Home / Chia Sẻ / CHỨNG TÁ CỦA SỰ HIỆP NHẤT TRONG ĐA DẠNG

CHỨNG TÁ CỦA SỰ HIỆP NHẤT TRONG ĐA DẠNG

ChungtacuasuhiepnhatCùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.  Mừng kính các ngài, chúng ta nhớ đến hai đấng như là những mẫu gương sáng ngời về đời sống chứng tá cho đức tin qua tinh thần hiệp nhất trong đa dạng.  Các ngài còn được ví như những người tiên phong trong công cuộc loan báo Tin Mừng; như những vì sao sáng trong Giáo Hội; như những vị tướng anh hùng trong trận địa đức tin.

Tuy nhiên, nhìn lại cuộc đời của hai thánh, chúng ta thấy các ngài là những con người rất đỗi bình thường.

Thánh Phêrô được biết đến như một con người bình dân học vụ, phát xuất từ một gia đình bình thường làm nghề ngư phủ, không gì nổi trội và nhiều điểm bất toàn như: tính nóng nảy, ăn nói không thông, cư xử cục mịch, nhanh tin nhưng cũng vội phủ nhận, can trường nhưng cũng không thiếu những lúc nhát đảm, và tội lớn nhất của Phêrô chính là chối Chúa đến ba lần.

Còn thánh Phaolô thì: xuất thân từ một gia đình tri thức, ăn nói thông thạo, lý luận sắc bén, tài cao hiểu rộng…  Ngài còn được biết đến dưới bóng dáng của một kẻ bắt đạo khét tiếng.  Quả thật, Phaolô ghét Danh Giêsu đến nỗi chỉ cần ai nói về Danh ấy thôi thì Phaolô cũng tìm mọi cách để triệt hạ.

Nhưng từ lúc Phêrô nhận ra ánh mắt nhân từ của Đức Giêsu khi ông chối Ngài đến ba lần; Phaolô được Đức Giêsu mặc khải qua vụ ngã ngựa lịch sử và chữa cho sáng mắt cách lạ thường, thì cả hai đấng đều có chung một thái độ là cảm nghiệm được Đức Giêsu yêu thương đặc biệt, nên ăn năn sám hối và quyết tâm thay đổi cuộc đời.

Nếu trước kia, các ngài ghét danh Giêsu, hay sợ không dám nói và làm chứng về Danh ấy, thì giờ đây, cả hai đều chỉ còn mối lợi tuyệt đối là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của các ngài mà thôi và suốt cuộc đời còn lại dù thuận tiện hay không, các ngài luôn sẵn sàng loan báo về Đức Giêsu và ơn cứu độ mà Ngài mang đến cho nhân loại qua cái chết trên Thập giá và sự phục sinh vinh hiển.

Thật vậy, nơi các ngài, tuy nhiều điểm khác biệt, nhưng từ khi Đức Giêsu chiếm lĩnh tâm hồn, các ngài đã trở nên chứng nhân cho Chúa: can đảm, kiên trung và chấp nhận chết để bảo vệ đức tin và lời giảng của mình là xác thực. 

Các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Đức Giêsu.  Các ngài đã chấp nhận sự đa dạng, nhưng hiệp nhất với nhau trong cùng đức tin và lòng mến.

Hai con người; hai tính cách; hai lối rao giảng khác nhau, nhưng cả hai đều có chung một mục đích.  Chính Đức Giêsu đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một nơi tình yêu và trong Ngài. 

Lời nguyện tiền tụng thánh lễ hôm nay cho thấy rõ nét tính cách của hai Tông đồ trụ của Giáo Hội: thánh “Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Israel, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân” (x. Lời Tiền Tụng).

Thật vậy, thánh Phêrô và Phaolô đã trở nên biểu tượng đức tin bất khuất cho Giáo Hội, trở nên đá tảng xây dựng Kinh Thành Muôn Thủa, trở nên kiểu mẫu của sự hiệp nhất trong đa dạng.

Được như thế, là vì các ngài khác nhau trong những điều phụ, nhưng hiệp nhất với nhau trong những điều chính và cùng chung một tình yêu trong tất cả mọi hoàn cảnh.

Vì thế, các ngài xứng đáng lãnh phần thưởng mà Thiên Chúa trao tặng cho người tôi tớ trung tín và khôn ngoan, được muôn dân truyền tụng và thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.

Nhân dịp mừng lễ của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta nhận ra sự quan phòng kỳ diệu mà Thiên Chúa đã ban cho các ngài.  Đồng thời cũng từ cuộc đời, ơn gọi và sứ mạng của hai thánh, chúng ta học được nơi các ngài những bài học quý báu trong hành trình môn đệ và sứ mạng của chúng ta:

Trước hết, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được nhận ra ơn gọi và chỗ đứng của mình trong lòng Giáo Hội để sẵn sàng thi hành bổn phận cách đặc thù mà Chúa muốn chúng ta thực thi để danh Chúa được rạng rỡ. 

Thứ đến, chúng ta cũng nhận ra sứ mạng cứu độ phổ quát mà Thiên Chúa muốn trao ban cho nhân loại, hầu sẵn sàng loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi và mọi thời, để đem lại niềm vui, hy vọng cho con người và thế giới hôm nay.

Tiếp theo, chúng ta hãy noi gương các ngài để yêu mến Chúa tha thiết, khiêm tốn, sám hối, trở về, can đảm và sẵn sàng làm chứng cho Đấng đã hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta.

Cuối cùng, noi gương các ngài, chúng ta sẵn sàng ngoan ngùy để Chúa Thánh Thần dẫn dắt, hầu trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất và làm cho sự phong phú, phổ quát của ơn cứu độ được loan đi đến tận chân trời góc bể.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội hai mẫu gương tuyệt vời là thánh Phêrô và Phaolô.  Qua cuộc đời của các ngài, xin cho chúng con biết cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội bằng sự cảm thông, tôn trọng trong khi thi hành sứ vụ, hầu Tin Mừng được loan đi khắp nơi, bằng nhiều cách thế khác nhau nhưng vẫn giữ được sự tinh tuyền của đức tin.  Amen.

 

Jos.Vinc. Ngọc Biển

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …