Home / Chia Sẻ / QUYỀN VAN XIN

QUYỀN VAN XIN

QUYỀN VAN XINThiên Chúa yêu thương con người và ban cho nhiều loại quyền. Trước tiên là quyền sống – quyền làm người, gọi là nhân quyền. Trong đó mặc nhiên có những hệ lụy khác là nhân vị và nhân phẩm.

Ngài Thomas Jefferson (1743-1826) là tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 1801-1809, khi đó ông mới 38 tuổi. Ông không chỉ là chính khách mà còn là nhà ngoại giao, kiến trúc sư, luật sư, nhạc sĩ, trết gia, đặc biệt là cha để của bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ – United States Declaration of Independence.

Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập, ông đề cập BA QUYỀN CƠ BẢN KHÔNG THỂ BỊ TƯỚC ĐOẠT của con người là Quyền Sống, Quyền Tự Do và Quyền Sở Hữu. Trong bản tuyên ngôn, quyền sở hữu gọi là “quyền được mưu cầu hạnh phúc.” Bản tuyên ngôn này được cả thế giới phỏng theo, thậm chí có kẻ còn mạo nhận là của mình. Ngài Thomas Jefferson xác định: “Nếu pháp luật bất công, người ta không chỉ phải bất tuân mà còn bắt buộc phải làm như vậy. Khi chính phủ sợ người dân, khi đó có tự do; khi người dân sợ chính phủ, khi đó có bạo quyền.” Như vậy không là phản động mà là thi hành quyền sống làm người chân chính và lương thiện đúng nghĩa.

Mọi thứ đều bởi Thiên Chúa: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27) Về quyền hành, Thánh Phaolô xác nhận: “Không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập.” (Rm 13:1) Có quyền không phải để áp bức, đàn áp, đèn nén người khác, mà là để yêu thương và nâng đỡ người khác. Biết tôn trọng Quyền Sống của người khác là biết thương xót họ – Mối Phúc thứ năm trong Bát Phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5:7)

Về quyền van xin, thần học gia vĩ đại là Thánh TS Tôma Aquinô cho biết: “Chúng ta không có quyền đòi hỏi, nhưng phải nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bền đỗ.” Ngài cho biết phương thế quan trọng để cứu lấy linh hồn mình là “nhận ra những ai là người phải tránh.” Đúng như tiền nhân minh định: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào.”

Được quyền van xin cũng có nghĩa là có quyền tự do: “Từ nguyên thuỷ, chính Chúa đã làm nên con người, và để nó tự quyết định lấy.” (Hc 15:14) Sự tự do cần thiết và tốt cho con người, nhưng chính quyền tự do vẫn có thể tác hại con người, tùy người ta tự do làm điều tốt hay xấu. Sự tự do dễ dẫn tới thói kiêu căng, ngạo mạn. Ông bà Nguyên Tổ đã “dạy” chúng ta về điều đó. Ngược lại, ông Gióp cũng có quyền tự do, nhưng ông không phạm tội và trung tín với Thiên Chúa mặc dù ông chịu đau khổ đến tận cùng. (x. G 1:1-22; G 33:9; G 34:5-6)

Công tâm mà nói, chúng ta rất vui vì được Thiên Chúa ban quyền tự do và cầu xin Ngài. Ngôn sứ Giêrêmia loan báo: “Đức Chúa phán thế này: Reo vui lên mừng Giacóp, hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân! Nào loan tin, ca ngợi và công bố: ĐỨC CHÚA ĐÃ CỨU DÂN NGƯỜI, số còn sót lại của Israel! Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo.” (Gr 31:7-8) Hành động của Thiên Chúa vô cùng kỳ diệu, hành động phát xuất từ lòng thương xót vô biên của Ngài. Điều này không là chế độ “xin – cho” kiểu ban phát, mà là hành động của sự động lòng trắc ẩn, cũng không phải là lòng thương hại mà là tình thương xót vô điều kiện mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta. Đầu óc “bã đậu” của chúng ta không thể nào suy thấu!

Trong thời gian đại dịch Cúm Tàu Cộng như sóng thần dâng cao, chắc hẳn mỗi chúng ta thực sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự tự do sau thời gian bị phong tỏa, cách ly, giãn cách. Đó cũng là bài học cho con người về việc lạm dụng quyền tự do, khiến chúng ta phải trả giá quá đắt về quyền sống. Loại coronavirus độc ác hơn các loại virus khác, vì nó “đánh” thẳng vào phổi – trung tâm sự sống. Thật tang thương vì hàng chục ngàn người mất quyền sống – chết oan nghiệt. Rồi hàng ngàn trẻ em phải mồ côi, bơ vơ giữa chợ đời.

Liên quan tự do, những ai đã từng bị tù rồi mới biết thế nào là hạnh phúc khi được ra tù, được trả lại quyền tự do. Niềm vui đó khó tả vì nó quá lớn lao. Dân Israel đã từng có cảm giác kỳ lạ đó, họ thực sự vui sướng đến nỗi phải bật khóc. Ngôn sứ Giêrêmia nói tiên tri: “Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã. Vì đối với Israel, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Épraim chính là con trưởng.” (Gr 31:9) Và tất nhiên, điều tiên báo đó cũng đã được ứng nghiệm chính xác.

Thánh Vịnh gia mô tả cảnh tượng kỳ diệu đó: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán: Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!” (Tv 126:1-2) Chắc chắn không ai có thể trì hoãn niềm vui sướng như vậy, thế nên chính họ hân hoan thốt lên: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.” (Tv 126:3) Và Thánh Vịnh gia cầu xin: “Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam. Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.” (Tv 126:4-6)

Luật công bằng có vẻ giống như luật nhân quả vậy: Ai cười rồi sẽ khóc, ai sướng trước sẽ khổ sau. Ngược lại, ai khóc trước sẽ cười sau, ai vất vả rồi sẽ được hưởng kết quả. Một trong Bát Phúc cũng đề cập vấn đề này: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” (Mt 5:5) Thiên Chúa là Đấng chí minh, chí công, chí thiện, chí thánh!

Còn chúng ta là phàm nhân yếu đuối, đầy tội lỗi, hứa lắm quên nhiều, cứ hối rồi phạm, đứng rồi lại ngã. Cứ thế và cứ thế,… Chu kỳ của chúng ta là những chuỗi ngày tháng sám hối và đền tội. Tuy nhiên, vì bất xứng nên Thiên Chúa tuyển chọn một số người thay chúng ta dâng của lễ đền tội. Người đó được chọn không phải vì xứng đáng, mà vì Thiên Chúa muốn hành động theo kế hoạch thương xót của Ngài. Thánh Phaolô cho biết: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người PHẢI dâng lễ đền tội cho dân thế nào thì cũng PHẢI dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.” (Dt 5:1-5) Thiên Chúa quá nhân hậu.

Rất rõ ràng với lời giải thích của Thánh Phaolô: “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aharon đã được gọi. Cũng vậy, không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: ‘Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con,’ như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác:Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê’.” (Dt 5:4-6) Được CHỌN thì cũng NHẬN trọng trách, vì không phải được chọn để ung dung sung sướng, tìm an nhàn cá nhân mà “vô tư” bỏ quên tha nhân, mà phải quên mình, dấn thân, hy sinh vì người khác. Đó là hệ lụy tất yếu về trọng trách.

Cách đây vài năm, trong một buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư, ĐGH Phanxicô nhắc nhở giáo sĩ phải cố gắng tránh xa cám dỗ để có thể trở nên mục tử hữu hiệu, và phải bảo vệ đàn chiên khỏi nguy hiểm. ĐGH Phanxicô dùng từ ngữ mạnh mẽ, ví von thực tế, thậm chí có thể gây “sốc” với một số người: “Nếu chúng ta ĐI VỚI NGƯỜI GIÀU, là chúng ta đang ĐI VỀ PHÍA HƯ VÔ, chúng ta sẽ trở thành CHÓ SÓI, chứ không phải người chăn chiên. Ngài cũng thúc giục tín hữu Công giáo cầu nguyện cho giám mục và linh mục.”

Thật Thà thì Thẳng Thắn, Giả Dối thì Cong Queo. Ngày xưa chính Chúa Giêsu đã thẳng thắn cảnh báo mà không sợ đụng chạm bất cứ ai: “Hãy coi chừng các NGÔN SỨ GIẢ, họ ĐỘI LỐT CHIÊN mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là SÓI DỮ THAM MỒI. Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai. Ở bụi gai làm gì có nho mà hái? Trên cây găng làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.” (Mt 7:15-17; Lc 6:43-45) Ngài cảnh báo để thức tỉnh những người “tai to, mặt lớn” – đại diện.

Chuyện anh mù Batimê ở Giêrikhô là vấn đề có liên quan quyền của con người, đực đề cập trong trình thuật Mc 10:46-52 (≈ Mt 20:29-34; Lc 18:35-43).

Khi Chúa Giêsu và các môn đệ cùng với một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường tên là Batimê. Vừa nghe nói đến Đức Giêsu Nadarét, anh ta liều kêu to: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Có thể anh đã quá khổ sở vì bị mù lòa, cuộc đời như bóng đêm dày đặc, nên anh khao khát được thoát khỏi cảnh tối tăm, nhưng anh không “cầu may” theo kiểu “vái tứ phương,” mà chắc chắn anh thực sự có lòng tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu. Chỉ nghe người khác nói về Ngài chứ anh không biết gì khác, vậy mà anh đã thực sự tin, không chút mơ hồ hoặc nghi ngờ.

Nghe anh kêu réo om sòm, dai như đỉa đói, nhiều người đã quát nạt bắt anh im, nhưng anh càng kêu lớn tiếng với điệp khúc van xin: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Có thể những người quát nạt anh là những người xấu bụng, không hề biết thương xót khi thấy người khác đau khổ. Đã không thương thì thôi, họ lại còn đâm bị thóc, chọc bị gạo. Chảnh chọe quá chừng!

Mặc kệ người ta. Anh vẫn vững tin và kiên trì van xin. Mắt anh mù nhưng hồn anh sáng. Còn chúng ta, mắt không chỉ sáng mà còn có thể đẹp nữa, thế mà hồn có thể lại đang mù lòa. Đã vậy thì chớ, đôi khi chúng ta cầu xin mà cứ như “ra lệnh” cho Chúa vậy. Thật thế, van hoài xin mãi không được thì nản lòng, bỏ cuộc, chứng tỏ đức tin chúng ta quá hời hợt, nông cạn. Đó là ích kỷ chứ không là cầu nguyện hoặc cầu xin.

Chúa Giêsu đứng lại và bảo gọi anh lại, vì Ngài không thể làm ngơ khi nghe lời van xin chân thành của anh. Có người ta gọi anh và động viên: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Và chỉ chờ thế thôi, anh liền vất áo choàng, đứng dậy và đến gần Đức Giêsu. Ngài hỏi anh muốn Ngài làm gì cho anh thì anh nói: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Ngài nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Ngay lập tức, anh nhìn thấy được và đi theo Ngài trên con đường Ngài đi. Anh mù XIN và ĐƯỢC, Chúa Giêsu LẮNG NGHE và ĐÁP LẠI. Ngài và anh Ba-ti-mê đã cùng chung nhịp đập yêu thương. Chính đức tin của anh đã chạm vào Thánh Tâm thương xót của Đấng chữa lành. Thật tuyệt vời!

Bản chất Thiên Chúa là tình yêu. Ai càng yếu, Ngài càng thương. Thánh Vịnh gia cho biết: “Chúa thấy họ truân chuyên ngàn nỗi, nghe thấy lời cầu cứu van xin.” (Tv 106:44) Thiên Chúa là Đấng chạnh lòng thương xót và cũng động lòng trắc ẩn, chắc chắn Ngài luôn lắng nghe chúng ta van xin.

Lạy Thiên Chúa nhân hậu, xin chữa lành con mắt đức tin của chúng con để, xin ngăn chặn mọi bụi bặm trần tục bay vào mắt chúng con, để chúng con luôn sáng mắt nhận ra Ngài hiện hữu trong thiên nhiên, trong tha nhân, và trong mọi biến cố cuộc đời này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN