01/11
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
(Mt 5,1-12a)
Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng kính các thánh nam nữ trên trời,
Vậy các Thánh Nam Nữ là ai ?
Sách Khải Huyền nói rằng: “tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” (Kh 7,9-10).
Vì các ngài là những người “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” nên chắc chắn, trong số đó có những người bà con thân thuộc với chúng ta. Rất có thể họ là ông bà cha mẹ, anh chị em nội ngoại; họ là những người chúng ta đã từng quen biết, và có khi họ là những người hàng xóm láng giềng, những người đã từng sống bên cạnh chúng ta.
Các ngài từ đâu đến?
Sách Khải Huyền cho biết sở dĩ họ được như vậy, là vì, họ đã trải qua đau khổ lớn lao, họ đã giặt và tẩy áo mình trong Máu Con Chiên là Đức Giêsu: “vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.” (Kh 7,15-17).
Con đường nên thánh của các Thánh Nam Nữ
Các thánh trong cuộc sống thường ngày cũng giống như chúng ta. Không phải các ngài là những người thần thông biến hóa, hay làm một điều gì đó phi thường, nhưng đúng hơn, các ngài đã làm những điều bình thường một cách phi thường.
Vậy đâu là “bí quyết” để các ngài nên thánh? Thưa, “bí quyết” hay “con đường nên thánh” của các ngài chính là con đường Tám Mối Phúc hay còn được gọi là “Hiến Chương Nước Trời”
– Các ngài nên thánh là vì các ngài biết sống khó nghèo,
nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa.
– Các ngài nên thánh vì đã sống một đời hiền lành,
không ghen tương, không cạnh tranh, không mạt sát nhau.
– Các ngài đã một đời sầu khổ, than khóc cho lỗi lầm của mình và quyết tâm chừa cải.
– Các ngài nên thánh vì, cả đời các ngài, chỉ khao khát nên người công chính,
tức là chỉ mong làm trọn ý Chúa.
– Các ngài nên thánh vì cả một đời các ngài đã thương xót người, và giờ đây, các ngài
được chính Thiên Chúa thương xót.
– Các ngài nên thánh, bởi có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành.
– Các ngài nên thánh còn bởi, cả một đời chỉ vun đắp cho hạnh phúc của người khác,
qua việc xây dựng hòa bình, cổ võ cho công bằng xã hội…
– Và sau cùng, các ngài nên thánh là bởi vì ngài sẵn sàng chịu bách hại vì Danh Đức Kitô.
Con đường nên thánh của mỗi chúng ta
Nên thánh không phải là một đặc quyền đặc lợi của các linh mục, tu sĩ nam nữ hay chỉ dành cho một số ít người, nhưng là bổn phận và nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Bởi vì nên thánh là điều mà Thiên Chúa muốn trong chương trình cứu độ của Ngài: “điều Thiên Chúa muốn là anh em được cứu độ”. Nên thánh, không chỉ là một lời mời gọi, nhưng còn là một lệnh truyền: “các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”. Thế nên, không có gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh.
Có câu chuyện kể rằng: trong đa số các nhà thờ bên Tây Phương, nhìn lên bốn bức tường và các cửa sổ bằng kính, người ta thường thấy hình của các vị thánh được chạm trổ đủ mọi màu sắc.
Có một em bé, lần đầu tiên được mẹ đưa đi viếng thăm một nhà thờ cổ kính. Trong khi các du khách bị thu hút bởi những công trình nghệ thuật trong nhà thờ thì em bé lại dán chặt đôi mắt vào chân dung của các vị thánh được vẽ trên các kính màu. Em ngây ngất trước vẻ đẹp của những chân dung ấy mà không biết họ là ai. Và một du khách nào đó đã giải thích cho em biết: đó là các vị thánh.
Mấy ngày sau, trong một buổi học giáo lý, khi được giáo lý viên hỏi, các vị thánh là ai? Trong khi cả lớp đang lúng túng với câu hỏi này, thì em bé đã nhanh nhảu giơ tay phát biểu: “vị thánh là người được ánh sáng chiếu xuyên qua”. Chính vì thế để trở thành những vị thánh, chúng ta hãy để ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa xuyên qua cuộc đời chúng ta.
Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống, là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình để sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân. Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại. Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa ban tặng, là để cho Chúa yêu mình, nắm tay mình, dắt mình vào thế giới riêng của Chúa. Nên thánh là thuộc trọn về Chúa và anh em, là để Chúa dần dần chiếm lấy mọi chỗ của đời mình.
Chúng ta nguyện xin các thánh giúp chúng ta, biết tận dụng mọi cơ hội, mọi khả năng để nên thánh theo lời mời gọi của Chúa: “các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”. Amen.
02/11/LỄ CÁC LINH HỒN (Mt 5,1-12a)
1.Hội Thánh cùng thông công
Đây là điều mà chúng ta hằng tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Có nghĩa là các thành phần của Hội Thánh: những người Tại Thế, những người trong Luyện Ngục, các thánh ở trên Thiên Quốc đều liên đới với nhau. Liên đới trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ.
Những linh hồn trong Luyện Ngục ngày đêm họ đang trông chờ lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta có luôn ý thức điều này không?
Những việc lành chúng ta làm sẽ giúp họ đền tội, thanh tẩy tâm hồn để chóng vào hưởng Tôn Nhan Chúa. Khi đã được vào Thiên Đàng, các ngài lại cầu bầu cho chúng ta.
Việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục là một việc thánh thiện, như Công Đồng Vaticanô trong hiến chế Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết: “Giáo Hội Lữ Hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã chết, và cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…”
Với Mầu nhiệm Hội Thánh Cùng Thông Công, việc cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục là một bổn phận của mỗi người chúng ta. Hơn nữa, đối với người Công Giáo Việt Nam nói riêng, và với người Công Giáo Á Châu nói chung còn là việc thi hành chữ “Hiếu” với ông bà tổ tiên.
Giáo Hội Công Giáo dành trọn tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục.
Họ là những người thân của chúng ta, hoặc cũng có thể là những người mà chúng ta không biết. Nhưng mọi người đều có chung bổn phận là cầu nguyện cho những người đã qua đời. Những linh hồn nơi Luyện Ngục là những linh hồn thánh thiện, nhưng để được vào Thiên Đàng, họ còn cần phải thanh tẩy cho trong sạch vẹn tuyền.
Thiên Chúa là Đấng Thánh (Tv 99,5), nên những người đến với Chúa cũng phải thánh thiện cách trọn vẹn. Những linh hồn mà chúng ta cầu nguyện hôm nay là những người sống trong ơn nghĩa Chúa và chết trong ơn nghĩa Chúa. Nhưng vì là con người yếu đuối nên không tránh khỏi những khiếm khuyết, cho nên các ngài cần phải tẩy rửa trước khi vào hưởng Tôn Nhan Chúa. Sau khi lìa khỏi xác, linh hồn không còn lập công được nữa, mà chỉ còn cách trông chờ những người trên trần gian cầu nguyện cho mà thôi.
Đặc biệt trong ngày lễ cầu cho các linh hồn, chúng ta càng ý thức hơn về việc cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện Ngục, trong đó có thể có cả người thân của chúng ta. Xin Chúa, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, cùng với lời bầu cử của Đức Mẹ và các thánh, giúp cho các linh hồn nơi Luyện Ngục được tinh tuyền để các ngài mặc áo cưới mà vào dự tiệc cưới của Con Chiên. [1]
2.Nếu muốn cứu giúp các linh hồn dưới luyện ngục, hãy lần hạt Mân Côi
Cha thánh Piô, chân tay được in năm “Dấu Đinh”. Ngài qua đời năm 1968. Xác ngài còn nguyên vẹn, không hề bị thối rữa, vẫn được trưng bày cho người ta đến chiêm ngắm cầu nguyện. Mỗi lần trao tặng ai tràng chuỗi Mân Côi, ngài thường nói: hãy đưa các linh hồn ra khỏi luyện ngục bằng việc lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Bà Mori kể: cha Piô muốn chúng ta hằng ngày cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi cứu các linh hồn nơi luyện ngục.
Thánh Anphong, đấng sáng lập dòng Chúa Cứu Thế cũng nhắn nhủ: nếu muốn cứu giúp các linh hồn dưới luyện ngục, hãy lần hạt Mân Côi.
3.Chuỗi hạt Mân Côi với vua Galicia
Alphonso từ ngày được tôn lên làm vua nước Galicia, đã tỏ ra rất oai phong lẫm liệt. Nhà vua đi đâu cũng có các quan văn võ tả hữu theo hầu. Thần dân của vua hầu hết là những người công giáo ngoan hiền đạo hạnh. Biết thế nên muốn lấy lòng dân, vua luôn tỏ ra mình là người đạo đức, có lòng kính mến Đức Mẹ Mân Côi, để triều đình và thần dân bắt chước. Cho nên dụng ý nhà vua là làm thế nào cho thần dân biết mình là người năng lần chuỗi Mân Côi. Vua cho đặt một cỗ tràng hạt thật dài để quấn vào thắt lưng, mỗi khi vua đi ra ngoài. Dân chúng ai cũng trầm trồ khen ngợi nhà vua rất ngoan đạo. Cho nên để lấy lòng vua, các quan cũng như thần dân, ai cũng mang tràng hạt, và cũng bắt chước vua năng lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ. Nhưng than ôi, thực tế phũ phàng thay! Vua chỉ giả hình vậy thôi. Chứ chẳng bao giờ ông đọc kinh cầu nguyện gì cả, chỉ lo ăn chơi trác táng .
Một ngày kia, vua lâm bệnh nặng, trong một thị kiến vua thấy mình bị đưa đến toà phán xét. Ma quỷ vây chung quanh tố cáo vua các tội phạm tầy đình, và chúng chực sẵn để bắt linh hồn vua xuống hoả ngục. Đang lúc Chúa Giêsu Đấng Thẩm phán tối cao, sắp sửa luận phạt vua vào hoả ngục, thì Đức Mẹ xuất hiện biện hộ cho vua. Mẹ nói với Chúa Giêsu: Con hãy thư thả để Mẹ xem xét lại vụ này. Đức Mẹ liền truyền cho các thiên thần đem các tội vua đã phạm khi còn sống để trên một bàn cân, và cỗ tràng hạt vua luôn luôn đeo bên mình, cùng các kinh Mân Côi đã được đọc do gương sáng đeo tràng hạt của vua, trên một bàn cân khác. Kết quả là cỗ tràng hạt nặng hơn các tội vua. Rồi Đức Mẹ nhìn vua một cách trìu mến và nói: để tưởng thưởng một chút công của con đã dành cho Mẹ, bằng cách đeo tràng hạt Mân Côi, Mẹ đã xin Con Mẹ cho con được ơn rất lớn lao là khỏi sa hỏa ngục. Con sẽ được sống thêm mấy năm nửa để làm việc đền tội. Nhà vua tỉnh lại kêu lên: “ngợi khen chuỗi hạt Mân Côi của ĐứcTrinh Nữ Maria ! Nhờ đó trẫm được giải thoát khỏi sa hoả ngục”. Sau khi bình phục, nhà vua đã sốt sắng truyền bá kinh Mân Côi, và lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày.[2]
LM Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] http://tinmung.net – ttp://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20161027135244
[2] https://hiepsyfatima.org/p123a246/100-truyen-tich-man-coi-loi-ket