Đức tính dịu dàng của Thánh Giuse là điểm thứ hai Đức Thánh Cha đề cập đến, ngài viết : Thánh Giuse là người cha dịu dàng, nơi ngài, “Chúa Giêsu nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa” (x. Patris Corde, số 2).
Nói đến sự dịu dàng thường ta nghĩ ngay đến người mẹ cả trong văn chương cũng như trong đời sống, người cha thường cứng cỏi. Nói như vậy không có nghĩa là tình phụ tử giữa Thánh Giuse và Chúa Giêsu không bao la, trìu mến.
Nếu Đức Maria là người chăm sóc Chúa Giêsu, sớm khuya lo lắng cho con từ bữa ăn giấc ngủ với sự dễ thương của tình người mẹ, thì Thanh Giuse với tầm nhìn cao và mạnh mẽ hơn, là trụ cột gia đình, bảo vệ vợ con, vất vả mưu sinh, phải dịu dàng lắm mới nuôi được Con Đức Chúa Trời, gìn giữ Đức Nữ Đồng Trinh, là cột trụ cho gia đình được vững và là người dạy dỗ. Thánh Giuse cũng đã làm với Chúa Giêsu : “Ngài dạy bước đi, cầm lấy tay; đối xử như một người cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn” (x. Hs 11,3-4).
Tuổi thơ của Chúa Giêsu được Thánh Giuse bồng ẵm, áp má, nụ hôn, xoa đầu cách dịu dàng trìu mến, tay Chúa Giêsu lúc 12 trong tay Thánh Giuse dắt lên Đền thờ dự lễ. Chắc chắn Thánh Giuse là người cha dịu dàng, mềm lòng và quan tâm lắm mới có thể yếm Hài Nhi Giêsu như thế. Sự dịu dàng của Thánh Giuse đã ảnh hưởng trên cách sống và hành xử của Chúa Giêsu. Điều này không có sai, khi Đức Thánh Cha viết : “Trong những năm sống ẩn dật ở Nadarét, Chúa Giêsu đã học ở trường học của thánh Giuse…” (x. Patris Corde, số 3).
Tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là bậc thầy của người có lòng dịu dàng. Vì có lòng dịu dàng thì Chúa Giêsu mới bảo các tông đồ hãy để các trẻ nhỏ đến với Chúa, để Người chạm đến chúng, vuốt ve chúng và trò chuyện với chúng (x.Mc 10,13-16). Có lòng dịu dàng trìu mến, Chúa Giêsu mới tiếp xúc gần gũi và chữa lành người mù, người câm điếc, người què quặt, người bị quỷ ám và người tội lỗi. Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình bị ném đá là một minh chứng cho ta thấy Chúa Giêsu là một người có lòng dịu dàng trìu mến. Chúa đã không lên án, kết án và nóng giận với người phụ nữ ấy. Ngài đến gần, mỉm cười và tha thứ tất cả những lỗi tội của người phụ nữ.
Sự dịu dàng là cách tốt nhất để chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta. Chỉ tay và phán xét người khác thường là dấu hiệu của việc không thể chấp nhận sự yếu đuối, sự mong manh của bản thân chúng ta. Chỉ có tình yêu dịu dàng mới cứu chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của kẻ tố cáo (x. Kh 12,10).
Thời nào cũng vậy, vẫn có những người cha không hoàn hảo. Những người cha đánh đập chính những đứa con của mình. Vì họ bất lực trong cuộc sống, nên đánh đập chính con để giải sầu. Cũng có những người cha nghiện ngập, chỉ biết rượu chè, cờ bạc, hút chích, chẳng quan tâm gì đến con cái, chỉ biết có bản thân mình. Và những đứa trẻ, thật bất hạnh khi sống cùng những người cha như vậy.
Chúng ta không phủ nhận gánh nặng của người cha, người trụ cột trong gia đình là rất lớn. Cho nên, tất cả những công việc mà người cha phải gánh vác thật là nhiều, khiến cho người cha dễ nổi nóng, nghiêm khắc, hay khó tính. Nhiều người cha mang trong mình nhiều nỗi ưu tư, trăn trở về cuộc sống. Làm sao có thể chăm sóc, nuôi dưỡng con cái cho thật tốt. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đến với Thánh Giuse để học nơi Ngài sự dịu dàng.
Thánh Giuse dạy chúng ta rằng đức tin vào Thiên Chúa cũng là tin rằng Ngài có thể hành động cả khi chúng ta sợ hãi, mỏng manh và yếu đuối. Ngài cũng dạy chúng ta rằng giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ sợ để Chúa dẫn lối cho chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn ( Patris Corde, số 2).
Tình thương được diễn tả bằng nhiều cách. Dịu dàng sẽ làm cho động lực yêu thương đạt hiệu năng giáo dục cao. Có những người bề ngoài nóng nay nhưng cũng chỉ vì thương. Nhấn mạnh đến “dịu dàng” là chúng ta muốn nhắm đến không chỉ tình yêu thương, mà còn phải để ý đến cách ứng xử dịu dàng, dễ mến, dễ gần nữa.
Kính xin Thánh Giuse, người cha dịu dàng trợ giúp chúng ta.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ