Tình Cha
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – C
(Lc 15, 1-3. 11-32)
Bằng dụ ngôn mô tả chuyện cảnh gia đình và tình cha con Chúa Giêsu dùng để diễn tả tình yêu quảng đại, hào phóng bao la của Thiên Chúa là Cha đối với nhân loại nói chung và từng người chúng ta là con nói riêng.
Người con thứ ra đi
Là người con thứ được ưu đãi nuôn chiều trong một gia đình khá giả. Vừa lớn lên, chân trời xa thẳm như chỉ có bình minh, một tương lai trải dài trước mắt mời mọc và lôi cuốn cậu thoát ly. Vì ở nhà cha mẹ, dù có tình thương và của cải đầy đủ mấy đi nữa thì vẫn còn anh trưởng chứ đâu đến lượt cậu. Một con chim khuyên ở trong chiếc lồng son thiếp vàng, du dư gạo trứng cũng không sướng bằng một bầu trời thênh thang rộng lớn. Cậu quyết định xin chia gia tài. Chiều lòng cậu, cha cậu đồng ý và cậu ra đi.
Người con trưởng ở nhà
Người con trưởng tuy ở hằng ở cùng cha, nhưng rất khác cha. Anh đánh mất chính mình, khi đưởng là con trưởng mà lại tự nhận mình là kẻ làm tôi “con đã làm tôi cha” (Lc 15,29), đánh mất em, em mình mà anh gọi là “thằng con con của cha kia” (Lc 15,30). Anh tự khinh dể mình, loại trừ người em ruột. Lời người cha nói : “Con hằng ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con” (Lc 15,31) anh đâu có cảm nhận được. Và giờ đây anh tố cáo cha đã không bao giờ cho anh một con dê con để mừng lễ với bạn bè. Tội nghiệp người cha! Một đứa con bỏ nhà, đứa kia thì lại đã không bao giờ gần gũi cha thực sự! Ông đã mất cả hai thằng con.
Tình cha chan hòa trên các con
Người cha, từ ngày con thứ bỏ nhà ra đi, ông thương con, ngày ngày ra ngóng con trở về. Thật là cảm động: “Khi nó còn ở đàng xa, cha nó trông thấy nó, ông động lòng thương” (Lc 15, 20). Ông là người thấy con trước khi nó còn ở đàng xa. Ông quên cả tuổi già và quên luôn cuộc sống phóng đãng của con trai, ông chạy tới ôm choàng lấy cổ nó và hôn lấy lấy hôn để. Lòng thương xót của người cha tràn đầy, vô điều kiện và được biểu lộ ra trước khi đứa con xưng thú lỗi lầm : “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha” (Lc 15,19). Những lời trên tan biến trong sự tha thứ. Thằng con hết sức kinh ngạc về tình yêu mà cha nó dành cho nó. Với trái tim của một người cha, ông không coi mình bị xúc phạm, không giận con hay bắt thằng con đã làm bao điều khiến ông tủi hờn phải trả giá. Ông không có nghe và xét đến lời xưng thú của con trai mình. Không, không, con trai của cha, lời cha ngắt lời con, người cha kêu lên, tiếng kêu xóa sạch lỗi lầm của con, và tình cha tuôn trào xuống người con bằng hành động : “phải ăn tiệc và vui mừng “(Lc 15, 32). “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy” (Lc 15, 22-24). Ông chỉ quan tâm một điều là tìm được con đã mất nay trở về bình an mạnh khỏe, phải mở tiệc ăn mừng.
Khi quan sát hình ảnh người cha ôm người con, nghe người cha nói với người con khiến chúng ta liên tưởng tới Thiên Chúa là Cha xử với chúng ta là tội nhân như thế. Thánh Gioan Maria Vianney cha sở họ Ars đã thốt lên rằng : “Đây hình ảnh tuyệt đẹp về sự vĩ đại của lòng thương xót Thiên Chúa đối với tội nhân khốn khổ nhất! … Ôi Thiên Chúa của con, rằng tội lỗi là một cái gì đó thật khủng khiếp! Làm thế nào chúng con có thể phạm tội được? Nhưng tất cả chúng con là những kẻ khốn nạn, ngay khi chúng con còn là tội nhân, thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng con trước. Lòng thương xót của Thiên Chúa cộng với lòng trắc ẩn. Tình yêu của Đấng Cứu Thế thật bất ngờ bởi ân sủng của Người trước các tội nhân, Người ôm hôn tội nhân, trao ban cho họ sự an ủi tuyệt vời…Ôi khoảnh khắc tuyệt với ! Chúng ta mà hiểu được thì chúng ta sẽ rất hạnh phúc !” (Trích bài giảng thứ Chúa nhật III Mùa Chay của thánh Gioan Maria Vianney).
Người con trưởng hằng ở nhà với cha, mọi sự của cha anh là của anh như lời người cha nói và đương nhiên là anh ruột của người em bỏ nhà ra đi. Thế mà lại con mình là kẻ “làm tôi”. Anh hạ thấp phẩm giá mình xuống thành kẻ hầu hạ ăn lương. Người con thứ đã nghĩ rằng anh ta đáng phạt vì các tội của mình. Người anh cả chờ đợi một phần thưởng cho các phục vụ của anh ta. Cái khổ đau của người cha giống nỗi khổ đau của Thiên Chúa, khi chúng ta rời xa, hay bởi vì chúng ta ở xa hoặc vì chúng ta ở gần nhưng lại không gần. Người anh cả cũng cần phải trở về.
Cái lý luận của người cha là lý luận của Thiên Chúa giầu lòng thương xót. Người cha phục hồi phẩm giá làm con khi sai đầy tớ : “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu” (x. Lc 15, 22-23) và phục hồi luôn phẩm giá làm anh trưởng bằng cách mở tiệc mừng vì “em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy” (x. Lc 15,32). Vì nếu không có em thứ trở về thì cũng chẳng có anh trưởng. Niềm vui lớn nhất đối với người cha trong dụ ngôn là trông thấy các con ông bình an mạnh khỏe và nhận nhau là anh em.
Vậy, tất cả chúng ta tội lỗi cũng như những người tin rằng mình công chình hãy trở về với Chúa bằng lòng thống hối ăn năn, lao mình vào vòng tay của Chúa, để cho tình thương lân tuất của Chúa làm ta hồi sinh.
Lạy Mẹ Maria, người mẹ khoan nhân, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp đỡ chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ