Home / Chia Sẻ / Khát !

Khát !

 

KHATKhát là tiếng kêu thảm thiết nhất. Khát có thể là khát nước, cũng có thể là khát vọng. Nhưng “khát nước” cấp bách hơn “khát vọng”. Có hết “khát nước” thì mới có thể tiếp tục “khát vọng”.

Quả thật, nước rất cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày. Cơ thể con người đa phần là nước. Người ta có thể nhịn đói được lâu, nhưng khát thì sẽ mau chết lắm, như cá lên bờ thì mau chết và chết chắc!

Trình thuật Ga 4:5-42 cho biết rằng…

Một hôm, Chúa Giêsu đến một thành xứ Sa-ma-ri tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giuse, và ở đấy có giếng của ông Gia-cóp. Ngài đi đường mỏi mệt nên ngồi ngay xuống bờ giếng, còn các môn đệ vào thành để mua thức ăn. Lúc đó khoảng mười hai giờ trưa, giờ cao độ của cái nắng, của sức nóng.

Ngay lúc đó có một phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Ngài bắt chuyện: “Chị cho tôi xin chút nước uống!”. Ngài không có gàu để múc nước từ dưới giếng nên mới xin như vậy. Chị liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?”. Đó là điều “khôngng bình thường”, vì người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Nhưng Ngài vẫn thản nhiên: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống. Chị tròn mắt, vừa cười vừa nói: “Ông ơi là ông, ông đùa đấy à! Ông không có gàu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống chứ? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy đấy”.

Dĩ nhiên chị làm sao hiểu được thâm ý của Đức Giêsu, nếu chúng ta là chị ấy thì chúng ta cũng chỉ biết “gãi đầu” mà thôi! Tất nhiên Ngài biết thừa, và Ngài bảo: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời. Lại càng bí ẩn hơn, chúng ta lại tiếp tục “ngớ nhẩn”, chả hiểu ất giáp gì ráo trọi!

Thế mà thật lạ, người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. Chị ấy thông minh đột xuất chăng? Ngài bảo: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”. Chị đáp: “Tôi không có chồng”. Đức Giêsu bảo: “Chị nói ‘tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng”.

Mèng ơi! Sao đoán đúng vậy ta? Chị thấy tâm phục khẩu phục nên nói: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”. Đức Giêsu cười rất hiền: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.

Chị thấy lạ và thấy đúng lắm, chị thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Đức Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Chu choa! Chắc hẳn chị ấy rất bất ngờ, nhưng cũng vô cùng hạnh phúc vì được diện kiến Đáng mà bao người mơ cũng không thấy, đặc biệt là chị không còn phải khát nữa, vì chị được uống NƯỚC TRƯỜNG SINH!

Tuyệt vời biết bao! Chuyện xảy ra như một thước-phim-đẹp-như-cổ-tích-mà-rất-thật. Tiếc là lúc đó không có ống kính nào thu lại, mà cũng chẳng có được máy quay thời đó. Nhưng đọc văn phong của Thánh sử Gioan, chúng ta cảm thấy như xem một đoạn phim thú vị, với những lời đối thoại mạch lạc, thú vị.

Đọc lại đoạn văn này trong Mùa Chay, chúng ta nhớ tới lời kêu của Chúa Giêsu vang vọng từ trên Thập Giá: “Tôi khát!” (Ga 19:28). Ra máu nhiều vì thương tích đầy mình, lại phải chịu khát cả ngày rồi, Chúa Giêsu khát đến cháy cổ. Thế nhưng người ta vẫn tàn nhẫn với một người sắp chết, không cho uống nước mà lại cho nếm giấm chua. Thật tồi tệ, nhưng đời là thế đấy! Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng qua câu nói thì thào: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19:30).

Đất trời rúng động, mây đen kéo tới, động đất dữ dội, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới, đá vỡ toang, mồ mả bật tung, các thi hài trỗi dậy (Mt 27:51-52). Cảnh tượng thật hãi hùng như tận thế đến nơi, ai cũng run rẩy sợ hãi. Thấy vậy, viên đội trưởng và đám lâu la phải công nhận: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa, người này đích thực là người công chính!” (Mt 27:54; Lc 23:47).

Ngày xưa Chúa Giêsu kêu khát mà không ai lưu ý. Ngày nay Ngài cũng vẫn kêu khát mà vẫn bị làm ngơ!

Ở Phi châu có những trẻ em đang chờ chết từng giờ vì đói, vì khát, và còn biết bao người nghèo khổ khác trên thế giới, thậm chí họ ở ngay bên chúng ta: Người ăn xin, người già nua neo đơn, trẻ mồ côi, người sa cơ lỡ vận, người kém may mắn, người hàm oan, người bệnh hoạn, người tật nguyền, người vô gia cư, người nghèo khó phải chạy ăn từng bữa,… Thế nhưng có thể chúng ta vẫn dửng dưng như xem thời sự trên ti-vi, qua báo chí, nghe qua radio, tất cả đều qua đi như nghe một điệu nhạc buồn rồi thôi, không chút động lòng thương cảm, không hề cầu nguyện cho họ, không hề chia sẻ với họ. Cùng lắm cũng chỉ nói: “Tội nghiệp!”. Chỉ thế thôi. Chính những con người khốn khổ đó là tiếng vọng thảm thương cấp bách của Chúa Giêsu từ trên Thập Giá giữa nắng chiều gay gắt trên đỉnh đồi Can-vê ngày nào! Chúng ta có cảm thấy mình mắc lỗi đức ái?

Chắc hẳn ai cũng muốn hoàn thiện như Cha trên trời theo lời khuyến cáo của Chúa Giêsu (x. Mt 5:48). Nhưng hoàn thiện thì phải thực thi Ý Chúa, mà Ý Chúa là “yêu người như chính mình”. Thánh Phaolô phân tích: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng đức mến là quan trọng nhất” (1 Cr 13:13). Còn thánh Giacôbê so sánh: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17 & 26). Chúa muốn chúng ta sống thật, không nói suông, không ảo tưởng.

Triết gia kiêm nhà luân lý Jean de La Bruyère (1645-1696) nói: “Ân huệ không bởi việc CHO THẬT NHIỀU mà là CHO ĐÚNG LÚC”. Trong bốn Phúc Âm, chỉ có Thánh Mát-thêu đề cập “chén nước lã” (Mt 10:42). Chúa không đòi buộc chúng ta làm đại sự, làm việc phi thường, mà Ngài chỉ bảo chúng ta làm những điều “nho nhỏ” thôi. Thật vậy, dù chúng ta chỉ vì động lòng thương xót mà cho người khác “một chén nước lã” để giải khát thì Ngài cũng “chấm công” cho chúng ta.

Kinh Thương Xác Bảy Mối nói rõ: “Thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ hai cho kẻ khát uống”, và một trong Bát Phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Người ta cần cá thì không thể lấy rắn cho họ, hoặc người ta cần trứng lại lấy bò cạp cho họ (x. Lc 11:11-12). Điều đó có nghĩa là phải thể hiện lòng yêu thương bằng hành động chứ không “lẻo mép”. Trước khi hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã nói thẳng với các môn đệ: “Chính anh em phải cho họ ăn” (Mt 14:16). Chúa rất thực tế, chẳng bóng gió chi cả. Có thể chúng ta chỉ nghe cho vui tai, chứ rất… ngại hiểu, sợ “đụng chạm” lắm!

Nhưng vẫn có những con người thực sự hiểu và hành động. Họ bị thế gian coi là “khùng”, giống như người ta đã bảo Chúa Giêsu “điên” vậy. Bạn còn nhớ Chân phước Nữ tu Teresa Calcutta chứ? Bà tên thật là Agnes Gonxha Bojakhiu, sinh ngày 28-8-1919 và qua đời ngày 5-9-1997. Năm 1952, Mẹ thấy một phụ nữ hấp hối bị kiến và chuột gặm tả tơi, Mẹ đã mủi lòng và thành lập nhà Nirmal Hriday (Tấm lòng Thanh khiết) cho những người hấp hối. Mẹ áp dụng đúng nguyên tắc sống của dòng Bác ái Truyền giáo: “Yêu là cho đi đến khi cảm thấy đau”. Mẹ đã hùng hồn tuyên bố: “Theo máu huyết, tôi là người Albania. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn độ. Theo đức tin, tôi là nữ tu Công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc trần gian này. Còn theo tâm hồn tôi, tôi hoàn toàn thuộc về Thánh Tâm Chúa Giêsu”. Một con người nhỏ bé về thể lý nhưng lại có trái tim vĩ đại đáng khâm phục!

Trẻ em là tương lai của đất nước, xã hội, thế giới và giáo hội. Hãy làm cho những trẻ em đang chết dần mòn kia được sống. Thật vậy, Chúa Giêsu nói rõ: “Tôi đến để cho con người được sống và được sống dồi dào” (Ga 10:10). Chúa muốn mọi người được sống đầy đủ và hạnh phúc, Ngài không hề muốn ai phải chết. Thực thi Ý Chúa như vậy là sống đạo (chứ không chỉ giữ đạo), sống đạo tích cực, và “vui với người vui, buồn với người buồn” (x. Rm 12, 14-18). Mà Chúa Giêsu lại rất yêu quý trẻ em. Chúng ta đừng quên là cứ mỗi giây lại có một trẻ chết vì đói khát: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6:38).

Trước khi vứt bỏ các thức ăn còn sót lại trong chén của bạn, xin bạn hãy nghĩ tới những người đang lâm cảnh đói khát, thèm những thứ dư thừa của người khác mà không có. Cuộc đời có những điều nghịch-lý-thuận: Cái mà với người này là dư thừa, là đồ bỏ, là rác rưởi, nhưng với người khác rất có thể là vật cần thiết nhất cho sự sống còn!

Kho tàng ở đâu thì lòng ta ở đó (x. Mt 6:19-21), và người giàu khó vào Nước Trời còn hơn lạc đà chui qua lỗ kim (x. Mt 19:23-24). Giàu ở đây không hẳn là giàu vật chất, cái nghèo cũng vậy. Ca dao Việt Nam cũng xác định: “Nghèo tiền nghèo bạc chẳng lo, nghèo nhân nghèo nghĩa mới lo mình nghèo”.

Ước gì, trong suốt cuộc đời, nhất là cơ hội ngàn vàng là Mùa Chay này (x. 2 Cr 6:2), mỗi chúng ta đều thực sự KHÁT CHÚA như tác giả Thánh Vịnh thân thưa: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63:2).

Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội (Lc 18:9-14). Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài (Dt 10:7 & 9). Xin hoán cải chúng con để chúng con dám vỗ ngực xưng tên là luôn có Đức Kitô thực sự sống trong lòng (x. Gl 2:20). Vâng, lạy Chúa, xin thêm đức tin và đức mến cho chúng con (x. Lc 17:5). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Mùa Sám Hối – 2014

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …