Home / Chia Sẻ / CHÚNG TA KHÔNG PHẢI SỢ CHẾT

CHÚNG TA KHÔNG PHẢI SỢ CHẾT

2020-11-06_12-09-24Trái tim tôi nặng trĩu như một tảng chì trong người khi tôi lái xe rời khỏi cuộc hẹn với bác sĩ – với nhiều câu hỏi hơn, ít câu trả lời hơn; thất vọng nhiều hơn, nhẹ nhõm hơn. Dường như trong khoảnh khắc đó là sự nhất quán của cuộc sống, chúng ta càng không hiểu nó càng tìm kiếm và cái chết luôn ở gần chúng ta hơn chúng ta tưởng.

Có điều bí ẩn trong “cuộc hôn nhân” giữa sự sống và cái chết. Khi tôi nghĩ về những nỗi buồn và những điều không chắc chắn mà tất cả chúng ta thường phải đối mặt, cùng với những niềm vui và sự an ủi. Tôi nhìn lên bầu trời giữa buổi trưa, những đám mây phía sau tôi nói về một cơn bão sắp xảy ra khi sấm sét ầm ầm từ xa; mây tức giận, xám xịt và điềm báo.

Trước mặt tôi, mây dường như bay bổng với niềm vui sướng dâng trào. Điều thú vị là các đám mây bão và mây tích tụ lại thành một hàng gọn gàng. Chúng không được đặt tách biệt với nhau, như thể tín hiệu bầu trời muốn nói rằng: “Chúng tôi tồn tại cùng nhau. Chúng tôi hoạt động cùng nhau – bóng tối và ánh sáng, sự nặng nề và niềm phấn khởi.”

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tiếp cận cái chết của mình theo cách này – không phải vì sợ hãi, mà với một ấn tượng khôn ngoan rằng sự chết và sự sống luôn ở xung quanh chúng ta và ở trong chúng ta mọi lúc? Tôi đã xem lại một cuốn sách cũ mà tôi yêu thích, cuốn “Bạn Có Thể Uống Ly Này Không?” của Henri Nouwen. Những lời mở đầu thế này: “Đã có lúc tôi nói: ‘Năm sau mình sẽ ở bên nhau’ hoặc ‘Khi trưởng thành hơn thì những khoảng tối nội tâm sẽ qua đi’ hoặc ‘Tuổi tác sẽ làm giảm nhu cầu tình cảm của tôi.’ Nhưng bây giờ tôi biết rằng những nỗi buồn của tôi là của tôi và sẽ không rời bỏ tôi. Thật vậy, tôi biết họ là những người rất già, có những nỗi buồn rất sâu sắc và không suy nghĩ tích cực hay lạc quan nào có thể làm họ nguôi ngoai.” (tr. 37)

Ngạn ngữ cổ nói với chúng ta rằng chúng ta có được sự khôn ngoan theo tuổi tác. Tuổi già và trưởng thành được xem là thời điểm vàng của cuộc đời, trong đó chúng ta cũng có được sự ổn định và tham gia những việc chúng ta hằng mong muốn mà chưa có thời gian để làm. Thực tế là, cùng với sự khôn ngoan và sự sáng suốt, nỗi buồn của chúng ta cũng tăng lên.

Chúng ta đau khổ hơn khi đến gần cái chết. Cơ thể chúng ta bắt đầu làm chúng ta thất bại. Tâm trí chúng ta cũng vậy. Chúng ta mất cha mẹ, vợ chồng, thân nhân, bạn bè,… Mất khả năng vận động hoặc tự chủ tạo ra cảm giác nặng nề, bởi vì chúng ta không biết làm thế nào để sống nếu không có sự độc lập mạnh mẽ.

Thế giới bảo chúng ta suy nghĩ tích cực. Thông thường, những người trong Giáo Hội sẽ nói: “Hãy chọn đức tin hơn sợ hãi.” Đúng là nỗi sợ hãi có thể làm tê liệt và khiến chúng ta xa cách niềm tin vào Thiên Chúa. Nhưng sự tin tưởng không đến một cách tự nhiên, nhất là khi chúng ta cân nhắc tỷ lệ tử vong của mình.

Thời trẻ, chúng ta sợ không thể tìm được vợ hay chồng, công việc hay tiền bạc. Về già, chúng ta lo sợ những điều thường trực – mất chân tay vì ung thư, phát hiện người bạn đời của mình mắc bệnh Alzheimer, thiếu tiền trong tài khoản hưu trí. Nhưng hơn cả những điều này, chúng ta thấy mình đầy hối tiếc. Cảm giác tội lỗi và xấu hổ đi kèm với tất cả những điều chúng ta mong ước mình sẽ nói hoặc không nói, làm hoặc không làm. Những điều day dứt cứ đầy trong lòng chúng ta.

Không quá sợ hãi khi chúng ta nghĩ đến cái chết hoặc bắt đầu chết. Điều đó nói nhiều hơn về cách chúng ta có thể kết hợp sự thật rằng cả đời chúng ta chứa đầy sự mất mát và đạt được, và thử thách cuối cùng của đau khổ sẽ đưa chúng ta đến phần thưởng vĩnh cửu.

Nouwen tiếp tục cho biết: “Sự chữa lành tuyệt vời nhất thường diễn ra khi chúng ta không còn cảm thấy bị cô lập bởi sự xấu hổ và tội lỗi của mình, nhận thấy rằng những người khác thường cảm thấy những gì chúng ta cảm thấy và nghĩ những gì chúng ta nghĩ, cũng có những nỗi sợ hãi, e ngại và mối bận tâm mà chúng ta có.” (tr. 65)

Mười năm trước, ông tôi nắm tay tôi khi cô y tá đến gần giường của ông. Ông quay sang tôi và nói: “Ông không muốn chết. Ông muốn có một Giáng Sinh nữa. Ông muốn gặp đứa chắt đầu tiên của ông.” (Lúc đó tôi đang mang thai đứa con đầu lòng.) Khi nước mắt ông chảy ra, tôi cảm thấy sự hối hận trên gò má ông, và tôi biết nhiều người già khác cũng sẽ như thế nào nếu không nói ra.

Khi chúng ta chia sẻ nỗi sợ hãi về sự chết, nỗi sợ hãi sẽ yếu đi và mất sức mạnh. Tính dễ bị tổn thương là người mang món quà chữa lành. Nó vò nát trái tim chai đá của chúng ta và cho phép chúng ta có chỗ để vẫn yêu thương và vẫn sống giữa nỗi sợ hãi. Khi chúng ta nói sự thật về tính phức tạp của cảm xúc riêng mình, chúng ta tìm thấy sức mạnh nơi cộng đồng những người đón nhận các cảm xúc đó.

Đó là nơi mà Thiên Đường chào đón chúng ta. Thiên Chúa ngự giữa những đám mây của bóng tối và ánh sáng trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là trong giây phút chúng ta hấp hối và chết.

JEANNIE EWING

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Tháng Cầu Hồn – 2020

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …