CN 12B TN
Biển Hồ Nổi Sóng
(Mc 4,35-41)
Biển hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Genneseret, Hồ Kinneret hoặc Hồ Tiberias (tiếng Do Thái: ים כנרת), là một hồ nước ngọt lớn nhất ở Israel. Hồ có chu vi khoảng 53 km (33 dặm), chiều dài khoảng 21 km (13 dặm), chiều rộng khoảng 13 km (8 dặm), với diện tích tổng cộng là 166 km². Hồ có chiều sâu tối đa là 43 m. Hồ nằm ở độ sâu 209 mét dưới mực nước biển, là hồ thấp thứ hai trên Trái Đất (sau Biển Chết, một biển hồ nước mặn).
Biển hồ Galilê nằm sâu trong Thung Lũng Tách Giãn Lớn Jordan (Great Rift Valley), do sự tách biệt giữa Mảng Châu Phi và Mảng Ả Rập, và được cung cấp nước một phần bởi các suối ngầm trong lòng đất, dù rằng nguồn nước chính của nó là sông Jordan, chảy qua đó từ bắc xuống nam. Bởi vậy, khu vực này thường bị động đất, và – trong quá khứ – có các hoạt động núi lửa. Bằng chứng là vùng này có nhiều đá basalt và các đá do lửa tạo thành khác. (theo Wikipedia) Như vậy theo các nghiên cứu, Biển Hồ Galilê có diện tích rất lớn, được bao bọc bởi 9 thành phố. Mặc dù nó chỉ là một hồ nước ngọt, nhưng vì diện tích quá lớn nên nó cũng đặc tính như một biển, tức cũng có sóng và thường xảy ra những trận cuồng phong dữ dội, vì nó nằm ngay nếp gãy giữa Mảng Châu Phi và Mảng Ả Rập.
Trong 3 năm loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu lúc ở bờ bên này, lúc ở bờ bên kia để đem Tin Mừng đến cho dân chúng ở chín thành phố. Sự kiện Chúa Giêsu lúc ở bên này, lúc ở bên kia, có một ý nghĩa to lớn xét về mặt tôn giáo. Tâm hồn Kitô hữu chúng ta cũng rộng lớn như Biển Hồ, Chúa đến với ta, lúc ở bên này, lúc ở bên kia cuộc đời, để đem ánh sáng Lời Chúa đến với ta, để Ngài chia sẻ tất cả những đau khổ và cực nhọc trong đời ta. Ngài không ở hẳn bên nào mà luôn đi qua đi lại. Để trong mỗi cơn cám dỗ, trong mỗi đau khổ và bất hạnh, trong mỗi thất bại ta đều có Chúa sẻ chia với ta.
Lần đi qua Biển Hồ này có một biến cố xảy ra, đó là một trận cuồng phong dữ dội, Marcô viết: “chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước” (Mc 4, 37).
Các môn đệ là những ngư phủ lành nghề và rất am hiểu Biển Hồ Galilê, thế mà các ông cũng không thể đoán trước được trận cuồng phong này và đã bị bất ngờ. Biển Hồ Galilê chính là “Cái Bẫy Chết Người”, và đã vùi xác rất nhiều ngư phủ tại đây. Họ đã bị lừa như khi thấy biển yên sóng lặng, nhưng không ngờ nó luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm chực chờ.
Theo quan niệm truyền thống Do Thái, “Cuồng Phong” chính là lúc Satan phô diễn sức mạnh. Như vậy Biển Hồ này chính là nơi hoạt động của thần lực tối tăm và của ma quỷ.
Nhưng cũng chính Biển Hồ này mà quyền năng của Con Thiên Chúa đã được phô bày trước mắt các môn đệ.
Bằng chứng trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu “đã ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi! ” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (Mc 4, 39). Và một lần khác, sau khi hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất, thầy trò cũng vượt biển Galilê và cũng đã xảy ra trận cuồng phong, Chúa Giêsu đã đi trên mặt biển để đến với các môn đệ. Marcô viết: “Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông” (Mc 6, 48). Như vậy cả hai lần các môn đệ đều được chứng kiến tận mắt quyền năng của Chúa Giêsu trên sức mạnh thiên nhiên. Họ ngạc nhiên hết sức và phải thốt lên: “vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”(Mc 4, 41).
Các phép lạ này mang ý nghĩa đặc biệt xét về mặt tôn giáo, đó là dịp củng cố niềm tin cho các môn đệ, niềm tin cho Giáo Hội và niềm tin cho chúng ta, để ta vững tin vào Chúa Giêsu. Có Chúa trong cuộc đời, ta không còn phải sợ hãi gì nữa, cứ vững tâm bước đi.[1]
Có câu truyện kể rằng: “trong một trại tù nọ, người ta nhận thấy có một vị giám mục khoảng ngoài 60 tuổi. Họ thấy ngài rất bình an và vui tươi, mặc dù bản án dành cho ngài là bất công, và hình khổ mà ngài phải chịu quả là đớn đau.
Khi được hỏi: “thưa đức cha, tại sao đức cha bình an đến như vậy? Người ta bỏ vạ, vu khống đức cha mà đức cha vẫn vui vẻ?” Đức cha trả lời rằng: “tôi làm gì và ở đâu đều có Chúa. Có Chúa là niềm vui và bình an. Hạnh phúc của đời người là khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa và được sống với Ngài. Tôi được sống với Ngài và trong Ngài, lẽ nào tôi không vui!”
Trong hành trình theo Chúa, có nhiều lúc chúng ta gặp phải những thử thách gian nan, những đêm tối đức tin, làm cho chúng ta hoang mang! Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng: trong con thuyền cuộc đời của mỗi người luôn có Chúa ở cùng, điều quan trọng là chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa không? Nếu chúng ta nhận ra Chúa có mặt thì hẳn tất cả những điều nghịch cảnh đến với ta, ta không hoang mang, hốt hoảng như các môn đệ của Ngài khi xưa, ngược lại, chúng ta khám phá ra giá trị và ý nghĩa của nó, lúc đó, chúng ta sẽ vui tươi và bình an ngay trong những thử thách của cuộc đời, vì có Chúa là có tất cả. Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Giuse Nguyễn Viết Tâm
http://giaoxutanviet.com/loi-chua-thu-bay-tuan-iii-thuong-nien-nam-chan-27012018-mc-4-35-41/