Home / Chia Sẻ / CUỘC TRỞ VỀ

CUỘC TRỞ VỀ

Dịch Bệnh Tội Lỗi Đầy Mặt Đất

Mùa Chay Ăn Năn Trọn Tâm Tình

Cuộc Trở VềChúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90:3) Thánh Vịnh gia cho biết như vậy. Và đó cũng là định luật muôn đời. Lễ Tro, khởi đầu Mùa Chay Thánh. Bắt đầu cuộc trở về. Tại sao phải trở về? Vì đi xa, lạc lối, lầm đường. Trở về là ăn năn, sám hối, thú nhận tội lỗi, và thay đổi lối sống.

Trở về đâu? Về nhà, về quê hương, về nơi mình xuất phát: Cát Bụi. NS Lê Dinh đã cảm nhận được cuộc đời ngắn ngủi lắm, và ông xác định: “Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó, Trời đã ban cho ta cám ơn trời cuộc sống hôm nay. Mai kia mốt nọ, trở về cát bụi, giàu – khó như nhau, Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ cho…” (Trở Về Cát Bụi) Là ca khúc đời nhưng ý tưởng gần gũi với Mùa Chay của Công giáo.

Sau khi Ông Bà Nguyên Tổ phạm tội, Thiên Chúa đã quy định số phận phàm nhân: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là BỤI ĐẤT, và sẽ trở về với BỤI ĐẤT.” (St 3:19)

NS Trịnh Công Sơn cũng đã từng thắc mắc: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy?” Nhưng ông vẫn thấy vui vì được làm cát bụi, và ông reo lên: “Ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi.” Rồi ông tiếp tục tự vấn và than thở: “Ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.” Cát bụi mà cũng cảm thấy “mệt nhoài.” Kiếp người nhiêu khê quá!

Mùa Chay khởi đầu. Màu Tím phủ đầy: Tím lòng, tím ăn năn, tím sám hối, tím khiêm nhường, tím yêu thương, tím chia sẻ, tím cầu nguyện, tím suy tư, tím tin yêu,… Màu tím thánh thiện, rực rỡ chứ không buồn sầu ủ rũ, thảm thương.

  1. TRỞ VỀ VỚI LÒNG THÀNH

Có thực sự cần thiết phải trở về? Chắc chắn RẤT CẦN, vì đó là bước đầu để được Thiên Chúa xót thương. Vả lại, chính Đức Kitô đã khuyến cáo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3:2; Mt 4:17)

Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” (Ge 2:12) Tuy nhiên, vấn đề là “xé lòng chứ không xé áo” và “trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa.” (Ge 2:13) Vì thế, nếu chúng ta thành tâm sám hối, nhận biết sự khốn nạn của mình, Thiên Chúa sẽ “nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu chúng ta có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng ta.” (Ge 2:14) Một sự thật kỳ diệu: Sám hối và cầu nguyện có thể thay đổi số phận của con người.

Ngày xưa, chính Thiên Chúa đã tuyên ngôn qua miệng ngôn sứ Giôen: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!” (Ge 2:16) Ai cũng phải sám hối, vì ai cũng đã từng phạm tội, sám hối cho mình và cho người khác: “Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và thân thưa: Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại!” (Ge 2:17) Quả thật, Thiên Chúa luôn nhân từ và giàu lòng thương xót: “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người. Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát.” (Ge 2:18) Rõ ràng số phận đã được thay đổi nhờ biết chân thành sám hối.

Là phàm nhân, phận tro kiếp bụi, không ai vô tội, cho nên không ai lại không phải khẩn khoản cầu xin Thiên Chúa thương xót: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 51:3-4) Ngay cả người lành cũng sai lầm mỗi ngày bảy lần kia mà!

Trở về là sám hối, trở về là ăn năn – ai cũng biết, nhưng có thành tâm hay không lại là vấn đề khác. Nhưng để có thể trở về chân thành thì phải khiêm nhường tự nhận sự đốn hèn của mình: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử.” (Tv 51:5-6) Và rồi lại phải tiếp tục van xin: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con.” (Tv 51:12-14) Chắc chắn Thiên Chúa sẽ mủi lòng mà động lòng trắc ẩn. Cầu nguyện là “sức mạnh” của con người và là “sự yếu đuối” của Thiên Chúa.

Sám hối và cầu nguyện không chỉ phải thực hiện trong mùa Chay, mà phải thực hiện suốt đời, hằng ngày, bất cứ lúc nào, như Giáo hội vẫn kêu xin hằng ngày: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.” (Tv 51:17)

Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5:20-21) Chúng ta không thể hiểu thấu và không thể dùng trí thông minh của phàm nhân mà lý luận về cách hành động “ngược đời” như vậy của Chúa Giêsu. Chúng ta chỉ có thể cúi đầu mà cảm phục và tạ ơn Ngài mà thôi.

Thánh Phaolô cho biết thêm: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.” (2 Cr 6:2) Sám hối lúc nào cũng cần đối với loài người chúng ta, nhưng sám hối càng cần hơn vào thời gian mùa Chay này.

  1. TRỞ VỀ VÌ YÊU MẾN

Trở về để được Thiên Chúa xót thương, được Thiên Chúa tha thứ, và được Thiên Chúa cứu độ. Tuy nhiên, phải chân thành chứ không giả vờ, theo nghi thức. Trở về không chỉ chân thành mà còn phải vì yêu mến. Và đừng quên điều này: “Thiên Chúa thấu suốt mọi sự.” (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6) Trở về là điều cấp bách, vì thời gian không còn bao lâu nữa. (x. 1 Cr 7:29)

Trở về cũng phải đúng cách: Ăn chay đúng cách, sám hối đúng cách, làm việc lành đúng cách. Chúa Giêsu hướng dẫn cách thực hiện: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt 6:1) Chúa Giêsu sống khiêm nhường nên Ngài rất thích những người khiêm nhường. Ngài tiếp tục khuyến cáo: “Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.” (Mt 6:2)

Cách thức của Chúa Giêsu luôn khác hẳn với chúng ta, đôi khi chúng ta cảm thấy “khó chịu” vì không được ai biết. Nhưng Chúa Giêsu lại bảo chúng ta phải âm thầm và kín đáo. Ngài kề tai nói với mỗi chúng ta: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí được kín đáo. Và Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho bạn.” (Mt 6:3-4) Ngài không nói đùa đâu, thật 100% đúng nghĩa đen chứ chẳng bóng gió chi!

Chúa Giêsu đưa ra ví dụ cụ thể để chúng ta nhận thức rõ ràng hơn: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn bạn, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của bạn, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho bạn.” (Mt 6:5-6)

Sám hối, ăn chay, cầu nguyện, canh tân, bác ái,… Đó là “chuỗi thánh đức” liên kết chặt chẽ với nhau. Hành trình đó không là 40 năm, 40 tháng hoặc 40 ngày, mà là hành trình cả đời, không được lơ đãng bất kỳ một giây phút nào. Ăn chay không chỉ nhịn ăn, nhịn uống, mà còn phải kiềm chế các thói hư tật xấu. Trước tiên là kiềm chế cái lưỡi. Vâng, tịnh tâm là động thái cần thiết để hồi phục – cả về thể lý lẫn tinh thần.

Cuộc trở về nào cũng khó khăn vì giằng co, dùng dằng, muốn buông bỏ mà còn luyến tiếc. Đôi khi khó khăn nhỏ bé như một bước chân, vậy mà đó lại là chướng ngại vật cồng kềnh: Bước đi tới hay bước quay lại?

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin giúp chúng con can đảm dứt khoát trở về với Ngài và với tha nhân – qua việc yêu thương và tha thứ cho nhau, để xứng đáng được thông phần đau khổ và được phục sinh với Con Một Yêu Dấu của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Mùa Chay – 2022

▶ Mùa Trai Tịnh – https://youtu.be/1l8lNUcf-OY

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …