Home / Chia Sẻ / CHUYỆN MẮC DỊCH

CHUYỆN MẮC DỊCH

CHUYỆN MẮC DỊCH“Đồ mắc dịch!” Đó là kiểu nói khi người ta không bằng lòng về hành động của người khác, có thể mang nghĩa khôi hài hoặc nguyền rủa, tùy trường hợp và tùy đối tượng. Suốt một năm qua, tất cả chúng ta đúng là “mắc dịch” thật!

Ma quỷ không bao giờ nghỉ ngơi, nó vẫn hận nên cứ thua keo này thì nó bày keo khác, máu kiêu ngạo trong nó luôn sôi sùng sục, không chút cảm tình với bất cứ ai – kể cả giữa chúng với nhau.

Virus cũng chẳng khác Luxiphe, đặc biệt là loại “ác qủy Vũ Hán” xuất hiện từ một năm qua. Mùa Đông đến, thời tiết lạnh, môi trường thích hợp với chúng. Nguyên nhân trước tiên là do kém vệ sinh, nói thẳng ra là ăn ở bẩn thỉu, vật dụng bừa bộn, không sắp xếp ngăn nắp. Chỗ này chưa hết dịch thì chỗ khác tái phát, cứ chồng chéo lẫn nhau, gây hoang mang, lo sợ,…

Tái phát là do ỷ lại, ích kỷ, tham lam, coi trọng vật chất – cụ thể là tiền bạc, thế nên bất chấp, bất chấp bởi vì ảo tưởng, ảo tưởng dẫn tới sai lầm, tùy mức độ sai lầm mà nguy hiểm nhiều hay ít. Vậy mà người ta vẫn khinh suất và vô ý thức.

“Mỹ danh” Corona là cái tên đẹp đẽ, có nghĩa là triều thiên, nhưng không là triều thiên vinh quang mà là vòng kim cô gây khốn khổ. Đại dịch Corona, hoặc Covid-19, là dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2. Cứ nói thẳng ra là Wuhanvirus – yêu tinh Vũ Hán, sợ gì mà lại cứ tránh né?

Theo worldometers.info về coronavirus, tính đến 23 giờ 50 (giờ GMT) ngày 06-12-2020, sáng sớm ngày 07-12-2020 theo giờ Việt Nam, thống kê thế giới về số người nhiễm là 67.365.608, số tử vong là 1.541.277, số phục hồi là 46.564.783. Biểu đồ thấy mũi tên đi lên chứ không đi xuống. Thật đáng quan ngại!

Đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, mọi ngành nghề và mọi người. Nhiều người sa sút tinh thần, trầm cảm, có thể là tâm thần. Có lẽ nhiều người cảm thấy “khó chịu” với việc cách ly và hạn chế giao tiếp, nhưng chắc rằng những người trầm tính, ít nói, không giao tiếp nhiều lại “dễ chịu” hơn và cảm thấy có lợi nhiều hơn.

Là con người, chẳng ai xa lạ gì với vấn đề vệ sinh. Đó là điều quen thuộc và trở nên phản xạ tự nhiên rồi. Tuy nhiên, đôi khi người ta chưa thực sự chú trọng, còn lơ là vấn đề vệ sinh chung – thậm chí cả vệ sinh riêng. Biết giữ vệ sinh chung là người có ý thức, có văn hóa, không chỉ tự trọng mà còn tôn trọng người khác, đặc biệt là ở những nơi công cộng, và cũng liên quan luật yêu thương mà Chúa Giêsu đã truyền dạy.

Khi biết dịch bệnh bùng phát hoặc tái phát, người ta lo sợ, hoảng hốt, có vẻ vệ sinh cẩn thận hơn. Ai cũng run sợ khi cảm thấy Tử Thần ở ngay bên mình. Cứ nghe tiếng hắt hơi thì tưởng là tràng đạn đại liên, nghe tiếng ho thì tưởng là tiếng đại bác hoặc lựu đạn. Thật khổ, và khổ thật. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, cứ Nguyễn Y Vân – vẫn y nguyên, rồi lại Vũ Như Cẩn – vẫn như cũ. Giang san dễ đổi, bản chất khó dời!

Ngày xưa, chúng ta được học về Phép Vệ Sinh. Cái chữ “phép” cho thấy việc vệ sinh là điều nghiêm túc, rất quan trọng, vì không chỉ cho riêng mình mà còn ảnh hưởng người khác. Bài học vệ sinh là các quy tắc giữ gìn sạch sẽ cho bản thân và môi trường, nhất là ngăn ngừa bệnh tật cho bản thân – và có ảnh hưởng người khác. Cái gì cũng có tính liên đới, dù tốt hay xấu.

Chữ vệ sinh (hygiene, hygiène) rất hay. Chữ này có nguồn gốc từ Hy ngữ là ὑγιεινή (τέχνη) – hugieinē technē, nghĩa là “nghệ thuật của sức khỏe.” Theo nghĩa Hy Lạp cổ đại, Hygeia (Ὑγίεια) là “người đại diện cho sức khỏe.” Chỉ là từ ngữ thôi mà cũng thú vị lắm, bởi vì chữ hay lại có nghĩa thâm, tương tự như người khôn thì cũng khéo.

Trong Kinh Thánh không thấy đề cập vấn đề vệ sinh thể lý, nhưng có đề cập vấn đề vệ sinh tinh thần – vệ sinh tâm linh, vệ sinh linh hồn. Thiếu vệ sinh đời thường cũng không thể chấp nhận, huống chi tinh thần. Thiên Chúa không thể chấp nhận một dấu vết dơ bẩn nào – dù nhỏ bé hoặc chỉ mờ nhạt mà thôi: “Ai làm điều lành thì thuộc về Thiên Chúa; kẻ làm điều dữ thì đã không thấy Thiên Chúa.” (3 Ga 1:11)

Ai cũng muốn sạch sẽ, như lại chỉ giữ sạch nhà mình, còn cái dơ bẩn lại đùn đẩy sang nhà người khác. Thật kinh dị! Vệ sinh thể lý là điều cần thiết, vệ sinh tâm linh càng cần thiết hơn.

Vấn đề vệ sinh được đề cập trong Mt 15:1-11: Có mấy người Pharisêu và kinh sư từ Giêrusalem đến gặp và chất vấn Chúa Giêsu: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Ngài thản nhiên: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: ‘Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.’ Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” Và Ngài khuyến cáo: “Hãy nghe và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.”

Chúa Giêsu rất thẳng thắn, rõ ràng. Ai cũng ghét thói giả hình, kiểu hợm mình của Pharisêu, nhưng đôi khi cứ cầm đèn soi chân người khác, trong khi chân mình lấm lem. Nhóm biệt phái là những người nhiệt thành, (Mt 23:15) quan tâm sự hoàn thiện và sự trong sạch, thực hành tỉ mỉ các lề luật với các truyền thống được truyền khẩu, am hiểu lề luật, nhưng chỉ giữ bề ngoài chứ không chú ý bề trong.

Chính họ dám ngăn chặn giáo huấn của Thiên Chúa bằng các truyền thống nhân văn của họ, (Mt 15:1-20) mỉa mai người ngu dốt vì viện vào luật riêng của họ, (Lc 18:11-14) không thèm giao tiếp với người tội lỗi và dân thu thuế, tự nhận có luật pháp về Thiên Chúa qua việc làm của họ, (Mt 20:1-16; Lc 15:25-30) ỷ mình có lề luật, tự hào mình có Thiên Chúa, (Rm 2:17-24) nhưng thật ra họ chỉ là những kẻ đui dắt kẻ mù, ngu mà khoác lác, dốt nát mà ngông chảnh, đỏng đảnh mà làm dáng, mắt quáng mà soi mói, càng nói thì càng sai.

Đúng là loại người khó ưa, đến nỗi Chúa Giêsu đã phải thẳng thắn ví họ như “mồ mả tô vôi.” (Mt 23:27) Thậm chí Chúa Giêsu còn nguyền rủa là “Đồ mãng xà, nòi rắn độc.” (Mt 23:33) Vậy mà họ vẫn trơ trơ. Kinh tởm thật!

Quả thật, vấn đề vệ sinh thực sự rất quan trọng. Vệ sinh thể lý để ngăn ngừa dịch bệnh, nhất là trong lúc đại dịch chưa thực sự chấm dứt. Vệ sinh linh hồn để ngăn chặn ma quỷ, nhất là trong Mùa Vọng – mùa cần giảm bớt những gì không cần thiết, một dạng “cách ly” tinh thần, uốn thẳng những chỗ quanh co, bạt đồi cao và lấp hố sâu, để chuẩn bị đón Con Chúa giáng sinh. Đừng lấy cái chính làm cái phụ, hoặc lấy cái phụ làm cái chính, nhưng hình như người ta cứ thích làm ngược lại. Cứ chú trọng vệ sinh bề ngoài mà khinh suất bề trong thì đáng quan ngại lắm!

Covid lít nhít mà độc ác, chỉ thích món phổi, nguy hiểm hết sức, nó không chỉ “đùa dai” mà còn quấn quýt như quỷ dữ. Hãy ý thức, vì ý thức khiến người ta sống tốt hơn, đó là cách diệt ma quỷ mọi nơi và mọi lúc, đặc biệt là phải bình tĩnh, có bình tĩnh thì mới giữ được sự bình an.

Chúa Giêsu luôn căn dặn phải tỉnh thức, bất cứ nơi nào hoặc lúc nào, chẳng cứ gì Mùa Chay hay Mùa Vọng. Vấn đề quan trọng là đừng hoang mang, bởi vì càng hoang mang càng lo lắng, càng lo lắng càng sợ hãi, càng sợ hãi càng bối rối, càng bối rối càng… hoang mang. Một vòng mở đầu bằng mối hoang mang và khép lại cũng bằng mối hoang mang.

Sống chung với lũ là khổ, sống chung với cái gì hoặc người nào mà mình không muốn thì cũng khổ. Đi qua những con đường bụi bặm thì khổ một kiểu, đi qua chỗ bừa bãi rác hôi thối thì khổ kiểu khác. Ô nhiễm môi trường gây dơ bẩn, mất vệ sinh, khiến nhà cửa và chính chúng ta cũng ô nhiễm. Vì ô nhiễm mà sinh bệnh, bệnh tràn lan hóa dịch. Tất nhiên chúng ta cũng… mắc dịch! Nhưng không thể vì vậy mà thúc thủ hoặc buông xuôi, phải cố gắng thích nghi. Biết thích nghi là khôn khéo và khôn ngoan, có thể thích nghi là mạnh mẽ. Vững tin vào Thiên Chúa thì ai cũng có đủ sáng suốt và khôn ngoan.

Đừng khinh suất hoặc ảo tưởng, rồi hóa ảo giác. Coi chừng và cảnh giác, đừng tìm cách vô địch mà địch vô lại không hay biết. Ý thức vệ sinh cũng là cách tích cực bảo vệ công trình thiên nhiên của Thiên Chúa. Đừng chết ngay khi còn hít thở, và cũng đừng tự tạo tận thế!

Lạy Thiên Chúa quan phòng, nhân từ và giàu lòng thương xót, nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức. Vì hồn con ngập tràn đau khổ, mạng sống con âm phủ gần kề, thân kể như đã vào phần mộ, ví tựa người kiệt sức còn chi! (Tv 88:3-5) Xin thương xót và chữa lành con, quả thật con đắc tội với Ngài. (Tv 41:5) Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Miền Mắc Dịch Tháng Mười Hai – 2020

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …