Home / Chia Sẻ / HÌNH AI ĐÂY?

HÌNH AI ĐÂY?

2020-10-19_13-09-32Mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài có lý trí, có ý chí.  Có lý trí để hiểu biết và có tâm tình để yêu mến.  Trước khi dựng nên loài người, Thiên Chúa phán: “Ta hãy dựng nên con người như hình ảnh Ta và giống Ta… và Thiên Chúa đã thực hiện dự định ấy: Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa.”  Cái hình ảnh ấy con người mang trong mình từ khi được thụ thai trong lòng mẹ, con người có những đức tính giống Thiên Chúa, nếu mỗi ngày biết trau dồi phát triển thêm, thì con người càng trở nên giống Chúa hơn.  Tư tưởng ấy Chúa Kitô đã nhắc lại cho chúng ta hôm nay trong dịp tranh luận với nhóm Pharisêu.

Chúa là sự thật hiện thân, là chân lý vĩnh cửu, nên Ngài rất ghét những kẻ giả hình: bề ngoài thơn thớt nói cười mà bề trong nham hiểm giết người không gươm.  Họ định đến gài bẫy để bắt lỗi Chúa thế mà họ chỉ dùng toàn những lời tâng bốc xu nịnh: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật… chẳng vị nể ai…”  Chúa không thể chịu được cái giọng dối trá ấy, vì đối với Ngài thì “có phải nói là có, không thì nói là không, còn những cái quá trớn đều là xấu xa.”  Vì không thể chịu được nên Chúa đã phải gọi họ là bọn giả hình, và Ngài đã cho họ biết những mánh lới quỷ quyệt của họ không làm gì nổi Ngài.  Chúa bảo họ cho Ngài xem một đồng tiền vẫn đóng thuế.  Thời ấy ở Palestine, dân chúng tiêu dùng hai thứ tiền: khi đóng thuế vào đền thờ thì bắt buộc phải dùng tiền Do Thái, bởi vì theo luật Do Thái, không một hình ảnh sinh vật nào được đưa vào khu vực đền thờ, mà tiền ngoại quốc lại thường có hình người hay vật, còn tiền Do Thái chỉ có số và niên hiệu mà không có hình ảnh gì.  Trái lại, khi nộp thuế cho chính phủ bảo hộ thì phải dùng tiền Rôma, tiền của Xêda.  Ai đổi lấy tiền ấy, tức là bằng lòng đóng thuế.  Chúa bảo đưa Chúa xem không phải là Chúa không biết thứ tiền ấy, mà Ngài chỉ muốn đưa họ vào chính cái bẫy mà họ đã gài định mưu hại Chúa.  Nghĩa là Chúa làm cho họ thú nhận bằng lời nói và việc làm rằng họ muốn hay ít nữa bằng lòng đóng thuế cho Xêda rồi.  Chúa sẽ không trả lời câu họ hỏi có nên hay không nên nộp thuế mà Ngài chỉ nói: “Của Xêda thì trả về Xêda”, nghĩa là các ông đã có tiền của Xêda tức là các ông đã sẵn sàng đóng thuế cho Xêda rồi, còn hỏi làm gì nữa?  Hãy đưa cái của nợ ấy mà hoàn lại cho Xêda, thế là xong.  Câu trả lời của Chúa còn bao hàm một ý nghĩa về quyền lợi của chính phủ hay chính quyền hợp pháp, “Quyền hành hợp pháp là do Thiên Chúa.”

Thánh Phaolô đã viết như thế cho giáo đoàn Rôma và Ngài còn thêm: “Những gì ta nợ ai thì phải trả cho người ấy”, mắc sưu thì trả sưu, mắc thuế thì trả thuế, mắc tôn trọng thì trả tôn trọng, mắc yêu mến thì trả yêu mến.  Những cái đó cũng là những món nợ: nợ vật chất và tinh thần.  Chúng ta phải thanh toán tất cả những món nợ ấy với những ai có quyền đòi hỏi ở chúng ta.  Nhưng không phải chúng ta chỉ nợ nhau, nợ loài người mà thôi, mà còn nợ cả Thiên Chúa nữa.  Để làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng, Chúa Giêsu đã không ngần ngại thêm: “Và hãy trả về Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa.”  Chúng ta nợ Chúa những gì?  Chúng ta nợ tất cả.  Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Ngươi có cái chi mà ngươi đã không nhận được?  Nếu ngươi đã nhận được ở chỗ khác thì sao lại hãnh diện như là không.”  Ngoài những đức tính, những khả năng tự nhiên của bản tính loài người: linh hồn, lý trí, ý chí, những cái chúng ta nhận được khi thụ thai, những cái làm cho chúng ta nên giống Thiên Chúa một phần nào, Chúa còn in vào trong tâm hồn chúng ta, trao cho chúng ta nhiều hình ảnh, nhiều vốn khác nữa.

Lúc chịu phép rửa tội, Chúa đã in vào trong tâm hồn chúng ta một hình ảnh Con Chúa, hình ảnh Chúa Kitô, một hình ảnh thật tốt, không thể tẩy xoá đi được, nhưng chưa được rõ lắm.  Không những chúng ta có nhiệm vụ bảo tồn hình ảnh ấy được nguyên vẹn, mà chúng ta còn có bổn phận tô điểm bức ảnh ấy cho thêm rõ ràng, tươi đẹp.  Hình ảnh ấy không thể chỉ là bức hoạt họa hay hí họa.  Bức họat họa chỉ làm trò cười cho thiên hạ thôi.  Bức hình ấy phải là bức ảnh truyền thần tô mầu, đúng chân dung Chúa Kitô: Chúa là Đấng đáng yêu mến, quý trọng… thì hình ảnh của Ngài cũng phải gợi lên được những tâm tình ấy, nghĩa là chúng ta phải làm thế nào để người khác trông vào nơi chúng ta là hình ảnh của Chúa, họ phải cảm thấy sự đáng yêu mến quý trọng của Ngài, nếu không, chúng ta chỉ là bức hí họa của Chúa.

Những người mới tập vẽ hay những họa sĩ kém khi vẽ một bức chân dung xong, cho dù cố gắng mấy vẫn còn phải đề tên người được vẽ ở dưới, không thì người xem bức hình ấy sẽ không biết là ai.  “Hình này là hình ai đây?”  Câu ấy có thể là một câu mà Chúa muốn đặt ra cho chúng ta chăng?  Có biết bao tín hữu đều là những bức hình cần phải đề tên rõ ở dưới, nghĩa là nếu không có một mẫu ảnh, một tấm áo hay một huy hiệu nào trên người họ thì người khác không thể biết được họ là tín hữu.  Trên cổ họ có lẽ lúc nào cũng cần phải đeo một tấm bảng nhỏ ghi: “Đây là một tín hữu”, bởi vì họ không mang trên mình họ, trong con người họ, trong tư tưởng, trong lời nói, trong hành động của họ một nét nào là nét Chúa nữa.

Hôm nay, Chúa đòi và mong muốn chúng ta sẽ mang lại cho Chúa hình ảnh mà Chúa đã trao cho chúng ta khi chúng ta được thụ thai cũng như khi chúng ta chịu phép rửa tội, và không những chỉ một hình ảnh y nguyên như lúc chúng ta nhận được nơi Chúa, mà còn phải là một hình ảnh đẹp gấp bội nữa, bởi vì nén vàng nén bạc trao cho chúng ta cần phải sinh lời ra nữa, bức hình trao cho chúng ta cần phải tô điểm thêm nữa.  “Hình ai đây?”  Hằng ngày chúng ta hãy tự cảnh tỉnh mình như thế: tôi làm việc này, tôi nghĩ ngợi như thế, tôi ăn nói như vậy có giống Chúa không?  Hành động này, tư tưởng ấy, lời nói kia là hình ảnh ai đó?  Chúa hay Xêda?  Hãy trả ngay cho Xêda những gì là của Xêda.  Và nhất là hãy giữ lại để trao về cho Chúa những gì là của Chúa.

Sưu tầm

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …