Home / Tiêu Điểm / Vatican News phỏng vấn Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng
https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2019-12/phong-van-duc-tong-giuse-nguyen-nang.html

Vatican News phỏng vấn Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng

2019-12-09_21-35-48

Cuộc phỏng vấn của Vatican News với Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng sau khi ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục TGP. Sài Gòn hôm 19/10/2019 vừa qua.

 

Thực hiện: Văn Yên, SJ – Vatican News

Nội dung phỏng vấn:

1. Con kính chào Đức Tổng. Thưa Đức Tổng, như một thường lệ của TGP Sài Gòn, các giám mục trước đây đều là người miền Nam, Đức Tổng cảm nhận thế nào khi là người miền Bắc đầu tiên làm giám mục tại TGP Sài Gòn?

Kính chào cha và quý vị thính giả,

Đúng đây là lần đầu tiên một người gốc miền Bắc làm Tổng giám mục tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn một thành phố lớn và quan trọng, được coi như biểu tượng của miền Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ đặc tính cốt yếu của Giáo hội là công giáo, là mở rộng, không đóng khung vào bất cứ giới hạn nào. Nhưng vượt lên trên mọi phạm trù văn hóa, chủng tộc, kinh tế hay xã hội.

Ngay từ năm 1933, tức là cách đây 86 năm, vị giám mục đầu tiên của Việt Nam, Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, lúc đó đang làm cha sở Tân Định – một họ đạo lớn của Sài Gòn, đã được bổ nhiệm làm giám mục Phát Diệm. Rồi đến năm 1945, một vị khác làm giám mục Phát Diệm là Đức cha Tađêô Lê Hữu Từ, là một linh mục Châu Sơn, gốc Quảng Trị.

Bản thân tôi thì sau năm 1954 gia đình di cư vào Nam, ở tại Gia Kiệm. Lúc đó về hành chính thì thuộc tỉnh Long Khánh còn trong tổ chức Giáo hội thì thuộc về Tổng Giáo phận Sài Gòn. Cho nên năm 1962, khi đi tu thì tôi đã vào tiểu chủng viện Sài Gòn, là chủng sinh của Tổng Giáo phận Sài Gòn. Mãi cho đến ngày 14 tháng 10 năm 1965, khi Toà Thánh thiết lập giáo phận Xuân Lộc, lúc đó tôi mới thuộc về Xuân Lộc. Tôi đã ở tiểu chủng viện Sài Gòn 8 năm, từ năm 1962 đến năm 1970, đã lớn lên trong bầu khí văn hóa của Sài Gòn, hấp thụ sự đào tạo từ các cha giáo Sài Gòn. Hơn nữa, có bạn bè, thân nhân, nhiều người sống ở Sài Gòn, cho nên tôi thường xuyên được gặp gỡ.

Có thể nói Sài Gòn đối với tôi không xa lạ nhiều lắm. Dĩ nhiên là tôi cần phải học hỏi nhiều. Tôi tin tưởng cộng đoàn dân Chúa cũng sẵn sàng mở lòng đón nhận.

2.  Trong kinh nghiệm 10 năm giám mục tại Phát Diệm, theo Đức Tổng, đâu là những điều quan trọng nhất trong nhiệm vụ này?

Thời gian đầu, khi mới làm giám mục, tôi chỉ thi hành những nhiệm vụ của giám mục theo các nhu cầu khác nhau của cộng đoàn dân Chúa. Nhưng dần dần, khi tôi nhận thấy cần phải định hướng cho các hoạt động mục vụ, như Đức Thánh cha Phanxicô đã nói: giám mục có lúc là người đi trước nhưng cũng là người đi cùng và đi sau dân Chúa. Tại Phát Diệm, điều quan trọng tôi nhận thức được là việc đào tạo các thành phần Dân Chúa: linh mục, tu sĩ, giáo dân. Trong thời gian dài, trong bối cảnh lịch sử, xã hội đặc thù, Giáo hội gặp khó khăn và hạn chế, cho nên việc đào tạo đã bị giới hạn về nhiều mặt. Dĩ nhiên lúc ban đầu, nhiều nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ, nhà giáo lý đã xuống cấp, nên việc tu sửa hoặc xây mới các cơ sở vật chất là điều cấp bách. Tuy nhiên, ưu tiên vẫn là việc đào tạo con người mọi thành phần: linh mục, tu sĩ, giáo dân, và về mọi phương diện: giáo lý, kiến thức Kinh Thánh, phụng vụ, đời sống đức tin, về cầu nguyện, tu đức, về hoạt động tông đồ, bác ái.

Bây giờ, dĩ nhiên việc đào tạo vẫn là quan trọng, là nền tảng. Nhưng hiện nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tới sự hoán cải mục vụ theo định hướng Phúc Âm hóa. Vì thế, giám mục phải ưu tư và thúc đẩy việc Phúc Âm hoá, tức là việc truyền giáo, Phúc Âm hoá là nhiệm vụ hàng đầu, là sứ vụ duy nhất của Giáo hội.

Tôi thấy có hai điều phải làm. Một là cần thúc đẩy giáo dân dấn thân tông đồ trong mọi môi trường sống: Phúc Âm hóa môi trường. Nhất là đối với thành phố lớn như Sài Gòn, thì lối sống của người dân có tầm ảnh hưởng lớn đối với cả nước. Nên cần phải dấn thân nhiều hơn để làm cho tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào lối sống của dân chúng, để biến đổi và thăng tiến xã hội. Để được như vậy, cần phải đào tạo linh mục, tu sĩ, giáo dân, để thông truyền cho họ hứng khởi và lòng nhiệt thành truyền giáo. Nhưng trước hết, chính người đi Phúc Âm hóa cần phải được Phúc Âm hóa.

Công việc thứ hai là việc truyền giáo cho lương dân, ad gentes. Tại Sài Gòn, các Đức cha tiền nhiệm đã mở một số giáo điểm, cũng còn nhiều khó khăn lắm. Các giáo điểm là cần thiết, cần phải thực hiện, để làm cho sự hiện diện hữu hình của Giáo hội có thể chiếu tỏa Phúc Âm và quy tụ những anh chị em chưa biết Chúa.

3.  Vấn đề di dân là một trong những mảng mục vụ lớn của Việt Nam lẫn thế giới. Đức Tổng đã ở Phát Diệm và nay vào Sài Gòn, một nơi là di cư đi và một nơi là di cư đến, Đức Tổng có ưu tư gì và có những đường hướng nào cho vấn đề mục vụ di dân này?

Di dân là vấn đề phức tạp. Di dân là một hiện tượng toàn cầu đã góp phần phát triển xã hội. Trong hai ba chục năm trước đây, nhiều người đã rời quê hương để đến làm việc và học tập tại các thành phố lớn. Nó để lại một khoảng trống lớn nơi các thôn làng và nơi các giáo xứ. Riêng tại Sài Gòn, có khoảng năm triệu người di dân. Hiện nay, dù vẫn còn một số rời bỏ quê hương nhưng không còn hiện tượng ồ ạt như nhiều năm trước đây nữa. Nhiều người đã có cuộc sống ổn định và thành công, góp phần tích cực cho sự phát triển của xã hội và Giáo hội. Nhưng đồng thời, hiện tượng di dân cũng đã gây ra nhiều hệ lụy đau thương cho các cá nhân, cho gia đình và xã hội.

Riêng đối với người Công giáo, hàng năm Giáo phận Phát Diệm tổ chức ngày gặp mặt tại Sài Gòn và Hà Nội, quy tụ khoảng 2-3 ngàn anh chị em gốc Phát Diệm. Chúng tôi đến để gặp gỡ, động viên, chia sẻ và hướng dẫn đời sống đức tin. Thực ra, công việc chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn. Chúng tôi muốn nói lên tấm lòng của mục tử đối với đoàn chiên đi xa, chứ thực ra không giúp họ được gì nhiều.

Chúng tôi mong ước và kêu gọi các gia đình Công giáo nên tìm công việc tại một nơi ở gần nhà thờ, để được chăm sóc mục vụ tốt hơn. Sống xa nhà thờ, xa linh mục, xa cộng đoàn giáo xứ, họ sẽ thiếu sự chăm sóc nâng đỡ không những về đức tin mà cả về tâm lý và những nhu cầu hàng ngày nữa. Vì thế, trước khi anh chị em đi xa, chúng tôi khuyên họ nên đến gặp các cha xứ tại quê hương, để được chứng nhận và giới thiệu cho các cha tại nơi mà mình sẽ đến. Nhờ sự giới thiệu này, các gia đình Công giáo đi đến đâu cũng hội nhập dễ dàng vào nơi mình đang sống.

4. Thưa Đức Tổng, năm 2019 vừa qua Giáo Hội Việt Nam chọn là năm đồng hành với những gia đình gặp khó khăn, Giáo phận Phát Diệm đã triển khai chủ đề này như thế nào? Toà án hôn phối giáo phận áp dụng tông huấn Amoris Laetitia như thế nào?

Trong 3 năm vừa qua thì Giáo hội Việt Nam theo đuổi kế hoạch mục vụ gia đình. Năm 2019 Giáo hội Việt Nam nhấn mạnh đến việc đồng hành với các gia đình đang gặp khó khăn. Gia đình khó khăn trước hết là gia đình di dân hoặc là các cặp hôn nhân khác đạo, nhưng đặc biệt nhất là các gia đình đang có nguy cơ đổ vỡ hoặc đã đổ vỡ.

Tại Giáo phận Phát Diệm, con số các cặp hôn nhân ly dị hoặc ly thân càng ngày càng tăng nhiều. Trước hết chúng ta cần phải phòng ngừa tận gốc. Cho nên cần phải giúp cho các gia đình hiểu và sống ơn gọi hôn nhân theo đúng ý định của Thiên Chúa.

Chủ đề của hai năm trước đây – 2017 là chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; rồi 2018 đồng hành với các gia đình trẻ – hai năm trước đã đem lại kết quả rất tốt. Chính bản thân tôi cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ các gia đình hoặc các bạn trẻ để hướng dẫn anh chị em sống đời hôn nhân hạnh phúc, thánh thiện.

Còn đối với các gia đình đang gặp khủng hoảng, vai trò của các linh mục chính xứ là rất quan trọng. Các ngài quan tâm đến thăm viếng, theo dõi để giúp họ cầu nguyện và sám hối, hoà giải, tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Ngoài ra, còn có các linh mục chuyên trách mục vụ gia đình, đến gặp gỡ các đôi hôn nhân đang khủng hoảng, để tìm hiểu, nâng đỡ và hoà giải. Cũng có những trường hợp thành công, nhưng nhiều khi không có kết quả.

Trong tông huấn Niềm Vui Tình Yêu, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi cần phân định từng trường hợp, để có một giải pháp của lòng thương xót cho đúng trường hợp hôn nhân đổ vỡ. Tòa Án Hôn Phối của giáo phận trong thời gian qua chỉ có những nố thông thường được giải quyết theo các nguyên tắc của giáo luật. Tuy nhiên chúng tôi luôn đặt ưu tiên cho giải pháp thiêng liêng và mục vụ.

Những người đã ly dị vẫn được mời gọi tham dự phụng vụ và các sinh hoạt khác trong giáo xứ. Cộng đoàn giáo xứ luôn cầu nguyện khích lệ chứ không loại trừ họ. Riêng về phía bị bỏ, vì họ không chủ động cắt đứt giao ước hôn nhân, nên họ vẫn được mời gọi thống hối và rước lễ. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các gia đình anh chị em đang gặp khó khăn.

07 tháng mười hai 2019, 01:06

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi.html

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …