Home / Chia Sẻ / LÀM MỚI ĐỀN THỜ TÂM HỒN

LÀM MỚI ĐỀN THỜ TÂM HỒN

Christ-cleansing-temple

Trong những năm gần đây, báo chí thường chạy những bài phóng sự về cảnh tượng xô bồ nơi các đền chùa trong những dịp lễ hội đầu năm: nào là chen lấn xô đẩy để lĩnh ấn Đền Trần, nào là buôn bán chặt chém khách hành hương Chùa Hương, nào là hỗn loạn xin lộc đền bà Chúa Kho, v.v…  Mục đích đi chùa chiền là để cầu an, hay cầu tài, cầu lộc.  Nhưng nhiều khi tài lộc đâu không thấy mà thấy mất tiền vì bị kẻ gian móc túi, hay bị những người bán hàng chặt chém.  An bình đâu không thấy chỉ thấy bất an vì bị chen lấn, xô đẩy, bị văng tục khi không mua hàng của người mời, hay mua cho người này mà không mua cho người kia, v.v…  Thế mới thấy rằng chính não trạng vụ lợi muốn biến thần thánh thành công cụ phục vụ lòng ham muốn của mình đã mở đường cho việc thương mại hóa những giá trị cao quý linh thiêng của văn hóa và tín ngưỡng.

Cũng với não trạng ấy, người Do Thái xưa kia đã biến sân Đền Thờ Giêrusalem, một nơi thánh thiêng, thành một nơi bát nháo để trao đổi buôn bán, nhằm trục lợi.  Là Con Thiên Chúa và là Đấng Thánh, Chúa Giêsu không chấp nhận để Đền Thờ, “nhà của Cha Ngài,” bị tục hoá, giải thiêng, và làm cho trở nên ô uế.  Ngài đã hành động thẳng thắn để trả lại ý nghĩa đích thực của nó; đồng thời Ngài muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân thể của Ngài.

Đọc lại lịch sử dân thánh, ta có thể thấy Đền Thờ Giêrusalem mang ba ý nghĩa rất quan trọng sau đây:

  1. Trước hết, Giêrusalem là địa chỉ của sự gặp gỡ nối kết

 

Từ xa xưa, người Do thái vẫn xem đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa ở giữa dân Người.  Nói cách khác, Đền Thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện và gặp gỡ con người; đồng thời cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.  Gặp gỡ để thờ phượng, cảm tạ, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa, đặc biệt là vào các ngày Sabát và các ngày đại lễ.

Thế nhưng, một số người đã biến nó thành nơi nhếch nhác của những kẻ tụ tập buôn bán và đổi chác.  Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ lạm dụng này ra khỏi Đền Thờ là để trả lại chỗ đứng của Đền Thờ, vốn là “Nhà cầu nguyện”, nhà của sự gặp gỡ và nối kết giữa Thiên Chúa và con người.

  1. Thứ đến, Giêrusalem còn là dấu chứng của tình yêu và hiệp nhất

 

Quả không sai khi nói rằng Đền Thờ Giêrusalem là nơi biểu lộ rõ nét nhất tình yêu của Giavê Thiên Chúa đối với dân Người, đồng thời cũng là nơi hiệp nhất muôn dân nước.  Thánh Vịnh Lên Đền 122 đã nói lên ý nghĩa này: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: “Ta cùng trẩy lên Đền thánh Chúa!”  Và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân.”

Thế mà các giới chức Do Thái đã biến thành nơi cạnh tranh, kèn cựa, xô bồ và phận biệt đối xử (phụ nữ, dân ngoại, kẻ tội lỗi…).  Chúa Giêsu đã lật nhào, xô đổ tất cả nhằm thanh tẩy Đền thờ khỏi những điều bất xứng, cách riêng là khu vực dân ngoại.  Từ nay, mọi người không phân biệt sắc tộc, tôn giáo … đều được tôn trọng và đón nhận.  Tắt một lời, Đền Thờ phải là nơi dành cho tất cả mọi người.

  1. Sau nữa, Giêrusalem còn là biểu tượng của sự thánh thiêng tinh tuyền

 

Khi nói đến sự thánh thiêng, người Do thái thường nói đến Đền Thờ.  Vì đối với họ, không có nơi nào khác ngoài Đền Thờ, con người có thể tìm được tất cả những gì là thiêng thánh và siêu việt của cõi thiên giới.  Bởi đó ta không ngạc nhiên khi thấy người Do Thái khi phải thề thốt một điều gì quan trọng, họ thường lấy Đền Thờ Giêrusalem mà thề.

Tuy nhiên, Đền Thờ ấy đã bị làm cho ô uế bằng đủ mọi thứ dối gian, trở thành nơi trục lợi, chỗ mua danh, chốn lạm quyền, v.v…  Trước thực trạng đó, Chúa Giêsu đã xua đuổi tất cả những kẻ làm cho Đền Thờ bị ô nhơ, nhằm trả lại sự thánh thiêng cho Đền Thờ.  Đồng thời, qua hành động và lời nói mạnh mẽ của mình, Chúa Giêsu muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân Thể của Ngài.

Quả vậy, Đức Kitô chính là Đền thờ sống động, nơi Ngài chúng ta tìm được ba ý nghĩa trên một cách tròn đầy nhất.

Trong Đức Kitô, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa là Cha và được nối kết với mọi người là anh em.  Trong Đức Kitô, chúng ta có thể thưa lên “Aba” – lạy Cha, và đối xử với nhau như anh chị em con cùng một Cha trên trời.

Trong Đức Kitô, chúng ta nhận được tình yêu tràn đầy mà Thiên Chúa dành cho nhân loại và hiệp nhất nên một với nhau, như lời Vinh Tụng Ca mà chúng ta thường nghe đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.”

Trong Đức Kitô, chúng ta cũng tìm lại được sự thánh thiện nguyên thuỷ dư đầy của mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Ađam và Evà đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng.

Hãy nhớ rằng trong Đức Kitô, chính chúng ta cũng đã trở nên đền thờ sống động đã được thánh hiến ngày chúng ta lãnh nhận phép Thánh Tẩy.  Thánh Phaolô đã minh định điều này với giáo đoàn Côrintô: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy.”  Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta qua Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô.  Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý.  Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có nguy nga đồ sộ như Đền thờ Giêrusalem đi chăng nữa, cũng đã tiêu tan.  Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ bền vững thiên thu.  Thế nhưng hằng ngày chúng ta đã thực sự sống xứng đáng là đền thờ Thiên Chúa ngự chưa?  Hay chúng ta đang làm cho đền thờ tâm hồn mình ra nhơ uế bởi những tính toan ích kỷ, bởi lòng ghen tị, óc thành kiến hẹp hòi, và bao nhiêu thói hư tật xấu khác?

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để ta làm mới lại tâm hồn của mình.  Xin Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương thanh tẩy tâm hồn chúng ta mỗi ngày.  Xin Ngài tiếp tục xua đuổi và lật nhào những gì làm cho tâm hồn chúng ta ra ô nhơ để trả lại cho Chúa Thánh Thần một nơi xứng hợp để Ngài ngự vào.  Amen!

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …