Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXX Thường niên- Khánh Nhật Truyền Giáo, năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXX Thường niên- Khánh Nhật Truyền Giáo, năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 30C TN

Khánh Nhật Truyền Giáo

Tân Phúc Âm Hóa (New Evangelization) là gì?khanhnhattruyengiao

Thuật ngữ này được Đức Gioan Phaolô II sử dụng lần đầu tiên trong chuyến công du tại Balan mà không có sự nhấn mạnh ý tưởng chuyên biệt nào về vai trò của nó trong tương lai; nhưng sau đó nó đã được sử dụng lại và mặc lấy một sinh khí mới trong Huấn Quyền của ngài cho các Giáo Hội tại Châu Mỹ Latinh. Ngài dùng thuật ngữ này để đánh thức và khơi dậy lại những cố gắng canh tân trong công cuộc mới về truyền giáo và rao giảng Tin Mừng tại châu lục này:  “việc kỷ niệm một thiên niên kỷ rao giảng Tin Mừng tại đây hôm nay sẽ có đầy đủ ý nghĩa nếu anh em giám mục, cùng với các linh mục và giáo dân, chọn nó làm lời cam kết của mình; không phải một lời cam kết về một cuộc tái Phúc Âm Hóa,

mà là một cuộc Phúc Âm Hóa mới: mới về nhiệt huyết, phương pháp và cách biểu hiện”

Cho nên “Tân Phúc Âm Hóa” không phải là làm lại một cái gì đã làm không đầy đủ hay không đạt được mục đích, như thể hoạt động mới này là một sự phê phán mặc nhiên về thất bại của cuộc Phúc Âm Hóa thứ nhất.

Tân Phúc Âm Hóa cũng không phải là lại tiếp tục cuộc Phúc Âm Hóa thứ nhất, hay đơn giản là lập lại quá khứ. Trái lại, đây là một sự dũng cảm mở ra những con đường mới để đáp lại những hoàn cảnh và điều kiện thay đổi mà Hội Thánh đang đối diện trong việc thực thi ơn gọi loan báo và sống Tin Mừng hôm nay. Từ nay, thuật ngữ này được dùng để chỉ về những nỗ lực canh tân của Hội Thánh để đáp ứng những thách thức mà xã hội và các nền văn hóa hôm nay, qua các thay đổi quan trọng của chúng, đang đặt ra cho đức tin Kitô giáo, cho việc loan báo và làm chứng cho đức tin ấy. (Lineamenta 5).

Một cuộc thăm dò những người công giáo Pháp cho thấy một sự kiện báo động:

  • 95% muốn có nhà thờ, nhưng phần lớn lại chẳng hề bước chân tới.
  • 88% đòi cho con họ chịu phép rửa,

nhưng hơn một nửa không biết Đức Giêsu.

  • 2/3 không tin Đức Giêsu đã phục sinh.

Những sự kiện này cho thấy cách sống sượng một tình trạng có thật. Vị Giám Mục Pháp còn cho  biết những dữ kiện trên, đã tiếp tục phân tích: “một ngày nào đó ta sẽ quyết định rút ra những hệ quả hợp lý từ những nghiên cứu này; nếu không thì ta sẽ lại tiếp tục ban bí tích cho những kẻ không có đức tin, và tiếp tục cử hành thánh lễ hôn phối hay an táng cho những người đến tham dự mà trong lòng bực bội hay chế diễu. Điều thánh thiện phải dành cho những người thánh (Sancta Sanctis). Các sự việc của Thiên Chúa phải dành cho những ai có đức tin. Bí tích phải dành cho kẻ nào tin và thực sự lên đường. Nhưng  nhìn vào thực tế ngày hôm nay, nơi nhiều người công giáo chúng ta, đức tin đã bị sói mòn tận căn.

Chúng ta đã quá chú trọng việc “cử hành bí tích”, mà không chú trọng đủ vấn đề “sống và loan truyền Tin Mừng”. Sự thiếu sót này bùng nổ ở tầm mức lục địa, khắp nơi ai cũng thấy người Kitô hữu không sống phù hợp với đức tin của họ.

Trước tình trạng khẩn cấp này, những tranh cãi nội bộ của chúng ta, dù thiên hữu hay thiên tả, không mang lại một cái gì sáng sủa hơn. Chúng ta cần phải tìm lại những đặc tính của người Kitô hữu. Sứ mạng của chúng ta không phải là phê phán cá nhân ai, mà là can trường bảo toàn lý tưởng Kitô giáo. Chúng ta phải trình bày Tin Mừng đúng với bản chất của Tin Mừng, là cho thế gian biết Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, cùng những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi những kẻ tự nhận mang danh Ngài trước mặt thiên hạ. Chúng ta phải mời gọi các Kitô hữu ngày nay càng ý thức sống động hơn về đức tin của họ, gắn bó với Thiên Chúa ngày càng khắn khít hơn. Phải giúp một số Kitô hữu chuyển từ thứ Kitô giáo ít nhiều mang tính xã hội sang thứ Kitô giáo trọn nghĩa. Thứ Kitô giáo được cha mẹ truyền lại chủ yếu do sinh sản và giáo dục cũng phải trở thành thứ Kitô giáo chính mình lựa chọn, dựa trên quyết định của bản thân và việc nhận thức rõ ràng lý do chọn lựa như thế. Tertulianô đã nói là không phải mình sinh ra là Kitô hữu, nhưng mình phải trở thành Kitô hữu (Fiunt, non nascuntur christiani) [1]

Sứ Vụ truyền giáo bắt nguồn từ sinh hoạt của Ba Ngôi Thiên Chúa. ”Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” do chính tình thương bao la của Thiên Chúa: “ý định này tuôn trào từ “suối tình yêu” cũng là lòng thương của Thiên Chúa Cha, vì chính Ngài là Nguyên lý vô Nguyên lý, bởi Ngài Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Ngài và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần. Vì quá nhân từ thương xót, Người đã tự ý dựng nên chúng ta, và lại nhưng không mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống và vinh hiển với Ngài; Ngài còn rộng rãi đổ tràn lòng nhân từ xuống cho chúng ta và còn đổ mãi không ngừng đến nỗi Ngài là Đấng tác tạo muôn loài lại trở nên “mọi sự cho mọi người” [1Cr15,28], để đồng thời làm vinh danh Ngài và tạo nên hạnh phúc cho chúng ta.

Thực vậy, Thiên Chúa muốn mời gọi mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không những chỉ từng cá nhân không liên lạc gì với nhau, mà Ngài còn liên kết họ thành một dân duy nhất, trong đó đoàn tụ mọi con cái đã tản mác khắp nơi” [AG 2]. Do đó, sứ vụ truyền giáo không chỉ phát xuất do lệnh truyền chính thức của Chúa Cứu Thế, mà còn do đòi hỏi sâu xa của đời sống Thiên Chúa nơi chúng ta. Những ai gia nhập Giáo Hội Công Giáo phải tự coi mình như những người được đặc ân, và do đó, họ càng phải dấn thân làm chứng, bằng niềm tin và đời sống Kitô hữu, chứng tá này là sự phục vụ anh chị em mình và là lời đáp trả cho Thiên Chúa; đồng thời họ cũng phải nhớ rằng: “địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng của mình, nhưng do đặc ân của Đức Kitô; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm nhặt hơn [RM 11].

Chúng ta đã thực hiện sứ vụ truyền giáo như thế nào?

Từ khi hạt giống Tin mừng được các vị Thừa Sai gieo vãi trên quê hương Việt Nam. Bắt đầu từ 1525 – 1633, thì số người tin theo Chúa được 5%. Rồi từ 1633 -1888, kết thúc thời Văn Thân bắt đạo, thì số người theo đạo tăng được 7% dân số. Đến 1960 thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, số tín hữu Việt Nam cũng chỉ 7%. Như vậy từ 1888 – 1960, số người tin vào Chúa dậm chân tại chỗ không có gia tăng. Rồi đến 2010, nhân dịp kỷ 50 thành lập hàng Giáo phẩm và hơn 400 năm Giáo hội Việt nam lãnh nhận đức tin, làm một bản thống kê, số tín hữu tin vào Chúa được 8%. Như vậy từ 1960 – 2010 con số phát triển được 1%, nhưng liệu 1% này, có phải là kết quả của một công trình loan báo Tin mừng của người tín hữu Việt Nam không?

Trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ rằng không chắc lắm. Bởi vì  trong số 1% này, có thể phát triển theo sinh sản tự nhiên, và số người vì hôn nhân mà theo đạo thôi. Thế thì, có bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi: tôi có trách nhiệm trong vấn đề này bao nhiêu phần trăm? Tôi có thao thức gì trong việc rao truyền Lời Chúa?[2]

Một thống kê khá chính xác ở Trung Quốc cho thấy một sự khác biệt quá lớn giữa sự dấn thân truyền giáo của anh em Tin Lành và người Công Giáo: năm 1815, cách đây gần 200 năm, số người công giáo ở Trung Quốc là 215.000 người, số người Tin lành chỉ có 20 người. Hơn 10.000 người Công giáo mới có 1 người Tin Lành. Nhưng thống kê năm 2006 cho biết ở Trung Quốc có 12 triệu người Công Giáo, và có tới 36 triệu người Tin Lành, có nghĩa là 3 người Tin Lành mới có 1 người Công Giáo. [3]

“Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là sự biểu lộ kế hoạch của Thiên Chúa, sự bày tỏ và thực hiện kế hoạch đó trong thế giới và trong lịch sử, chính trong lịch sử này rõ ràng Thiên Chúa đưa dẫn lịch sử cứu độ đến cùng đích nhờ việc truyền giáo”. Để đạt được những thành quả ấy, Giáo Hội đi theo những con đường nào ?

Sứ vụ truyền giáo là một thực tại toàn bộ, nhưng lại phức tạp, có thể hoàn thành bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có một số đường lối có tầm quan trọng đặc biệt trong hoàn cảnh Giáo Hội và thế giới hiện nay [RM 41]:

  1. Công bố Tin Mừng [EN 42.60; RM 44.45]
  2. Huấn Giáo [EN 44]
  3. Thành lập Giáo Hội địa phương [AG 13. 14.15.19.21; LG14; RM 46.47]
  4. Trồng Giáo Hội [AG 6; RM 48; LG 17]
  5. Hội Nhập Văn Hóa [AG 22;EN 70;RM 52.53. 54;EA 21,22]
  6. Làm chứng nhân [AG 11;EN 21.39.41.76; RM 39.42.43; EA 23]
  7. Đối thoại với mọi người [EA 29]
  8. Đối thoại với người nghèo [EA 7; RM 58.59.60]
  9. Đối thoại Đại Kết [EN 77;AG 15;EA 24.25.30]
  10. Đối thoại Liên Tôn [EA 31; RM 55.56.57]
  11. Thăng tiến con người [AG12; EN32.36.38; RM 58 –60; EA 32-41]
  12. Truyền thông xã hội [EN 45; RM 37; EA 48]
  13. Lòng đạo đức bình dân [EN 48]
  14. Cộng đồng cơ bản [EN 58; RM 51]
  15. Tiếp cận cá nhân [EN 46]
  16. Phụng vụ Lời Chúa [EN 43]
  17. Các Bí Tích và Á Bí Tích [EN 47]

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Hồng Y LJ Suenens, Thánh Thần, hơi thở sống động của Giáo Hội, p.147-149

[2] Lm Gioan M. Thiên Khải, CMC

[3] TGM Phaolô Bùi văn Đọc

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …