Home / Chia Sẻ / TRUNG TÍN VÂNG LỜI CHÚA

TRUNG TÍN VÂNG LỜI CHÚA

TrungTinvangloiChuaVâng lời ư? Không phải cuộc sống chúng ta với Chúa Giêsu là một mối quan hệ chứ không phải là một danh sách các quy tắc hay sao?

Mắc cười quá phải không? Chúng ta sẽ không bao giờ bắt đầu mối quan hệ lãng mạn với một người nói rằng chúng ta phải yêu thương họ và tuân theo họ. Thật vậy, nếu người yêu của chúng ta nói: “Bây giờ chúng mình đang hẹn hò, anh mong em sẽ nghe lời anh.” Chắc chắn chúng ta sẽ lập kỷ lục cho mối quan hệ ngắn nhất từ trước tới nay! Vậy làm thế nào để sự vâng phục phù hợp với cuộc sống mới với Chúa Giêsu?

Các mối quan hệ ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta. Trẻ em hành động theo những cách nhất định vì kỳ vọng của cha mẹ. Vợ chồng tính đến nhau khi đưa ra quyết định. Nhân viên luôn ghi nhớ các tiêu chuẩn của sếp khi lựa chọn các ưu tiên của họ.

Điều đáng kinh ngạc (và phức tạp) về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa là không mối quan hệ nào giữa con người có thể miêu tả đầy đủ mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Vì vậy, mặc dù chúng ta chắc chắn muốn phát triển mối quan hệ thân thiết với Ngài, nhưng một phần cách chúng ta biết được điều Ngài quan tâm là qua việc sống như thế nào mà Ngài bảo chúng ta nên sống. Còn phần đáng kinh ngạc? Cách Ngài bảo chúng ta phải sống sẽ giúp chúng ta trải nghiệm cuộc sống đầy mục đích với sự bình an, mãn nguyện và vui vẻ, cũng như sự thân thiết với Ngài.

Chúng ta cố gắng sống theo cách Chúa đã bảo chúng ta phải sống vì nhiều lý do, nhưng động cơ của chúng ta không phải lúc nào cũng trong sáng. Một số người trở thành Kitô hữu và sống ngoan ngoãn vì đó có vẻ là cách hợp lý nhất để đạt được điều họ muốn: “Nếu tôi hành động thế này thì Chúa sẽ ban phúc lành cho tôi.”

Những người khác chỉ đơn giản là sống đời sống đạo đức phù hợp với những gì mà cộng đồng của họ cho là có thể chấp nhận được, và đôi khi những điều đạo đức đó có thể có nhiều điểm chung với cách Chúa Giêsu bảo chúng ta phải sống: “Đó có vẻ là quy tắc tốt vì nó được cộng đồng của tôi chấp nhận.” Nhưng những người khác lại coi việc tuân thủ tuyệt đối các giáo lý Kitô giáo là bổn phận của họ: “Nếu tôi cố gắng đủ, tôi có thể tuân theo tất cả các quy tắc, và sau đó có lẽ Chúa sẽ thích tôi hơn chút nữa.”

Và sau đó, có những người sợ hậu quả của việc không vâng lời và quyết định rằng vâng lời là cách tốt nhất để tránh bị trừng phạt: “Không đời nào! Nếu tôi làm vậy, Chúa sẽ trừng phạt tôi!”

Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (Ga 14:15) Chúng ta dễ quên điểm khởi đầu liên quan của cuộc thảo luận về sự vâng lời. Cuối cùng chúng ta tuân theo một Con Người, không phải là một cuốn sách quy tắc. Một động lực thuần khiết hơn cho sự vâng lời tuôn trào tự nhiên từ sự an toàn của việc được Ngài yêu thương và ước muốn của chúng ta là làm hài lòng Đấng chúng ta yêu mến.

Mỗi động cơ thúc đẩy sự vâng lời này đều liên quan phép ẩn dụ quan hệ cụ thể, và hoàn toàn không xấu. Người vâng lời để nhận được phúc lành, thừa nhận sự tốt lành của Cha trên trời, Đấng ban thưởng cho sự trung tín. Người tuân theo vì nhiệm vụ, thừa nhận một cách đúng đắn rằng Thiên Chúa là Đấng thống trị tối cao của vũ trụ, Đấng ban hành các mệnh lệnh vận hành. Người tuân theo vì sợ bị trừng phạt thừa nhận một cách đúng đắn rằng Thiên Chúa là Vị Thẩm Phán chân chính duy nhất, công lý của Ngài bao gồm cả việc trừng phạt tội lỗi.

Nhưng nếu chúng ta chỉ tập trung vào những phép ẩn dụ nhấn mạnh đến uy quyền, chúng ta quên rằng sự vâng lời của chúng ta là phản ứng đối với “tình yêu không ngừng, không từ bỏ, bứt phá, luôn luôn và mãi mãi” của Thiên Chúa. Vâng lời mà không có tình yêu thì rỗng tuếch – quả trứng chỉ là cái vỏ chứ không là quả trứng.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ JesusOnline.com)

Xem thêm

ST. STEPHEN

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ KÍNH THÁNH TÊPHANÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI, 26/12, CỦA LM MINH ANH

LỰC HẤP DẪN “Họ nhất tề xông vào ông, lôi ông ra ngoài thành mà …