Home / Chia Sẻ / ĐẠI DỊCH CORONA

ĐẠI DỊCH CORONA

Năm 1348, đại dịch “Cái Chết Đen” (Black Plague – Great Pestilence) đã gây tỷ lệ tử vong khoảng 30% tới 60% số dân Âu châu.

Năm 1918, đại dịch “Cúm Tây Ban Nha” (Great Influenza – Spanish Flu) đã cướp mất sinh mạng của gần 50 triệu người, hơn gấp đôi số tử sĩ trong Đệ Nhất Thế Chiến. Tỷ lệ tử vong xấp xỉ 3%, nghĩa là cứ 100 người nhiễm bệnh thì có 3 người chết.

Hiện nay, virus Corona (COVID-19) gây tỷ lệ tử vong là 3,4%, với khoảng 90.000 người bị nhiễm và hơn 3.000 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong này khiến chính phủ các nước phải phản ứng với loại virus mới khẩn cấp hơn các dịch cúm khác, bởi vì Corona nguy hiểm hơn gấp 30 lần so với dịch cúm tông thường.

Với việc đóng cửa các thành phố ở Trung quốc, các biên giới ở Trung Đông, các nhà thờ ở Bắc Ý, các trường học ở Nhật, Ý, Seattle, và hủy bỏ các sự kiện chung ở khắp Âu châu, đồng thời cảnh báo khẩn cấp tại nhiều quốc gia và Hoa Kỳ, virus Corona đang được hiểu là dại dịch. Các chuyên gia y tế Đức cho biết rằng virus này khó kiểm soát, còn Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ cảnh báo người dân về đại dịch Corona.

Cái tên “corona” là do loại virus này có những cái gai nhìn như “triều thiên” vậy. Nó có thể làm suy thoái kinh tế thế giới, ngưng trệ toàn cầu, quan trọng nhất là nỗi đau khổ và sự thiệt mạng của con người. Mặc dù không thể biết chắc chắn mức ảnh hưởng của corona, nhưng điều đó rõ ràng đã bắt đầu.

Hơn nữa, coronavirus làm cho thế giới lo lắng và sợ hãi ở mức leo thang: sợ hãi đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng, và sợ hãi toàn cầu. Có vấn đề cần thiết: Làm sao chúng ta giữ bình an tâm hồn trong cơn đại dịch này?

Trong khi nỗ lực ngăn chặn sự lây lan, Kitô hữu vẫn phải nhận thức về việc bùng phát virus này trong niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Một lý do mà Thiên Chúa cho phép đại dịch xảy ra là muốn chúng ta trở về với Ngài, Đấng yêu thương chúng ta, trở về với gia đình và bạn bè mà Ngài ban cho chúng ta.

Đây là ba “cột trụ” của đời sống Kitô giáo khả dĩ giúp chúng ta duy trì sự bình an tinh thần và nội tâm trong cơn đại dịch corona này:

  1. CẦU NGUYỆN

Đôi khi chúng ta phản ứng với những lúc khó khăn bằng cách thái quá, một phần vì chúng ta lo lắng. Các Kitô hữu nên gia tăng cầu nguyện, đó là cách chữa trị chứng sợ hãi và lo lắng.

Không đơn giản hóa thái quá mà cho rằng mọi khó khăn của con người đều có thể hóa giải, nhưng Chúa Giêsu là Thánh Thể, và Thánh Thể là Chúa Giêsu. Các Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu là Alpha và Omega – Đầu và Cuối, Khởi Nguyên và Tận Cùng, Thánh Tâm Ngài có cách giải quyết hiệu quả và cách an ủi đối với mỗi thử thách của con người.

Hãy lãnh nhận Chúa Giêsu qua việc rước lễ khi tham dự Thánh Lễ hằng ngày, dành thời gian tâm sự với Chúa Giêsu khi chầu Thánh Thể, nói với Ngài về sự lo lắng của chúng ta. Giống như Thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu, chúng ta cũng hãy tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu khi chầu Thánh Thể, chúng ta có thể cảm thấy giảm bớt sợ hãi và lo lắng.

  1. ĐAU KHỔ

Giáo Hội luôn đau khổ, chính đau khổ tạo sự biến đổi siêu nhiên không thể thay thế bằng kinh nghiệm của con người. Trong tông thư Salvifici Doloris (Đau Khổ Cứu Độ, 11-2-1984), Thánh GH Gioan Phaolô II cho biết: “Hơn mọi thứ khác, chính đau khổ làm thông thoáng để ân sủng biến đổi linh hồn con người.” (Salvifici Doloris, 27)

Các Kitô hữu cũng cần nhớ rằng chúng ta được cứu độ qua đau khổ, và chúng ta phải đi qua đau khổ. Thánh Phaolô cho biết: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Cl 1:24) Nhờ kết hiệp đau khổ hiện tại, bao gồm đau khổ liên quan corona, với đau khổ của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, chúng ta có thể hưởng nhờ ân sủng vô biên từ công nghiệp của Chúa Giêsu trên Núi Sọ để cứu độ anh chị em ngày nay.

Thánh Gioan Phaolô II giải thích: “Mỗi người đều được mời gọi chia sẻ về đau khổ đó để Ơn Cứu Độ được hoàn tất. Người đó được mời gọi chia sẻ đau khổ để đau khổ của nhân loại cũng được bù đắp. Khi tạo ra Ơn Cứu Độ qua đau khổ, Đức Kitô cũng đã nâng đau khổ của con người tới mức của Ơn Cứu Độ. Như vậy, khi chịu đau khổ, mỗi người có thể là người chia sẻ sự đau khổ cứu độ của Đức Kitô.” (Salvifici Doloris, 19) Điều này bao gồm các Kitô hữu toàn cầu, Thánh Gioan Phaolô II gọi là “những người cùng cứu độ trong Đức Kitô.”

Vai trò của Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, nêu gương tuyệt đối về giá trị siêu nhiên của việc kết hiệp đau khổ của con người với đau khổ của Đấng Cứu Độ để cứu độ tha nhân. Thánh Gioan Phaolô II giải thích: “Chính trên Núi Sọ mà đau khổ của Đức Mẹ, cùng với đau khổ của Chúa Giêsu, đạt tới sức mãnh liệt hầu như không thể tưởng tượng theo quan điểm của con người, nhưng đò là sự mầu nhiệm và siêu nhiên để cứu độ thế giới.” (Salvifici Doloris, 25)

Bằng cách chấp nhận làm Mẹ của Đấng Cứu Độ (Lc 1:38, cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu khi đứng dưới chân Thánh Giá, (Ga 19:26), và với tư cách là Đấng Vô Nhiễm, Đức Mẹ đã tham dự vào lịch sử cứu độ, cũng như các giáo hoàng, các thánh, các vị tử đạo, và các nhà thần bí đã được học biết. Giáo Hội càng nhận biết vai trò của mình trong công cuộc cứu độ thì chúng ta càng thể hiện vai trò Kitô hữu của mình với tư cách là những người cùng cứu độ với Chúa Giêsu trong quá trình cứu độ nhân loại, và biến đổi đau khổ của dịch corona thành cuộc chiến thắng siêu nhiên.

  1. ĐỨC MẸ

ĐẠI DỊCH CORONACác Kitô hữu thời sơ khai đã biết sự hiệu quả của việc kêu cầu Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của các dân tộc trong những lúc gặp tai họa. Kinh Sub Tuum Praesidium (Kinh Trông Cậy) có từ xa xưa, khoảng năm 250.

BẢN HY NGỮ – Ὑπὸ τὴν σὴν εὐσπλαγχνίαν, καταφεύγομεν, Θεοτόκε. Τὰς ἡμῶν ἱκεσίας, μὴ παρίδῃς ἐν περιστάσει, ἀλλ᾽ ἐκ κινδύνων λύτρωσαι ἡμᾶς, μόνη Ἁγνή, μόνη εὐλογημένη.

BẢN LA NGỮ – Sub tuum praesidium confugimus, confugimus Sancta Dei Genitrix. Sancta Dei Genitrix. Nostras deprecationes ne despicias in necessitatibus nostris, sed a periculis cunctis libera nos semper, Virgo gloriosa et benedicta, Sub tuum praesidium confugimus, confugimus Sancta Dei Genitrix Sancta Dei Genitrix.

BẢN VIỆT NGỮ – Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Đó là kinh kêu xin Mẹ Thiên Chúa trong lúc khó khăn và bách hại thời Giáo Hội sơ khai. Qua dòng thời gian, sự thật minh chứng rằng cầu xin Đức Mẹ Các Dân Tộc sẽ được bình an tinh thần và toàn cầu.

Cùng với sức mạnh của Kinh Mân Côi, hằng ngày nên đọc kinh cầu xin Đức Mẹ Các Dân Tộc. Lời cầu này đã được Đức Mẹ cho biết khi hiện ra tại Amsterdam (1945-1959), và đã được Giáo Hội chuẩn nhận, để chống lại các mối nguy hiểm toàn cầu về tình trạng “thoái hóa, tai ương, và chiến tranh.” Chắc chắn rằng đại dịch corona đang cho thấy là mối đại họa.

Kinh cầu xin Đức Mẹ Các Dân Tộc đã được chuẩn nhận 50 lần qua các hồng y và giám mục trên thế giới. Kinh này được chính Đức Mẹ cho biết rằng có uy thế trước Tòa Thiên Chúa: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con của Đức Chúa Cha, giờ đây xin sai Thần Khí của Chúa xuống trên địa cầu. Xin hãy để Chúa Thánh Thần cư ngụ trong các con tim của tất cả các dân tộc, để họ được che chở khỏi sự suy tàn, tai họa và chiến tranh. Xin Đức Mẹ Các Dân Tộc, Đức Mẹ Maria trọn đời đồng trinh, hãy là nữ trạng sư của chúng con. Amen.”

Lời cầu này cũng được Đức Mẹ trao ban để chuẩn bị cho thế giới đối với việc công nhận long trọng về vai trò Người Mẹ Tâm Linh của Các Dân Tộc. Khi hiện ra tại Amsterdam, Đức Mẹ hứa rằng khi Đức Giáo Hoàng long trọng tuyên bố vai trò của Đức Mẹ thì nhân loại sẽ lãnh nhận ân sủng, ơn cứu độ, và sự hòa bình nhờ sự chuyển cầu mạnh mẽ nhất của Đức Mẹ.

Khi nhân loại đối mặt với dịch corona và các thử thách khác xảy ra khắp nơi, có thể đây là thời điểm tối ưu (optimum time) để tôn vinh Đức Mẹ với tín điều này, vì thế chúng ta hãy tha thiết xin Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp cho thế giới và Giáo Hội.

Do đó, chúng ta hãy duy trì sự bình an Kitô giáo trong cơn đại dịch corona, hãy tha thiết cầu nguyện nhiều, đặc biệt là cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Cùng với Chúa Giêsu và Đức Mẹ, chúng ta hãy dâng cho Chúa Cha mọi đau khổ của chúng ta trong lúc này.

Chúng ta hãy nhận biết sự can thiệp hiệu quả của Đức Mẹ, cuối cùng sẽ nhận lãnh và giữ được tặng phẩm bình an của Đức Kitô trong những ngày tháng chống dịch corona nhờ vào Đức Mẹ của các dân tộc.

MARK MIRAVALLE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Tháng Ba – 2020

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN