Home / Chia Sẻ / BÀI GIẢNG LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

BÀI GIẢNG LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên – Missouri, 8-8-2014

Kính thưa cộng đoàn,

Ngày 19-6-1988 đã in một nét son trong lịch sử Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam.  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh, gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc.  117 thánh tử đạo là con số tiêu biểu cho hơn 100 ngàn Vị Tử Đạo trong thời gian 300 năm Giáo Hội bị bách hại.  Đây là một biến cố quan trọng đối với Dân tộc Việt Nam.  Người Việt Nam vốn đã tự hào về một truyền thống kiên cường trong việc dựng nước và giữ nước, nay càng tự hào hơn vì có những bậc tiền nhân anh hùng kiên vững trong Đức tin.  Quê hương Việt Nam đã xinh đẹp, nay còn xinh đẹp hơn nhờ được tô điểm bằng Đức tin Công giáo.

2020-11-16_18-22-23Tại Quảng trường Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma hôm đó, trước hàng triệu tín hữu, trong số đó có những tín hữu Việt Nam, Vị Cha chung của Giáo Hội Công giáo hoàn vũ đã nhân danh Chúa Ba Ngôi long trọng tuyên bố: kể từ nay, 117 vị Tử đạo Việt Nam được kể vào hàng các thánh và được tôn kính trong toàn thể Giáo Hội.  Để bày tỏ tình thương hiền phụ đối với các tín hữu Việt Nam, vị Thánh Giáo Hoàng đã ngỏ lời với con cháu các thánh Tử đạo bằng ngôn ngữ của họ.  Đây là lần đầu tiên tiếng Việt thân thương của chúng ta được phát âm và xướng lên bởi một vị Giáo Hoàng: “Chào anh chị em Việt Nam thân mến.  Cha gửi lời chào chúng con từ bốn phương trời tuốn về La Mã, vui vẻ hiên ngang mừng các thánh Tử đạo của Giáo Hội chúng con hôm nay.  Xin Chúa chúc lành cho chúng con, và Cha cầu chúc cho chúng con sống xứng đáng là con cháu các vị anh hùng.”

Đã 26 năm từ sự kiện phong thánh, những lời của vị Cha Chung ngỏ lời với con dân Việt vẫn còn vang vọng đâu đây trong tâm khảm của các tín hữu Việt Nam đang sống trong nước cũng như ở hải ngoại.  Bởi lẽ, qua những lời đơn sơ ấy, vị Thánh Giáo Hoàng muốn mời gọi chúng ta tưởng nhớ về một quá khứ đau thương hào hùng của Giáo Hội Công giáo Việt Nam, đồng thời khuyên chúng ta học nơi các ngài bài học sống Đức tin trong cuộc sống hiện tại hôm nay.

Thứ nhất, hồi tưởng về quá khứ.  Giáo Hội công giáo Việt Nam đã trải qua những thử thách đau thương khốc liệt, giống như cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Rôma ở thế kỷ thứ hai.  Hơn một trăm ngàn người Việt Nam đã phải hy sinh mạng sống chỉ vì một lý do là họ tin vào Chúa.  Họ phải chịu biết bao đau khổ và nhục hình: phân biệt đối xử, phát vãng lưu đày và tử hình.  Có thể thế hệ hôm nay sẽ đặt câu hỏi: các Thánh Tử đạo Việt Nam là những ai?  Thưa họ là những giám mục, linh mục, tu sĩ chủng sinh; họ là những người cha, người mẹ, những người con trong gia đình; họ là những người học hành uyên bác nhưng phần lớn trong số họ là những người bình dân; đa phần trong số họ là những người chân lấm tay bùn, vất vả quanh năm với con trâu, cái cày.  Trong số họ cũng có 21 vị là người ngoại quốc.  Các ngài đến từ những đất nước văn minh và đã chọn Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.  Các Thánh Tử đạo Việt Nam, không phân biệt Tây hay Ta, nam hay nữ, giàu hay nghèo, trí thức hay bình dân.  Tất cả đều yêu mến Chúa, yêu quê hương Việt Nam và yêu Giáo Hội Việt Nam đến mức sẵn sàng đổ máu đào để làm chứng cho tình yêu ấy.  Vì thành kiến và thù ghét, người ta đã nghĩ ra biết bao hình khổ ghê rợn hầu làm họ chối bỏ Đức tin, nhưng các ngài vẫn can đảm kiên trung trước lời đe dọa của những nhà cầm quyền.

Chủng sinh 18 tuổi, Tôma Trần Văn Thiện, đã nói với quan: “Đạo dạy tôi thờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ đạo.”  Thấy Tôma Thiện là một chàng trai trẻ có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, quan muốn nhận làm con rể mình, và sẽ đứng ra lo liệu cưới xin.  Nhưng ngài đã từ chối: “Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến quyền chức trần thế.”  Thánh Tôma đã thấu hiểu lời Đức Kitô trong Tin mừng Luca: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.  Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”  Sách viết về cuộc đời của các Thánh Tử đạo còn kể lại biết bao chứng tá anh hùng của các ngài.  Các ngài không sợ hình phạt, chỉ sợ mất nghĩa cùng Chúa.  Đi ra pháp trường mà các ngài vui vẻ như đi dự hội.  Với các thánh Phạm Khắc Khoan, Nguyễn Văn Hiếu và Đinh Văn Thanh, các ngài đã chia bè và hát kinh Tạ Ơn “TE DEUM” bằng tiếng Latinh ngay trong nhà giam.  Rồi khi ra pháp trường để chịu tử hình, các ngài lại hát bài ca “Alleluia” như trong đêm vọng Phục Sinh.  Chỉ có một Đức tin kiên trung và lòng phó thác trọn vẹn mới có thể đem lại cho các ngài nghị lực và niềm vui như vậy.

Sống đạo đức thánh thiện và trung thành với Đức tin, các ngài còn là những người sống bác ái với mọi người.  Lịch sử các Thánh Tử đạo còn ghi lại thánh y sĩ Phan Đắc Hòa.  Ngài đã sẵn sàng chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, sẵn lòng cứu giúp những người túng thiếu.  Hay thánh Martinô Thọ, Ngài thường trồng vườn dâu để có thêm thu nhập giúp người nghèo.  Cụ trùm Đích thì thường xuyên góp nhặt tiền bạc để đi thăm viếng trại cùi và nuôi nấng những người dịch tả trong vùng.  Còn với quan Hồ Đình Hy, ngài luôn giúp đỡ những người bơ vơ, mồ côi ngay ở trong nhà, và khi họ qua đời thì lo an táng đàng hoàng như một người bình thường.

– Ôn lại quá khứ, chúng ta là những tín hữu Công giáo Việt Nam học những bài học cụ thể cho cuộc sống hôm nay.  Quả vậy, lòng tự hào về các bậc Tiền Nhân không phải chỉ được ghi lại trong những pho sách sử mà thôi.  Chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng được ghi dấu và thấm đẫm máu đào, không giống như chỉ ôn lại một sự kiện lịch sử xa vời, dù rất đẹp nhưng khô cứng và vô hồn.  Chúng ta tự hào về các Thánh Tử Đạo cũng không giống như kiểu lấy công phúc của các ngài để làm vinh dự cho chúng ta.  Việc ôn lại chứng tá của các Thánh Tử đạo nhắc nhớ mỗi người dân Việt, nhất là những tín hữu Công giáo Việt Nam, dù sống trên miền đất nào, cũng cố gắng noi theo lòng đạo đức của các ngài, gìn giữ Đức tin kiên trung vào Chúa, yêu mến Giáo Hội và sống Đức tin trong cuộc sống hằng ngày.

Cuộc sống và chứng từ của các anh hùng Tử đạo cần phải được kể lại cho mọi thế hệ người Công giáo Việt Nam.  Cùng với lòng tự hào là tâm tình tri ân cảm mến và thiện chí noi gương các ngài để sống Đức tin.  Thời tử đạo dẫn đến máu chảy đầu rơi ngày nay không còn nữa, nhưng những ai muốn trung thành với Chúa thời nào cũng phải cân nhắc khôn ngoan để chọn lựa Chúa hay chọn lựa thế gian; chọn lựa hạnh phúc và niềm vui vĩnh cửu hay chọn lựa vinh quang nhất thời; chọn lựa đường đi trong ánh sáng hay cuộc sống trong bóng đêm.  Môi trường nào cũng vậy, ta luôn phải chọn lựa.  Hoàn cảnh nào cũng thế, ta phải sống khôn ngoan.  Cuộc chọn lựa này nhiều khi làm chúng ta phải vượt lên những ràng buộc khắt khe và có khi phải vượt lên chính mình với trái tim rướm máu.  Nếu những cuộc cấm cách tàn khốc đã lùi vào dĩ vãng thì người tín hữu hôm nay lại phải đối diện với những thử thách của thời hiện đại.  Quả vậy, biết bao trào lưu và lối sống mượn chiêu bài tự do để đi ngược với giáo huấn của Tin Mừng, coi thường hoặc lãng quên những thực hành đạo đức, tôn vinh kỹ thuật một cách quá đáng và lãng quên Thiên Chúa là Cội nguồn mọi sự.  Sáng suốt và khôn ngoan để trung thành với Chúa trong cuộc sống hôm nay, đó là một cuộc tử đạo trường kỳ, dai dẳng suốt cuộc đời.

Ơn gọi tử đạo gắn liền với những ai tin vào Chúa Giêsu và muốn làm môn đệ Người.  Nếu chúng ta được sống trong một xã hội dân chủ, an bình, thì đó đây trên thế giới, vẫn còn những nhà truyền giáo bị hành hung và sát hại, vẫn có những ngôi thánh đường Công giáo bị tàn phá, vẫn còn những tín hữu không dám công khai tuyên xưng Đức tin, vẫn còn những người vì hai chữ Công giáo mà bị phân biệt đối xử.  Đây cũng là những cuộc bách hại mang hình thức mới của thời đại và những tín hữu này đang sống từng ngày chứng tá của mình một cách anh hùng.

Kính thưa Cộng đoàn,

Ngày Thánh Mẫu được tổ chức hàng năm tại Missouri đã trở thành điểm hẹn thân thương cho người Việt Nam đang sống tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nước trên thế giới.  Chúng ta về đây để gặp gỡ nhau, để chia sẻ những vui buồn và nâng đỡ nhau trong cuộc sống.  Chính Đức Mẹ Maria đã quy tụ chúng ta nơi đây.  Mẹ là điểm nối kết giữa những con Dân Việt đang sống xa quê.  Về với Mẹ, chúng ta được Mẹ vỗ về ủi an.  Về với Mẹ, chúng ta có dịp kể lể tâm sự với Mẹ những băn khoăn trăn trở của cuộc sống trần gian.  Về với Mẹ, chúng ta cũng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Mẹ chiếu tỏa qua các nhân đức và sự trung thành can đảm của Mẹ.  Trong Thánh lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta cùng nhìn lên Mẹ và ca tụng Mẹ là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.  Vâng, dưới chân thập giá, Mẹ đứng đó, trong suy niệm và thinh lặng, đau khổ kết hợp với của lễ của Con mình là Đức Giêsu chịu treo trên thập giá.  Mẹ là Đấng Đồng Công cứu chuộc.  Mẹ chia sẻ đau đớn và hiệp thông với Chúa Giêsu.  Mẹ cũng dâng chính bản thân mình làm của lễ lên Chúa Cha.  Mẹ xứng đáng được mang ngành thiên tuế của các vị Tử Đạo.  Về bên Mẹ trong Ngày Thánh Mẫu này, chúng ta xin Mẹ cho chúng ta được lòng cậy trông, chí can đảm và lòng tín thác nơi Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa, bài ca thắm nhuộm máu hồng.  Nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao, từng đoàn người anh dũng tiến lên pháp trường.  Một bài ca đẫm máu đào.  Một bài ca hào hùng bất tận.  Bài ca ấy, chính là cuộc đời của các thánh Tử đạo Việt Nam.  Chúng ta, những tín hữu Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại, đang là những người nối tiếp bài ca đã được các ngài xướng lên, để làm vang mãi lời ca tôn vinh Chúa, ca ngợi vẻ đẹp của Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam thân thương.

“Cha cầu chúc cho chúng con sống xứng đáng là con cháu các vị anh hùng” – lời chúc thiêng liêng của vị Thánh Giáo Hoàng luôn luôn là một lời mời gọi và là một thông điệp được gửi đến cho mỗi người chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho chúng con.  Xin Mẹ luôn gìn giữ che chở chúng con.  Xin các Thánh Tử đạo Việt Nam cầu bầu cho chúng con.  Amen!

ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN