Quốc Thiên Chúa.

Sự lãng phí này đã được bộc lộ khi Con Chúa giáng sinh. Những người chăn cừu là những người cùng đinh của xã hội như họ bị người ta nghĩ vào thời đó, phải sống trên cánh đồng, nhưng họ là những người được thông báo đầu tiên và được đặc ân tôn thờ Ngài trước tiên. Điều đó vượt xa những gì họ xứng đáng hoặc tưởng tượng. Tương tự như vậy, các đạo sĩ là người nước ngoài và là người ngoài cuộc, không đòi hỏi gì từ những lời hứa, nhưng họ đã được ơn để tôn thờ Ngài ngay cả trước khi dân của Ngài biết Ngài sinh ra.

Sự lãng phí ở Belem tạo ra một giai điệu cho đời sống công khai của Chúa chúng ta. Ngài bắt đầu sứ vụ bằng cách biến đổi không chỉ một ít nước thành rượu mà còn hàng trăm lít, và không chỉ là rượu mà là rượu hảo hạng. Ngài kết luận bằng cách mở cạnh sườn Ngài để máu và nước chảy ra. Câu chuyện dụ ngôn cuối cùng của Ngài là về một người con trai có lối sống hoang đàng, chỉ thua lòng thương xót “hoang phí” của người cha.

Chúa Hài Nhi Giêsu kêu lên để được đáp lại. Trong sự nhỏ bé và nghèo khó, Ngài đã tự cân đối với chúng ta – những thụ tạo sa ngã. Xin cho chúng ta đừng từ chối Ngài tiếp cận với sự yếu đuối và vết thương của chúng ta. Về thần tính, Ngài đã đến để ban ân sủng thay thế ân sủng. Xin cho chúng ta không mong đợi hoặc yêu cầu bất cứ điều gì ít hơn. Chúng ta hãy vội vã đến Belem để tạ ơn Ngài đã đến với chúng ta trong lúc chúng ta cần và để lãnh nhận ân sủng dồi dào mà Ngài muốn trao ban.

PAUL D. SCALIA

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …