40 năm trước khi hiện ra tại Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra ở Ba Lan. Năm 1977, trước khi trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Hồng y Karol Wojtyła đã chủ sự việc chính thức công nhận Đức Mẹ hiện ra tại Ba Lan. Đó là Đền Mẹ Thiên Chúa ở Gietrzwałd cách Warsaw khoảng 135 dặm về phía bắc.
Đức Mẹ hiện ra ở Gietrzwałd từ ngày 27 tháng 6 đến ngày 16 tháng 9 năm 1877. Hai thôn nữ Ba Lan đã làm chứng cho việc nhìn thấy Đức Mẹ. Đó là Justyna Szafryńska, 13 tuổi, trở về nhà sau cuộc kiểm tra trước khi rước lễ, và ba ngày sau là Barbara Samulowska, 12 tuổi, khi đang lần hạt Mân Côi. Samulowska đã thấy Đức Mẹ dưới cây thích (maple) phía trước nhà thờ.
Em mô tả Đức Mẹ ngồi trên ngai giữa các thiên thần, có Chúa Giêsu trên hai đầu gối. Khi Samulowska hỏi bà là ai thì Đức Mẹ trả lời: “Ta là Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.” Khi được hỏi Đức Mẹ đòi hỏi gì ở họ, Đức Mẹ nói cho họ biết rằng hãy đọc kinh Mân Côi hằng ngày. Trong số các câu hỏi có câu này: “Giáo Hội ở Ba Lan có được giải thoát và các giáo xứ ở miền Nam Warmia có linh mục trở lại hay không?” Đức Mẹ nói rằng, nếu mọi người nhiệt thành cầu nguyện, Giáo Hội sẽ không bị bách hại và các giáo xứ đó sẽ lại có linh mục.
Hai câu hỏi cuối cùng đề cập tình trạng mục vụ tồn tại năm 1877. Năm 1877 không có cái gọi là “Ba Lan” ngoại trừ trong trái tim các dân tộc của nó. Năm 1877, thị trấn nhỏ này được gọi là “Dietrichswalde.” Nó là một phần của nước Phổ và nằm gần biên giới của “Vương quốc Ba Lan,” đơn giản là danh hiệu được áp dụng cho một đơn vị hành chính của đế quốc Nga, không có bất kỳ chủ quyền nào. Phổ và Nga, cùng với Áo, đã cùng nhau nuốt chửng lãnh thổ Ba Lan từ 82 đến 103 năm trước. Một Ba Lan hồi sinh không xuất hiện trên bản đồ Âu châu trong 41 năm nữa.
Người Công giáo ở Ba Lan sống tự do nhất trong phân vùng của Áo, bởi vì người Hapsburgs là người Công giáo – ngay cả khi họ muốn chinh phục Giáo Hội về tay nhà nước của họ. Nói chung, nước Nga chính thống đã đàn áp người Công giáo, điều này đặc biệt xảy ra ở Ba Lan sau cuộc nổi dậy năm 1863 chống lại sự cai trị của người Muscovite nhưng thất bại. Otto von Bismarck ở giữa thời Kulturkampf (1871-1887) của nó, có ý chinh phục Giáo Hội vào tay nhà nước Phổ và thích đạo Tin Lành hơn.
Những câu trả lời của Đức Mẹ đã khơi dậy tinh thần của người Ba Lan, bởi vì đặc tính của họ gắn chặt với Giáo Hội, mặc dù người Ba Lan nằm dưới chế độ chính trị của các nhà độc tài ngoại bang, và Đức Mẹ cho thấy ít nhất Giáo Hội có thể có đủ tự do để hoạt động và có các linh mục.
Hầu như ngay lập tức có khách hành hương bắt đầu đến Gietrzwałd. Vì Gietrzwałd là một phần giáo phận của Đức, các nhà hữu trách giáo hội địa phương đã hành động với sự bảo lưu những lần hiện ra đã được công bố. Phản ứng ngay lập tức của báo chí Đức cho rằng các sự kiện Gietrzwałd là mối nguy hiểm về mặt chính trị đối với nhà nước và là kết quả của sự mê tín và cuồng tín tôn giáo Ba Lan. Khách hành hương và linh mục bị phạt. ĐGM Filip Krementz đã tiến hành điều tra, trước tiên là thông qua linh mục và sau đó là giáo phận, báo cáo rằng các thị nhân có vẻ chân thành và ngoan đạo. Chính các sự kiện đó đã dẫn đến cuộc đổi mới sâu sắc về tôn giáo và lòng sùng kính Đức Mẹ trong giáo xứ, rồi lan rộng qua nước Phổ và Ba Lan thuộc Nga. Lm Augustin Wiechsel, quản nhiệm Gietrzwałd trong 40 năm, đã thúc đẩy lòng sùng kính và sự đổi mới tôn giáo mà nó tạo ra, ngay cả khi phải trả giá bằng nhiều phiên tòa và tiền phạt vì cổ vũ lòng sùng kính Đức Mẹ.
Rõ ràng là các cuộc hiện ra cũng có những hậu quả chính trị. Bởi vì Đức Mẹ đã nói chuyện với các thị nhân bằng phương ngữ của Ba Lan để họ có thể hiểu. Những người Công giáo Ba Lan ở Warmia đã quyết định nỗ lực vào giữa những năm 1880 để kiến nghị chính quyền Phổ cho phép dùng tiếng Ba Lan trong các trường học, chứ không dùng tiếng Đức bắt buộc nữa.
Sự công nhận chính thức của Giáo Hội về việc Đức Mẹ hiện ra tại Gietrzwałd đã diễn ra ngày 11 tháng 9 năm 1977, một thế kỷ sau các sự kiện, do ĐGM Józef Drzazga, GP Warmia. Lễ kỷ niệm do Đức TGM của Kraków cử hành là Hồng y Karol Wojtyła – người trở thành Giám mục của Rôma sau đó 13 tháng, với tông hiệu là Gioan Phaolô II.
Thị nhân Barbara Samulowska (1865-1950) có ý nghĩa lớn hơn đối với người Mỹ. Bà đã vào Dòng Nữ Lòng Thương Xót Thánh Vinh Sơn Phaolô, theo ý muốn của Đức Mẹ, và bắt đầu tập viện năm 1884 tại Paris, trong nhà nguyện mà Đức Mẹ đã mặc khải Áo Đức Bà Làm Phép Lạ. Bà khấn trọng năm 1889, lấy tên dòng là Stanisława, và được cử đi truyền giáo tại Guatemala. Ngoại trừ những lần bị gián đoạn nhỏ ở Pháp và Ba Lan, bà dành gần như toàn bộ phần đời còn lại để làm việc với những người nghèo ở Guatemala và Antigua, bà qua đời ở quê hương năm 1950. Quá trình phong chân phước cho bà được kết thúc ở cấp giáo phận năm 2006 và nay tại Rôma, bà đã được tôn phong là “Tôi Tớ Chúa.”
Trong khi Gietrzwałd ngày nay gắn liền với những lần hiện ra của Đức Mẹ, việc sùng kính Đức Mẹ đã có trước ở đó hàng thế kỷ. Hình ảnh Đức Mẹ Gietrzwałd trên bàn thờ chính có ít nhất từ năm 1583, khi ĐGM Marcin Kromer mô tả trong biên niên sử giáo phận là điều kỳ diệu. Đức Mẹ được mô tả trong chiếc áo choàng màu xanh đậm, tay trái ôm Chúa Hài Đồng mặc áo choàng dài màu đỏ. Hai thiên thần cầm biểu ngữ có dòng chữ “Ave Maria Caeolorum, Ave Maria Angelorum.” – Kính mừng Mẹ Thiên Quốc, Kính mừng Mẹ các Thiên Thần. Tượng này được tôn phong lần đầu vào năm 1717.
Kết quả của sự hiện ra năm 1877 là các nhà chức trách Phổ, những người vốn đã không có thiện cảm với bức tượng, đã ra lệnh di chuyển đến một nơi ít nổi bật hơn hoặc thậm chí là bỏ không. Cuối cùng, tượng này đã được đặt trên một bàn thờ phụ vào thời đó, nhưng ngày nay đã được khôi phục lại vị trí xứng đáng.
Vào ngày cuối cùng Đức Mẹ hiện ra năm 1877, người ta cho rằng Mẹ đã ban ơn cho một con suối địa phương có dòng nước được coi là có khả năng chữa bệnh. Trên cây thích, nơi Đức Mẹ hiện ra, người ta đã làm một cây Thánh Giá. Đền Đức Mẹ ở Gietrzwałd ngày nay thu hút gần một triệu lượt người hành hương hằng năm, và đã được Thánh GH Phaolô VI công bố là Tiểu Vương Cung Thánh Đường năm 1970.
JOHN GUDGEONSKI
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ ncregister.com)
Chiều 19-05-2022