Home / Chia Sẻ / LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG TRONG LỜI NÓI VÀ XÉT ĐOÁN (P.2)

LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG TRONG LỜI NÓI VÀ XÉT ĐOÁN (P.2)

 

2.4. Những lời khen
2.4.1. Những nguyên tắc để khen.
Lời khen: Con dao hai lưỡi, nếu muốn có hiệu quả tích cực, chúng ta cần học cách dùng ngôn từ với sự cẩn trọng, với nghệ thuật cao. Sau đây là một số nguyên tắc giúp thực thi nghệ thuật này:
1- Muốn người nghe cảm nhận được niềm vui lớn như một liều thuốc bổ tối ưu, đạt hiệu quả 100%. Chúng ta cần khen ngay lập tức.
2- Khen ngợi nên chính xác, cụ thể: “Em làm việc tốt lắm”. Như thế đã tốt rồi, vì nhấn mạnh cụ thể đến công việc. Nhưng họ sẽ thích thú hơn nếu như được khen: “Em làm việc rất chu đáo và có trách nhiệm”. Như thế, khả năng làm việc chu đáo và trách nhiệm sẽ được lập lại chính xác về sau. Chúng ta cần tránh những lời khen một cách chung chung vô bổ như: “Chị hay quá, chị giỏi quá”. Hay và giỏi ở phương diện nào? Và điểm cụ thể nào? Ví dụ: “Chị hát nhạc dân ca rất có hồn”.
Lời khen sẽ gia tăng giá trị gấp bội nếu được khen trước người khác hay đám đông. Và ngược lại, muốn phê bình ai xin làm riêng tư, kín đáo. [1]
2.4.2. Trâu cũng thích khen.
Câu chuyện dí dỏm sau đây sẽ cho chúng ta thấy giá trị của những lời tích cực; sức bật hay sự rò rỉ năng lực đều do lời nói mà ra.
Xưa có nông dân nọ nuôi một con trâu dùng để kéo xe, con trâu này đã xấu xí đen thui, lại chỉ có một sừng, nhưng thay vào khuyết điểm đó, trâu ta lại có sức mạnh phi thường, có thể kéo cả tấn hàng băng băng qua dốc núi cao chót vót. Chủ làng bên cạnh cũng có một con trâu vừa đẹp vừa có sức mạnh. Một hôm, ông ta thách đua trâu kéo hàng. Nếu con nào kéo nổi một tấn hàng qua núi cao, ông ta sẽ chịu thua số tài sản mình đang có. Chủ của con trâu đen một sừng mừng rỡ, dẫn nó đi thi. Lúc sửa soạn ra đấu trường, ông ta vô tình vỗ vào đầu trâu nói giọng giễu cợt: Này, thằng đen thui một sừng, ráng kéo lên nha! Nghe lời giễu cợt ấy, trước mặt mọi người, trâu đen tái mặt. Với sức của nó, tấn hàng chất lên lưng chẳng là gì cả, nhưng lời của chủ làm nó đau lòng, bao nhiêu sức lực tiêu tan, nó ì ạch lê từng bước. Cuối cùng tài sản của chủ nó bị ông chủ làng bên lấy sạch. Hậu quả con trâu một sừng bị mắng thậm tệ.
Vớ được món hời, vài hôm sau, ông chủ bên kia thách thi đấu nữa. Lần này số tiền đặt cược lên gấp ba. Trâu đen bèn thưa với chủ hãy đến đánh cược. Chủ bảo: Thôi đi, lần trước mày làm tao thua hết tài sản, hổng thấy hả? Nó ôn tồn đáp: Chủ ơi, tại lần trước chủ chế giễu, chê tôi trước mặt mọi người nên tôi buồn quá, kéo không nổi. Ngày mai, trước giờ đi thi, chủ hãy nói như thế này: Trâu đen ơi, tuy con không đẹp, nhưng con là đứa ngoan, giỏi nhất! Lúc đó, tôi sẽ lấy lại phần tài sản cho chủ xem.
Chủ nó làm theo lời và đặt cược. Quả nhiên, nó kéo cả tấn hàng lên núi một cách nhanh chóng. Và chủ nó lấy lại được nhiều tài sản vàng bạc. [2]
3. Những lời nói tiêu cực.
3.1. Những lời nói dối
Lời nói là một biểu hiện của tinh thần. Trong lòng thế nào thì lời nói bộc lộ ra thế ấy. Ngược lại, khi được thể hiện ra rồi, lời nói lại gieo cấy những hạt giống tốt hoặc xấu vào tâm hồn chúng ta. Vì thế, muốn tâm hồn chân thật thì lời nói tất nhiên cũng phải chân thật. Việc nói năng tùy tiện, bừa bãi có những tác hại sâu xa mà chúng ta không thể không quan tâm sửa đổi.[3]
3.1.1. Tác hại của lời nói dối, đùa cợt, khoe khoang
Chúng ta có thể dễ dàng đồng ý với nhau về tác hại của những lời nói dối. Hiển nhiên là nó đánh mất đi giá trị tự thân của người nói, khiến cho mọi người không còn tin cậy vào anh ta được nữa, ngay cả khi anh ta đã từ bỏ việc nói dối. Vì thế, những gì người nói dối đánh mất đi là nhiều hơn những gì họ đạt được.
Nhưng không phải ai cũng có thể thấy được tác hại của những lời đùa cợt hoặc khoe khoang, khoác lác…Bởi vì chúng có vẻ như chẳng hại gì đến ai cả.
Trong thực tế, những lời đùa cợt không thật hay những lời khoe khoang vuợt quá sự thật chính là tiền thân của những lời nói dối. [4]
3.1.2. Con đường dẫn đến nói dối
Rất nhiều người trong chúng ta đã biết qua cảm giác ngượng ngập, lúng túng khi lần đầu tiên nói dối. Người nói đang đứng trước ranh giới giữa sự chân thật và dối trá, và cảm giác này giống như phản ứng tự nhiên của bản thân để cố ngăn không cho ta rơi vào sự dối trá. Thường thì người nghe rất dễ nhận ra vẻ lúng túng ấy để biết là mình đang bị nói dối. Tuy nhiên, nếu chúng ta lập lại việc nói dối nhiều lần, chúng ta không còn cảm giác lúng túng, ngượng ngập như lần đầu.
Và chính những lời đùa cợt hay khoe khoang cũng có tác dụng xói mòn làm mất đi cảm giác ngượng ngập, lúng túng đã ngăn cản không cho ta nói dối. Nếu bạn thường xuyên đùa cợt, khoe khoang quá trớn, bạn sẽ rất dễ dàng chuyển sang nói dối mà không có chút gì ngần ngại.
Mặt khác, bản thân người nói không bao giờ cũng ý thức rõ được mình đang nói những lời không chân thật. Nếu ta nhận được sự thán phục hoặc tán đồng từ người khác, dần dần ta sẽ có cảm giác như mình đang nói thật, nhưng thật ra, ta đang lừa dối chính bản thân mình. Và điều này về lâu dài sẽ khiến cho ta mất khả năng phân biệt rạch ròi giữa chân thật và dối trá.[5]
3. 2. Những lời nịnh hót.
● Người nịnh chi phối người khác bằng cái miệng của mình, bằng những lời “bốc thơm” để được lòng, nhưng động lực chính là để lôi cuốn người nghe nịnh làm theo hướng mình muốn.
● Người nịnh thường để lấy lòng, hầu lôi cuốn người nghe về phe mình, để họ bao che, nâng đỡ khi cần… việc nịnh hót này là một hình thức tìm ô dù.
● Người nịnh vô hình chung là người điều khiển người khác bằng con đường thiếu thẳng ngay, vì thế người nghe nịnh là người tiếp tay với sự xấu.
● Khi có ô dù và được bao bọc nâng đỡ, người nịnh thường dựa thế người trên hay người có quyền để hiếp đáp người khác. “Thượng đội, hạ đạp”!
● Người nịnh thường được quyền lực đứng về phía mình; vì thế, theo vô thức, những người còn lại sẽ tự động dựa vào nhau để tự bảo vệ và nâng đỡ nhau, nên dù muốn dù không sự nịnh bợ sẽ tạo nên phe nhóm, chia rẽ.
Trên hết, về mặt xã hội, người nịnh là thành phần phá hoại ích chung, còn về mặt cá nhân, họ là người tự hạ giá chính mình.
Obreson đã cảnh tỉnh chúng ta:
Ta không nên sợ những người công kích ta, mà nên sợ những người nịnh ta”. [6]
3.3. Những lời nói châm chọc.
Những lời nói nhằm gây những điều tiêu cực cho các mối tương quan, làm lệch lạc cách hiểu việc, hiểu người. “Đâm bị thóc, chọc bị gạo” là thành ngữ mà dân chúng dùng cho loại người đi đầu này nói xấu đầu kia, rồi trở lại đầu kia đặt chuyện dèm pha người nọ, nhằm tạo sự thù hằn, hờn giận hay chia rẽ.
Chúng ta biết rằng nguyên nhân của sự đâm thọc thường do tâm bất mãn, hận thù hoặc ganh tị. Thấy ai thành công hay được quý trọng, được yêu mến thì sanh tâm muốn hạ uy tín hoặc làm giảm giá trị người đó. Ngoài ra đâm thọc là vì muốn ám hại ai hay lấy lòng người nào. Những người hay đâm thọc là người có tâm bất thiện, có ác ý, muốn gây chia rẽ. Họ suy nghĩ, nghiền ngẫm để tìm cho ra những lời châm chích đúng lúc, hợp tâm lý người nghe.[7]
Có nhiều người cho rằng: Người hay đâm thọc được ví như loài muỗi hút máu độc hại đầu này, đem chích vào đầu kia. Mỗi lần chích, họ chuyền qua một ít nọc độc, và từ từ những lời nọc độc ấy thấm vào, dần dần chuyển hoá làm ô nhiễm tư tưởng, con tim và các mối tương quan giữa người với người. Độc thay!
Theo luật nhân quả, khi dùng lời nói hại người, tâm của chúng ta chắc chắn biến động. Nếu một lời nói ra làm tan vỡ tình thân, gây ngờ vực, vì nó mập mờ, thêm bớt, lộng giả thành chơn, có lại nói không … Khi có tà ý muốn hại người, có lẽ người chưa bị hại, mình đã thấy tâm bất an rồi! Vì thế nhân gian đã cảnh cáo chúng ta hãy coi chừng!
Gậy ông lại đập lưng ông.

Gậy bà chẳng trúng thẳng xông lại bà” [8]

3.4. Những lời nói phàn nàn kêu trách.
Tránh “than phiền, phàn nàn, kêu ca”. Henry Ford, nhà thành lập và chủ nhân của hãng xe hơi Ford đã nói thế, vì chính nhờ tránh xa sự than phiền mà ông và công nhân đã vượt được những khó khăn trong cuộc đời và sự nghiệp. Chúng ta biết rằng, khi chăm chú vào một việc gì, chúng ta có dịp để phát huy chúng; trái lại, càng than phiền bao nhiêu, chúng ta càng thấy nhiều điều để than phiền bấy nhiêu. Trên thực tế, chẳng ai muốn gần kẻ hay phàn nàn chê trách cả. Dường như “virus bịnh Than” đã rất dễ thấm nhập và lây lan. Thường chúng ta cho rằng mình hay giỏi hơn người chúng ta phàn nàn. Có người hài hước cho rằng:
Khi ta đưa ngón tay trỏ chỉ vào người mà mình phàn nàn, thì ba ngón kia chỉa lui vào bản thân mình”.
Làm sao cho sự than vãn không có chỗ đứng trong đời sống chúng ta, hay ít nhất là làm giảm thiểu chúng, có như thế cuộc đời chúng ta mới mong bay bổng lên được!
Nếu chúng ta muốn được hoàn hảo trong lời nói, thì chúng ta phải đào thải những lời phàn nàn ra khỏi cuộc sống của mình” F.A.Losito. [9]
3.5. Những lời nói tiêu cực và tác hại của chúng
3.5.1. Những lời nói tiêu cực.
Thực tế mà nói, chúng ta thường có xu hướng dễ đi vào con đường tiêu cực, đây là một thói quen nguy hiểm trong cuộc sống. Tuy vậy, không ít thành viên trong các cộng đồng than rằng trong nhà hay nhóm hoặc tập thể của mình thường có:
● Những lời vuốt ve, nịnh bợ,

● Những lời ba hoa, tâng bốc quá đáng,

● Những lời hùa theo như là một loại “cuốn theo chiều gió”

● Những lời mỉa mai, châm biếm,

● Những lời khó chịu,

● Những lời chọc tức,

● Những lời nói đùa ác ý,

● Những lời nói sau lưng,

● Những lời hạ giá, tổn thương,

● Những lời “thọc gậy bánh xe”,

● Những lời bóng gió, gần xa…

● Những lời đồn thổi,

● Những lời không chân thật,

● Những lời thô tục, lố lăng đùa cợt vô nghĩa,

● Những lời than phiền,

● Những lời thách thức,

● Những lời cay độc, vu khống, nói xấu,

● Những lời phán đoán về giá trị…

● Những lời gieo rắc sự chia rẽ,

● Những lời vô trách nhiệm, tung tin, thêm bớt cho vừa ý mình chứ không phải là sự thật khách quan…

● Những lời vu khống, võng đoán, suy diễn: “Suy bụng ta ra bụng người”.

● Những lời la lối như một loại “cả vú lấp miệng em”

● Những lời của người đưa chuyện, lời tiêu cực đã nghe ( đúng hay sai còn xét lại) đem mách qua, mách lại cho đương sự. [10]

3.5.2. Tác hại của những lời nói tiêu cực
Những loại hình ngôn từ nêu trên là những yếu tố cơ bản dẫn đến sự chán nản, rút lui, bỏ cuộc của một số anh chị em nhiệt tình, quảng đại và tích cực đóng góp cho công việc, cho ích chung, cho cộng đồng. Những lời cay độc thấm dần như thuốc độc làm ô nhiễm bầu khí chúng, làm mệt mỏi, căng thẳng dài ngày… tệ hơn nữa, có những người yếu đuối và ngay cả những người mạnh mẽ, nhưng lâu ngày dài tháng đã không chịu nổi, nếu không biết tự lo, vết thương có thể trở nên mưng mủ, và rốt cuộc, họ đã ngã quỵ, buông xuôi, khép kín, cô lập, hay tệ hơn nữa, phải rời bỏ cả lý tưởng mình đã chọn.
Sau đây là một số hệ quả của những lời tiêu cực mà Raymond De Saint Laurent đã nhận định:
– Một người hay châm biếm thường gây thù chuốc oán và làm mọi người xa lánh.
– Một người thiếu kín đáo, hay tiết lộ những điều cần giữ riêng cho mình, thường hay làm mất lòng người khác, mất niềm tin cậy và bị nghi ngại khi tiếp xúc.
– Một người mắc bịnh ba hoa kinh niên chỉ làm cho người nghe chán ngấy, và từ đó thiên hạ tránh xa khi thấy người đó xuất hiện.
– Một người có ác tâm xét đoán người khác, sẽ tạo nên bầu khí căng thẳng, khó chịu cho những người xung quanh.
– Một người hay nói quanh co, ẩn ý sẽ làm cho người ta nghi ngờ, ngại ngùng và tránh xa.
– Một người gièm pha, bóng gió là không dám nói thẳng sự việc, mà quanh co khéo léo. Nói không rõ ràng minh bạch, mà ám chỉ nọ kia… Những người gièm pha là những người thuộc loại thọc gậy bánh xe, có sức phá hoại ngầm, rất độc hại
– Một người nóng giận là người thường thiếu sáng suốt, và khó kiềm chế bản thân, nên rất dễ thốt ra những lời vô bổ, quá trớn, và rồi qua cơn nóng giận không thể rút lại được những gì mình đã nói. Hối tiếc, xúc phạm, đau lòng!
– Một người chỉ trích. Thật ra, mình không phải là người khác, không ở trong da thịt, hoàn cảnh của người khác. Làm sao biết rõ những gì họ phải trải qua, phải tranh đấu, phải đối phó. Biết đâu mình trong hoàn cảnh của họ, mình có thể tệ hơn chăng? Vậy tại sao lại chỉ trích? Chỉ trích luôn là con đường có sức công phá những mầm sống, chồi non, phá hoại thiện chí và những cố gắng vươn lên. [11]
4. Phải cẩn thận trong lời nói
4.1. Cẩn thận trong lời nói sẽ mang lại cho lời nói của mình có giá trị
Một khuynh hướng rất thông thường là chúng ta luôn nói nhiều hơn mức cần thiết. Một trong những lý do dẫn đến điều này cũng là vì “Nói dễ hơn Làm”. Đôi khi chúng ta tập thành thói quen nói rất nhiều mà không quan tâm đúng mức đến những gì mình nói ra. Sự “lạm phát” lời nói này luôn được những người chung quanh cảm nhận được và phản ứng lại bằng cách đánh giá thấp lời nói của ta. Điều này cũng có nghĩa là chỉ cần ta bớt nói đi, lời nói của ta sẽ tự nhiên có giá trị cao hơn.
Nhưng vấn đề cũng không đơn giản chỉ có thế. Việc nói năng tùy tiện, bừa bãi còn làm ta đánh mất đi năng lực suy nghĩ chín chắn đối với từng vấn đề. Thay vì tập trung sự chú ý sáng suốt để tìm ra giải pháp tốt nhất, ta dễ dàng hài lòng với bất cứ phát biểu nào vừa chợt nghĩ ra được.
Biết hạn chế lời nói một cách thích hợp, chúng ta còn tiết giảm được một năng lượng đáng kể cần thiết cho cơ thể. Cũng có thể bạn có phần nào hoài nghi về việc nói nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng đó là sự thật. Người xưa cũng đã nhận biết được điều này nên có nói: “Khẩu khai thần khí tán” (miệng mở ra là thần khí phải hao tốn). Tất nhiên, nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa chúng ta phải trở nên lầm lỳ ít nói, có điều là chỉ nên nói những gì ta thấy cần thiết mà thôi.[12]
4.2. Lời nói đi đôi với việc làm
Khi chúng ta biết quan tâm hạn chế những lời nói không cần thiết, chúng ta sẽ tiến dần đến chỗ làm được tất cả những cái mình nói.
Để cho lời nói đi đôi với việc làm không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng nếu ta chỉ nói ra những điều đã cân nhắc thận trọng thì điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Khi nói ra với sự ý thức đầy đủ là mình sẽ thực hiện lời nói đó, chính là chúng ta đã biết sống tỉnh thức trong hiện tại mà không buông bỏ những giây phút sống của mình vào sự lơ đễnh, lãng quên.
Việc giữ cho lời nói đi đôi với việc làm sẽ hoàn thiện nhân cách của bạn rất đáng kể và điều này có thể dễ dàng nhận ra được qua cung cách mà những người chung quanh sẽ đáp lại với bạn. Bạn sẽ không còn mấy khi phải nghe người khác than phiền về chuyện “Nói dễ hơn Làm”. [13]
4.3. Một lời nói: hai phản ứng khác nhau.
“Chuyện kể rằng, một ngày kia trong buổi lễ ở nhà thờ của một ngôi làng nhỏ, cậu bé giúp lễ Misa lúng túng tuột tay làm đổ chén rượu lễ. Vị Linh mục giận dữ xáng một tát tai, đuổi ra, la lớn: “Đi khỏi đây, và đừng bao giờ trở lại nữa!” Cậu bé run rẩy đi xuống, mặt đỏ bừng, vừa sợ, vừa xấu hổ. Về sau cậu bé đó trở thành Tito, nhà lãnh đạo độc tài của đảng Cộng sản Nam Tư trong nhiều thập niên.
Cũng trong một lễ Misa khác ở một ngôi đại giáo đường, một cậu bé giúp lễ khác cũng phạm một lỗi lầm tương tự: làm đổ chén rượu lễ. Vị giám mục già không tỏ vẻ giận, nhưng lại nheo mắt, cúi xuống ghé vào tai cậu bé nói nhỏ: “Không sao! Một ngày kia con sẽ làm linh mục!”. Cậu bé đó lớn lên trở thành Tổng giám mục Fulton Sheen.” [14] (còn tiếp)

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

 


[1] Sđd., p.50

[2]Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.63

[3] Nguyễn Minh Tiến, Hạnh phúc là điều có thật, p.134

[4] Nguyễn Minh Tiến, Hạnh phúc là điều có thật, p.134-135)

[5] Sđd., p.135-136)

[6] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.157

[7] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.172

[8] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.174

[9] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.99-100

[10] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.85

[11] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.86-87

[12] Nguyễn Minh Tiến, Hạnh phúc là điều có thật, p.136-137

[13] Sđd., p.137

[14] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, p.25

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …