Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Lễ Lá, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Lễ Lá, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A

(Mt 26,14 – 27,66)

cnLeLa2Đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đồng ý để dân chúng tung hô Ngài là Vua: chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Nhiều người trải áo hay chặt cành cây rải trên lối đi.Tiếng hò reo vang dậy. Người ta tung hô Ngài là Đấng  Mêsia, là Con vua Đavít.
Quả thật Ngài là Vua Mêsia, nhưng rồi đây người ta sẽ biết cách làm vua của Ngài: qua đau khổ và cái chết ô nhục trên thập giá.
Lễ Lá là một lễ vui, nhưng lại đượm buồn. Ta được nghe bài thương khó trong thánh lễ.
Chúa nhật Lễ Lá với bài thương khó nhắc cho chúng ta biết về giá trị của những đau khổ.
Thực vậy, sống trên đời là phải đối đầu với khổ đau, bởi vì Lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc thương khó của Chúa, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Chúa trên đỉnh Canvê.

Khi chấp nhận vác thập giá mình mà bước theo Chúa, chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Ngài. Thế nhưng điều quan trọng không phải là vác đi trong than khóc, mà vác đi trong hy vọng. Bởi vì với Chúa Giêsu, thập giá và phục sinh không thể tách lìa nhau. Với Chúa Giêsu, đau khổ và sự chết không đẩy con người vào ngõ cụt, mà trái lại đem con người tiến bước trên con đường dẫn tới ngày phục sinh.
Điều nghịch lý của Lễ Lá, đó là vị vua của chúng ta đến để đem lại hạnh phúc cho con người lại bị chính con người từ chối. Đức Giêsu, vị vua đã bênh vực con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác cũng như tinh thần của con người, và vị vua ấy đã nhận lấy tất cả những đau khổ thể xác cũng như tinh thần của con người để chết đi một lần thay cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào cõi phúc trường sinh. Đó chính là niềm hy vọng của chúng ta, bởi vì đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường dẫn tới sự phục sinh.

SUY NIỆM

Mỗi lần đọc bài thương khó là nhắc lại vụ án Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã bị tố cáo như sau:

  1. Lỗi luật ngày Sabat
  2. Không giữ những tục lệ của tổ tiên
  3. Công khai tuyên bố phá đền thờ Giêrusalem
  4. Tự xưng mình là Con Thiên Chúa.

Và chính vì điểm này mà Caipha nói: “hắn đã lộng ngôn, nói phạm đến Thiên Chúa, chúng ta cần gì nhân chứng nữa. Vì theo luật Do Thái: “hễ ai nói phạm thượng thì người đó phải chết”. Thế là số phận của Chúa Giêsu đến đây coi như đã được quyết định: Người bị tử hình, bị kết án treo trên thập giá.

 “Thật là một cực hình nhục nhã. Chúa đã bị rơi vào thẳm sâu tủi nhục và đau đớn.       

Là Thiên Chúa mà phải chịu một hình phạt của một tên nô lệ.                                

Là Đấng tuyệt vời thánh thiện, mà bị xếp vào hàng những kẻ gian ác!

Còn đâu nữa sau những lời giảng của Chúa?                                                               

Còn đâu nữa sau những các phép lạ Chúa làm?                                                              

Còn đâu nữa uy tín của Chúa với quần chúng?                                                   

Còn đâu nữa vương quốc Chúa mới thiết lập?  

Còn đâu nữa các môn đệ của Ngài?                                                                              

Trước con mắt người đời, thật là một sự thất bại hoàn toàn, một sự nhục nhã tột độ! Và một điều còn chua xót hơn nữa là đang khi Chúa trở nên mục tiêu cho những người qua lại khinh bỉ, nguyền rủa và chế giễu thì Chúa phải chứng kiến, coi như bất lực, một sự thắng thế tàn bạo của kẻ thù, chúng đang vui mừng hỗn xược và nhạo báng Chúa.

Nhưng thái độ của Chúa nơi Canvê thật tuyệt vời: không nguyền rủa, không than vãn kêu la, không phẫn nộ, không đóng kịch giả vờ, không căng thẳng, cuồng tín, không bạc nhược hay vô cảm.                                                                                     

Trong mọi sự Chúa vẫn giữ được mức độ hoàn hảo, và Chúa chẳng để ý đến những đau khổ của mình mà chỉ nghĩ đến người khác.

Quả thật Chúa đã chết một cách thê thảm. Nhưng cái chết thê thảm này lại là một cái chết của một vị Thiên Chúa. Đó chính là ý nghĩa và giá trị về cái chết của Chúa Giêsu. Người là Con Thiên Chúa, nên cái chết của Người có ý nghĩa vô cùng lớn. Cái chết của người có giá trị cứu chuộc muôn người, trong đó có chúng ta đang hiện diện nơi đây.

Một trong những bức tranh nổi tiếng của danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “ba thập giá”.

Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị cuốn hút vào ngay trung tâm điểm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét… tác giả như muốn nói rằng: không một ai mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chuẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của Rembrandt, tác giả của bức tranh.

Tại sao giữa đám đông của những kẻ đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình?

Đó chính là ý thức về tội lỗi của mình. Rembrandt muốn thú nhận rằng: chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói rằng, mọi người đều dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá.

Chỉ khi nào chúng ta xác tín rằng chính chúng ta cũng đã dự phần vào việc đóng đinh Chúa vào thập giá, khi đó chúng ta mới cảm nhận được tình yêu của Chúa đối với chúng ta và khi đó chúng ta mới khám phá ra rằng Ngài chết là để cứu độ chúng ta. Amen.

 LM Giuse Đỗ Văn Thụy

 

Xem thêm

TẤM LÒNG THANH

TẤM LÒNG THANH

  Mừng Chư Thánh Hiển Vinh Nơi Thiên Quốc Xót Các Hồn Thanh Luyện Chốn …