Tôn Giáo tố cáo Chính Trị, vì thế mà Chính Trị rất kỵ Tôn Giáo. Tuy nhiên, tôn giáo ảnh hưởng xã hội trên mọi lĩnh vực của con người. Nhà hoạt động ái quốc Mahatma Gandhi (1869-1948, Ấn Độ) nói: “Ai nói tôn giáo không liên quan chính trị thì kẻ đó chẳng hiểu gì về tôn giáo.” Còn Thánh Phaolô VI nói: “Chính trị là một trong những cách bác ái cao cấp.” Người hoạt động trong các lĩnh vực khác có thể cứu một nhóm người hoặc một vùng miền, còn người làm chính trị có thể cứu một quốc gia.
Chúa Giêsu không làm chính trị, Phúc Âm không là chính trị, nhưng Ngài đòi công lý cho những người hèn mọn, nghèo khổ. Thiên Chúa công minh chính trực, không áp bức bất cứ ai. (G 37:23) Thật vậy, “Thiên Chúa KHÔNG làm điều dữ, Đấng Toàn Năng KHÔNG bẻ quặt lẽ công minh.” (G 34:12) Chúa Giêsu chống áp bức, bất công, bảo vệ công lý, thế nên người Rôma tìm mọi cách để triệt Ngài đến cùng. Tại sao? Vì họ sợ sự thật. Ngày xưa thế nào thì ngày nay cũng chẳng khác, ác nhân vẫn cậy quyền ỷ thế tung hoành ngang dọc, khiến hiền nhân khốn đốn. Họ chẳng khác ma quỷ, và giống như loài covid vậy!
Mùa Vọng cũng tương tự Mùa Chay, tín nhân phải nỗ lực chấn chỉnh lối sống, hy sinh, chia sẻ yêu thương, nâng đỡ và bênh vực người nghèo khổ. Trên hành trình Mùa Vọng, hai ngọn nến tím và một ngọn nến hồng đã được thắp sáng – nghĩa là chúng ta đã “đi” được nửa chặng đường, đồng nghĩa với việc Chúa Giêsu đến gần rồi, lễ Giáng Sinh sắp tới… Nhưng chúng ta có thực sự “đến gần” Ngài hơn hay không, đó mới là vấn đề quan trọng.
Giáng Sinh năm nay lặng lẽ hơn mọi năm trước, vì kẻ khủng bố covid còn đó. Đau buồn biết bao khi 24.000 người thiệt mạng oan ức, trong số đó có tới 17.000 ca tử vong ở Saigon, và có hơn 1.500 trẻ em lâm cảnh mồ côi. Một con số quá khủng khiếp!
Nhưng Thiên Chúa sẽ đến chữa lành, Ngài không làm ngơ trước nỗi đau của nhân loại. Thánh Vịnh gia cho biết: “Triều đại Người [Thiên Chúa] đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.” (Tv 72:7) Công lý và hòa bình có mối liên quan lẫn nhau. Không có Công lý, không có Hòa bình – No Justice, no Peace. Chắc chắn như vậy!
Công lý là gì? Triết gia John Rawls (1921-2002, Hoa Kỳ) cho biết: “Công lý là đặc tính tiên quyết của tất cả các định chế xã hội.” Thật chí lý! Còn theo Giáo hội Công giáo: “Công lý và hoà bình là dấu chỉ của thời Thiên Sai, là triều đại của Vua vinh hiển.” Công lý bao gồm sự công bằng xã hội, sự liêm khiết, tính hợp lý, sự phán quyết công minh, phù hợp pháp luật, và trên hết là thực hiện Luật Chúa, cả luật tự nhiên ghi khắc trong lòng con người và luật được Thiên Chúa truyền dạy.
Chính trị gia Horatio Walpole (1717-1797, Anh quốc) nói: “Công lý là hành động của sự thật hơn là đạo đức. Sự thật cho chúng ta biết điều gì do người khác, và công lý thực hiện sự thích đáng đó. Sự bất công là động thái của sự dối trá.” Nhà vật lý Albert Einstein (1879-1955, Đức quốc, đoạt giải Nobel Vật lý năm 1921) nói: “Về sự thật và công lý, không có sự khác biệt giữa những vấn đề lớn nhỏ, vì những điều liên quan tới cách con người được đối xử đều giống như nhau.” Về mọi phương diện, sự bình đẳng cũng chính là công lý vậy.
Từ cổ chí kim, xã hội loài người luôn có quá nhiều bất công – bất công với nhau đã đành, chúng ta còn bất công với Thiên Chúa, Đấng tác tạo nên chúng ta. Ngài chí thánh, chí thiện, chí minh, chí công, và luôn rạch ròi mọi điều: “Ta chuộng lẽ công minh, ghét chuyện cướp bóc gian tà, nên Ta sẽ theo lòng thành tín mà ban phần thưởng cho các ngươi, và sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu.” (Is 61:8) Ngài tái xác định: “Ta là Đức Chúa, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bình và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này. Sẽ đến những ngày Ta sẽ hạch tội mọi kẻ cắt bì mà kể như không.” (Gr 9:23-24)
Thiên Chúa không bông đùa hoặc hù dọa. Nói là làm, và chính “tay hữu Chúa thi hành công lý.” (Tv 48:11) Trước mặt Philatô, một con người đầy quyền lực, Chúa Giêsu vẫn khẳng khái minh định: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18:37) Công lý là điều tối quan trọng, luôn được đề cập trong Kinh Thánh: “Công lý của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn, quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm.” (Tv 36:7) Tất cả mọi sự sẽ sáng tỏ, con người sẽ tốt lành nếu sống theo sự thật và loại bỏ mọi kiểu bất công.
Chính Chúa Cha đã nói rõ về Chúa Con: “Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.” (Mt 12:18) Chúa Giêsu sẽ “theo công lý mà xét xử và giao chiến” (Kh 19:11) và “trời mới và đất mới là nơi công lý ngự trị.” (2 Pr 3:13)
Ngày xưa, ngôn sứ Xôphônia vui mừng mời gọi: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi.” (Xp 3:14) Tại sao lại reo hò vui mừng như vậy? Sự kiện rất minh nhiên: “Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.” (Xp 3:15)
Như thế thì không thể không reo vui, không thể không hát mừng khi được hưởng tự do và hòa bình đích thực. Và sự thật tỏ tường: “Khi chính nhân thắng trận thì vinh quang chiếu tỏa nơi nơi, khi kẻ ác đứng lên, ai cũng phải ẩn mình.” (Cn 28:12) Mọi người đực sáng mắt và nhận ra chân lý bất biến: “Chính nhân cầm quyền, dân mừng rỡ. Ác nhân cai trị, dân oán than.” (Cn 29:2)
Ngày xưa, người ta nói với Giêrusalem: “Sion ơi, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời. Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội. Những kẻ tản lạc được hồi hương, Ta đã cất khỏi ngươi tai họa khiến ngươi không còn phải ô nhục nữa.” (Xp 3:16-18a) Và ngày nay, chúng ta cũng đang được nhắn nhủ như vậy. Hạnh phúc ấy quá lớn, lớn đến nỗi cứ ngỡ mình ngủ mơ. Nhưng không phải giấc mơ, không phải chiêm bao, hoàn toàn là sự thật rõ ràng.
Đau khổ lúc nào cũng có, nhưng chúng ta sẽ được cứu thoát khỏi mọi đau khổ, mọi bất công, mọi bất hạnh,… khi Con Thiên Chúa giáng trần, khởi đầu công cuộc cứu nhân độ thế. Ngày đó, mọi người sẽ đồng thanh xưng tụng: “Lạy Đức Chúa, con dâng lời cảm tạ: Ngài đã từng thịnh nộ với con, nhưng giờ đây cơn giận đã nguôi rồi, và Ngài lại ban niềm an ủi.” (Is 12:1) Mỗi chúng ta cũng sẽ vui mừng cảm nhận: “Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Đức Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ. Các bạn sẽ nói lên trong ngày đó: Hãy tạ ơn Đức Chúa, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân, và nhắc nhở: danh Người siêu việt.” (Is 12:2-4)
Thật diễm phúc khi được chính Con Thiên Chúa tới thăm, không ai có thể im lặng, mà phải thúc giục nhau như dân xưa: “Đàn ca lên mừng Đức Chúa, vì Người đã thực hiện bao kỳ công; điều đó, phải cho toàn cõi đất được tường. Dân Sion, hãy reo hò mừng rỡ, vì giữa ngươi, Đức Thánh của Israel quả thật là vĩ đại!” (Is 12:5-6) Niềm vui không thể trì hoãn. Niềm vui nối tiếp nỗi mừng, Thánh Phaolô nhắn nhủ và động viên chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.” (Pl 4:4-6)
Thuở xưa, ngôn sứ Isaia nói: “Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi; nghe tiếng ngươi kêu là Người đáp lại.” (Is 30:19) Và rồi “bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí chúng ta được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.” (Pl 4:7) Thánh Phaolô thẳng thắn nói: “Ai không yêu mến Chúa thì là đồ khốn kiếp!” (1 Cr 16:22) Có thể cầu thay nguyện giúp người thấy “chói tai,” nhưng đó là sự thật.
Về cách thực hiện công lý và hòa bình một cách nghiêm túc, trình thuật Lc 3:10-18 cho biết cụ thể chứ không mơ hồ. Các động từ cần thiết cho việc sống yêu thương là các động thái rất bình thường nhưng có tác dụng phi thường: Cho, trao, tặng, biếu,… Đó là cách thực hiện công lý, đồng thời cũng là cách kiến tạo hòa bình. Công lý và hòa bình không thể tách rời nhau.
Khi người ta hỏi về những việc cần làm, ông Gioan Tẩy Giả nói: “Ai có hai áo thì CHIA cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy.” Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa, gọi ông Gioan là Thầy và xin ông chỉ cho biết những gì phải làm. Ông nói: “ĐỪNG đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” Binh lính cũng hỏi và ông trả lời: “CHỚ hà hiếp ai, cũng ĐỪNG tống tiền người ta, HÃY an phận với số lương của mình.” Các động từ ở mệnh lệnh cách thật đáng lưu ý, vì đó là các động từ chứng tỏ sống theo công lý: Đừng đòi hỏi, chớ hà hiếp hoặc tống tiền ai, và CỨ an phận thủ thường, bằng lòng với những gì mình có.
Hai mệnh lệnh phủ định và một mệnh lệnh xác định cho biết bí quyết sống hạnh phúc ngay đời này: Tâm bình an thì sống thanh thản, không so đo để dễ chấp nhận những gì mình có. Càng so đo càng tự dày vò mình, tự làm khổ mình, và cũng dễ ghen tỵ với người khác. Đó là đối lập với yêu thương và công lý, do đó không có hòa bình.
Người xưa đã từng tưởng ông Gioan là Đấng Mêsia, nhưng ông xác định: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” Ông Gioan nói ngắn gọn nhưng thực tế, nhẹ nhàng mà đáng sợ, trong đó hàm chứa nhiều điều đáng suy tư.
Có lần bà Aung San Suu Kyi đã nhận định: “Chỉ có một nhà tù đích thực là sự sợ hãi, chỉ có một tự do đích thực là thoát khỏi sự sợ hãi đó.” Điều đó có nghĩa là công lý rất cần thiết. Nhưng trước tiên người ta cần phải có đức ái. Có Yêu Thương mới biết Trắc Ẩn, biết Trắc Ẩn để có thể Tha Thứ, có Tha Thứ mới có Công Lý, có Công Lý sẽ có Hòa Bình. Một chuỗi “nhân đức” nối kết với nhau rất chặt chẽ – và không thể thiếu bất cứ “mối” nào.
Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đã tố cáo: “Mỗi ngày trên thế giới có tới 130 ngàn thai nhi bị tước mất quyền làm người.” Thật rùng rợn! Phá thai là sát nhân, là bất công, vì thế người ta bất an, khiến xã hội thiếu bình an. Chỉ những ai thiện tâm mới được Thiên Chúa yêu thương và được hưởng bình an đích thực mà thôi. (x. Lc 2:14)
Thánh Vịnh nói về Thiên Chúa: “Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, giải phóng những ai tù tội, mở mắt cho kẻ mù loà, cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, yêu chuộng những người công chính, phù trợ những khách ngoại kiều, nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.” (Tv 146:6b-9)
Tôn giáo và chính trị là hai lĩnh vực khác nhau, không thể pha trộn hoặc lầm lẫn, nhưng cũng không thể tách rời nhau. Tôn giáo không giải cứu chúng ta, không thay đổi chúng ta, không chữa lành chúng ta, cũng không giải thoát chúng ta, nhưng chính Chúa Giêsu làm tất cả những điều đó. Ngài muốn mọi người hạnh phúc, nghĩa là giữ luật của Ngài.
Có lẽ người ta hiểu sai về chính trị, vì cứ tưởng làm chính trị là phải độc ác và đàn áp dân lành. Thật ra chính trị cũng chỉ muốn mọi người được an toàn – ít nhất là trên quê hương mình, như vậy là có tự do và hạnh phúc. Đó là chính trị của chính nghĩa. Thế nhưng người ta hiểu lệch lạc, rồi áp dụng theo ý độc đoán của mình, khiến người khác không mãn nguyện, thậm chí là đau khổ. Câu “quyền mưu cầu hạnh phúc” không là khẩu hiệu hoặc quy trình “xin–cho” mà là quyền chân chính đích thực do Thiên Chúa ban cho.
Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin ban hòa bình đích thực cho chúng con, xin biến đổi chúng con nên mới trong tình yêu của Ngài, xin giúp chúng con nhận ra Ngài nơi tha nhân trong cuộc sống đời thường này. Lạy Đấng Emmanuel, xin ngự đến cứu chữa chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU