Home / Chia Sẻ / Vị Thừa Sai cuối cùng.

Vị Thừa Sai cuối cùng.

 

(Viết về Cha Jean Baptiste Etcharren là một linh mục thừa sai có nhiều gắn kết rất đặc biệt với Giáo hội Việt Nam.)

Jean Baptiste EtcharrenNgày 21/9/21 một tin buồn đến Giáo hội Công Giáo Việt Nam. Tin từ Tổng Giáo phận Huế cho biết Linh mục Gioan Baotixita ETCHARREN, Nguyên bề trên Tổng quyền Hội Thừa Sai Paris ( Missions Étrangères de Paris) đã qua đời lúc 09 giờ 15 thứ ba, ngày 21 tháng 09 năm 2021 tại Đại chủng viện Huế, 30 Kim Long, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế, hưởng thọ 89 tuổi, 63 năm Linh mục .

Trong Thánh lễ trực tuyến sáng ngày 22/9/21 tại Tòa Giám Mục Long Xuyên, Đức Giám Mục Giuse Trần Văn Toản đã dâng Thánh lễ đồng tế đặc biệt cầu nguyện cho Ngài. Trong phần đầu lễ, Đức cha đã nhấn mạnh, Cha Gioan Baotixita là một vị linh mục ân nhân lớn của Giáo hội Công Giáo Việt Nam. Khoảng trên 100 vị linh mục thuộc các Giáo phận Việt Nam được ngài hỗ trợ đến Pháp du học tại Institut Catholique de Paris. Sau khi trở về Việt Nam các ngài đã làm giáo sư hay Giám đốc Đại Chủng viện, trong đó có 15 vị được Tòa Thánh tấn phong Giám mục. Chúng ta cùng nhìn lại cuộc đời thừa sai của Ngài:

Sinh tại Irouléguy, thuộc Giáo phận Bayonne, Pháp quốc ngày 15-4-1932. Học ở Tiểu Chủng viện Ustaritz, sau vào Đại Chủng viện của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris. Thụ phong linh mục ngày 02-02-1958. Ngày 22-4-1958 ngài lên đường lãnh sứ mệnh truyền giáo tại Huế. Nhưng ngài chưa đến Huế, mà đến Banam (Campuchia) học tiếng Việt một năm. Tháng 5-1959 đến Huế, và được Đức Cha JB. Urrutia Thi bổ nhiệm làm cha phó giáo xứ La Vang. Năm 1960, ngài đựợc cử ra phục vụ tại Mai Xá, sát gần vĩ tuyến 17.

Từ năm 1961 đến năm 1966, ngài làm giáo sư Trường Providence (Thiên Hựu) và Tiểu Chủng viện Hoan Thiện. Rất nhiều cựu chủng sinh Giáo phận Huế là học trò của ngài.

Năm 1966, Cha JB. Etcharren được Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ Đông Hà, kiêm hạt trưởng giáo hạt Vĩ tuyến 17, đồng thời làm Bề trên MEP miền Huế.

Ngày đó, tại giáo xứ Đông Hà có một trường tiểu học với 600 học sinh, cha sở JB. Etcharren lại xây thêm một trường Trung học mới, với khoảng 600 học sinh, phần đông thuộc các gia đình lương dân, và trao cho cha Nguyễn Thanh Hoan (về sau là Giám mục Giáo phận Phan Thiết) làm hiệu trưởng. Ngoài ra, ngài đã xây dựng tại các họ nhánh Dinh Xá, Trung Chi, Ái Tử mỗi nơi một trường tiểu học và giao cho các nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế phụ trách. Ngài còn giúp đỡ cho nhiều nông dân lương giáo trong vùng đó mua sắm các nông cụ để trồng trọt, cày bừa.

Năm 1972, do chiến tranh, ngài đưa các gia đình vùng Đông Hà-Quảng Trị, lương cũng như giáo, vào Hòa Khánh, Đà Nẵng; rồi qua năm 1973, ngài lại dẫn họ vào định cư lập nghiệp tại Bình Tuy, lo lắng cho mỗi gia đình, lương cũng như giáo, có nhà cửa, vườn tược, đất đai và dụng cụ canh tác.

Sau ngày 30-4-1975, ngài vẫn ở Bình Tuy với giáo dân của ngài, nhưng chỉ được ít tháng mà thôi, ngài phải lên đường trở về cố hương.

Về Pháp, từ năm 1976 đến năm 1983, cha JB. Etcharren được Hội Đồng Giám mục Pháp mời giúp đỡ Ủy ban Mục vụ Ngoại kiều, lo cho người tỵ nạn Việt-Miên-Lào. Rồi từ 1983 đến 1986, ngài làm việc trong Ban Mục vụ Maisons-Alfort và được trao trách nhiệm phụ trách Sở Tuyên úy Việt Nam.

Sau đó, năm 1986 ngài được bầu làm Phụ tá Bề trên Tổng Quyền, từ năm 1992 làm Đại diện Tổng Quyền, và từ năm 1998 đến năm 2010, trọn 12 năm làm Bề trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris liên tiếp 2 nhiệm kỳ.

Trong suốt thời gian 24 năm (1986-2010) tham dự việc điều hành Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris, qua những quyết định của ngài, cha JB. Etcharren đã tỏ ra đặc biệt thương mến và tận tình giúp đỡ Giáo hội Việt Nam trong việc đào tạo hàng giáo sĩ

Linh mục Lê Công Đức, Giáo sư Đại chủng viện Huế cho biết :”Chính trong vai trò lãnh đạo của MEP và với mối quan tâm đặc biệt dành cho Giáo hội ở Việt Nam mà ngài đã có những đóng góp lớn lao vào giai đoạn này. Nhớ, tình hình đào tạo nhân sự của Giáo hội Việt Nam vào thời gian cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 ấy thật là gay go, sau những năm đầy khó khăn kể từ 1975. Với chính sách đổi mới, nhà nước bắt đầu hé cửa cho một số linh mục đi du học nước ngoài. Cha Etcharren đã tạo điều kiện để MEP bảo trợ cho rất nhiều linh mục từ khắp các giáo phận Việt Nam đến Pháp học nâng cao, đa số học ở Đại học Công giáo Paris, thường gọi là ‘Cato’. Có những giai đoạn mà nhà MEP không đủ chỗ ở cho con số đông đảo các linh mục sinh viên, nên phải gửi một số ở nhờ các nhà khác, chẳng hạn nhà của Xuân Bích hay nhà của Lazarist… Cũng cần nhớ, bảo trợ cho một linh mục sinh viên là nuôi ăn ở và trả học phí cho linh mục ấy trong suốt học trình 5 năm, 6 năm hay thậm chí 10 năm… MEP đã hào phóng bảo trợ cho hàng trăm linh mục sinh viên Việt Nam như vậy… trong đó có 15 vị được Tòa Thánh tấn phong Giám mục. : Đức tổng Thiên (Hà Nội), Đức tổng Linh (Huế), ĐC Tri (Lạng Sơn), Đức tổng Kiệt ( Ninh Bình), ĐC Long (Vinh), ĐC Hiệu (Bùi Chu), ĐC Bản (Buôn Ma Thuột)), ĐC Vị (Kon Tum), ĐC Hùng (Phan Thiết), ĐC Hai (Vĩnh Long), ĐC Tước (Phú Cường), ĐC Sơn (Bà Rịa), ĐC Thống (+), Đức tổng Hồng (Huế), ĐC Tất ( Hưng Hóa)…”

Từ năm 1975, dầu phải rời bỏ Việt Nam trở về Pháp như các vị thừa sai khác của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, nhưng từ năm 1994 đến năm 1999, cha JB. Etcharren vẫn tìm dịp trở về thăm Việt Nam nhiều lần.

Ngoài ra, ngài còn nâng đỡ và hỗ trợ các giáo dân Pháp trong việc thành lập hội Viet Nam Espérance (Việt Nam Hy Vọng) vào năm 1994, để phục vụ và giúp đỡ Giáo hội Việt Nam. Đặc biệt, trong cuộc “Hội Thảo về thân thế và sự nghiệp linh mục Léopold Michel Cadière” tổ chức từ ngày 07 đến ngày 09-9-2010 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Huế, Cha JB. Etcharren đã thuyết trình bằng tiếng Việt đề tài “L. Cadière, hình ảnh một thừa sai và lời khuyên cho thế hệ thừa sai trẻ.”

 Sau cuộc Hội thảo, hai vị Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế là Đức TGM Nguyễn Như Thể và Đức TGM Lê Văn Hồng đã ngỏ ý mời cha JB. Etcharren nghỉ hưu tại Giáo phận Huế, và chính phủ Việt Nam đã chấp thuận để ngài tạm trú tại Huế. Cha JB. Etcharren đã vui mừng ở lại Huế trong bầu khí tràn đầy tình huynh đệ với Giáo hội Việt Nam từ năm 2010 đến nay. Đức đương kim Tổng Giám mục TGP Huế Giuse Nguyễn Chí Linh cũng rất quý mến ngài.

Sinh thời, Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận luôn có một tình bạn đầy thân ái và đặc biệt quý trọng đối với Cha JB. Etcharren.

Ngài sử dụng tiếng Việt một cách rất thông thạo và nhuần nhuyễn với giọng Huế-Quảng Trị.

Hưu dưỡng tại một ngôi nhà gần nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam, cha JB. Etcharren chỉ ước mong sống những năm cuối đời tại Giáo phận Huế thân yêu, nơi mọi thành phần dân Chúa, từ giáo sĩ đến giáo dân, luôn yêu quý, kính trọng và tri ân ngài một cách đặc biệt.

Trong niềm tri ân và thương tiếc vị Đại Ân nhân của Giáo hội Công Giáo Việt Nam, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho linh hồn Cha Gioan Baotixita  Etcharren được nghỉ yên trong Chúa.

Thánh lễ an táng do Đức Tổng Giám Mục GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH chủ tế cử hành vào 15 giờ ngày 22/9/2021 tại Đại Chủng viện và an nghỉ tại Đất Thánh Chủng viện Huế.

Phan Xa Minh

Xem thêm

XÉT ĐOÁN

XÉT ĐOÁN

Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.” (Mt 7:1) Từ …