Home / Chia Sẻ / QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO VỀ GIÁ TRỊ SỰ SỐNG CON NGƯỜI

QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO VỀ GIÁ TRỊ SỰ SỐNG CON NGƯỜI

QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO VỀ GIÁ TRỊ SỰ SỐNG CON NGƯỜIĐức Kitô đặt vấn đề: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:26) Không khó để xác định câu trả lời. Câu hỏi được đặt ra theo cách tương phản giữa số lượng với chất lượng và chỉ ra rằng không có số lượng tài sản nào mà người ta tích lũy được có thể quan trọng bằng linh hồn của mình.

Chúng ta rất ấn tượng với những thứ chúng ta có thể đếm được. Tiền bạc và vật chất đều có thể đếm được. Trong xã hội vật chất này, chúng thường được coi là “thước đo giá trị” của một con người. Chúa Giêsu Kitô chỉ ra rằng trong thời đại của Ngài, cũng như trong bất kỳ thời đại nào, số lượng dù lớn đến đâu cũng không thể làm lu mờ giá trị phẩm chất của linh hồn. Trung tâm Planned Parenthood (kế hoạch hóa gia đình) ở Virginia, Hoa Kỳ, đã phát hành tờ rơi có ghi câu này: “Đứa con đầu lòng của bạn sẽ tốn kém bao nhiêu: 5 chiếc xe thể thao [hoặc] 100 chuyến đi biển.” Chúa Giêsu Kitô quở trách những người hạ giá sự sống và xếp nó ngang hàng với những thứ có thể đếm được.

Trong lĩnh vực thiên văn học, kích thước khổng lồ của vũ trụ so với hạt tương đối nơi sự sống tồn tại có vẻ như muốn nói rằng sự sống không quan trọng lắm, có lẽ là một tai nạn vũ trụ. James Jeans, một trong những khoa học gia hàng đầu của thế kỷ 20, có nhận xét trong cuốn “The Mysterious Universe” (Vũ Trụ Bí Ẩn) thế này: “Có vẻ khó tin là vũ trụ có thể được thiết kế chủ yếu để tạo ra sự sống giống như của chúng ta; nếu nó như vậy, chắc chắn chúng ta có thể đã mong muốn tìm ra một tỷ lệ tốt hơn giữa độ lớn của cơ chế và số lượng của sản phẩm. Thoạt nhìn, cuộc sống dường như là sản phẩm phụ hoàn toàn không quan trọng; các sinh vật chúng ta bằng cách nào đó không nằm ngoài ranh giới chính.” Khoa học gia Jeans coi mọi thứ đều quan trọng. Ông hiểu rằng sự sống con người, ít ỏi về mặt định lượng, là mục đích cuối cùng của vũ trụ.

Triết gia Pascal đã có tầm nhìn sáng suốt hơn về con người: “Con người chỉ là cây sậy… nhưng con người là cây sậy biết suy nghĩ… ngay cả khi bị vũ trụ nghiền nát, con người vẫn cao quý hơn kẻ giết mình, bởi vì con người biết mình đang chết và biết lợi thế của vũ trụ đối với mình. Vũ trụ không biết điều đó.” Con người có thể tiếp nhận và bày tỏ tình yêu. Vũ trụ không thể.

Sự không cân xứng giữa Thượng Đế và con người lớn hơn sự không cân xứng giữa không gian vũ trụ và không gian được phân cho con người. Tuy nhiên, đó là dấu hiệu về bản chất của thần tính mà Thiên Chúa có thể nắm lấy điều dường như là sự khiêm tốn nhất trong công cuộc sáng tạo của Ngài. Trong tác phẩm tuyệt vời nhất của ngài, cuốn “Introduction to Christianity” (Giới Thiệu về Kitô Giáo), ĐHY Joseph Ratzinger (nay là ĐGH danh dự Biển Đức XVI) đã viết: “Tinh thần vô biên mang trong mình tính toàn thể của sư hiện hữu vượt ra ngoài những thứ ‘vĩ đại nhất,’ vì vậy đối với con người nhỏ bé, và nó vươn tới cái nhỏ nhất, bởi vì đối với nó không có gì là quá nhỏ. Có lẽ việc vượt quá cái lớn nhất và vươn xuống cái nhỏ nhất là bản chất thật của tinh thần tuyệt đối… Các tiêu chí định lượng trở nên không còn thích hợp; các quy mô khác trở nên hữu hình, được tính theo cái nhỏ vô hạn là cái thực sự bao quát và thực sự vĩ đại.”

Con người không đánh giá đúng giá trị của sự sống con người khi họ nhìn nó từ quan điểm của vũ trụ. Từ vị trí thuận lợi đó, sự sống con người dường như không đáng kể. Họ cũng không đánh giá cao giá trị của sự sống khi họ bị phân tâm bởi những thứ có thể sờ được mà họ có thể sở hữu. Tuy nhiên, thần học gia lỗi lạc Hans Urs von Balthasar đã cho biết: “Con người là sinh vật mang trong lòng một bí ẩn lớn hơn chính bản thân mình.” Cởi mở với Thiên Chúa và được ân sủng Ngài chạm vào cho phép người ta nhận ra giá trị vô giá của mình. Ngược lại, như Balthasar nói: “Ở tội nhân, đúng là nơi bí ẩn này đã bị bỏ hoang và lãng quên, phát triển quá mức và biến thành ngôi mộ hoặc đống rác.” (Prayer, tr. 19)

Khi chúng ta quan sát những cuộc biểu tình phản đối phá thai – phá hủy sự sống trong tử cung, chúng ta cảm thấy buồn vì con người được tạo ra theo hình ảnh giống Thiên Chúa lại có thể từ bỏ phẩm giá của mình và chống lại điều làm cho họ hoàn thiện về tâm linh. Quả thật, sự sống đã bị rẻ rúng, và mọi người phản đối dữ dội để coi rẻ sự sống. Đó là một hiện tượng ma quái, độc ác.

Thống kê của Canada đã công bố dữ liệu cho thấy tỷ lệ sinh trung bình của phụ nữ giảm xuống còn 1,4 con đối với một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đó là mức thấp kỷ lục đối với Canada và dưới 2,1 con được coi là tỷ lệ thay thế tự nhiên đối với dân số. Susan McDaniel, giáo sư xã hội học tại ĐH Victoria, nói với CTV News rằng tỷ lệ sinh thấp này thể hiện “xu hướng tốt,” không chỉ cho các bậc cha mẹ và xã hội mà còn cho cả hành tinh. Người hưởng lợi cuối cùng rất nghi ngờ. Hành tinh này tồn tại vì con người chứ không phải cách nào khác. Ngoài ra, hành tinh không quan tâm cách này hay cách khác mặc dù có ít trẻ em hơn. Nhưng để so sánh giá trị của trẻ em với giá trị lạm dụng của hành tinh thì chắc chắn là sai lệch, phi nhân bản.

Quan điểm Công giáo về sự sống con người công nhận tính thiêng liêng mà con người có hơn bất cứ thứ gì là vật chất. Đó là hiểu rằng con người mang trong mình dấu ấn của Thiên Chúa yêu thương và sở hữu linh hồn bất tử. Các tinh tú sẽ lụi tàn, nhưng tâm hồn con người bất diệt. Bi kịch đang diễn ra lúc này là có những người không chỉ phản đối sự sống, mà còn chống lại những người hiểu được giá trị vô song của sự sống con người. Người Công giáo phải tiếp tục là nhân chứng trong một thế giới mà mọi người đã đánh mất giá trị sự sống của chính mình cũng như của con cháu họ.

DONALD DEMARCO

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Đêm 06-07-2022

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …