Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 7 TN A 2014 của Trần Đình Phan Tiến

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 7 TN A 2014 của Trần Đình Phan Tiến

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VII TN A 2014

(Mt 5, 38-48)

ĐIỀU KIỆN NÊN THÁNH

Vâng, kính thưa quý vị! Không phải chỉ có chủ đề của Đoạn Phúc Âm hôm nay mới được gọi là ”Điều Kiện nên thánh“, mà là tất cả Lời dạy của Chúa Giêsu đều là “Điều kiện nên thánh”. Vâng, tại sao như vậy? Thưa, vì chính Chúa là Đấng Thánh, là Đấng hoàn thiện. Vâng, chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện, nhưng Đấng hoàn thiện “Ấy” không muốn chỉ một mình Ngài hoàn thiện mà thôi, hay nói cách khác, sự hoàn thiện nơi Thiên Chúa là điều muốn thông ban cho con người. Thưa, tại sao Thiên Chúa lại muốn chia sẻ điều hoàn thiện của Ngài cho con người chúng ta? Bởi vì, Ngài là Thiên Chúa và Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, và vì chính Ngài là Thiên Chúa vĩnh cửu và duy nhất.

Vâng, Thiên Chúa vĩnh cửu và duy nhất “Ấy” đã yêu thương nhân loại vô điều kiện, nhưng để đáp lại tình yêu thương của Thiên Chúa, thì cần phải có điều kiện. Có thể nói, chương 5 theo Tin Mừng thánh Mt, có 48 câu. Thì câu 48 của chương 5 Mt là câu chìa khóa cho vấn đề nêu trên: “Điều kiện nên thánh“. Bởi vì là câu giải mã cho những vấn đề lớn được nêu trong Tin Mừng Matthêu chương 5.

–          Từ 8 mối Phúc Thật (Mt 5, 1- 12),

–          Đến “Muối và ánh sáng cho trần gian(Mt 5, 13-16).

–          Rồi đến “Kiện toàn Lề Luật” (Mt 5, 17- 37),

–          Và hôm nay ”Chớ trả thù” và  ”hãy yêu thương kẻ thù” (Mt 5, 38- 48).

Như vậy toàn bộ chương 5 Mt là những vấn đề lớn, có thể nói toàn bộ chương 5 Mt là  ”Điều Kiện nên thánh”.

Vâng, kinh thưa quý vị! Nếu chỉ chửi rủa “anh em mình là đồ ngốc, thì cũng đáng bị đưa ra trước Hội Đồng” (Mt 5, 22 b). Như vậy, Luật của Chúa Giêsu đã nâng phẩm giá của con người lên một bậc. Chúa Giêsu muốn ngăn chặn mầm mống của tội trước khi tội xuất hiện. Vì vậy, mà hôm nay, từ việc ngăn chặn sự xúc phạm của mình đối với tha nhân, thì Chúa Giêsu dạy chúng ta tiến xa thêm một bước nữa, đó là “chớ trả thù” (Mt 5, 39 – 41). Vâng, “Mắt đền mắt, răng đền răng”, đó là Lề Luật cũ, làm cho con người chỉ biết một Luật duy nhất đó là: “Công Bằng“, nhưng Chúa Giêsu đã nâng lên thành Luật “Bác Ái”. Như vậy, mặc nhiên “Luật của Giêsu” là Luật bác ái.

Nói đến Luật là người ta nghĩ ngay đến sự công bằng, vì Công bằng làm nên luật pháp. Nhưng ai xây dựng trên “Luật Giêsu” thì khác. Bởi vì “ Luật Giêsu” là Luật yêu thương, còn công bằng là Luật chỉ vì Luật. luật pháp là thước đo, là cán cân, là sự minh bạch, mặc nhiên, là ”ăn miếng, trả miếng”, đó là định nghĩa của Luật Pháp. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (Mt 5, 44). Vâng , đây là triết lý cao siêu của Kitô giáo, và chính vì điều nầy mà Chúa Giêsu đã đến thế gian. Nên chi, khi chúng ta nghe: “Ai vả má bên nầy của con, thì hãy đưa luôn má bên kia cho nó vả” (c 39). Tại sao vậy, thưa quý vị? Thưa, vì “đừng chống cự kẻ ác”. Chúng ta ta thấy Lời dạy của Chúa Giêsu luôn đi ngược lại với thế gian, nhiều lần và cho tới nay, chúng ta cảm thấy nghịch lý, khó có thể chấp nhận. Vì thế gian là luôn chống lại kẻ thù, chiến đấu để chống lại kẻ thù, chứ không ai yêu thương kẻ thù. Nhưng, Chúa Giêsu thật hợp lý, bởi vì, nếu chúng ta đi theo và làm theo thế gian, có nghĩa là chúng ta đi theo và làm theo thế lực của sự dữ, đó là ma quỷ. Vì cái “đúng” của ma quỷ là cái “sai” đối với Thiên Chúa. Từ đó, kẻ thù chính của chúng ta là ma quỷ, chứ không phải là tha nhân. Vì thế lực satan là đường đưa con người đến sự chết, còn Chúa Giêsu là sức mạnh đưa con người đến sự sống đời đời. Vì vậy, Chúa Giêsu không dạy chúng ta xem người đồng loại là kẻ thù. Mà hãy nhận ra chân tướng của kẻ thù là thế lực satan. Đó là điều mà tại sao Chúa Giêsu lại dùng những ngụ ngôn về nghĩa đen để dẫn chúng ta đến ý nghĩa đích thực của Lời Chúa. Nên chi, khi đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một sự nhẫn nhịn đến lạ lùng, theo nghĩa đen thì khó mà thực hiện, khi gặp phải biến cố như vậy: “Ai vả má phải, thì đưa luôn má trái” (Mt 5, 39). Một sự nhẫn nhịn kỳ lạ, dẫn đến phi thường, bởi vì sự tha thứ cao độ mà chỉ có những tâm hồn đại lượng mới thực hiện được. Vâng, sự nhẫn nhịn của “Luật Giêsu” cho chúng ta một ý nghĩa cao cả, một mục đích vinh quang, đó là Thiên Chúa, chứ không để đạt được danh lợi trần thế. Có nghĩa: ”Luồn trôn” cho được việc. Ngày xưa ở nước Trung Hoa có câu chuyện Hàn Tín luồn trôn, có nghĩa là “chui qua háng” trong lúc hàn vi, phải chịu nhục để ăn học thành tài. Ý nghĩa và mục đích trần thế của Hàn Tín chỉ để đạt được danh lợi thế trần. Nhưng người môn đệ của Đức Kitô sẵn sàng tha thứ cho kẻ xúc phạm mình, là để cho kẻ xấu có cơ hội hồi tâm, và làm như vậy với ý nghĩa và mục đích chỉ vì Lời dạy của Thiên Chúa, là Thiên Chúa, chứ không phảivì danh lợi thế trần.

Khởi đi từ bài đọc I (Lv 19, 1- 2. 17-18), Thiên Chúa phán bảo Môi-sen để truyền dạy cho dân chúng rằng: “… Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình; vì Ta là Chúa ” (Lv 19, 18). Vấn đề nằm ở chổ nầy, chỉ vì “Ta là Chúa”, mọi thắc mắc đã được giải đáp, như vậy , Đoạn (Mt 5, 48) hôm nay cũng nói lên và giải đáp lý do mà cả Đoạn (Mt 5) mà Chúa Giêsu đã giảng dạy. Việc thực thi Lời Chúa quả là không dễ, nhưng ánh sáng của Lời Chúa sẽ soi dẫn cho chúng ta nhận ra giá trị đích thực của Lời Chúa, để chúng ta thi hành. Bởi vì, giữa nước và lửa, sự sống và sự chết, chúng ta phải chọn một. Nếu chúng ta muốn thuộc về Thiên Chúa là Đấng Thánh, thì chúng ta phải thực thi vì Chúa phán: “Vì Ta là Thánh, thì các ngươi cũng phải nên thánh” ( Lv 19, 2).

Thực tế, chứng minh cho chúng ta thấy, qua nhiều câu chuyện có thật, nhiều câu chuyện phim ảnh do hư cấu, đã cho chúng ta thấy rất nhiều tấn bi kịch chỉ vì thù hận. Như chuyện tình Rô-mê-ô và Ruy-li-ết chẳng hạn. Nhưng không phải dễ dàng thực thi được Lời Chúa hôm nay, muốn vậy, chúng ta phải cầu nguyện nhiều khi có biến cố xảy ra, và luôn tâm niệm Lời Chúa mỗi ngày. Để Lời Chúa là Lời giáo huấn đồng thời là Lời có sức giúp chúng ta thực thi sự giáo huấn ấy./. Amen.

23/02/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …