Sự thinh lặng là một trong những trạng thái mà không ít người sợ hãi khi phải đối diện. Nhưng, sự thinh lặng là khoảnh khắc vô cùng quan trọng để ta lắng nghe khao khát chân thực nơi cõi lòng mình. Cách riêng trong đời sống đức tin, thinh lặng là giây phút để ta tìm đến Chúa giữa những bộn bề cuộc sống.
Thinh lặng là bí quyết của sự suy ngắm và chiêm ngưỡng. Nhất là trong thời buổi công nghệ và truyền thông hiện đại thống trị, thinh lặng càng trở nên khó khăn hơn. Vì thế, thinh lặng là khoảng thời gian rất quý báu. Đối với người Kitô hữu, một trong những việc quan trọng đó là lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Để lắng nghe tiếng Chúa ta cần có một khoảng không gian và thời gian thinh lặng cho sự gặp gỡ với Ngài. Chỉ có kinh nghiệm về sự thinh lặng và cầu nguyện mới tạo ra môi trường thích hợp cho Lời Chúa được lắng lọng và thấm nhập vào tâm hồn ta.
Nhìn lại hành trình của Chúa Giêsu, ta có thể nói đó là một cuộc đời thinh lặng. Ngài đến trần gian trong thinh lặng của một trẻ thơ đơn sơ nghèo hèn. Ngài sống ẩn dật trong thân phận một người thợ mộc vô danh. Ngài thing lặng 30 năm trong thân phận một người con trong gia đình nhỏ bé Nagiarét. Ngài đã thinh lặng bước trọn con đường Thập giá giữa những lời sỉ nhục, kết án, giữa nhưng đòn roi, lưỡi đòng…
Và Đức Maria cũng thế, Mẹ đã bắt đầu hành trình thinh lặng từ lời thưa xin vâng. Mọi biến cố xảy ra với Đức Giêsu đã được Mẹ cất giữ và suy niệm trong lòng. Mẹ đang thinh lặng đồng hành cùng Chúa trên bước đường truyền giáo và chính Mẹ cũng đã thinh lặng cho đến giây phút chứng kiến con của mình bị treo trên thập giá cho đến chết.
Thật thế, sự thinh lặng nơi Chúa Giêsu hay Đức Maria chính là khoảng thời gian cho Lời Chúa được lắng nghe. Đó là thời khắc để Lời Chúa hướng dẫn và biến đổi. Và đó cũng là lúc các Ngài nhận lãnh nguồn ơn thiêng trước những biến cố lớn lao.
“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn” (Lc 11:27-28). Thật vậy, phúc cho Mẹ không chỉ là cưu mang và cho Chúa Giêsu bú mớm, nhưng hơn thế nữa, Mẹ đã để cho Lời Chúa thấm nhuần trên hành trình dương thế của mình; trong thinh lặng Mẹ đã nghiền ngẫm và để Lời Chúa trở nên kim chỉ nam cho cuộc đời Mẹ.
Noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong sự thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa, chúng ta được mời gọi hãy loại khỏi tâm hồn những lo lắng, ồn ào, những sôi sục của hận thù, ích kỷ, những dấu vết của buồn thảm, bi quan. Thay vào đó bằng một đời sống thinh lặng trong tin yêu và phó thác để chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống.
Trên dòng đời lắm nổi trôi này, sự thinh lặng sẽ giúp ta nhận ra tiếng Chúa giữa những kỳ công của thiên nhiên; biết nhận ra tiếng Ngài trong nơi những mảnh đời khốn cùng bất hạnh, và biết nhận ra tiếng Ngài giữa những thất bại, thử thách. Nhờ đó, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn biết đáp trả bằng tiếng xin vâng với thái độ nhiệt thành và vui tươi chấp nhận.
J.B Lê Đình Nam