Home / Chia Sẻ / HAI PHONG CÁCH

HAI PHONG CÁCH

HAI PHONG CÁCHCó rất nhiều loại cặp đối, gọi là “đối” thì phải có ít nhất hai vế – có thể là cụ thể hoặc trừu tượng. Có cái này để biết cái kia, có kẻ dữ để nhận biết người lành – như lúa và cỏ lùng; có màu này để phân biệt màu khác; có người nói nhiều để nhận ra người điềm tĩnh. Người thế này, người thế khác, ngay cả chiếc lá cũng có hai mặt. Mỗi người mỗi vẻ, chúng ta gọi đó là phong cách.

Có những điều tưởng là trái ngược nhau mà lại không đối lập, gọi là “nghịch lý thuận.” Có những trường hợp có vẻ xuôi thuận mà lại đối nghịch, gọi là “thuận lý nghịch.” Cuộc đời phức tạp và có nhiều loại triết lý, biết được điều này lại thấy mình ngu dốt cái khác, thảo nào người ta cứ phải học mãi mà chẳng biết hết.

Nhờ cha mẹ cho đi học mà chúng ta biết trong toán học có tỷ lệ thuận và nghịch. Nếu biết cặp giá trị tương ứng của hai đại lượng tỷ lệ thuận và một giá trị khác của đại lượng này thì có thể tìm được giá trị tương ứng của đại lượng kia. Toán học cũng có quy tắc tam xuất đơn – thuận và nghịch. Quy tắc tam xuất đơn thuận: Nếu A tăng N lần, B tăng N lần (nhân với N). Quy tắc tam xuất đơn nghịch: Nếu A tăng N lần, B giảm N lần (chia cho N).

Chúa Giêsu cũng đề cập tình trạng thuận – nghịch: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” (Mt 12:30; Lc 11:23) Dạng đối nghịch tuyệt đối là “tội phạm tới Chúa Thánh Thần,” không được tha cả đời này và đời sau.

Phong cách liên quan tính cách, kể cả phong tục tập quán của vùng miền hoặc dân tộc, thế nên có sự thuận và nghịch giữa những con người với nhau. Ở đây không có ý nói “theo phe” hoặc “chống lại” nhau, mà chỉ có ý đơn giản và bình thường. Tuy không là thù địch, nhưng vẫn có người này “hợp” với người kia hoặc “không hợp” với người nọ, ngay cả anh chị em trong gia đình cũng vậy. Hai người hợp nhau thì dễ nói chuyện, dễ thông cảm, dù không cần nói gì; ngược lại, hai người không hợp nhau thì rất khó nói chuyện và khó thông cảm, khoảng im lặng nặng nề. Nếu đối nghịch nhau thì rất dễ xung đột.

Ngày xưa, dân chúng to gan lớn mật, ăn ngang nói ngược với cả Đấng tạo dựng nên mình: “Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.” (Ed 18:25) Liều lĩnh thật, chẳng kém gì Ông Bà Nguyên Tổ. Đúng là di truyền gen kiêu ngạo. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là điếc không sợ súng, dốt mà kiêu, ngu mà chảnh. Hết nước nói!

Vì thế, Thiên Chúa thẳng thắn đặt vấn đề với họ: “Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết.” (Ed 18:26-28) Chắc hẳn Ngài cũng đang chất vấn chúng ta như vậy, và dĩ nhiên chúng ta cũng chẳng biện minh được gì. Đối với nhân loại, cái chết là thất bại lớn nhất, chính tội lỗi khiến con người phải chết, (Rm 5:12; Rm 5:21) chứ Thiên Chúa không bắt chúng ta chết – vì Ngài cực tốt cực lành.

Phàm nhân chẳng đáng chi, bởi vì chỉ là bụi đất, (St 3:19) vậy mà vẫn thách thức Thiên Chúa, thậm chí còn dám nổi loạn, phản động, chống lại Ngài – cụ thể là phạm tội như cơm bữa. Tuy nhiên, Ngài không chấp lũ “đầu đất” như chúng ta, do đó Ngài vẫn luôn nhớ đến và quan tâm, (Tv 8:5) đồng thời còn kiên trì chờ đợi chúng ta hối lỗi: “Đối với các dân tộc khác, Chúa Tể nhẫn nại chờ đợi cho đến khi tội lỗi chúng ngập đầu mới trừng phạt; còn đối với chúng ta, Người không xử như thế.” (2 Mcb 6:14) Quả là Lòng Chúa Thương Xót quá lớn lao, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta cố chấp thì cùng đường: “Nếu các ngươi không chịu nghe Ta, thì Ta sẽ còn sửa phạt các ngươi gấp bảy lần vì tội lỗi của các ngươi.” (Lv 26:18) Thật đáng sợ, vì như vậy là hết lối thoát.

Ước gì chúng ta biết khôn ngoan như Thánh Vịnh gia: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.” (Tv 25:4-5) Cầu xin và muốn được Thiên Chúa nhậm lời thì phải biết chân thành sám hối. Đó là điều kiện hoàn toàn có lợi cho chúng ta. Thật vậy, Thiên Chúa lúc nào cũng chờ đợi và luôn sẵn sàng nghe chúng ta thú nhận tội lỗi và van xin chân thành: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng. Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người.” (Tv 25:9)

Lời hứa là lời đẹp, nhưng phải thật lòng, phải cố gắng chấn chỉnh cách sống, chứ không chỉ hứa suông. Thiên Chúa biết rõ chúng ta có họ hàng với chú Cuội nên dễ hứa lèo. Thế nhưng Ngài không chấp, mà Ngài xem chúng ta có rán sức hết mình hay không. Quả thật, “nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được.” (Tv 130:3) Tuy nhiên, đừng thấy Ngài nhân từ mà làm tới, “được đằng chân lân đằng đầu,” kẻo mà lợi dụng lòng thương xót của Ngài.

Biết mình để khiêm tốn, biết Chúa để yêu mến. Biết sám hối là biết kết nối với Ngài, như cành nho dính vào thân nho. Thánh Phaolô khuyên: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng MỘT cảm nghĩ, cùng MỘT lòng mến, cùng MỘT tâm hồn, cùng MỘT ý hướng như nhau.” (Pl 2:1-2) Sống được như vậy là “nên một” theo ý muốn của Đức Kitô. (x. Ga 17:21-23) Và đó là điều tất cả chúng ta phải phấn đấu không ngừng.

Một thế giới đại đồng không có trong xã hội ngày nay, vì thế mà chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn. Một lần nọ, ban chấp hành của một hội đoàn Công giáo (TGP Saigon) rủ tôi ăn uống chung, chỉ là để “cho vui” thôi. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 10 phút, tôi thấy người thì “vạch lá tìm sâu,” người thì “bới bèo ra bọ,” họ “căng thẳng” với nhau, tôi thấy bất lợi nên xin ra về. Thật đáng buồn! Bản chất con người luôn đề cao “cái tôi,” vì thế mà rất nguy hiểm, cần phải luôn cố gắng “đè nén” nó. Ngay cả khi chúng ta làm việc gì gọi là “vì Chúa,” thực ra chúng ta vẫn “vì mình” nhiều lắm, chẳng biết Chúa có vinh danh chút nào hay không. Thánh Phaolô đã từng cảnh báo: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.” (Pl 2:3-5) Khó lắm, vì thế luôn phải cố diệt “cái tôi” đáng ghét.

Cố gắng dứt khoát thì làm được. Thánh Phaolô dẫn chứng: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2:6-9) Điều này được nghe đi nghe lại nhiều lần rồi, nhưng có mấy lần chúng ta “giật mình,” hay chỉ nghe tai này rồi qua tai kia? Quả thật, chúng ta tội lỗi lắm, tội với Chúa và cả với tha nhân nữa.

Đức Giêsu Kitô có tất cả mọi sự, vì Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng Ngài đã tự hạ đến tột cùng, vì thế Ngài xứng đáng được Thiên Chúa Cha siêu tôn: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa.” (Pl 2:10-11) Cứ xét theo lẽ thường của loài người thì cũng thấy hoàn toàn hợp lý.

Qua trình thuậtMt 21:28-32 , Chúa Giêsu đề cập hai con người với hai phong cách trái ngược nhau qua dụ ngôn Hai Người Con. Đây cũng chính là “hai con người” hoặc “hai bộ mặt” trong mỗi chúng ta. Hôm đó, các thượng tế và kỳ mục hỏi vặn Chúa Giêsu về quyền hành. Ngài thản nhiên nói: Một người cha nọ có hai con trai, ông sai người con thứ nhất đi làm vườn nho, nhưng nó nói thẳng là “không đi.” Có thể nó không rảnh hoặc không vâng lời, cãi ngay. Nhưng rồi nó hối hận và đi làm. Ông cũng sai người con thứ hai đi làm, nó chấp nhận ngay, nhưng rồi nó lại không đi. Bằng mặt mà không bằng lòng, bên ngoài tỏ vẻ ngoan hiền nhưng bên trong lại phản động.

Chúa Giêsu hỏi họ rằng đứa nào đã thi hành ý muốn của người cha. Họ trả lời ngay là đứa thứ nhất. Giả sử Ngài trực tiếp hỏi chúng ta thì hẳn là ai cũng có thể trả lời được, không gì khó. Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” Ôi chao, nghe “sốc” quá chừng! Thế nhưng đó là thực tế, là sự thật. Ngài biết họ “ngứa óc” nên Ngài nói thẳng: “Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.” Trúng tim đen rồi!

Có lần Chúa Giêsu xác định: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ GIỮ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Ai không yêu mến Thầy thì KHÔNG GIỮ lời Thầy.” (Ga 14:23-24) Rất rõ ràng và mạch lạc, không khó hiểu, thế nên không ai có thể biện minh vì bất cứ lý do gì. Chữ YÊU ngắn gọn mà hàm súc. Có khi chúng ta là đứa con thứ nhất, có khi chúng ta lại là đứa con thứ hai. Mưa nắng thất thường. Chính “cái tôi” to lớn và dữ dằn lắm, cần phải luôn cảnh giác với nó. Thánh Phaolô cũng đã từng lo sợ: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.” (1 Cr 9:27) Nói hay mà làm dở thì thật là khốn!

Ước gì chúng ta luôn biết đè bẹp “cái tôi” và tâm niệm như Thánh Gioan Tẩy Giả: “Chúa phải LỚN lên, còn tôi phải NHỎ đi.” (Ga 3:30) Đó là phong cách tuyệt vời của mỗi tín nhân. Có vậy thì Thiên Chúa mới thực sự vinh danh, và chỉ có Ngài xứng đáng như thế. Tất cả vì danh Ngài, thụ tạo chúng ta không đáng là gì cả, giả sử có làm được gì cho Ngài thì cũng là trách nhiệm và bổn phận mà thôi.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin ban cho con được hưởng ân xá của Ngài. “Con đã phạm bao nhiêu tội lỗi? Bao nhiêu lần con đã phản nghịch, đã đắc tội với Ngài, xin cho con được biết.” (G 23:13) Xin giúp con ý thức để biết mình, biết Ngài và biết tha nhân. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …