Home / Chia Sẻ / MỤC TỬ GIỮ CHIÊN BÌNH YÊN

MỤC TỬ GIỮ CHIÊN BÌNH YÊN

MỤC TỬ GIỮ CHIÊN BÌNH YÊNMục tử thì phải có đàn súc vật – chiên, dê, trâu, bò, ngựa,… nếu không thì không là mục tử. Cũng vậy, đàn súc vật phải có người chăn, nếu không thì chúng phá phách, tranh chấp hoặc lạc nhau. Chủ chiên phải làm cho đàn chiên sống bình yên, không thể bỏ bê, mặc kệ, bất cần, vô trách nhiệm hoặc gặp chăng hay chớ. Nếu vậy thì chỉ là “thợ chiên” – kẻ chăn thuê.

Một tấm gương mục tử đáng noi theo là Thánh Phêrô Tarentaise (1102-1175, lễ ngày 8 tháng 5). Ngài là Tu viện trưởng dòng Xitô. Năm 1142, ngài được bổ nhiệm làm TGM GP Tarentaise thay thế giám mục bị cách chức vì thoái hóa. Ngài nhiệt tâm làm nhiệm vụ, cải cách giáo phận, thay thế các giáo sĩ buông thả, và đến với dân nghèo. Ngài thường xuyên đến các vùng sơn cước trong giáo phận.

Sau khoảng 10 năm làm giám mục, ngài “biến mất” một năm và sống ẩn dật tại một tu viện ở Thụy Sĩ. Ngài bị phát hiện và lại đành trở về làm giám mục. Ngài rất chú trọng tới người nghèo. Đức giáo hoàng phái ngài đi giải hòa với vua nước Pháp và nước Anh nhưng không thành công. Ngài qua đời trên đường trở về tòa giám mục.

Chắc chắn chủ PHẢI biết tính vật nuôi, dù vật nuôi KHÔNG hiểu ý chủ. Đó là nói về vật nuôi, còn về nghĩa bóng thì cũng tương tự, dù có khác một chút. Mục tử và đàn chiên đều là con người, mà con người thì rất phức tạp và đa dạng. Nhưng chắc chắn có sự ảnh hưởng lẫn nhau, như người Việt thường nói: “Rau nào sâu nấy” hoặc “thầy nào trò đó.” Dù ít hay nhiều cũng có mức ảnh hưởng lẫn nhau.

Ở đâu thì âu đấy, môi trường sống mỗi nơi mỗi khác, người ta phải thích nghi để hài hòa cuộc sống. Sự ảnh hưởng là sự tác động thay đổi bởi người khác đối với cách suy nghĩ, hành động, lối sống, phong cách,… kể cả tính khí. Sự ảnh hưởng là một dạng áp lực – có thể tốt hoặc xấu. Áp lực đồng đẳng là động thái của chúng ta thay đổi bởi bạn bè. Người ta ảnh hưởng bởi nhiều thứ: Văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo, môi trường, kiến thức,… Sự ảnh hưởng có thể do ý thức hoặc vô thức, thậm chí nó có thể dần dần hình thành tính cách của một con người.

Khi đề cập “con chiên,” người ta có ý nói là “ngoan đạo,” nhưng cũng có nghĩa tiêu cực là “vâng lời mù quáng.” Anh ngữ có danh từ SHEEPLE /SHēpəl/ – được ghép bởi chữ Sheep (chiên, cừu) và People (người), ý nói về người nhẹ dạ cả tin, dễ bị dụ, bị lừa. Danh từ Sheeple được sử dụng từ năm 1945.

Thánh LM TS Thomas Aquino xác định rằng “đức tin cần có cả trí tuệ và ý chí.” Tin như vậy mới là sáng suốt, không mù quáng, và cũng có nghĩa là chịu ảnh hưởng một cách đúng đắn chứ không hùa theo hoặc miễn cưỡng. Albert Schweitzer (1875-1965, thần học gia kiêm triết gia, người Đức gốc Pháp) nói về sự ảnh hưởng: “GƯƠNG MẪU không phải là điều chính yếu gây ảnh hưởng lên người khác, mà nó là ĐIỀU DUY NHẤT.” Còn William James (1842-1910, thần học gia kiêm triết gia, người Mỹ) nhận xét: “Chính THÁI ĐỘ của chúng ta khi bắt đầu một việc khó khăn sẽ ảnh hưởng kết quả thành công nhiều hơn bất cứ điều gì khác.”

Quả thật, sự ảnh hưởng rất quan trọng trong cuộc sống. Trình thuật Cv 13:14. 43-52 cho biết: Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày sabát, các ông vào hội đường. Tan buổi họp, có nhiều người Do Thái và nhiều người đạo theo, tức là những người tôn thờ Thiên Chúa, đi theo hai ông. Hai ông nói chuyện với họ và khuyên nhủ họ gắn bó với ơn Thiên Chúa.

Đến ngày sabát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do Thái SINH LÒNG GHEN TỨC, họ PHẢN ĐỐI những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Bấy giờ ông Phaolô và Barnaba MẠNH DẠN lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em KHƯỚC TỪ lời ấy, và TỰ COI MÌNH KHÔNG XỨNG ĐÁNG HƯỞNG SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.” Lý do rất rõ ràng. Được nhận mà không muốn nhận.

Lẽ tất nhiên là hậu quả khôn lường, nhưng đó là quyền tự chọn của mỗi người. Thiên Chúa không ép buộc ai, không muốn ai miễn cưỡng. Chính Chúa Giêsu đã từng cảnh báo: “Ai ĐÃ CÓ thì ĐƯỢC CHO THÊM và sẽ CÓ DƯ THỪA; còn ai KHÔNG CÓ thì ngay CÁI ĐANG CÓ cũng sẽ BỊ LẤY ĐI.” (Mt 25:29) Sau khi nghe hai ông Phaolô và Barnaba nói, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời đều tin theo. Và rồi khắp miền ấy, Lời Chúa được loan truyền rộng rãi.

Cuộc sống cho thấy thật đáng sợ với lòng ghen tức! Nhưng tại sao người ta ghen tức? Con gà tức nhau tiếng gáy, người ta ghen tức với người khác vì thấy mình lép vế, bất tài, vô dụng,… Giàu có thì bị ngó, nghèo khó thì bị khinh, thông mình thì bị đì, ngu si thì bị triệt. Kiểu nào cũng mệt. Quả thật, chỉ có người giỏi mới công nhận tài năng của người khác. Chúa Giêsu cũng đã có những lúc phải bỏ đi nơi khác vì người ta không chấp nhận Ngài và tìm cách hại Ngài.

Những kẻ sách động nhóm phụ nữ hượng lưu đã theo đạo Do Thái là chính những người Do Thái. Các thân hào trong thành xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và Barnaba, rồi còn trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Thật hèn hạ, nhỏ nhen và nham hiểm. Thấy không ổn, hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới Icôniô. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào.” (Tục ngữ VN)

Thật vậy, khi người ta không thích mình thì cứ tránh cho xa kẻo họ “ngứa mắt,” chứ thật ra họ chẳng có gì mà phải sợ. Không thèm cãi với người thích cãi không phải là mình thua, mà là chứng tỏ mình không hèn như họ. Đó cũng là cách tránh dịp tội cho cả đôi bên. Họ đáng khinh và đáng trách, nhưng đó là quyền tự chọn của họ. William Makepeace Thackeray (1811-1863, tiểu thuyết gia người Anh) phân tích: “Gieo hành vi thì gặt thói quen, gieo thói quen thì gặt tính cách, gieo tính cách thì gặt số phận.” Một chuỗi hệ lụy rất lô-gích.

Chính sự tự do có thể tạo số phận của chúng ta, có thể tốt hoặc xấu – cả đời sống xã hội và đời sống tâm linh. Qua từng nhịp thở, cuộc sống con người là những chuỗi hồng ân. Ngay cả đau khổ cũng là hồng ân. Vâng, hồng ân Chúa không ngừng ảnh hưởng tới sự sống của mọi thụ tạo. Vì thế, chúng ta không thể không biết dâng lời tạ ơn. Thật vậy, với cảm nghiệm sâu sắc, Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo. Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế, chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.” (Tv 100:2-3)

Tại sao phải tạ ơn? Lý do vừa mặc nhiên vừa mình nhiên: “Bởi vì Chúa nhân hậu, MUÔN NGÀN ĐỜI CHÚA VẪN TRỌN TÌNH THƯƠNG, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.” (Tv 100:5) Điều này cũng được đề cập nhiều lần trong Kinh Thánh, (1 Sb 16:34; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1-4, 29; Tv 118:29) nhiều nhất là trong Tv 136 – với 26 lần. Đó là mầu nhiệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Và Đức Maria cũng đã thốt lên qua bài thánh ca Magnificat: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.” (Lc 1:50) Ai trong chúng ta cũng chịu ảnh hưởng bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, từ lúc sinh ra tới lúc nhắm mắt xuôi tay.

Cuộc sống của Kitô hữu không mơ hồ, mà có mục đích rõ ràng: Sống lại và về Nhà Cha trên trời. Đó là điều kỳ diệu của cuộc vượt qua khải hoàn mà hiện nay chúng ta không thể tưởng tượng như thế nào. Tuy nhiên, trình thuật Kh 7:9, 14b-17 “hé mở” cho chúng ta biết về cuộc khải hoàn trên Thiên Quốc. Thị nhân Gioan cho biết: “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế.” Những người này rất đẹp và hạnh phúc. Nhưng họ là ai? Họ là những người mà chúng ta gọi là các thánh, nhưng người bình thường nhưng đã sống phi thường.

Và rồi Thánh Gioan kể: “Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau khi TRẢI QUA CƠN THỬ THÁCH LỚN LAO. Họ đã GIẶT SẠCH và TẨY TRẮNG áo mình trong MÁU CON CHIÊN. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ KHÔNG CÒN phải đói, phải khát, KHÔNG CÒN bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ LAU SẠCH nước mắt họ.”

Thật lạ lùng, cả “cách giặt” và “chất tẩy” đều kỳ diệu, không hề có trên thế gian này, nhưng thực sự có trong thế giới tâm linh và vô hình. Hằng ngày, mỗi chúng ta cũng vẫn phải “giặt” chính mình trong Bửu Huyết của Đức Kitô Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất. Mọi vết bẩn đều có thể được tẩy sạch và trở nên tinh tuyền.

Mối liên quan không thể tách rời là đàn chiên và chủ chiên. Chúa Giêsu là Đệ Nhất Con Chiên và cũng là Đệ Nhất Chủ Chiên – Vị Mục Tử Nhân Lành, (Ga 10:11) đồng thời Ngài cũng là Cửa Chuồng Chiên. (Ga 10:7-9) Trình thuật Ga 10:27-33 cho chúng ta biết rõ ràng về mối quan tâm của Mục Tử Nhân Lành dành cho Đoàn Chiên như thế nào.

Nghề gì có mùi đó. Mùi hôi tanh có giá trị hơn mùi thơm tho. Việt ngữ gọi là “mồ hôi” thật chí lý. Chính cái mùi khó ngửi đó chứng tỏ công lao vất vả của cha mẹ vì con cái, các mối quan hệ khác cũng vậy. Chúa Giêsu là Người Chăn Chiên đích thực nên nặng “mùi chiên.” Đó là sự ảnh hưởng tất yếu giữa chủ và chiên. Thật vậy, mấy bà bán cá làm sao tránh được mùi cá? Hoặc mấy người chăn heo lẽ nào không ám mùi heo? Một sự ảnh hưởng rất tự nhiên, không thể không có.

Tất nhiên mùi chiên ở đây mang nghĩa bóng. Chúng ta biết rằng, đại đa số chiên là dân nghèo – nhất là tại Việt Nam, thế thì tại sao chủ chiên không có “mùi nghèo” của chiên? Chủ chiên có “mùi” của chiên béo thì chủ chiên đó có thật, có quen, có đáng tôn trọng? Câu hỏi rất dễ ẹc trả lời rất khó!

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã trả lời qua câu nói xác định: “Chiên của tôi thì NGHE tiếng tôi, tôi BIẾT chúng và chúng THEO tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10:27-30) Quá rõ ràng với ba động từ: Nghe, Biết, Theo.

Lời thật dễ mất lòng. Thuận ngôn gây nghịch nhĩ. Nghe Chúa Giêsu nói vậy, người Do Thái lấy đá để ném Ngài. Mặc kệ, Ngài vẫn thẳng thắn: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” Người Do Thái nói: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” (Ga 10:33) Đúng là những con người có tâm địa xấu xa, dốt mà chảnh, ngu mà ra vẻ giỏi, dại mà tưởng khôn. Người ta còn nói đến mình là còn thương mình, người ta không thèm nói tới mình thì “hết nước nói” rồi. Rất đáng quan ngại!

Chắc chắn “mùi chiên” phải là mùi thật, mùi tự nhiên, không thể là mùi nhân tạo. Ngày nay, người ta có thể chế biến đủ loại hương liệu để tạo mùi giả, liệu mùi chiên có bị “chế biến” hay không? Tất nhiên chiên cũng đa dạng, lắm kiểu, nhiều loại: mập – ốm, cao – thấp, trắng – đen, sang – hèn, giàu – nghèo,… Nhiều người luôn tâng bốc, nịnh hót, luồn cúi,… “ra cái vẻ” đạo đức và ngoan ngoãn. Dù là chiên hay chủ cũng đều có vấn đề, luôn phải xét mình mà chấn chỉnh kịp thời.

Ngày nay có những vấn đề rất đáng quan ngại: linh mục theo nhóm trừ quỷ, gia nhập Anh giáo, mời giám mục Anh giáo sang Việt Nam truyền chức, tự ý bỏ xứ,… Phải chăng đã đến lúc cận kề thời điểm tận thế, cho nên ma quỷ thâm nhập vào mọi ngõ ngách, nhất là dùng giáo sĩ để phá rối Giáo Hội?

Lạy Thiên Chúa, xin bảo vệ Giáo Hội, xin ban Thần Khí, ban ơn soi sáng và giúp chúng con phân định đúng đắn trước khi quyết định – từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, cả đời thường và tâm linh. Xin Ngài gia ân tăng lực, củng cố hệ miễn nhiễm tâm linh để tín nhân can đảm tránh sự dữ, luôn sống tiết độ và tỉnh thức, vì “ma quỷ như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8) Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …