Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Lễ Các Đẳng Linh Hồn, năm C, của LM Antôn Nguyễn văn Độ

Suy niệm Tin Mừng Lễ Các Đẳng Linh Hồn, năm C, của LM Antôn Nguyễn văn Độ

Các Tín Hữu Đã Ly Trần – Niềm Hoan Lạc Cùng Chư Thánh 

LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

11-2-2019 12-04-46 PMNếu như hôm qua, lời kinh, tiếng hát, các bài đọc, thánh ca phụng vụ lễ Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa lôi cuốn tâm hồn chúng ta vượt quá những giới hạn của không gian và thời gian, bay lên cõi trời cao để chiêm ngưỡng các thánh, những người được coi là diễm phúc ở “đô thành thiên quốc, thành Giêrusalem trên trời là mẹ của chúng ta” (Tiền tụng lễ Các thánh). Thì hôm nay, mùng 02 tháng 11, màu sắc, âm thanh, phụng ca của ngày lễ hướng tâm hồn chúng ta về các thực tại mai hậu, tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời “ những người đã ra đi trước chúng ta với dấu ấn đức tin và nay đang nghỉ giấc bình an” (Kinh nguyện Thánh Thể số I), ở nơi luyện ngục, để dâng lễ cầu nguyện cho họ.

Chân lý Đức tin Kitô giáo dạy chúng ta rằng giữa Trời và Đất có một trung gian gọi là Luyện ngục, nơi ấy dành cho các tâm hồn chết khi mắc tội mọn hay là đền tội chưa đủ, cần phải được thanh tẩy để trở nên tinh tuyền, trong một mầu nhiệm đáng sợ mà thánh Gioan Thánh Giá gọi là  “Lửa Tình Yêu”. Chúng ta lo lắng cho những người thân đã qua đời con đang bị giam cầm nơi luyện ngục, chịu khổ đau là phải. Việc những kẻ con sống cần phải làm là đọc kinh cầu nguyện, hy sinh, làm phúc, nhất là xin Lễ Misa cho những người ấy.

Dù đang sống cuộc sống dương gian, hay hưởng phúc thiên đàng hoặc đang thanh luyện nơi luyện ngục, tất cả mọi người đều liên đới với nhau trong Đức Kitô. Đó chính là ý nghĩa của tín điều các Thánh Thông Công.

Đức tin được thể hiện

Một câu hỏi lớn. Hỏi : Các thánh thông công nghĩa là làm sao ?
Thưa. Các thánh ở trên trời cùng các linh hồn ở luyện ngục và các bổn đạo dưới đất đều thông công với nhau. Các bổn đạo tôn kính cầu xin các thánh, và các thánh cầu bầu cho các bổn đạo trước mặt Đức Chúa Trời. Các bổn đạo dâng việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn ở luyện ngục, mà khi các linh hồn ấy đã được lên thiên đàng thì cùng cầu bầu cho các bổn đạo nữa. Các bổn đạo có lòng kính mến Đức Chúa Trời cùng thương yêu nhau thì chẳng những lập công cho mình mà lại làm ích cho kẻ khác nữa. (Sách Bổn Hà Nội tr. 39-40)

Những câu bổn căn bản trên giúp chúng ta hiểu tại sao Giáo Hội dành hẳn tháng 11 hàng năm để cầu nguyện cho anh chị em đã qua đời. Vì niềm hy vọng Kitô giáo không bao giờ chỉ mang tính cách cá nhân, nhưng còn là hy vọng cho tha nhân nữa. Nên, cuộc sống của chúng ta được liên kết với nhau, và điều tốt hay điều xấu của người này liên quan tới người kia nữa. Thế nên, lời cầu nguyện của một người còn đang lữ hành trên dương thế có thể giúp đỡ một linh hồn khác đang được thanh luyện sau khi đã qua đời. Đó là lý do vì sao ngày hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời, và đến viếng thăm mộ của họ. 

Còn tin còn cầu nguyện, còn chia sẽ một Thánh Thể là còn nhớ đến nhau, thuộc về nhau. Tình yêu thương bác ái dành cho các linh hồn trong lúc này chính là lời cầu nguyện, Lễ Misa và sự hy sinh.

Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, Giáo Hội hướng về Chúa Kitô phục sinh, Ðấng đã chết và sống lại để cho tất cả chúng được sống lại. Tin vào sự sống lại của thân xác là nhìn nhận rằng sẽ có một chung cục, một cùng đích cho mọi người.

Đức tin không giải thoát những kẻ tin khỏi sự khổ não phải chết, nhưng đức tin sẽ làm êm dịu với hy vọng : “Nếu có buồn sầu vì số phận phải chết… cũng sẽ được ủi an”. (Kinh Tiền Tụng lễ các linh hồn).

Đạo hiếu được thi hành

Báo hiếu là bổn phận thiêng liêng của tất cả mọi người. Ở Việt Nam ta, với triết lý Á Đông vốn đề cao chữ hiếu. Có hai cách báo hiếu: khi cha mẹ còn sống, con cái phải chu cấp đầy đủ những nhu yếu vật chất để cha mẹ được an vui, khi cha mẹ qua đời, con cái phải phụng thờ và thực hiện những di chúc để lại.

Ðây là cơ hội quý báu để những người con hiếu thảo báo đáp phần nào công ơn trời bể của tổ tiên, ông bà, cha mẹ:  “Cây có cội, nước có nguồn,  Con người có tổ có tông: có cha có me,  có ông có bà”. Ai trong chúng ta cũng đều thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ ấy.

Cũng như muôn tạo vật, con người cũng có cội, có nguồn, có tổ có tông. Họ là những “tiền nhân” đã ra đi trước chúng ta, để lại hậu duệ là chính chúng ta, với ước mong giòng giống của các ngài được trường tồn, đó chính là quy luật “bảo tồn sự sống” mà Thiên Chúa đã thiết lập.

Thảo kính cha mẹ phải phát xuất từ trái tim, thôi thúc lòng người hiếu thảo thấm thía ơn đức cao cả của mẹ cha:

Mẹ cha vất vả nuôi mình

Từ khi trứng nước công trình biết bao.

Làm con phải nhớ công lao,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.        (Ca dao)

Việc thảo kính cha mẹ không chỉ là việc: con cái trả ơn sinh thành mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng gắn liền với huyết thống, máu mủ, tình thân, hay là một qui định của xã hội mà là một điều răn của Chúa dạy: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ”. 

Thiên Chúa đã nâng điều răn thứ bốn lên ngang hàng với các điều răn khác ; điều đó chứng tỏ con cái phải hiếu kính đối với cha mẹ đến mức nào. Môisen đã nói “Hãy thảo kính cha mẹ và ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử”(Mc, 7-13).

Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.

Bên Đông phương người ta đề cao chữ HIẾU và nâng lên thành ĐẠO, đó là ĐẠO HIẾU. Theo truyền thống Nho giáo, trong các tội người ta phạm thì tội bất hiếu là tội nặng nhất.

Cùng tột điều thiện, không gì hơn hiếu,

Cùng tột điều ác, không gì hơn bất hiếu (Kinh Nhẫn Nhục)

Không ai có thể phủ nhận được công ơn cha mẹ trong việc sinh thành và dưỡng dục con cái. Thiên Chúa đã dựng nên con người, nhưng không trực tiếp mà phải qua trung gian cha mẹ. Trước tiên, Thiên Chúa dựng nên ông Adam và bà Evà, rồi từ đó con cháu nối tiếp. Đúng là:         

Người ta có cố có ông,

Như cây có cội như sông có nguồn

Lý thuyết là như thế, nhưng trong ngày nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời (theo sách giáo lý Tân định). Đồng thời, nhắc cho chúng ta phải thi hành chữ hiếu.

Ai mà phụ nghĩa quên công

Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm    (Ca dao)

Hướng về thực tại mai hậu

Khi cầu nguyện cho những anh chị em tin hữu đã qua đời, chúng ta không chỉ dừng lại nơi họ, cho họ, vì họ mà còn cho chúng ta nữa những người còn sống. Sự ra đi trước của họ, nhắc nhớ chúng ta về một cõi đi về mà ai ai trong chúng ta cũng phải về, đó là quê trời vinh phúc. Cùng đích của người Kitô hữu là được trở về nhà Cha. Cùng đích này cũng giúp chúng ta sống cuộc sống hiện tại sao cho thật có ý nghĩa, không hổ thẹn là con cháu của những người đã khuất.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Chúa đời đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 
 
 
 
 
 

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …