Home / Chia Sẻ / THƯƠNG TIẾC NGƯỜI ĐÃ RA ĐI

THƯƠNG TIẾC NGƯỜI ĐÃ RA ĐI

Gần như chúng ta đều biết câu chuyện Zorba người Hy Lạp qua quyển sách nổi tiếng của tác giả Nikos Kazantzakis hoặc qua phim ảnh.  Và Zorba không phải là nhân vật hư cấu.  Alexix Zorba là người thật việc thật, có tính cách phóng khoáng và tinh thần hoạt bát đến nỗi khi ông qua đời, Kazantzakis không thể chấp nổi chuyện đó, tự vấn rằng một người với sức sống mãnh liệt thế kia mà có thể chết sao.

Khi biết tin Zorba qua đời, phản ứng của Kazantzakis là thế này: “Tôi nhắm mắt lại và cảm thấy nước mắt từ từ lăn xuống âm ấm trên gò má.  Ông ấy chết rồi, chết thật rồi.  Zorba đã ra đi, đi mãi không về.  Tiếng cười đã chết, bài ca im bặt, cây đàn santir vỡ tan, điệu nhảy trên bãi đá bờ biển đã dừng, cái miệng ham muốn đặt câu hỏi không ngừng giờ đã đầy bùn đất. …  Những linh hồn như thế sẽ không chết.  Đất, nước, lửa, liệu có thể tạo ra một Zorba nữa không? …  Như thể tôi tin ông ấy sẽ bất tử vậy.”

Đôi khi thật khó để tin là một người nào đó có thể chết, vì cuộc sống và sức sống của họ quá tuyệt diệu.  Đơn giản là chúng ta chẳng hình dung nổi một sức sống như thế lại nằm yên, lại chết và mãi mãi xa rời trần thế này.  Có những người dường như không thể chết vì chúng ta không hình dung nổi một sức sống, sự khoáng đạt, phong phú và tốt lành như thế lại chết.  Làm sao một sức sống diệu kỳ như thế mà chết được chứ?

Tôi đã nhiều lần cảm nhận chuyện này, gần nhất là mới tuần trước, khi hai đồng nghiệp cũ của tôi, những người khoáng đạt, sắc sảo, phong phú và cực kỳ tâm linh, đã chết.  Kazantzakis cố chấp nhận cái chết của Zorba, đồng thời tìm cách cố đương đầu với cái chết này.  Ông quyết định nỗ lực “phục sinh” Zorba, bằng cách kể những câu chuyện của Zorba cho cả thế giới sao để biến cuộc đời ông thành huyền thoại, thành vũ khúc, thành tôn giáo.

Kazantzakis tin rằng đây chính là việc Maria Mađalêna đã làm khi thương tiếc cái chết của Chúa Giêsu, khi bà rời mộ Ngài và trở lại với đời.  Bà đã “phục sinh” Chúa Giêsu bằng cách kể chuyện của Ngài, tạo nên một huyền thoại, một vũ khúc, một tôn giáo.  Nên khi thương tiếc cái chết của Zorba, Kazantzakis tự nhủ: “Hãy cho ông máu của chúng ta để ông có thể sống lại, chúng ta hãy làm những gì có thể để kéo dài thêm sinh mệnh cho con người mê ăn, mê uống, mê làm việc, mê đàn bà, mê lang bạt, người vũ công và chiến binh, linh hồn khoáng đạt nhất, thân thể rắn chắc nhất, tiếng hét tự do nhất mà tôi từng biết”.

Ông đã rất nỗ lực!  Và nỗ lực đó tạo nên một câu chuyện tuyệt vời, một thần thoại thú vị, nhưng nó không bao giờ tạo nên một tôn giáo hay một vũ khúc bất diệt, bởi nó không như những gì bà Maria Mađalêna đã làm cho Chúa Giêsu.  Dù thế, vẫn có gì đó đáng để chúng ta học hỏi về cách đương đầu với những ra đi quá lớn làm cho thế giới bỗng chốc hoang lạnh đi hẳn.  Chúng ta không được để sức sống diệu kỳ đó biến mất, chúng ta phải giữ cho nó sống.  Tuy nhiên, là tín hữu Kitô, chúng ta làm theo một cách khác.

ThuongtiecnguoidaradiChúng ta đọc câu chuyện của Maria Mađalêna theo một cách rất khác.  Bà Maria đến mộ Chúa Giêsu, thấy mộ trống, và đi ra ngoài khóc, nhưng… trước khi đi kể chuyện này cho người khác, bà đã được gặp Chúa Giêsu, được Ngài nói cho cách để tìm được sức sống, sự phong phú, tình yêu thương và con người của Ngài, trong một phương thức hoàn toàn mới là trong tinh thần của Ngài.  Phương thức đó bao hàm cả bí mật về cách chúng ta trao sự sống cho những người thân yêu sau khi họ đã mất.

Làm sao để giữ những người thân yêu và sức sống kỳ diệu mà họ đã đem lại cho đời, vẫn tiếp tục sống sau khi họ đã mất?  Trước hết, là bằng cách nhận ra rằng sức sống của họ không mất đi cùng với thân thể, rằng sức sống đó không rời trần thế này.  Sức sống của họ vẫn còn sống, vẫn còn ở bên cạnh chúng ta, nhưng bây giờ là ở trong chúng ta, qua tinh thần họ để lại (cũng như Chúa Giêsu đã để lại tinh thần của Ngài).  Hơn nữa, sức sống của họ truyền cho chúng ta mỗi khi chúng ta đi vào “Galilê” của họ, cụ thể là, vào những nơi mà tinh thần của họ phát triển và truyền đi dưỡng khí sinh sôi.

Thế nghĩa là sao?  “Galilê” của ai đó, nghĩa là gì?  “Galilê” của ai đó là sức sống đặc biệt, dưỡng khí đặc biệt mà người đó phát ra.  Với Zorba, thì đó là sự táo bạo và ham mê sống, với cha tôi là tinh thần ngoan cường, với mẹ tôi thì là lòng quảng đại.  Trong sức sống đó, họ phát ra một điều gì đó của Thiên Chúa.  Bất kỳ lúc nào chúng ta đến những điểm mà tinh thần của họ phát ra sức sống của Thiên Chúa, thì chúng ta hít vào dưỡng khí của họ, vũ điệu của họ và sự sống của họ.

Như tất cả các bạn, tôi cũng có những lúc choáng váng, buồn đau và hoài nghi về cái chết của một người nào đó.  Làm sao sức sống đặc biệt đó lại chết được?  Đôi khi sức sống đặc biệt đó được thể hiện nơi vẻ đẹp thể lý, sự duyên dáng, bạo dạn, hăng say, phong phú, kiên cường, cảm thương, nhân ái, nồng hậu, khéo léo hay dí dỏm.  Có thể rất khó chấp nhận rằng vẻ đẹp và dưỡng khí đem lại sự sống đó, có thể rời bỏ trần thế này.

Xét cho cùng, chẳng gì mất đi cả.  Đôi khi, trong thời gian của Thiên Chúa, khi đúng thời đúng điểm, tảng đá sẽ lăn ra, và như Maria Mađalêna đã từ mộ đi về, chúng ta sẽ biết rằng nếu đến “Galilê”, mình có thể hít thở sức sống diệu kỳ đó lần nữa.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …