Home / Chia Sẻ / BÀI HỌC VỀ CẦU NGUYỆN

BÀI HỌC VỀ CẦU NGUYỆN

BÀI HỌC VỀ CẦU NGUYỆNCác Phúc Âm thường đặt trước chúng ta những lời thỉnh cầu đẹp đẽ, mạnh mẽ, đôi khi không màu mè, mà Chúa đưa ra. Cha của đứa bé bị quỷ ám đã nói: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (Mc 9:24) Các môn đệ cũng thưa: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Lc 17:5)

Trong trình thuật Lc 11:1-13, các môn đệ đưa ra lời cầu xin với sự thẳng thắn và giống như trẻ thơ: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.”

Lời đó thể hiện điều mà trái tim con người mong ước, nhưng lại là điều mà ít người nhận ra. Các môn đệ đã quan sát Chúa Giêsu cầu nguyện và muốn chia sẻ về điều đó. Thật vậy, tất cả chúng ta đều muốn sự kết hiệp với Thiên Chúa là cuộc trò chuyện thực sự. Chúng ta muốn biết làm thế nào để nói chuyện với Ngài một cách chân thật và chính xác như những người bạn.

“Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện.” Tất nhiên, lời cầu đẹp đẽ này tự nó là một lời cầu nguyện. Ngay khi chúng ta nói lời đó là chúng ta cầu nguyện. Nếu bạn dành hàng giờ chỉ để xin khả năng cầu nguyện thì đó là lời cầu nguyện tốt lành.

“Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện.” Để đáp lại lời cầu này, Chúa Giêsu làm ba điều. Thứ nhất, Ngài ban cho họ lời cầu nguyện là Kinh Lạy Cha. Đó không phải là phiên bản mà chúng ta quen dùng, lấy từ Phúc Âm theo Thánh Mátthêu. Nhưng sự khác biệt của từ ngữ không quan trọng bằng nguyên tắc của việc Ngài đưa ra từ ngữ để sử dụng. Nghĩa là Ngài muốn chúng ta bắt đầu thưa chuyện với Chúa một cách tự nhiên. Ngài biết sự yếu đuối của chúng ta, và biết chúng ta không biết phải nói điều gì trước.

Chúng ta không biết cách cầu nguyện như chúng ta phải làm. Chúng ta cần được ban những lời thích hợp khi chúng ta đến trước mặt Thiên Chúa toàn năng. Điều đó không làm chúng ta ngạc nhiên. “Tôi nên nói gì đây?” là câu hỏi chúng ta đặt ra bất cứ khi nào chúng ta phải nói chuyện với một người quan trọng nào đó. Vì vậy, Chúa Giêsu và Giáo hội của Ngài cung cấp những từ ngữ để chúng ta sử dụng khi cầu nguyện: Thánh Vịnh, các câu từ Kinh Thánh, Phụng Vụ, Kinh Mân Côi,… Các hình thức cầu nguyện này có cấu trúc, cung cấp cho chúng ta những lời mà chúng ta không thể tự mình biết được.

Đây là câu giá trị của Thánh Bênêđictô: “Mens nostra concordet voci nostrae.” – Xin cho tâm trí của chúng con phù hợp với tiếng nói của chúng con. Trong các tình huống khác, chúng ta tìm kiếm điều trái ngược, rằng lời nói của chúng ta phù hợp với những gì chúng ta đang nghĩ. Chúng ta không muốn nói dối. Nhưng khi nói đến lời cầu nguyện, chúng ta muốn Thiên Chúa ban cho chúng ta những lời thích hợp để nói trước, sau đó chúng ta điều chỉnh tâm trí và lòng mình theo những lời đó.

Vì vậy, tất cả những lời cầu nguyện theo truyền thống của chúng ta – Thánh Vịnh và đặc biệt nhất là Phụng Vụ – đã định hình tâm trí và trái tim của người Công giáo suốt nhiều thế kỷ.

Thứ hai, Chúa Giêsu đưa ra những lý do để tin tưởng khi cầu nguyện – nhưng theo một cách kỳ lạ, đó là một người bạn xấu và những người cha gian ác. Trước tiên Ngài nói về một người không phải là người bạn tốt, thậm chí anh ta không ra khỏi giường để giúp đỡ. Người thiếu thốn được giúp đỡ không phải bằng tình bạn mà bằng sự kiên trì. Đạo lý hiển nhiên của câu chuyện là phải kiên trì cầu nguyện. Nhưng một ý nghĩa khác là nếu trường hợp này xảy ra với một người bạn không hoàn hảo, chúng ta càng nên tin tưởng nơi Chúa, Đấng đã cho phép chúng ta là bạn của Ngài.

Tương tự, những lời của Chúa Giêsu về tình phụ tử cho thấy lòng nhân từ của Cha trên trời. Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?” Những lời chua chát của Ngài về sự bất toàn của chúng ta giúp bày tỏ vẻ đẹp của tình phụ tử nơi Thiên Chúa và mang lại lý do lớn nhất về niềm tin. Ngay cả chúng ta, những người không hoàn hảo, cũng biết những gì một người cha nên cung cấp. Thiên Chúa là Cha còn hơn chúng ta gấp bội.

Cuối cùng, Chúa Giêsu bày tỏ mục đích cuối cùng của việc cầu nguyện: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” Nhưng không ai nhắc tới Chúa Thánh Thần. Cuộc trò chuyện nói về cá và trứng. Chúa Giêsu dường như giới thiệu chủ đề này không từ đâu cả.

Vì vậy, Ngài cho biết mục đích thực sự của việc cầu nguyện một cách rõ ràng. Dù tình huống nào thúc giục chúng ta cầu nguyện, mục tiêu là kết hiệp nhiều hơn với Chúa Thánh Thần, để được dẫn sâu hơn vào chính Thiên Chúa. Dù chúng ta có nhu cầu nào, mục đích của Thiên Chúa là tăng cường Thần Khí Ngài trong chúng ta.

Có lẽ đây là lý do chúng ta không cầu nguyện nhiều. Chúng ta muốn Chúa đáp lại lời cầu của chúng ta. Ngài cũng muốn như vậy, với mệnh lệnh XIN, TÌM và GÕ. Nhưng Thiên Chúa có điều gì đó trong tâm trí hơn chúng ta nghĩ. Chúng ta tập trung vào ý định này hoặc ý định nọ. Cha của chúng ta có mong muốn lớn hơn. Có lẽ chúng ta cảm thấy rằng nếu chúng ta cầu xin Ngài những gì chúng ta cần – hoặc những gì chúng ta nghĩ mình cần, chúng ta sẽ bị lôi cuốn vào cái đó nhiều hơn. Chúng ta chưa muốn tất cả những gì Ngài muốn ban cho chúng ta. Chúng ta muốn các nhu cầu nhận thức của mình được đáp ứng, nhưng Chúa Cha hoàn hảo lại muốn ban chính Ngài cho chúng ta.

Giáo lý về cầu nguyện này tạo nên sự hiệp nhất tốt đẹp. Bắt đầu bằng việc chú ý Kinh Lạy Cha và lời cầu của chúng ta: “Xin hãy dạy chúng con cầu nguyện.” Kết thúc với món quà của Chúa Thánh Thần, Đấng hoàn thành giáo huấn của Chúa, Đấng “đến trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta,” và làm cho chúng ta biết cầu nguyện.

PAUL D. SCALIA

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …