Home / Chia Sẻ / NỖI NIỀM MÈO CON

NỖI NIỀM MÈO CON

NoiniemmeoconChẳng biết tôi ra đời ngày mấy, tháng mấy. Tôi chỉ lơ mơ biết nhờ một hôm, ông bà chủ tôi nói cười vui vẻ với người ta rằng tôi được một tháng tuổi. Người khách khen tôi mụ mẫm và dễ thương nên cứ nựng tôi khiến tôi khoái chí ngúng nguẩy đuôi. Nghe nói là tôi được lên thành phố. Chẳng biết ất giáp gì mà tôi vẫn cảm thấy vui hết biết. Chắc là ở đó đẹp và vui lắm. Tôi quyết định làm một chuyến “du lịch,” chứ “ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.” Tôi cho như vậy là không phi lý!

Lông tôi hơi dài, màu trắng với màu vàng nâu, và có lớt phớt đen. Chẳng hiểu sao mà mọi người gọi tôi là Tam Thể. Nghe cũng hay hay, mà sao có vẻ “tàu” quá. Không lẽ… “lai”?

Thế là tôi hí hửng từ giã mẹ và em để “ra đi.” Tôi cứ đinh ninh là đi du lịch. Đường đi xa lắm. Xe chạy đến chóng mặt. Tò mò, tôi cứ muốn nhìn ra ngoài, nhưng mới nhìn một lúc, cây hai bên đường cứ chạy lùi về phía sau làm tôi chóng mặt và chảy nước mắt vì gió mạnh. Tôi cũng chẳng cảm nhận được thời gian dài chừng nào. Tôi chỉ biết một cách mơ hồ là lâu lắm.

Gần trưa mới đến nơi. Lúc đi phấn khởi bao nhiêu thì bây giờ tôi buồn bấy nhiêu. Một “thằng bé” như tôi thiếu mẹ nửa ngày là nhớ lắm, nhất là nhớ… bú. Tôi được ăn ngon hơn ở nhà. Tôi cũng chẳng màng gì những cao lương mỹ vị mặc dù đói ngấu. Mệt. Nhớ. Tôi đùa vài miếng cơm rồi tha cục xương ra sân gặm để “giết thời gian.” Thực ra là để nhớ mẹ. Lần đầu tiên tôi biết khóc!

o0o

Ở đây có hai mẹ con bác Vện và dì Fox. Dễ mến dì Fox biết mấy. Chắc là dì Fox không có con và là “phụ nữ” nên rất dịu dàng với tôi, dù người ta thường nói “như chó với mèo.” Riêng bác Vện lại cho tôi cảm giác sờ sợ ngay lúc gặp lần đầu. Lông bác vàng xám. Còn thằng con đang tập đi. Nó có bộ lông na ná giống tôi. Tôi mon men đến định hỏi thăm và làm quen, nhưng khi thấy bộ mặt nghiêm nghị của bác, tôi lại thôi. Mãi đến chiều tối, tôi mới dám đánh liều lại gần khi hai mẹ con bác ăn cơm. Vừa thấy tôi, bác gầm gừ “dằn mặt” tôi. Tôi hí hửng chào: “Meo meo.” Có lẽ bác tưởng tôi cà rởn sao mà bác quắc mắt nhìn tôi. Rồi bác lầm lì lại gần tôi. Tôi run cả người. Hoảng quá, tôi chạy một mạch vào xó nhà nằm chết gí ở đó. Tối hôm đó tôi bỏ cơm luôn.

Một tuần trôi qua rất nhanh. Tôi cứ ngóng về mà chẳng được về. Thế rồi một tháng qua mau chóng không thể ngờ được. Chắc là họ không cho tôi về nữa, và như thế, nghĩa là tôi phải ở đây luôn. Tôi có linh tính như vậy.

Ở thành phố buồn một nỗi là chẳng được đi đâu, suốt ngày quanh quẩn hết trong nhà lại ngoài sân. Tôi khóc không biết bao nhiêu mà kể. Nỗi nhớ mẹ da diết, tôi đã trở thành khóc “chuyên nghiệp.” Điều an ủi đối với tôi là ông bà chủ mới cưng tôi lắm, kể cả cô chủ nhỏ, cứ về đến nhà là cô chủ nhỏ bồng tôi. Thấy tôi đứng được hai chân, mỗi lần cho tôi “ăn quà vặt,” cô thường bắt tôi đứng, có khi đến mỏi chân mới chịu cho tôi ăn. Đôi khi cũng thấy giận, nhưng tôi tìm thấy niềm vui trong niềm vui của cô chủ nhỏ. Kẻ “mồ côi” như tôi dễ tủi thân lắm. Biết phận, tôi không bao giờ dám vồn vã quá lố!

Có một cậu ít nói lắm, suốt ngày cứ ngồi ở bàn làm gì mà cặm cụi suốt. Tôi nằm bên chân cậu, mơ đến vú mẹ, tôi cắn nhẹ vào chân cậu, cậu hất tôi ra. Tôi lại cắn, cậu hất nữa. Tôi cứ tưởng cậu đùa nên tôi cắn đùa với cậu. Thế là cậu cho tôi một cú roi nên thân. Tôi buồn quá chạy ra sau nằm khóc.

Chiều đến, tôi thấy hai mẹ con bác Vện dạo chơi, tôi chạy đến đùa với con bác. Tôi cắn nhẹ vào chân con bác mà nó cũng khóc. Bác nóng gáy táp cho tôi một cái đau điếng. Tôi khập khiễng vào nhà nằm khóc rất lâu. Tôi giận bác Vện vô cùng. Bác ác quá! Cô chủ nhỏ thấy vậy liền lại vuốt ve an ủi tôi. Lúc này tôi mới biết được tay tôi đã bị gãy. Tôi sốt mê man và bỏ ăn đến cả tuần.

Hình ảnh mẹ và em lại chập chờn hiện về trong cơn sốt hầm hập khiến tôi mê sảng gọi mẹ… Mẹ chăm sóc tôi, ấp ủ yêu thương liếm mặt tôi. Tôi ú ớ gọi mẹ… Và tôi giật mình tỉnh giấc thấy cô chủ nhỏ đang vuốt ve tôi. Nước mắt tôi ràn rụa. Cô chủ nhỏ cho tôi uống thuốc và cho tôi ăn cháo. Tôi nhìn cô tha thiết rồi liếm tay cô để tỏ lòng biết ơn. Tôi cố gượng dậy mà không thể được. Tôi dụi mõm vào tay cô chủ nhỏ như những lúc tôi sà vào lòng mẹ. Đến cả tháng sau tôi mới chạy nhảy được như thường.

Thời gian vụt qua như tên bay. Và thời gian là liều thuốc tiên. Tôi hết giận bác Vện. Dần dà, có lẽ nhận thấy sự có mặt của tôi trong căn nhà này là vô hại, và lại thấy tôi hiền, bác Vện trở nên vui vẻ với tôi.

Tôi vẫn nhớ mẹ khôn xiết. Biết rằng chẳng bao giờ được gặp lại mẹ nữa, tôi cố vui với nếp sống ở đây và nguôi ngoai theo ngày tháng. Mỗi khi được ăn ngon, tôi thường nhớ mẹ và em. Tôi lại khóc. Khóc để lấp đầy khoảng trống thương nhớ. Khóc để rửa bớt vết buồn phần nào. Đôi khi người ta cũng cần biết khóc để tự an ủi và nguôi ngoai nỗi nhớ!

Ôn lại những ngày tháng qua như một kỷ niệm, mặc dù đầy buồn vui lẫn lộn mà tôi không thể nào quên được khi “vào đời”…

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …