Home / Chia Sẻ / MÙA CHAY – MÙA CỦA SÁM HỐI

MÙA CHAY – MÙA CỦA SÁM HỐI

MuachayMùa Chay đang ở đây.  Mùa Chay không hẳn là thời gian ưa thích nhất trong năm phụng vụ đối với đa số tín hữu.  Mùa Chay kêu gọi ta chậm lại và nhìn lại, lượng giá sự tiến triển của mình trên cuộc lữ thứ trở về cùng Thiên Chúa, sự tiến triển của mình trong cuộc lên đỉnh núi Cát Minh.  Mùa Chay thách đố chúng ta nhớ rằng mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro.

Mùa Chay là quãng thời gian ăn chay và sám hối.  Đúng vậy.  Điều này tốt.  Ăn chay và sám hối nhắc chúng ta về tình trạng tội lỗi, giới hạn và xa cách của mình đối với Thiên Chúa.  Ăn chay và sám hối, hay các việc giữ chay khác, nhắc ta về nhu cầu của mình trong việc dốc lòng liên lỷ, hoán cải liên lỷ.

Trước công đồng Vatican II, đa số tu sĩ Cát Minh không mong mỏi mùa Chay vì nó là thời gian của ăn chay kiêng thịt.  Trừ Chúa Nhật ra thì tu sĩ Cát Minh giữ chay hàng ngày suốt mùa, và kiêng thịt ba ngày một tuần.  Tuy vậy, bài đọc thứ nhất và thứ ba cho Thứ Tư Lễ Tro nói rằng mùa Chay thật ra không hướng về những gì diễn ra “bên ngoài”, những phô diễn hình thức, dù chúng có thể đóng một vai trò nào đó, như đã đề cập ở trên.  Mùa Chay thực sự hướng về những gì diễn ra “bên trong”, về sự thống hối và hoán cải.

Trong bài đọc thứ nhất của Thứ Tư Lễ Tro trích từ ngôn sứ Joel, sống khoảng năm 375 trước công nguyên, có một trận dịch châu chấu mà Joel diễn giải như là cuộc tấn công cuối cùng của các thù địch Thiên Chúa nổi lên chống lại nhà Giuđa.  Vì thế ông kêu gọi sám hối và hoán cải để đẩy lui nạn dịch.  Lời kêu gọi sám hối và hoán cải này là lời hiệu triệu trong truyền thống Kinh Thánh để “quay ngược lại.”  Từ ngữ Do Thái được dùng ở đây (shub, hoặc metanoein trong tiếng Hi Lạp) là mệnh lệnh của một tướng lãnh ra lệnh cho quân của mình xoay người 180 độ, một bước đổi hướng ngược lại.

Như thế, sám hối hoặc hoán cải trong Kinh Thánh không phải chỉ là thực hiện một vài việc hình thức hoặc vài điều khoản tôn giáo, chẳng hạn ăn chay hay kiêng thịt, đọc thêm một số kinh, hoặc thậm chí làm việc từ thiện, dù những điều này không bị loại trừ.  Joel nói với chúng ta rằng sám hối thật sự đòi chúng ta xé lòng chứ không xé áo.  Sám hối là “trở về với Ta (Chúa) trọn tâm hồn.”  Và vì thế sám hối hay hoán cải theo nghĩa Kinh Thánh (shub, metanoein) là một cuộc đảo lộn triệt để, nghĩa là cuộc đảo lộn đến tận gốc rễ (radix) hoặc trái tim của con người, đến các chiều sâu của con người, các chiều sâu nơi ẩn nấp cái gọi là sarx, thường được dịch là “xác thịt.”  Sarx là con người cũ mà Thánh Phaolô nói đến, là bản ngã (cái tôi) bất an, tự yêu lấy chính mình, tự mê hoặc với mình, tự vấp té trên mình, tìm cách nắm bắt thần tính để bảo đảm sự tồn tại và độc lập của nó.  Sarx là bản ngã cũ có khuynh hướng chống lại việc từ bỏ chính mình hầu sống theo một bản ngã mới – Pneuma hay Thần Khí.  Sám hối liên quan đến việc cởi bỏ bản ngã cũ ấy và mặc vào bản ngã mới.

Tin Mừng của Thứ Tư Lễ Tro trích từ Mát-thêu chương 6 cho ta thấy đối với Đức Giêsu sám hối cũng mang ý nghĩa vượt xa những tuân giữ bên ngoài.  Đức Giêsu bảo chúng ta phải đề phòng việc phô diễn các việc đạo đức cho thiên hạ thấy mà khen ngợi.  Chúng ta không được giống như mấy ông biệt phái, những kẻ giả hình, chỉ thay đổi hình thức mặt mũi thôi.  Khi bố thí, chúng ta thậm chí không được để tay trái biết việc tay phải đang làm.  Chúng ta phải giữ kín các việc lành phúc đức, cầu nguyện nơi kín đáo, chải tóc cho ngay và rửa mặt cho sạch để không ai biết mình đang giữ chay.

Mùa Chay là một mùa của cơ hội lớn lao.  Nhưng là một mùa nhắc ta rằng Mùa Chay không chỉ là thời gian bốn mươi ngày.  Mùa Chay là một chiều kích cuộc đời của ta phải được hiện diện mỗi ngày.  Mùa Chay không hẳn là một mùa tạm thời cho bằng là một cách thức hiện hữu.  Mùa Chay là một con đường hiện hữu tự trút cạn chính mình (kenotic) mà chúng ta được mời gọi sống mỗi ngày.  Cả cuộc đời ta, chứ không phải chỉ bốn mươi ngày, phải là một đời xé lòng, tự vấn và thanh tẩy cái “bản ngã cũ” ấy, là cái có thể và thường tạo ra “ở bên ngoài” sự lẩn tránh, cái ảo ảnh rằng mình đang chết đi bằng các việc mang vẻ thống hối nhưng “bên trong” thì vẫn chứa đầy gian dối và giả hình.  Bên trong, bất chấp tất cả những hình thức và việc tuân giữ, “bản ngã cũ” vẫn là “bản ngã cũ” thôi, cái bản ngã trốn chạy và tránh xa một cuộc trở lại đích thực của tâm hồn, một sự sám hối thật sự, một sự buông mình thật sự cho Thiên Chúa.

Trong thời gian mùa Chay, chúng ta không được đánh lừa chính mình, lại càng không được cố lừa người khác.  Điều quan trọng nhất không phải là vẻ bên ngoài, cái người khác thấy.  Điều quan trọng nhất là cái xuất hiện bên trong “bản ngã” cũ, sâu trong tâm khảm chúng ta.  Điều quan trọng nhất là chết đi đối với “bản ngã cũ” để có thể chỗi dậy nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần mà vươn lên “bản ngã mới”, tạo thành mới, điều mà Chúa Cha qua quyền năng của Chúa Thánh Thần đã đạt được trọn vẹn trong việc làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết.

Có điều gì đó mang tính chất rất Cát Minh về mùa Chay, đặc biệt khi mùa Chay được xem không chỉ là một quãng thời gian bốn mươi ngày mà là một cách thức hiện hữu, một cách thức kenosis, một linh đạo của không ngừng trút cạn chính mình, trống rỗng trước mặt Thiên Chúa (vacare Deo) như phong trào Cải Tổ tại Touraine nói đến, hầu được đổ đầy Thần Khí của Đức Kitô phục sinh.

 

Fr. Donald Buggert, O. Carm
Professor Emeritus – Washington Theological Union

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …