Truyền Giáo Là Thể Hiện Lòng Biết Ơn
SUY NIỆM KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
(Is 2, 1-5; 1 Tm 2, 4 – 6; Mc 16, 15-20)
Tháng 10 được gọi là tháng truyền giáo, là tháng Giáo hội dành đặc biệt để cầu nguyện cho việc truyền giáo cũng như nhắc nhở các tín hữu về sứ mệnh truyền giáo của mỗi người đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Vào Chúa Nhật áp chót của tháng 10 Giáo hội cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo. Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội ngày nay cần những tấm lòng có khả năng thúc đẩy mình đi đến “các vùng ngoại biên của thế giới”.
Những câu hỏi lớn được đặt ra : Truyền giáo là gì, tại sao phải truyền giáo và ai phải truyền giáo? Liệu có cần phải ngày cầu nguyện cho việc truyền giáo không
Truyền giáo, là giúp người ta tin nhận Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, để họ tin Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, để họ trở nên Kitô hữu.
Vì bản chất của Giáo Hội là truyên giáo. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Trích lời Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, ngài tiếp: “Giáo Hội hiện hữu để truyền giáo, để giảng thuyết và giáo huấn, để làm máng chuyển quà tặng của các ân sủng, để hoà giải các tội nhân với Thiên Chúa, để trường tồn hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, đó là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.”
Là chi thể của Hội Thánh, tất cả những người đã chịu phép rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Điều này không có ý nói họ phải đi thật xa. Những nơi nào có họ, họ phải truyền giáo. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói : “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phẩn khẩn thiết của ngày hôm nay”. Với lại, chính Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta : “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảngTin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15). Thánh Phaolô kêu lên : “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).
Rất cần thiết phải cầu nguyện cho việc truyền giáo. Ngày Thế giới Truyền giáo, hay Chúa Nhật Truyền giáo, được Đức Giáo hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1926, để nhắc nhở các tín hữu Công giáo về sự dấn thân và hỗ trợ của họ đối với công việc truyền giáo của Giáo hội thông qua cầu nguyện và hy sinh. (CSR_6222_2020)
Trong ngày 6 tháng 1 năm 2021 Lễ Chúa Hiển Linh, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã công bố sứ điệp cử hành ngày Thế giới Truyền giáo với chủ đề lấy từ sách Công vụ Tông đồ chương 4 cầu 20, “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra”.
Chủ để này nhắc nhở chúng ta “sở hữu” và đem đến cho người khác những gì chúng ta mang trong tim mình, nghĩa là một người đã trải nghiệm sâu sắc tình yêu thương xót của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô như các Tông Đồ, khi người ấy cảm nhận được yêu thương, họ không thể giữ điều đó cho riêng mình, nhưng muốn chia sẻ: điều này thật đẹp và quý giá, và do đó trở thành một sứ vụ. Chính các Tông đồ khi được trải nghiệm sức mạnh tình thương và sự hiện diện từ phụ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đã là những người đầu tiên chia sẻ cho chúng ta điều này. Cũng vậy, một khi cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Giêsu trong tim mình, chúng ta được thúc đẩy thi hành sứ mạng yêu thương. Hội Thánh không ngừng nhắc nhớ lại với tấm lòng biết ơn rằng Chúa đã yêu chúng ta trước. Theo đó, sống “trong tình trạng truyền giáo” là một phản ánh của lòng biết ơn” (x. Sứ điệp cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, 21-5-2020).
Sứ vụ được liên kết mật thiết với tình yêu của Chúa Kitô. Nó không phải là một hoạt động của con người, một gánh nặng, nhưng nó bắt nguồn từ lòng biết ơn. Được tình yêu của Thiên Chúa bao bọc và che chở, chúng ta muốn chia sẻ tình yêu này đặc biệt với những người không cảm thấy được yêu, những người cảm thấy bị bỏ rơi, bị từ chối. Chúng ta, những người đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta đã lắng nghe và đón nhận Tin Mừng tình yêu, hãy chia sẻ Tin Mừng đó với người lân cận của mình, với trái tim tràn đầy lòng biết ơn (x. Sứ điệp truyền giáo 2021).
Lòng trắc ẩn là điều được Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong Sứ điệp. Để loan báo Tin Mừng hôm nay, thì ngôn ngữ được nhân loại hiểu chính là bác ái và lòng trắc ẩn: đó là một trong những khía cạnh để chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa. Trong đại dịch, nhiều người trên thế giới vốn đã mong manh, bị gạt ra ngoài lề xã hội, dễ bị tổn thương. Ngày nay hoàn cảnh của họ đã trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, lòng trắc ẩn của Đức Kitô sẽ mang lại cho họ niềm an ủi và niềm hy vọng mới.
Đức Thánh Cha gọi chúng ta là ‘những người truyền giáo của hy vọng’, trong một thế giới rất cần sự tử tế, lòng hiếu khách, lòng thương xót và tình huynh đệ. Sứ vụ là thực hiện mọi hành động của đời sống với tinh thần của Thánh Thể, là sống một đời sống tri ân và cảm tạ Thiên Chúa, là làm mọi việc nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Ngài là hồng ân lớn nhất mà chúng ta nhận được, và hồng ân đó đem lại hoa trái (x. Sứ điệp truyền giáo 2021).
Chúng ta đừng quyên rằng, nhà truyền giáo là những người chia sẻ tình yêu Thiên Chúa, rời bỏ sự an toàn, sự thoải mái của cuộc sống và đi đến những vùng ngoại vi của thế giới, giữa những người nghèo và thiệt thòi nhất, giữa những người đau khổ và thiếu thốn, làm chứng bằng cuộc sống rằng Thiên Chúa là tình yêu, và Người yêu thương và hiến mình cho mọi thụ tạo. Những người truyền giáo là những người, giống như các tông đồ, không thể giữ lại cho mình tình yêu mà họ đã cảm nghiệm: Thánh Thần thúc đẩy họ đến tận cùng trái đất để loan báo và trao ban chính mình cho những ai cần nhất, cho những ai đau khổ và tuyệt vọng, cho những ai chưa biết Người và chưa cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa Kitô”.
Chúng ta cùng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người Tông đồ đầu tiên và là nhà thừa sai của Lời Chúa, giúp chúng ta mang sứ điệp Tin Mừng đến với thế giới với niềm hân hoan khiêm tốn và rạng ngời, vượt lên trên bất kỳ sự từ chối, hiểu lầm hay bách hại nào.
Nữ Vương truyền giáo, cầu cho chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ