Thánh thiện và tội lỗi là hai phạm trù đối lập nhau. Thánh thiện thuộc về Thiên Chúa và tội lỗi là bản chất của con người. Hai nhân vật được nêu trong Lời Chúa hôm nay, một trong Bài Cựu ước và một trong Bài Tin Mừng, đã khẳng định sự tách biệt này. Khi được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa với lời tung hô ba lần “Thánh! Thánh! Thánh”, ngôn sứ Isaia đã thốt lên: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh.” Về phần ông Phêrô, khi chứng kiến mẻ lưới lạ, đã khiếp đảm thú nhận: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi.” Phản ứng của hai nhân vật trên đây cho thấy quan niệm của Do Thái giáo về sự cách biệt giữa Thiên Chúa và con người, vì Thiên Chúa là Đấng Chí thánh và con người là kẻ phàm hèn tội lỗi. Sự khác biệt này đã tạo một khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người. Khoảng cách ấy ngặt nghèo đến nỗi, nếu con người lỡ nhìn thấy Chúa, thì phải chết.
Nếu con người lo sợ và mặc cảm về thân phận tội lỗi của mình, thì Thiên Chúa lại chủ động đến với họ. Thiên Chúa trong Cựu ước đã trấn an ông Isaia: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha.” Đức Giêsu trong Tân ước thì lại nói với ông Phêrô: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta.” Thật lạ lùng! Thiên Chúa không những bỏ qua thân phận tội lỗi của con người, mà còn chọn gọi họ như những cộng sự viên thân cận của Ngài. Ông Isaia và ông Phêrô không những không phải chết, mà còn được gọi và sai đi để loan truyền giáo huấn của Thiên Chúa, giúp cho nhiều người nhận biết Ngài. Quả thật, ông Isaia và ông Phêrô đã nhiệt thành đáp lại lời mời gọi của Chúa, trở nên ngôn sứ và tông đồ của Ngài.
Thiên Chúa đã lấp đầy khoảng cách giữa Ngài với chúng ta. Không chỉ chủ động đến gần con người tội lỗi, Chúa Cha còn sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để sống thân phận con người. Người thánh thiện, mà chấp nhận hòa mình vào đám đông tội nhân đang xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa. Người là Đấng vô tội mà bị kết án như một kẻ bất lương. Người là nguyên lý của sự sống mà đã phải mang lấy cái chết trên thập giá. Qua Đức Giêsu, nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, con người tội lỗi được trở nên con Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Đây là sự trao đổi nhiệm màu: Con Thiên Chúa mang lấy tội lỗi của con người để con người được làm con Thiên Chúa.
Con Thiên Chúa đã làm người để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. Từ nay, không ai còn mặc cảm thân phận tội lỗi nữa. Hết thảy đều được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi làm sứ giả của Ngài giữa lòng thế giới. Thánh Phaolô là một bằng chứng: ông thú nhận mình đã từng giết hại các tín hữu, nhưng khi được Chúa quy phục, ông đã ăn năn sám hối và cuộc đời của ông đã sang trang. Ông tâm sự: “Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi” (Bài đọc II). Đó là điều kỳ diệu của tình thương. Phaolô luôn tâm niệm điều này và ông thấy có bổn phận làm cho vương quốc của Chúa sớm được thực hiện nơi trần gian.
Isaia, Phêrô, Phaolô, ba con người xuất thân từ ba hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng có chung một lý tưởng và một ơn gọi: làm sứ giả của Chúa và nhiệt thành loan báo lời Ngài. Hôm nay, Chúa vẫn đang kêu gọi chúng ta. Đừng mặc cảm cho rằng mình bất xứng hay bất tài. Ơn của Chúa sẽ phụ giúp và ban cho chúng ta sức mạnh. Về phía chúng ta, chúng ta cần đáp lại lời mời gọi của Chúa, bằng tâm tình yêu mến, nhiệt thành và thiện chí. Chúa sẽ làm cho chúng ta trở nên những dụng cụ hữu ích trong Giáo Hội của Người. Qua những dụng cụ bé mọn ấy, Chúa tiếp tục làm nên những mẻ cá kỳ diệu, và làm cho cuộc sống này nở hoa.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên