Home / Chia Sẻ / CÁC MÔN ĐỆ VÀ CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

CÁC MÔN ĐỆ VÀ CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

 

 

4-4-2020 9-05-42 PMGiáo Hội đang bước vào những ngày thánh để tưởng nhớ lại cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Đây là một biến cố đau thương mà Chúa Giêsu phải chịu. Qua biến cố Thương Khó này, hình ảnh các môn đệ Chúa cũng được gợi lên để chúng ta cùng suy gẫm.

Mặc dù Chúa Giêsu đã tiên báo nhiều lần về cái chết của Ngài nhưng đây vẫn là một cái chết tủi nhục, đau đớn, cô đơn, bởi vì một phần đến từ các môn đệ. Các môn đệ đã được Chúa Giêsu yêu thương, dạy dỗ nhiều điều, thế mà có người trong các ông lại đáp đền tình thương đó bằng cách bán Thầy, chối Thầy và bỏ Thầy của mình.

Trước hết phải kế đến kẻ đã bán Thầy mình để lấy 30 đồng bạc. Đó chính là Giuđa Ít-ca-ri-ốt. Ông là một trong mười hai người được Chúa Giêsu tuyển chọn và gọi là Tông Đồ. Giuđa còn được Chúa Giêsu và các môn đệ khác tin tưởng giao cho nhiệm vụ quản lý, tức là giữ túi tiền (Ga 13,29). Chắc hẳn trong hành trình theo Chúa Giêsu, ít nhiều Giuđa cũng cảm nghiệm được tình thương của Thầy đối với bản thân mình. Tuy nhiên, y đã chối bỏ tình thương của Thầy mình. Y đã bán Thầy mình với giá chỉ bằng giá một người nô lệ. Y còn dùng chính cái hôn là biểu tượng của tình thương để đánh đổi bằng âm mưu phản bội. Tình thương của Chúa Giêsu được Giuđa Ít-ca-ri-ốt quy ra chỉ bằng 30 đồng bạc. Chúa Giêsu đã rất đau đớn vì người môn đệ hằng đi bên cạnh mình lại phản bội chính mình, Ngài đã phải thốt lên “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24). Như vậy, Giuđa Ít-ca-ri-ốt, người môn đệ Chúa Giêsu, trực tiếp khai mở cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu.

Kế đến là người đã chối Thầy mình đến ba lần.Đó là Simon Phêrô. Vị Tông Đồ trưởng của các Tông Đồ, là người được Chúa Giêsu hằng yêu mến. Tình yêu đó được Chúa Giêsu thể hiện khi Ngài dẫn riêng Phêrô và hai môn đệ yêu dấu khác lên núi Tabo để chiêm ngắm dung nhan Ngài (Mt 17,1-9). Hôm nay, trong vườn cây dầu, Ngài cũng dẫn riêng ông và hai môn đệ kia đi theo Ngài. Tình yêu của Đức Giêsu dành cho Phêrô lớn đến vậy thế mà ông vẫn từ chối Thầy mình. Không phải một lần nhưng ông chối đến ba lần. Mức độ của các lần đó tăng mạnh dần: “Tôi không biết cô nói gì”, “Tôi không biết người ấy” và “Tôi thề là không biết người ấy. Ông sợ bản thân mình cũng bị liên lụy vì là môn đệ Chúa. Ông sợ ngay cả tên đầy tớ gái để rồi chối Thầy mình đay đảy. Vì sợ nên ông quên trước đó ông đã tuyên bố“Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,25). Trước hành động của Phêrô, Chúa Giêsu quay lại nhìn ông (Lc 22,61). Ngài quay lại không phải để oán trách Phêrô, nhưng để ông nhận biết rằng Ngài vẫn yêu thương ông đến dường nào. Chính điều này đã làm cho Phêrô nhận ra lỗi lầm của mình và ông đã khóc lóc thảm thiết. Phêrô, người môn đệ yêu dấu, đã làm cho cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu càng trở nên tủi nhục thêm khi công khai chối bỏ người Thầy của mình.

Không hơn gì Phêrô và Giuđa Ít-ca-ri-ốt, các môn đệ còn lại cũng bỏ mặc Chúa Giêsu một mình (Mt 26,56). Các ông để mặc Chúa Giêsu đối diện với đám đông đến bắt Ngài. Lúc Chúa Giêsu bị giải đến Thượng Hội Đồng và Tổng trấn Philatô cũng không thấy bóng dáng một người môn đệ nào. Có chăng thì cũng chỉ là Phêrô đứng xa xa (Mt 26,58). Đâu rồi những người môn đệ Chúa, những người từng ăn từng uống với Ngài? Đâu rồi những người môn đệ Chúa, những người từng ở bên cạnh Ngài? Dẫu biết rằng cái chết rồi cũng sẽ đến nhưng Chúa Giêsu thực sự cô đơn, buồn tủi vì những môn đệ thân yêu cũng nỡ bỏ rơi Ngài.

Cách nào đó chúng ta cũng là những người môn đệ của Đức Giêsu trong cuộc sống hôm nay. Chúng ta được mời gọi để làm chứng cho Đức Giêsu, để làm chứng cho một tình yêu mà Ngài đã dành cho nhân loại. Thế nhưng, chúng ta thử nghĩ xem chúng ta đã sống đúng với tinh thần người môn đệ Chúa chưa? Chúng ta đã làm chứng cho Chúa trong cuộc sống này chưa? Hay chúng ta cũng chỉ là những người môn đệ giả tạo, chỉ biết lợi cho mình để rồi bỏ cả Chúa, chối cả Chúa? Những điều đó ắt hẳn chỉ có mỗi người trong chúng ta mới hiểu rõ mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã trải qua cuộc Thương Khó và cái chết cách đây hơn 2000 năm, thế mà ngày nay không ít lần Chúa cũng phải đổ máu, cũng phải cô đơn. Tất cả là vì tội lỗi chúng con. Mỗi lần chúng con xúc phạm đến Chúa là mỗi lần chúng con làm Ngài phải đổ máu. Mỗi lần chúng con xa Chúa là mỗi lần chúng con làm Ngài cô đơn. Xin cho chúng con biết sống đẹp lòng Chúa, luôn chạy đến với Ngài và chọn Ngài làm gia nghiệp.   

 

Antôn Hoàng Văn Phúc  

 

 

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN