Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 25 Thường niên, năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 25 Thường niên, năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 25C TN

Một Tâm Hồn Thanh Thoát Đối Với Tiền Của

(Lc 16,1-13)

lc16113bHãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi hết tiền hết bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Quả thật, tiền của rất cần thiết cho đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên, như người ta thường nói: có thực mới vực được đạo. Tuy nhiên, tiền của dù có cần thiết tới đâu thì cũng chỉ là phương tiện để chúng ta đạt tới mục đích đời người. Nếu xác định được như thế thì tiền của không trở thành cùng đích của đời người. Tuy nhiên, trong cuộc sống thực tế, tiền của lại chi phối chúng ta rất nhiều, và nhiều khi, đối với một số người, nó đã trở thành mục đích tối hậu, làm chúng ta lo âu khắc khoải.

Có câu chuyện kể rằng: thời buổi làm ăn khó khăn, sức khỏe lại có hạn, ông lão luyện kim chuyển sang kinh doanh dây xích chó, mục đích chỉ là kiếm đủ tiền để sống qua ngày.

Một hôm, một thương nhân buôn bán đồ cổ đi ngang qua, bất chợt nhìn thấy cái ấm trà bên cạnh ông lão. Thấy cái ấm trà có vẻ đẹp cổ xưa, mang phong cách của một nghệ nhân gốm sứ thời nhà Thanh, ông ta liền vào xin coi cho biết. Quả nhiên, trên miệng ấm có con dấu của nghệ nhân nổi tiếng. Hết sức vui mừng, người thương nhân hỏi mua chiếc ấm với giá cao đặc biệt nhưng nào ngờ, ông lão từ chối. Đây là chiếc ấm trà do tổ tiên ông để lại, con cháu ba đời nay đều uống nước trong ấm trà này. Người thương gia thế là đành thất vọng ra về. Nhưng cũng từ sau hôm ấy, ông lão đêm nào cũng mất ngủ. Chiếc ấm trà quen thuộc suốt 60 năm nay lại thành mối lo lắng trong lòng ông. Đi đâu, làm gì, ông cũng luôn phải để mắt canh chừng chiếc ấm, thành ra mất ăn mất ngủ. Khó chịu hơn cả là thái độ của mọi người xung quanh. Biết chuyện về cái ấm trà quý của ông, họ ùn ùn kéo đến, người lân la hỏi về những báu vật khác trong nhà ông, người thì hỏi mượn tiền ông, lại có người đang đêm hôm bỗng đến gõ cửa ầm ầm. Rồi người thương nhân kia trở lại, nâng giá mua lên gấp đôi cái giá ban đầu khiến ông càng hoang mang. Cuối cùng, ông gọi hàng xóm láng giềng đến, và trước mặt mọi người, ông cầm rìu đập nát cái ấm trà quý. Cuộc sống của ông trở lại bình thường. Ông tiếp tục làm nghề bán xích chó, và sống rất thọ. [1]

Câu chuyện trên cho thấy, chúng ta phải biết sử dụng tiền của làm sao để biết giữ tâm hồn mình nằm trong các giới hạn (nghĩa là không tham lam, ham hố, không vượt quá tầm tay hoặc ích kỷ) thì tâm hồn con chúng ta sẽ được bình an.

Phải biết giới hạn các ước muốn, các khoái cảm để tâm hồn được thanh thản như một đại sư võ thuật ở ẩn trên núi cao. Rất nhiều người muốn đến bái ông làm sư phụ nên đã không quản ngại núi non hiểm trở tìm đến. Khi mọi người đến nơi thì thấy ông đang gánh nước. Ông gánh không nhiều, cả hai thùng nước đều không đầy. So với sức khỏe của võ sư thì đấy như một trò trẻ con. Mọi người không hiểu liền hỏi: đại sư, xin hỏi đây là đạo lý gì ạ?

Đại sư nói: gánh nước không phải ở chỗ gánh được bao nhiêu, mà là gánh đủ hay không.

Thấy mọi người càng tỏ vẻ không hiểu, đại sư cười và nói: mọi người xem cái thùng này đây. Mọi người nhìn vào, trong thùng có một vạch mức.

Đại sư tiếp lời: cái mức này chỉ lượng nước vừa đủ với nhu cầu của ta. Lúc đầu mỗi khi gánh thì còn cần phải so với mức này, nhưng lâu ngày quen rồi thì không cần nhìn nữa, chỉ dựa vào cảm giác là biết được nhiều hay ít, đủ hay chưa.

Mỗi ngày đều gánh một gánh nước như thế này là cách luyện tập cho cả thân và tâm của ta. Nó là lời nhắc nhở ta mỗi khi làm việc gì hay lấy cái gì từ bên ngoài thì chỉ cần lấy vừa đủ cho nhu cầu của mình.

Thế giới ngày càng trở nên cạn kiệt nguồn sống là vì lòng tham của con người. Ai cũng muốn lấy thật nhiều cho bản thân mà không nghĩ đến sự thiếu hụt của người khác, và cũng không quan tâm đến sự thanh thản trong lòng mình. Hãy như vị võ sư kia, giữ thân và tâm khỏe khoắn bằng triết lý “vừa đủ”.[2]

Tất cả mọi việc ở đời dù là người, sự việc, hay sự vật đều giống nhau, đối đãi không nên quá mức, chỉ cần “đối mặt bình tâm” thì mọi việc mới êm xuôi, tâm hồn luôn thanh thản. Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Thiên Trí Liên tổng hợp, Hạt giống tâm hồn: nghệ thuật sáng tạo cuộc sống p.53-54

[2] Thiên Trí Liên tổng hợp, Hạt giống tâm hồn: nghệ thuật sáng tạo cuộc sống trg.14-15

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …