Chúa Giêsu cho biết: “Ai đã ĐƯỢC cho nhiều thì sẽ bị ĐÒI nhiều, và ai ĐƯỢC giao phó nhiều thì sẽ bị ĐÒI HỎI nhiều hơn.” (Lc 12:48) Đó là công bằng, là hệ lụy tất yếu, không có gì quá đáng, cũng không “bị ép” chi cả.
Chúa ban cho thì Ngài có quyền đòi lại, còn chúng ta không có gì để cho đi thì không có quyền đòi hỏi: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” (Lc 3:13) Thật vậy, Thánh Gióp đã xác nhận: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21)
Thiên Chúa là ai? Ngài là Đấng Toàn Năng, ấn định thời gian, (Xh 9:5) cầm quyền sinh tử, (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13; Tb 13:2; x. Tv 30:4) công minh chính trực, (Dcr 9:9b; Hc 5:3; Br 2:6; Br 2:9; Đn 9:14; Tv 7:18; Tv 9:9; Tv 11:7; Tv 25:8; Tv 67:5; Tv 146:7) thấu suốt tâm can, (Gr 10:12) duy nhất, (Đnl 6:4; Nkm 9:6; Xh 20:3; Đnl 5:7; Đnl 32:39; Gđt 8:20; Kn 12:13; Is 43:10; Is 45:6; Is 46:9; Đn 3:28-29; Đn 14:41; Hs 13:4) và dựng nên cả đất trời. (Tv 121:2; Tv 146:6a) Ngài có tất cả, Ngài trao ban mọi sự, và Ngài có quyền đòi hỏi ở mọi người.
Xưa nay trong xã hội loài người vẫn có luật pháp để kiềm chế cái xấu và giúp con người an sinh. Mặc dù “nhân chi sơ tính bổn thiện,” nhưng vì “cái tôi” mà người ta sinh tật, và càng sống lâu càng “lây nhiễm” thói hư lẫn nhau, thế nên phải có luật để chấn chỉnh “bản chất vốn dĩ xấu xa” (x. Lc 11:13) nơi nhân thế.
Biết rõ chúng ta là phàm nhân yếu đuối nên Chúa Giêsu động viên: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.” (Lc 12:32) Lời động viên “đừng sợ” cũng có nghĩa là “hãy vững tin.” Vững tin để làm gì? Để có thể sẵn sàng “bán mọi thứ,” và sẵn sàng chờ đợi Chúa Giêsu trở lại bất cứ lúc nào. Như vậy, có hai cái “sẵn sàng” mà chúng ta phải cố gắng làm suốt đời:
- Bán Tài Sản (Lc 12:32-34)
Chính Chúa Giêsu khuyến cáo: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì KHO TÀNG của anh em ở đâu thì LÒNG anh em ở đó.” Người Việt có câu: “Đồng tiền liền khúc ruột.” Thế nên, không dễ gì dứt ra được!
Chữ “tài sản” ở đây có cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thực hiện theo nghĩa đen là việc khó làm rồi, mấy ai có thể áp dụng đúng nghĩa đen như Thánh “nghèo” Phanxicô Assisi, vị sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM). Thực hiện theo nghĩa bóng lại càng khó hơn, vì có lẽ ai trong chúng ta cũng “giàu” lắm. Giàu gì? Giàu tội lỗi, tự ái, ích kỷ, tự kiêu, giả hình, chỉ trích, tham-sân-si, hống hách, áp bức, bất công, dã tâm, mưu ác, mê vật chất,… Sẵn sàng và dám bán các loại tài sản này hẳn là không hề dễ chút nào, vì với nghĩa này thì chúng ta là những “đại gia” chứ chẳng nghèo chút nào đâu!
- Chờ Chủ Về (Lc 12:35-48)
Đặc biệt là Chúa Giêsu bảo chúng ta phải tỉnh thức, để chủ trở về bất cứ lúc nào cũng mở cửa đón chủ vào nhà. Ai tỉnh thức là người có phúc. Chúa Giêsu nói cụ thể và rõ ràng hơn: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến.” Không biết giờ mà sẵn sàng thì mới đáng giá, biết giờ mà sẵn sàng thì không đáng giá, và đó mới là “công trạng” thực sự.
Thời gian là của Chúa, nhưng Ngài cho chúng ta quyền quản lý thời giờ – đặc biệt là thời giờ của đời mình. Ai cũng là quản gia trong khi chờ Chúa đến. Ai trung tín và khôn ngoan quản lý “tài sản” của đời mình, Thiên Chúa sẽ thưởng công xứng đáng. Còn ai khinh suất, ỷ lại, cậy quyền ỷ thế, nhìn đời bằng nửa con mắt, ăn chơi xả láng, bất chấp mọi thứ, chắc chắn sẽ bị Thiên Chúa loại ra và phải chịu chung số phận với những kẻ thất tín.
Chúa Giêsu xác định: “Đầy tớ nào đã BIẾT ý chủ mà KHÔNG chuẩn bị sẵn sàng, hoặc KHÔNG làm theo ý chủ, thì sẽ BỊ ĐÒN NHIỀU. Còn kẻ KHÔNG BIẾT ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt thì sẽ BỊ ĐÒN ÍT. Hễ ai đã ĐƯỢC CHO NHIỀU thì sẽ BỊ ĐÒI NHIỀU, và ai ĐƯỢC GIAO PHÓ NHIỀU thì sẽ BỊ ĐÒI HỎI NHIỀU HƠN.”
Thực sự mà nói thì “được nhiều” cũng chẳng sướng gì, bởi vì càng lo sợ nhiều. Thảo nào người ta nói: “Ngu si hưởng thái bình.” Nói chung, ai cũng có tài – người có tài này, kẻ có tài kia. Nhưng người có ít tài thì “khỏe” hơn, đỡ lo hơn. Vì thế, khi thấy người khác có khả năng làm được những gì mà mình không (hoặc chưa) làm được, đừng vội lườm nguýt, ghen tức, kèn cựa hoặc trù dập họ.
Người ta dại dột vì có lòng ghen ghét người khác. Được ít mà sướng, nhưng lại không nhận ra mối lợi của mình: có ít sẽ bị đòi ít. Hơn nữa, còn có hai mối bất lợi khác: [1] tự kiêu và tự hạ giá mình, và [2] vi phạm luật thương xót. Tất nhiên, các động thái đó cũng có nghĩa là không sẵn sàng thực thi công bình như Thầy Chí Thánh Giêsu truyền dạy, không làm theo Ý Chúa tức là không tỉnh thức chờ đón Đức Giêsu Kitô. Họa vô đơn chí!
Là con người, ai cũng phải biết hướng thiện và hướng thượng. Đó là ước muốn và sẵn sàng làm điều tốt. Vì thế mà luôn phải tỉnh thức. Giống như việc nhiễm trùng, khó mà biết “nguồn ô uế” từ đâu, thế nên luôn phải cảnh giác. Người Anh có Luật Công Bình (Equity Law, cũng gọi là Luật Công Lý) từ thế kỷ XVI. Đó là một bộ phận trong hệ thống pháp luật Anh quốc, nét đặc trưng là các nguyên lý được xây dựng và áp dụng dựa trên Lẽ Phải – chủ yếu là công lý. Ngược lại, “luật lệ không công bằng, tự nó đã là một dạng bạo lực.” (Mahatma Gandhi, 1869-1948)
Thiên Chúa cũng có Luật Công Bình, vì Ngài là Đấng công bình. (Nkm 9:33; Tv 51:6; Gr 9:23) Ngài luôn đối xử công bình và cũng mong muốn chúng ta sống công bình. (x. Is 5:7; Gr 7:5) Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt (1884-1962) xác định: “It is not fair to ask of others what you are not willing to do yourself – Không công bằng nếu yêu cầu người khác làm điều chính mình không sẵn sàng làm.”
Sống công bình là cách sống tâm linh lành mạnh, là biết sẵn sàng chờ đón Thiên Chúa đến bất cứ lúc nào. Kinh Thánh cho biết: “Khi chúng [quân vô đạo] quyết định sát hại các trẻ sơ sinh của dân thánh, nhưng một trẻ nhỏ bị bỏ rơi đã được cứu thoát. Để trừng phạt chúng, Ngài đã lấy đi vô vàn vô số trẻ thơ của chúng và tiêu diệt bọn chúng hết thảy trong nước lũ hung tàn.” (Kn 18:5)
Kẻ ác bất chấp, không chút thương xót với bất cứ ai, kể cả những trẻ em vô tội. Thiên Chúa công bình quyết đòi lại công lý cho họ. Đó là “đêm thảm sầu và đêm giải thoát,” dân chúng mong được cứu thoát: “Đêm ấy đã được báo trước cho cha ông chúng con, để khi biết chắc lời hứa mình tin là lời hứa nào các ngài thêm can đảm. Dân Chúa đã trông đợi đêm ấy như đêm cứu thoát người chính trực và tiêu diệt kẻ địch thù.” (Kn 18:6-7) Và rồi điều gì phải đến cũng đến: “Quả vậy, Chúa dùng hình phạt giáng xuống đối phương để làm cho chúng con được rạng rỡ và kêu gọi chúng con đến với Ngài. Con lành cháu thánh của những người lương thiện âm thầm dâng lễ tế trong nhà. Họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa, là trong dân thánh, có PHÚC cùng HƯỞNG, có HỌA cùng CHIA. Và ngay từ bấy giờ, họ đã xướng lên những bài ca do cha ông truyền lại.” (Kn 18:8-9)
Cục đường hay cục muối cũng chia sẻ với nhau, đó là cách sống thể hiện đức công bình và lòng thương xót. Chắc chắn bất cứ ai sống ngay thẳng sẽ được Thiên Chúa chúc lành và bù đắp, bởi vì Ngài là Đấng “giàu lòng thương xót.” (Ep 2:4) Thật vậy, Kinh Thánh xác định: “Ai kính sợ Đức Chúa sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp, ngày lâm chung họ sẽ được hưởng phúc lành.” (Hc 1:13)
Thánh Phanxicô Salê phân tích: “Chúng ta vì yêu Thiên Chúa mà kính sợ Ngài, chứ không vì sợ hãi mà miễn cưỡng yêu mến Ngài.” Thánh Vịnh gia mời gọi: “Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen!” (Tv 33:1) Thật diễm phúc nếu có Chúa, yêu mến Chúa, giữ luật Chúa và thuộc về Chúa: “Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp.” (Tv 33:12)
Để minh chứng cụ thể, Thánh Vịnh gia cho biết: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn. Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh.” (Tv 33:18-21) Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chân thành không ngừng van nài lòng thương xót của Ngài: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.” (Tv 33:22)
Vì tin tưởng mà yêu mến và trông cậy, đồng thời sẵn sàng thực thi công bình bác ái theo lệnh truyền của Thiên Chúa – Đấng duy nhất mà chúng ta tín thác. Chính hành động minh chứng niềm tín thác đó. Đức tin rất quan trọng, Thánh Phaolô giải thích: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám.” (Dt 11:1-2) Thánh Giacôbê minh định: “Đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2:17 và 26)
Lời nói phải đi đôi với việc làm. Cụ thể và thực tế. Thánh Augustinô nói: “Bạn nói bạn tin, bạn nên đi làm theo cái bạn tin, đó mới là đức tin.” Còn Thánh Gioan Vianney lý giải: “Đức tin chính là lúc con người trò chuyện với Thiên Chúa, giống như người nói chuyện với người vậy.”
Thánh Phaolô dẫn chứng cụ thể về một người “nổi tiếng” về đức tin: “Nhờ đức tin, ông Ápraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông Isaac và ông Giacóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. Nhờ đức tin, cả bà Sara vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được.” (Dt 11:8-12)
Ông Ápraham “ra đi mà không biết đi đâu” nhưng ông vẫn đi. Không hề mù quáng mà ông thực sự tín thác vào Thiên Chúa. Đức tin của ông kỳ diệu và mạnh mẽ nên rất có giá trị. Thánh Phaolô cho biết thêm: “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã THẤY và ĐÓN CHÀO các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, họ vẫn có cơ hội trở về. Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài.” (Dt 11:13-16)
Đức tin của Tổ phụ thực sự to lớn, sâu rộng, và tuyệt đối: “Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Ápraham đã hiến tế Isaac; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: Chính do Isaac mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Quả thật, ông Ápraham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng.” (Dt 11:17-19) Thiên Chúa không thử thách ông, vì Ngài biết rõ ông vững lòng tín thác, nhưng Ngài làm vậy để ông có cơ hội chứng tỏ đức tin và được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng. Tất nhiên đó cũng là bài học đắt giá cho chúng ta ngày nay.
Một con người “kỳ lạ” đến nỗi có vẻ như “kỳ quặc” là ông Gióp. Ông gọi bà vợ là “mụ điên” và đặt vấn đề với bà: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” (G 2:10) Trong đau khổ tột cùng, ông Gióp vẫn không hề than thân trách phận, không thốt những lời xấu xa, và một niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức tin của ông cũng thật cao cả và vĩ đại. Cả ông Ápraham và ông Gióp luôn sẵn sàng và quyết sống trọn đức công bình. Còn chúng ta?
Thánh Teresa Avila cho biết: “Cái gọi là đầy tớ trung thành của Thiên Chúa cốt ở việc yêu người như yêu mình, có ý chí cương quyết không lay động, liên tục sống theo Thánh Ý Chúa, giữ tâm hồn khiêm tốn, mộc mạc và trông cậy vào Thiên Chúa.” Thánh Bernard đặt vấn đề: “Phải biết lòng yêu mến Thiên Chúa đến cực điểm hay chưa. Nên xét mình cẩn thận, ngoài Thiên Chúa, tôi có yêu thích sự vật gì hay không? Nếu có một sự vật không vì Thiên Chúa mà yêu thích, thì chưa thể nói là yêu mến Thiên Chúa đến cực điểm.”
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con biết việc phải làm, xin nâng đỡ chúng con trong mọi việc – từ khởi sự cho đến hoàn thành. Xin ban thêm can đảm để chúng con sẵn sàng thi hành huấn lệnh của Ngài và bán chính cuộc đời mình. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU