Home / Chia Sẻ / SỨ GIẢ CỦA NIỀM VUI

SỨ GIẢ CỦA NIỀM VUI

 

Sugiacuaniemvui“Niềm vui” là ý tưởng xuyên suốt các Bài đọc Lời Chúa cũng như Thánh vịnh đáp ca của Phụng vụ Thánh lễ hôm nay.  Trước hết là niềm vui trong thông điệp của ngôn sứ Isaia.  Đây là lời tiên báo cho biết thời kỳ lưu đày của dân Do Thái sắp hết.  Dân sẽ được trở về xứ sở quê hương của mình.  Những tủi nhục của thời lưu đày không còn nữa, thay vào đó là sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân riêng của Ngài.  Sự chăm sóc này được ví như người mẹ hiền chăm sóc và an ủi con thơ, với tâm tình thiết tha trìu mến.  Những hình ảnh vị ngôn sứ sử dụng rất cảm động và thân thiết: Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.”

 

Những gì được diễn tả trong lời ngôn sứ Isaia, cũng đang thực hiện đối với đời sống Kitô hữu chúng ta.  Quả vậy, trên từng bước đường đời, Chúa vẫn chăm sóc an ủi chúng ta.  Chúa vẫn cùng chúng ta đi trên mọi nẻo đường.  Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng ân sủng.  Ngài ban cho chúng ta những điều tốt đẹp, mà nhiều khi chúng ta không nhận ra.  Trong thời gian đại dịch Covid-19 lên tới đỉnh điểm, nhiều bệnh nhân phải có máy trợ thở liên tục.  Nếu rời máy trợ thở, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.  Một bệnh nhân cao tuổi, sau những ngày dùng máy trợ thở và được khỏi bệnh, đã nói: Trong mấy tuần qua, tôi sống nhờ máy trợ thở.  Vậy mà trong suốt 80 năm của cuộc đời, Chúa đã cho tôi một máy trợ thở miễn phí, tức là một không gian tự nhiên đầy sinh khí, vậy mà tôi không nhận ra quà tặng cao quý của Ngài.  Vâng, Chúa luôn chiều chuộng chúng ta, và cung cấp cho chúng ta những nhu cầu cần thiết cho thân xác cũng như linh hồn.

 

“Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.”  Đó là lời Thánh vịnh 65, được hát trong phần Đáp ca của Thánh lễ.  Tác giả Thánh vịnh mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu đang diễn ra hằng ngày xung quanh mình: đó là đại dương mênh mông, là đất liền màu mỡ, là núi cao chập trùng, là sông sâu uốn khúc.  Đó còn là muôn vật cỏ cây, là ngàn ngàn sinh vật.  Người vô tín ngưỡng cho đó là tự nhiên, người tín hữu tin đó là những thụ tạo Chúa dựng nên để phản ánh vinh quang của Ngài.

 

Tôn vinh Chúa là hành vi thuộc đức thờ phượng.  Chúng ta tôn thờ Chúa vì Ngài đáng yêu mến suy tôn. Tôn vinh Chúa cũng là hành vi của lòng hiếu thảo và biết ơn, giống như người con biết ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục mình.  Thiên Chúa là Đấng tạo thành muôn vật muôn loài.  Mỗi chúng ta hiện hữu trên đời, là nhờ cha mẹ và nhờ ơn Chúa.  Vì vậy mà chúng ta phải cảm tạ tri ân Ngài.

 

Cảm nhận niềm vui trong cuộc đời, người tín hữu cũng được mời gọi trở nên sứ giả của niềm vui.  Như Ông Môisen trong Cựu ước chọn bảy mươi vị kỳ lão, Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ, để cộng tác với Người trong công cuộc loan báo Tin Mừng.  Chân dung người loan báo niềm vui được chính Chúa Giêsu phác họa.  Họ không phải là nhà doanh nghiệp, không phải chính trị gia hay chuyên viên kỹ thuật.  Họ đi đến mọi nẻo đường của cuộc sống.  Món quà họ đem đến cho mọi người là sự bình an.  Nội dung sứ điệp họ loan báo rất đơn giản: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”  Đây cũng chính là nội dung sứ điệp từ thời ngôn sứ Isaia: “Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết.”  Điều các môn đệ đem đến cho mọi người, trước hết là niềm vui nội tâm do đức tin đem lại.  Nhờ niềm vui thiêng liêng đó, mọi người nghe sẽ được thuyết phục và đón nhận Lời Chúa.

 

Ngày hôm nay, Chúa cũng vẫn gọi và sai chúng ta đi đến mọi nẻo đường của cuộc sống.  Thừa sai là bản chất của Giáo Hội.  Mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi sống ơn gọi thừa sai phù hợp với hoàn cảnh sống và điều kiện cụ thể của mình.  Đây là điều ít được chúng ta chú ý.  Một bệnh nhân ốm đau liệt lào; một người già yếu không mấy khi ra khỏi nhà; một người sống trong môi trường công nhân thợ thuyền… tất cả đều là những tông đồ đang được Chúa sai đi để loan báo Tin vui.  Nội dung của lời loan báo rất đơn giản, đó là Chúa yêu con người và Ngài khuyên họ hãy sống ngay lành thánh thiện.  Người được sai đi có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, kể cả trong trường hợp bị khước từ và xua đuổi.  Giống như người gieo hạt cần mẫn miệt mài làm tròn bổn phận mình, còn Chúa sẽ làm cho hạt ấy nảy mầm và lớn lên.

 

Người nhiệt thành loan báo niềm vui, sẽ được nhận lại niềm vui, là phần thưởng Chúa ban.  Thánh Luca kể lại: nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở khoe với Chúa về những thành quả lao công mà các ông đã đạt được.  Nhân danh Chúa Giêsu, các ông làm được những việc chính Chúa đã làm, như trừ quỷ, chữa bệnh.  Các ông có lý để vui mừng và để khoe với Chúa.  Tuy vậy, Chúa Giêsu muốn hướng các ông tới một niềm vui lớn lao hơn nhiều, đó là tên các ông đã được khắc ghi trên trời.  Đây mới là phần thưởng cao quý và là niềm vui lớn lao nhất.  Những sứ giả của niềm vui sẽ được ghi tên ở trên trời.  Tên của họ cũng được khắc ghi trong chính trái tim của Chúa.

 

Người loan báo niềm vui phải trải qua nhiều gian nan thử thách.  Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ, khi Người sai họ lên đường.  Hành trang của các môn đệ không phải là những phương tiện trần thế, nhưng là lòng tín thác cậy trông và nhiệt huyết tông đồ.

 

Ở một góc nhìn khác, thánh Phaolô nói với chúng ta về niềm vui của ngài.  Dưới góc độ trần gian, quan niệm của thánh nhân xem ra có phần nghịch lý: niềm vui và niềm tự hào của ngài là Đức Giêsu chịu đóng đinh.  Phải thực sự đạt tới đỉnh cao của sự gặp gỡ gắn bó với Đấng chịu đóng đinh mới có thể khẳng định được như thế.  Phaolô đã từng trải, đã chiến đấu và kiên trung trong mọi nghịch cảnh.  Vào lúc cuối đời, ông khẳng định: Chúa vẫn là trên hết.  Đấng chịu đóng đinh là niềm tự hào duy nhất của đời ông.  Ông đã chọn lựa Người và sẽ xác tín vào sự chọn lựa ấy.  Thánh nhân cũng mong muốn và cầu chúc cho chúng ta có cảm nhận sâu sắc như ngài.

 

Mỗi Kitô hữu đều là sứ giả của niềm vui.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng như sau: “Người loan báo Tin Mừng không bao giờ mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về!… và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (Số 10).  Quả vậy, khi bản thân không cảm nhận được niềm vui của Chúa, thì không thể trở nên sứ giả của niềm vui đích thực là Tin Mừng.

 

Hãy reo mừng Thiên Chúa!  Hãy tôn vinh Ngài, không chỉ trong nghi thức phụng vụ, mà trọn vẹn cả đời sống của chúng ta.  Buồn sầu và bi quan, chán nản không thể có chỗ trong đời sống của những ai tin cậy tín thác nơi Chúa.  Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn mạch của ân sủng và hạnh phúc chúc lành cho chúng ta.

 

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …