Đức Giê-su chịu thử thách trong hoang địa
Hằng năm, vào Chúa Nhật I Mùa Chay, Tin Mừng tường thuật cho chúng ta chuyện tích “Đức Giê-su chịu thử thách trong hoang địa”.
Các Bài đọc
Hằng năm, vào Chúa Nhật I Mùa Chay, Tin Mừng tường thuật cho chúng ta chuyện tích “Đức Giê-su chịu thử thách trong hoang địa”. Vì thế, vào năm A này, phụng vụ mời gọi chúng ta lắng nghe và suy gẫm chuyện tích Đức Giê-su chịu thử thách trong hoang địa theo Tin Mừng Mát-thêu.
St 2,7-9; 3,1-7
Bài đọc 2 trích từ sách Sáng Thế mô tả, theo hình thức gợi hình, sự thử thách của người phụ nữ đầu tiên. Được đặt trước một sự chọn lựa: hoặc nương tựa vào Đấng Tạo Hóa, hay tự mình quyết định theo sự tự do của riêng mình, người phụ nữ này sa ngã trước sự thử thách và kéo theo nhân loại.
Rm 5,12-19
Trong Thư gởi các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô gợi lên rằng nhân loại từ nguyên thủy mang lấy dấu ấn của tội lỗi, nhưng nhờ Đức Giê-su, cắt đứt với A-đam và được tái sinh trong muôn vàn ân sủng.
Mt 4,1-11
Tin Mừng Mát-thêu tường thuật việc Đức Giê-su chịu thử thách trong hoang địa. Xa-tan đề nghị cho Ngài những con đường cứu thế khác với con đường thập giá mà Chúa Cha đã chọn.
Gợi ý Bài giảng
Chuyện tích “Đức Giê-su rút vào hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ” được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại. Dù có nhiều chi tiết khác nhau, tuy nhiên cả ba đều đặt biến cố này ngay sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa bởi Gio-an Tẩy Giả. Cả ba Tin Mừng đều nhấn mạnh rằng việc Đức Giê-su rút lui vào hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ là dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
1. Gốc tích câu chuyện:
Không ai được chứng kiến tận mắt biến cố nầy, vì thế phải giả sử rằng nguồn cung cấp duy nhất của mọi dữ kiện nầy không ai khác hơn ngoài Đức Giê-su. Đây là cuộc chuyện trò riêng tư giữa Thầy và trò. Vì thế, chúng ta đến câu chuyện nầy với lòng cung kính tuyệt đối, vì qua đó Đức Giê-su đã thổ lộ những sâu kín trong lòng của Ngài. Ngài đã cho loài người biết kinh nghiệm của chính Ngài. Đây là câu chuyện thánh hơn hết vì qua đó Đức Giê-su muốn nói với mỗi người rằng Ngài có thể giúp đỡ chúng ta trong những chước cám dỗ. Từ những cuộc chiến đấu của chính Ngài, Ngài đã cho chúng ta thấy Ngài có thể giúp chúng ta trong cuộc chiến đấu của chính chúng ta. Vào cuối đời, Đức Giê-su đã có thể nói với các môn đệ: “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan” (Lc 22,28). Vả lại, Đức Giê-su ám chỉ rõ ràng đến sự chiến thắng của Ngài trên quyền lực quỷ vương trong dụ ngôn về một kẻ mạnh bị trói. Đám đông hỏi Ngài nhờ ai mà Ngài xua trừ ma quỷ, Đức Giê-su trả lời: “Làm sao người ta có thể vào nhà một kẻ mạnh và cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó?” (Mt 12,29).
2. Hoang địa:
Hoang địa nơi Đức Giê-su rút lui là sa mạc Giu-đê, trải dài giữa Giê-ru-sa-lem và Biển Chết. Dãi đất hoang vu nầy toàn cát vàng, đá vôi bể vụn và đá sỏi rải rác. Đó là nơi Đức Giê-su thấy mình trơ trọi hơn bất cứ nơi nào khác trong toàn xứ Pa-lét-tin. Những chước cám dỗ đã có thể mặc lấy hình thức của cuộc tranh luận nội tâm, diễn ra trong suốt cuộc rút lui vào hoang địa nầy như hai thánh Mác-cô (Mc 1,13) và Lu-ca (Lc 4,2) gợi ra, đoạn đạt đến cực điểm, vì sự yếu nhược thể lý của Đức Giê-su, do bởi ăn chay lâu dài như thánh Mát-thêu gợi ra (Mt 4,3).
Đức Giê-su chuẩn bị sứ mạng của mình trong thinh lặng, cầu nguyện và chay tịnh. Hơn nữa, khi người ta ăn chay, có nghĩa người ta khiêm tốn nhận ra mình là tội nhân. Việc Đức Giê-su chay tịnh được định vị vào trong tiến trình nối tiếp sau việc Ngài chịu phép rửa, như vậy Ngài cũng muốn được liên đới với toàn thể nhân loại tội lỗi.
Đồng thời, Đức Giê-su cũng bày tỏ ước nguyện của mình là thu tóm ở nơi bản thân mình vận mệnh của dân Ngài. Như dân Ngài, Ngài đã kinh qua cuộc lưu đày ở Ai-cập khi còn ấu thơ (Mt 2,13-16); bây giờ, Ngài trải qua kinh nghiệm ở hoang địa bốn mươi đêm ngày, con số này nhắc nhở bốn mươi năm dân Do Thái đã trải qua trong hoang địa, cũng như bốn mươi đêm ngày ông Mô-sê chuẩn bị để đón nhận những lời Giao Ước trên núi Xi-nai.
Chính ông Mô-sê mà thánh ký đặc biệt nghĩ đến, như được bày tỏ trong chuyện tích cám dỗ này. Như ông Mô-sê xuống núi Xi-nai để công bố Giao Ước, Giao Ước này thiết lập dân Ít-ra-en thành dân Chúa chọn; cũng vậy, Đức Giê-su sẽ rời bỏ hoang địa để thiết lập một Giao Ước Mới và khai sinh một dân Ít-ra-en mới. Song đối với bốn mươi ngày trong hoang địa, chúng ta cũng sẽ gặp thấy cùng khoảng thời gian giữa biến cố Phục Sinh và biến cố Thăng Thiên của Đức Giê-su: “Trong bốn mươi ngày, Ngài đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3).
3. Ba chước cám dỗ:
Một mặt, ba chước cám dỗ diễn tiến theo trình tự của ba chước cám dỗ chính yếu mà dân Do Thái đã trải qua trong hoang địa: bánh man-na (Xh 16,4), điềm thiêng dấu lạ (Xh 17) và thờ ngẫu tượng (Xh 32). Nhưng trong khi dân Ít-ra-en thất bại trước những chước cám dỗ này, thì Đức Giê-su lại chiến thắng vẻ vang. Mặt khác, ba chước cám dỗ này đều có một nét chung: cả ba đều được sắp xếp nhằm trình bày những quan niệm sai lầm về Đấng Mê-si-a mà Đức Giê-su sẽ gặp phải trong suốt sứ vụ của Ngài. Trong hoang địa, Ngài có đủ sáng suốt và sức mạnh cần thiết để chế ngự chúng.
3.1- Đấng Mê-si-a trần thế:
Sau khi đã ăn chay suốt bốn mươi đêm ngày, Đức Giê-su cảm thấy đói. Quỷ cám dỗ Ngài biến những hòn đá thành bánh: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi !”. Quỷ muốn thử thách quyền năng của Đấng đã nhận tước hiệu “Con Thiên Chúa” vào lúc Ngài chịu phép rửa. Cũng một cách như vậy, những kẻ thù Ngài chế nhạo và thách đố Ngài ở dưới chân thập giá: “Hãy cứu lấy mình đi, nếu mày là Con Thiên Chúa” (Mt 27: 40). Hai chước cám dỗ nầy song đối với nhau: lạm dụng quyền Con Thiên Chúa để mưu cầu tư lợi cho riêng mình. Đức Giê-su đã đẩy lùi chước cám dỗ nầy: Ngài sẽ chỉ sử dụng quyền năng của mình để phục vụ tha nhân.
Xưa kia dân Do Thái trong khi phải đói trong hoang địa đã nhận được bánh man-na; ông Mô-sê cảnh giác họ đề phòng mọi tham lam của cải vật chất: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3). Đức Giê-su đáp lại Xa-tan cũng bằng những lời nầy, qua đó Ngài khẳng định cái đói mà Ngài đến để làm no thỏa là cơn đói Lời Chúa. Trong câu trả lời của Ngài, Đức Giê-su không chỉ không để lộ chân tính của Ngài, nhưng tự đồng hoá mình với nhân loại.
Một ngày kia, trong khi Đức Giê-su đói, các môn đệ của Ngài mang đến cho Ngài lương thực, Ngài trả lời: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết…Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy…” (Ga 4,32-33).
3.2- Đấng Mê-si-a uy quyền:
“Sau đó, ma quỷ đem Ngài đến thành thánh, và đặt Ngài trên nóc đền thờ, rồi nói với Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống coi”. Quỷ đề nghị với Đức Giê-su thực hiện một kỳ công ngoạn mục, nhờ đó Ngài có được một uy thế lớn lao đối với dân chúng. Với sự khôn khéo xảo quyệt, Xa-tan trích dẫn Thánh Vịnh 91,11-12.15 theo đó người công chính hoàn hảo, được Thiên Chúa phù trì che chở và truyền cho thiên sứ tay đỡ tay nâng cho khỏi bị vấp chân vào đá.
Xưa kia, trong hoang địa, chính dân Do Thái cũng đã thách thức Thiên Chúa: nếu Ngài không ban cho họ nước uống ngay tức khắc, thì họ sẽ nghi ngờ sự hiện diện của Ngài (Xh 17,1-7), dù trước đó Ngài đã ban cho họ bánh kỳ diệu. Nhờ quyền năng Thiên Chúa, ông Mô-sê đã ban cho họ nước phun ra từ tảng đá, tuy nhiên ông trách cứ nghiêm khắc dân cứng đầu cứng cổ nầy: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 6,16).
Đức Giê-su đã trả lời cho sự thách đố của Xa-tan cũng bằng chính lời của ông Mô-sê:“Ngươi chớ thách thức Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Đức Giê-su bác bỏ lời đề nghị của Xa-tan: Ngài không đòi hỏi Thiên Chúa độ trì che chở Ngài đến độ đặt Ngài ra ngoài thân phận thường tình của con người. Sau nầy, Đức Giê-su cũng đã nhiều lần bị thách thức theo chiều hướng nầy: những người Biệt Phái đòi hỏi Ngài một dấu lạ ngoạn mục từ trời để chứng thực Ngài là Đấng Mê-si-a. Nhưng Ngài sẽ không bao giờ ban cho họ.
3.3- Đấng Mê-si-a thống trị thế giới:
Chước cám dỗ thứ ba được định vị trong môi trường khải huyền: một ngọn núi tưởng tượng, Xa-tan chủ tể của mọi vương quốc…Chắc chắn, những hình ảnh nhấn mạnh sức mạnh của cuộc chiến nội tâm mà Đức Giê-su phải đương đầu: chước cám dỗ về một Đấng Mê-si-a thống trị thế giới.
Đấng Mê-si-a mà dân Do Thái chờ đợi mặc lấy nhiều dung mạo; nhưng phần đông hy vọng một Đấng Mê-si-a khải hoàn và chiến thắng, Đấng sẽ khôi phục lại vương quốc Đa-vít, qua đó, sẽ cho phép Thiên Chúa thống trị toàn thế giới. Một chương trình tuyệt vời, nhưng không một chút nào là chương trình của Đức Giê-su. Ngài đã đến với tư cách là “Người Tôi Trung” và “Con Người”, đó là hai tước hiệu Mê-si-a mà Ngài quy chiếu về mình. Khi đám đông phấn chấn muốn tôn Ngài lên làm vua, Ngài liền lánh mặt (Ga 6,15). Ở Xê-da-rê Phi-líp-phê khi thánh Phê-rô ra mặt chống đối viễn cảnh về Đấng Mê-si-a chịu đau khổ, Đức Giê-su mạnh mẽ đẩy lùi cơn cám dỗ nầy: “Xa-tan, hãy lui lại đằng sau Thầy!” (Mt 16,23). Đó cũng là mệnh lệnh mà Ngài ra lệnh cho Tên Cám Dỗ trong hoang địa: “Xa-tan kia, xéo đi!”.Trong cuộc đời của Ngài, chưa bao giờ xảy ra một cuộc chiến đấu với chước cám dỗ nào dữ dội như cuộc chiến đấu tại vườn Ô-liu, khi quỷ tìm cách cám dỗ Ngài từ chối con đường thập giá.
Thánh ký đồng hoá quyền thống trị thế giới với sự khuất phục dưới quyền Xa-tan. Sau nầy, Đức Giê-su vạch mặt chỉ tên Xa-tan là “thủ lãnh thế gian nầy” (x. Ga 12,31; 14,30; 16,11; 1 Ga 3,8). Thánh Phao-lô cũng đồng hoá những quyền thống trị thế giới với những thế lực của Sự Ác, vì vào lúc đó, quyền nầy là quyền của thế giới ngoại giáo và quyền thờ lạy ngẫu tượng (Ep 6,12).
Xưa kia, ngay cả trước khi vào Đất Hứa, dân Do Thái để cho mình bị cám dỗ bởi việc thờ lạy ngẫu tượng (thờ bò vàng), ông Mô-sê đã mạnh mẽ xác quyết: “Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ” (Đnl 6,13). Đức Giê-su cũng đáp trả bằng những lời xác quyết mạnh mẽ như thế:“Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Lúc đó, một chi tiết thật là có ý nghĩa: “Lập tức có thiên sứ đến gần hầu hạ Ngài”, nghĩa là, Đức Giê-su đích thật là Đấng Công Chính hoàn hảo mà Thánh vịnh 91 tiên báo.
Đức Giê-su đã không chọn những của cải trần thế, nhưng sự nghèo khó; Ngài đã không chọn uy thế, nhưng sự khiêm hạ; Ngài đã không chọn thờ ngẫu tượng của quyền thống trị thế giới: Ngài thích bị kết án một cách bất công là “vua dân Do Thái” hơn.
Lm. Inhaxiô Hồ Thông