Home / Chia Sẻ / CẤP CỨU

CẤP CỨU

CẤP CỨUCó nhiều dạng cấp cứu, không thể trì hoãn – tai họa, tai nạn, bệnh tật, áp bức, bách hại,… cụ thể và rõ ràng nhất là những người nhiễm covid-19 trong thời gian này: “Lạy Chúa, vì danh dự của Ngài, xin cho con được sống. Bởi vì Ngài công chính, xin cứu con khỏi bước ngặt nghèo.” (Tv 143:11)

SOS là tín hiệu cấp cứu phát bằng vô tuyến điện báo hoặc cách phát khác, nghĩa là có sự nguy hiểm nghiêm trọng, cấp bách đang đe dọa và yêu cầu trợ giúp. Quy ước tín hiệu SOS được đề xuất lần đầu tiên tại Hội nghị Quốc tế về Liên lạc Điện tín trên biển ở Berlin năm 1906, được quốc tế phê chuẩn năm 1908 và được sử dụng rộng rãi từ đó.

Để dễ nhớ, SOS có thể được hiểu là “Xin Cứu Tàu Chúng Tôi” (Save Our Ship – Titanic là con tàu đã sử dụng tín hiệu SOS khi bị đắm vào tháng 4-1912), “Xin Cứu Linh Hồn Chúng Tôi” (Save Our Souls), hoặc “Xin Gởi Cứu Trợ” (Send Out Succour), và còn các nghĩa khác… Thật ra không có ý nghĩa riêng nào nên hoàn toàn sai khi đặt các dấu chấm giữa các mẫu tự đó. SOS được chọn vì là tín hiệu ngắn, dễ nhận biết và có thể gửi đi nhanh chóng.

Có nhiều thứ sóng – tốt và xấu, nhưng thường là sóng dữ. Khi nói đến sóng, người ta nghĩ ngay tới biển với những con sóng. Sóng có lúc rất hiền hòa, rất thơ mộng khi sóng “mơn man vỗ mạn thuyền,” do đó mà người ta áp dụng nghĩa này cho vấn đề trừu tượng và gọi là “lãng mạn.” Sóng cồn dù dữ dội nhưng là sóng nổi, không đáng sợ bằng sóng ngầm, không thể nhìn thấy. Sóng còn khủng khiếp hơn nếu đó là sóng bạc đầu hoặc sóng thần, điển hình là sóng thần tại Nhật Bản ngày 11-03-2011 đã cuốn mất khoảng 16.000 người và quét sạch mọi thứ vào lòng biển khơi. Biển vừa hiền vừa dữ, sâu thẳm và bao la, lòng biển không bao giờ lặng, luôn động, dù có lúc nhìn biển rất tĩnh.

Biển đời cũng vậy, có đủ loại sóng. Sóng còn gọi là ba đào (dậy sóng – ba: sóng, đào: nổi dậy.) Chúng ta đang miệt mài hành trình lữ hành trần gian, lênh đênh trên biển đời, luôn gặp những loại sóng đời – đủ dạng và đủ cỡ. Không vững tay chèo là thuyền đời chìm ngay. Vì thế, lúc nào chúng ta cũng phải phát tín hiệu báo khẩn: SOS, lạy Thiên Chúa! Thật vậy, ngày nay sóng dữ “bách hại tôn giáo” nổi lên khắp nơi. Có phải là lúc đang ứng nghiệm chương 11 sách Đaniel chăng? Nói về vua phương Bắc mặc sức tung hoành, chống lại vua phương Nam.

Thiên Chúa hiện diện mọi nơi và thể hiện trong mọi sự, kể cả những thứ chúng ta cho là không tốt, nhưng Thiên Chúa tốt lành, không bao giờ làm điều xấu. Các loại đau khổ và những thứ không tốt xảy ra cho chúng ta, không phải Ngài không biết, nhưng Ngài cho phép nó xảy ra theo tự nhiên để dạy chúng ta bài học giá trị. Có thể đó là hậu quả do sai lầm của chúng ta hoặc của người khác, nhưng cũng có thể là để làm vinh danh Chúa – như trường hợp người mù bẩm sinh. (Ga 9:1-3) Tội lỗi cũng có tính liên đới: Xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, không ngăn nắp gây dơ bẩn, rồi bệnh tật,… Lối sống thụ động cũng gây hệ lụy tất yếu. Có rất nhiều liên đới như vậy.

Ngày xưa, ông Êlia vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Chúa hỏi ông làm gì ở đó. (1 V 19:9) Rồi Ngài nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua.” (1 V 19:9) Gió to, bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa KHÔNG ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa KHÔNG ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng KHÔNG ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu.

Vừa nghe tiếng đó, ông Êlia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Ông nhận biết Đức Chúa đang ở trong làn gió nhẹ đó. Quả thật, lúc đó có tiếng hỏi ông như trước: “Êlia, ngươi làm gì ở đây?” (1 V 19:13) Ông thưa: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con.” (1 V 19:14) Ông phải chạy trốn làn sóng bách hại. Thiên Chúa đã cấp cứu ông.

Quả thật, không dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa hoặc nhận biết ý Chúa, vì thế mà chúng ta phải không ngừng cố gắng lắng nghe để nhận biết ý Ngài, rồi tiếp tục cố gắng chấp nhận và thực hiện, người có lòng nhiệt thành đối với Chúa thì sẽ để ý Chúa nên trọn chứ không mong ý mình nên trọn. Về lĩnh vực này, chúng ta lại thường có xu hướng trái ngược, vì chúng ta luôn thích “xin được như ý” theo kiểu theo ý mình chứ không theo ý Chúa.

Với kinh nghiệm tâm linh, Thánh Vịnh gia chia sẻ: “Tôi LẮNG NGHE điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng trí về Người. Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.” (Tv 85:9-10) Thiên Chúa đại lượng, nhưng Ngài chỉ ban ơn cho những người cần, Ngài không ép ai.

Chắc chắn ở đâu có Chúa thì mọi sự đều tốt đẹp. Gặp “xui xẻo” thì phải xét lại cách sống của mình. Thánh Vịnh gia nói: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân.” (Tv 85:11-14) Điều này cũng có nghĩa là ở đâu vắng bóng Thiên Chúa thì sẽ hoang vu, thậm chí là nguy hiểm và ảnh hưởng tính mạng.

Vậy phải làm sao? Không gì hơn là mau chóng gọi cấp cứu và đón Chúa vào lòng, càng sớm càng tốt, trước khi công lý được áp dụng, trước khi hết thời gian thương xót. Thiên Chúa vẫn kiên trì chờ đợi chúng ta trở về như người cha nhân hậu mong ngóng đứa con hoang đàng trở về. (Lc 15:11-32) Ai khôn ngoan thì biết tỉnh thức đợi chờ Ngài như mười trinh nữ khôn ngoan chờ đón chàng rể, (Mt 25:1-13) vì thời gian như thoi đưa, không chờ đợi ai. Lý do? Bởi vì “Chúa đã gần đến,” (Pl 4:5) “ngày Chúa quang lâm đã gần tới,” (Gc 5:8) và “thời giờ đã gần đến.” (Kh 1:3; Kh 22:10) Đó là không ngừng rèn luyện Đức Tin, để khi gặp thử thách sẽ không bị chao đảo, không như hạt giống rơi vào đất sỏi đá hoặc bụi gai.

Bất cứ ai biết tỉnh thức chờ Chúa như vậy thì không thể ngồi yên, luôn như biển động, luôn nổi sóng bồn chồn – lúc mạnh, lúc nhẹ. Thánh Phaolô cũng đã đứng ngồi không yên. Ông thề có Đức Kitô chứng giám, rồi nói sự thật chứ không nói dối, nhờ Thánh Thần hướng dẫn: “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi.” (Rm 9:2) Tại sao vậy? Thánh Phaolô giải thích: “Giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, tôi cũng cam lòng. Họ là người Israel, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Rm 9:3-5) Có Chúa thì hạnh phúc và vinh dự, cụ thể là luôn thản nhiên, bình an.

Tuy nhiên, con người thường có tính xấu: nói rồi quên, hứa rồi thôi. Phàm nhân thật là khốn nạn, vì không chỉ nghe người khác nói mà chứng kiến tận mắt, thế mà vẫn chưa tin. Ôi, con người thật tồi tệ!

Trình thuật Mt 14:22-33 đề cập việc Phêrô xin cấp cứu: Vào một buổi chiều nọ, có lẽ trời quang mây tạnh, đẹp lắm, thú vị lắm. Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no, Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Ngài giải tán dân chúng, vì chắc chắn dân chúng lưu luyến Ngài, khoái Ngài lắm, không thể về được, dù trời đã gần tối. Mãi mới giải tán được. Khi giải tán họ xong, Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến, Ngài vẫn ở đó một mình.

Chúa Giêsu luôn thích sống tĩnh lặng để kết hiệp với Chúa Cha qua lời cầu nguyện. Ngài luôn căn dặn mọi người phải cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. (Lc 22:40-46) cầu nguyện là sức sống và sức mạnh của linh hồn: Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì mới là hoạt động.

Trong lúc Chúa Giêsu ở một mình và cầu nguyện, chiếc thuyền chở các môn đệ đã ra xa bờ vài cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Lúc đó khoảng canh tư – tức là quá nửa đêm về sáng, Ngài đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Ngài đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” Họ sợ hãi và la lên. Ngài liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14:27) Nghe vậy, ông Phêrô bán tín bán nghi nên liền thưa: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” (Mt 14:28) Ngài ôn tồn: “Cứ đến!” Ông Phêrô mạnh dạn bước ngay xuống khỏi thuyền, đi trên mặt nước mà đến với Ngài. Rất ngon lành. Thế nhưng khi thấy GIÓ thổi, ông đâm SỢ, hồn xiêu phách lạc, chín vía lên mây ráo trọi, và bắt đầu CHÌM, ông la toáng lên: “Sư Phụ ơi, xin cứu đệ tử với!” (Mt 14:30) Đức tin cần thiết nhưng không đơn giản.

Và cuộc đời của mỗi chúng ta cũng vậy, chẳng hơn gì Phêrô đâu. Biển đời chỉ mới gợn sóng lăn tăn thôi, vậy mà thuyền đời của chúng ta đã tròng trành tưởng chừng chìm đến nơi. Lòng tin tích góp bao năm, bỗng “bốc hơi” như muốn cạn kiệt; cây đức tin vun tưới bao năm, bỗng héo úa mau chóng. Ôi, lạy Chúa! Đức tin chỉ “sống” khi dòng đời êm ả, khi tiệc tùng linh đình, khi ung dung rung đùi, khi được người ta tâng bốc lên tận mây xanh,… Còn khi gặp phải gió xoáy hoặc gió lốc, con-thuyền-đức-tin quay tít như chong chóng, mất cả phương hướng. Kém cỏi thật, và khổ thật!

Khi thấy đệ tử Phêrô ngoi ngóp trong dòng nước, Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà KÉM TIN vậy! Sao lại HOÀI NGHI?” (Mt 14:31) Lời trách nhẹ nhàng mà đau điếng. Đó cũng là lời trách mà Thầy Giêsu đang nói với mỗi chúng ta hôm nay, ngay bây giờ. Lời trách thẳng thắn nhưng đầy ắp yêu thương, vì Ngài muốn chúng ta thực sự trưởng thành trong đức tin.

Sau khi hai thầy trò đã lên thuyền thì gió yên, biển lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Ngài và nói: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14:33) Đó là bài học đức tin vô giá mà Chúa Giêsu dạy chúng ta ngay trong những lúc chúng ta gặp cơn sóng gió của cuộc đời. Ước gì chúng ta khả dĩ nhận biết mình yếu kém về đức tin, nhờ đó mà có thể cố gắng chăm sóc cây đức tin ngày càng lớn mạnh, luôn đổ thêm nhiên liệu đức tin để ngọn đèn tâm linh không lúc nào lu mờ.

Về thể lý, có thể có người chưa phải cấp cứu; nhưng về tâm linh, chắc chắn chúng ta đã nhiều lần cần cấp cứu. Thật vậy, cuộc đời không như thảm lụa hoặc như chiếu trải hoa hồng. Thiên nhiên còn lúc nắng, lúc mưa, lúc hạn hán, lúc mưa dầm, thậm chí là áp thấp hoặc bão tố. Cụ Nguyễn Công Trứ đã đã đặt vấn đề: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Giữa sóng gió cuộc đời, dù nhỏ hay lớn, ước gì chúng ta vẫn luôn khả dĩ xác tín với Đức Giêsu Kitô: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14:33) Đặc biệt là luôn gọi tổng đài Thiên Đàng để được Thầy Giêsu cấp cứu: “SOS, Chúa ơi!”

Thánh Tiến sĩ Teresa Avila xác định: “Tất cả tội lỗi đều do thiếu đức tin mà ra.” Câu này đáng để chúng ta “giật mình” để cố gắng tự chấn chỉnh và làm cho đức tin phát triển mỗi ngày một hơn.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, gian trần đầy bất trắc, xin cấp cứu chúng con, gia tăng tín lực và ái lực để chúng con kiên vững trong mọi hoàn cảnh như Tổ Phụ Ápraham, Thánh Gióp, Đức Maria và Đức Giuse, nhất là trong loại sóng dữ corona vỗ mạnh hiện nay. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

TẤM LÒNG THANH

TẤM LÒNG THANH

  Mừng Chư Thánh Hiển Vinh Nơi Thiên Quốc Xót Các Hồn Thanh Luyện Chốn …