Home / Chia Sẻ / “VUI MỪNG VÀ KIÊN NHẪN”

“VUI MỪNG VÀ KIÊN NHẪN”

VuimungvakiennhanMột ý tưởng nổi bật dễ nhận thấy khi nghe các Bài đọc Lời Chúa trong Phụng vụ Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng, đó là niềm vui.  Cùng với ngôn sứ Isaia, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy vui lên.  Đây là niềm vui của ngày chiến thắng, niềm vui của người nông dân trong ngày gặt lúa, niềm vui của người được trở về quê cha đất tổ sau bao năm xa cách, niềm vui của cô dâu chú rể và khách dự tiệc cưới.  Quan trọng hơn cả, đó là niềm vui vì có Chúa hiện diện giữa dân Người.

Thiên Chúa hiện diện.  Còn niềm vui nào lớn lao hơn.  Chúa từ trên cao, Đấng ngự trên chín tầng trời, nay hạ cố xuống trần gian để gặp gỡ con người, tâm sự với họ bằng tình thương yêu trìu mến.  Những lời ngôn sứ Isaia được tuyên bố vào lúc người Do Thái còn đang bị lưu đày ở Babylone.  Niềm hy vọng được giải phóng đã thôi thúc họ.  Phải đặt mình vào bối cảnh cụ thể của thời lưu đày mới thấy được niềm vui của họ lớn lao như thế nào.  Thiên Chúa sẽ giải phóng dân Người.  Không chỉ là niềm vui của người lưu đày được trở về cố hương, mà đó còn là niềm vui của thời Thiên Sai: mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được, người què sẽ nhảy nhót, người câm sẽ reo hò.  Từng câu chữ trong lời ngôn sứ đều diễn tả niềm vui tròn đầy.

Phụng vụ Chúa nhật thứ ba của Mùa Vọng mượn lời ngôn sứ Isaia để kêu mời chúng ta hãy vui mừng, vì Đấng Thiên Sai đã đến trong lịch sử và Người đang hiện diện giữa chúng ta.  Ngày 25-3-2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký và cho công bố Tông huấn gửi người trẻ với tựa đề “Chúa Kitô đang sống – Christus vivit.”  Ngài mở đầu Tông huấn như sau: “Chúa Kitô đang sống!  Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này.  Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống” (số 1).  Sự hiện diện của Đức Giêsu đem lại cho chúng ta niềm vui.  Người không giống như các vĩ nhân khác của lịch sử, bởi họ là những nhân vật đã đi vào dĩ vãng, dù giáo huấn và tư tưởng của họ có giá trị cho mọi thời đại.  Đức Kitô không phải là một nhân vật của quá khứ, nhưng Người đang sống giữa chúng ta.  Mùa Vọng và lễ Giáng Sinh nhắc cho chúng ta chân lý quan trọng này.

Giáo Hội Kitô khẳng định Đức Kitô đang sống.  Tuy vậy, dường như những dấu hiệu của thời Thiên Sai vẫn chưa đến.  Nhân loại hôm nay bị xâu xé bởi bạo lực và xung đột.  Cuộc sống còn đầy những gian dối mưu mô hòng hủy diệt và loại trừ lẫn nhau.  Đâu là cuộc sống hài hòa phong phú đến mức “chảy sữa và mật” như Giáo Hội vẫn loan báo?  Không ít người hoang mang và lạc hướng khi chứng kiến sự dữ tồn tại trên thế gian này.  Lời Chúa hôm nay khích lệ chúng ta: hãy kiên nhẫn.  Thánh Phaolô dùng hình ảnh của một người nông phu để diễn tả sự kiên nhẫn này.  Người nông phu gieo hạt, kiên nhẫn chờ đợi.  Ông kiên nhẫn vì ông biết chắc hạt giống sẽ nảy mầm.  Ông cũng tin rằng không thể “đốt cháy giai đoạn” được, nhưng phải dần dần từng bước.  Qua hình ảnh này, vị Tông đồ dân ngoại mời gọi các tín hữu: “đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử.  Kìa vị Thẩm phán đang đứng ngoài cửa.”  Nếu thời điểm phán xét chung trong ngày tận thế còn xa vời, thì giờ phút phán xét riêng mỗi người lại rất gần kề.  Quả thật, cái chết không chờ đợi người ta đến tuổi già, mà nó đến bất thình lình.  Xung quanh chúng ta, có những người còn ít tuổi, mà đã kết thúc cuộc đời một cách rất đột ngột.  Bất kể xã hội lạc hậu hay văn minh, cuộc sống vẫn mong manh và vô thường.

“Hãy kiên nhẫn và giữ mình để khỏi vấp phạm.” Đó là thông điệp Chúa Giêsu muốn gửi cho ông Gioan Tẩy giả và gửi đến chúng ta hôm nay.  Đọc bài Phúc âm hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng: Gioan Tẩy giả là người mạnh mẽ và xác tín đến thế, mà cũng có lúc bị dao động.  Nếu Đức Giêsu đích thực là Đấng Thiên sai, sao ông phải giam tù đau khổ như thế?  Ông can đảm phê phán lối sống vô đạo đức của vua Hêrôđê, sao bây giờ phải cô đơn và dường như bị quên lãng trong ngục tối?  Đức Giêsu nhắn gửi Gioan Tẩy giả: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”  Không phải vì tâm trạng dao động mà Gioan Tẩy giả trở nên tầm thường.  Chúa Giêsu đã công khai khen ngợi ông, và gọi ông là người cao trọng nhất trong số những phàm nhân đã lọt lòng mẹ.  Ông cao cả vì ông là người khiêm tốn dọn đường cho Chúa đến.  Ông cũng cao cả vì ông chấp nhận những khó khăn về mình, miễn là Đấng Thiên Sai được biết và được yêu mến.

Lời kêu gọi vui mừng của Mùa Vọng không phải là một ảo tưởng.  Đó cũng không phải là lời ru ngủ chúng ta để quên đi những bất công khó nhọc của cuộc sống.  Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta, như lời khẳng định của Người: “Này đây, Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).  Đó là câu nói cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ.  Đó cũng là cốt lõi Đức tin Kitô giáo, tồn tại vững bền từ hai mươi thế kỷ.

Hãy vui mừng vì có Chúa hiện diện giữa chúng ta.  Hãy kiên nhẫn dẫu cuộc đời còn nhiều thử thách gian nan.  Giữa những chông gai thử thách này, ai trung thành, sẽ được Chúa ban thưởng.  “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”  Đó cũng là lời Chúa Giêsu đang nhắn gửi chúng ta hôm nay.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …