Phúc Âm hôm nay là một dụ ngôn sống động và mang tính khái quát. Rất gọn về số câu, số chữ nhưng lại rất rộng về hàm ý nội dung. Chỉ có hai nhân vật với vài nét chấp phá sơ sài nhưng cũng đủ khái quát cho mọi tầng lớp dân chúng. Chỉ là một thoáng lên Đền cầu nguyện nhưng lại biểu trưng cho mọi sinh hoạt tôn giáo. Chỉ quanh quẩn trong chu vi Đền Thánh nhưng lại điển hình đến nỗi có thể nới rộng ra cả cuộc đời.
Nhưng điều làm cho dụ ngôn sống động đến hôm nay thiết tưởng không những vì tính khái quát ấy mà đáng lưu ý hơn, theo ngôn từ báo chí, còn vì “tính xung kích” với những mũi nhọn không thể tránh né của nó.
Đẹp lắm nhưng cũng đau lắm. Khéo léo lắm nhưng cũng nhức nhối không kém. Xin chia sẻ về tính xung kích ấy.
- Mũi nhọn thứ nhất: tố giác một não trạng tôn giáo đầy ảo tưởng
Đối với người Do Thái, luật Thiên Chúa là trên hết, đời sống của họ được khuôn đúc theo lề luật, xã hội của họ gắn liền với tôn giáo nên cũng được tổ chức theo lề luật. Đã có những thành phần ưu tuyển chuyên viên về lề luật được gọi là Luật sĩ, và cũng có những thành phần khác chú tâm đến việc thi hành luật đến độ tỉ mỉ, đó là mấy ông biệt phái. Luật lệ là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống. Quan điểm ấy không có gì đáng phàn nàn nếu qua lề luật người ta nhận ra bàn tay và tấm lòng của Thiên Chúa luôn dẫn đưa và giáo hóa con người. Nhưng quan điểm ấy trong thực tế đã không giữ được vẻ tinh ròng của nó mà đã bị biến chất dần dà theo năm tháng để trở thành một thái độ tôn giáo kệch cỡm, di căn trong nếp nghĩ, và đồng thời méo mó trong thực hành. Và đây là một thực trạng nguy hiểm mà Chúa Giêsu gọi là “men Biệt phái” cũng là điều dụ ngôn hôm nay tố giác.
Nguy hiểm nhất là tất cả đã bị đảo lộn: luật lệ thay vì là phương tiện đã được nâng lên hàng mục đích và Thiên Chúa thay vì là cùng đích lại bị xếp xuống hàng phương tiện.
Nguy hiểm thứ hai là tất cả đã trở thành máy móc: làm như cứ chu toàn một số khoản luật là tức khắc người ta trở thành công chính, và có quyền đòi hỏi Thiên Chúa phải ký tên đóng dấu chứng thực cho sự công chính này, giống như kiểu chấm công, và báo công trong các xí nghiệp trước đây đã bị báo chí phê bình gay gắt. Chấm công thì rất nhiều nhưng việc chẳng chạy bao nhiêu, ấy là chưa nói tới việc công, việc tư, lẫn lộn và thế là vỡ nợ thất bại.
Và nguy hiểm hơn hết là tất cả đã làm thành một ảo tưởng dầy đặc về quá khứ công trạng để rồi thành chuẩn mực phủ định những người không thuộc về phe cánh mình, không giống như mình, không đúng ý mình, kể cả Thiên Chúa nữa.
Ông Biệt phái trong dụ ngôn đã rơi vào cái ảo tưởng mà Chúa Giêsu muốn tố giác này:
Lời kinh của ông khởi đầu bằng tâm tình tạ ơn rất đẹp, nhưng đã nhanh chóng trở nên xấu bởi có ý đồ níu kéo Thiên Chúa thỏa hiệp với lối sống vụ luật “trên mức bó buộc” của ông. Có biết đâu ông đã ảo tưởng. Thiên Chúa vì yêu thương tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, nhưng chính ông lại xây dựng một Thiên Chúa theo hình ảnh của ông.
Và lời kinh của ông còn tồi tệ hơn khi tự hào cho mình là công chính để so sánh mình với đời sống bên ngoài của những người khác. “Đứng thẳng nguyện thầm” có vẻ tốt đấy, nhưng kênh kiệu làm sao và cũng ảo tưởng biết bao. Khẳng định mình đúng cách là tốt, nhưng khẳng định mình bằng cách phủ định kẻ khác, bằng cách dèm pha nói xấu bôi nhọ khinh chê người ta thì quả thật là trơ trẽn.
Và nguy hiểm cuối cùng đến từ những mối nguy hiểm trên là chính mình không còn cảm thấy nỗi hiểm nguy nào nữa, thành ra khô đạo mà tưởng mình sống đạo, phá đạo mà tưởng mình xây đạo, bài tôn giáo ngay giữa lòng tôn giáo, và bóp nghẹt Thiên Chúa trong khi tưởng như mình vẫn tôn thờ Ngài, làm lu mờ Danh Chúa mà tưởng như mình đang làm sáng danh Ngài.
- Mũi nhọn thứ hai: xây dựng một thực chất tôn giáo.
Nếu qua hình tượng ông biệt phái, dụ ngôn muốn tố giác một thứ đạo đức ảo tưởng đầy nguy hiểm, thì ngược lại qua ông thu thuế, dụ ngôn lại nhắm một mục đích tích cực nhưng cũng không kém phân xung kích, đó là xây dựng một nền đạo đức đích thực tôn giáo.
Nền đạo đức đích thực ấy dựa trên những thái độ cơ bản là không phải chỉ tin có Thiên Chúa mà phải tới chỗ tin vào Ngài. “Tin có” và “tin vào” là hai động từ gói ghém những thái độ khác nhau lắm dẫu ở đó đều hiện diện chữ “tin.” Không ít người tin có Thiên Chúa, nhưng để gọi được là tin vào Thiên Chúa thì còn phải hạ hồi phân giải tùy theo chất lượng chứng minh của cuộc sống. Ông biệt phái tin có Thiên Chúa quá đi chứ, nhưng nếu hỏi “ông có tin vào Ngài chưa?” thì phải trả lời là chưa, mà ngược lại, thay vì tin vào Ngài, đời sống ông lại cho thấy chỉ tin vào mình, cậy dựa vào sức mình để kèn cựa sao cho người khác xem mình là công chính.
Còn ông thu thuế, dẫu không cầu nguyện dài lời cũng cho thấy ông là người đã tới mức tin vào Thiên Chúa và phó thác hoàn toàn cho Ngài. Bởi thấy mình quá lem luốc theo mắt nhìn thành kiến của người đương thời, nên ông chỉ có thể đợi chờ một sự gột rửa trong mắt nhìn của Thiên Chúa; bởi thấy mình đã bất chính trong vòng quay nghiệt ngã của nghề nghiệp, nên con người ông nếu có cái gì phải tiến dâng thì đó chính là cuộc đời tội lụy của tấm lòng tan nát khiêm cung cúi đầu đấm ngực xin ơn tha thứ. Và bởi thấy mình chỉ đáng tội nên Thiên Chúa lại thấy ông chỉ đáng thương, nên bằng tình thương, Ngài đã ban ơn cho ông theo như ông tin vào Ngài.
Rõ ràng là tình thương Thiên Chúa ban cho con người như nước chảy về chỗ trũng, chỉ khi gặp tâm hồn khiêm tốn khai hoang, tình thương ấy mới có thể đổ vào tràn đầy chan chứa. Hay nói cách khác, tình thương Thiên Chúa là một “tình cho không biếu không”, nhưng chỉ những ai đã gạt bỏ ảo tưởng về mình để nhìn nhận mình là không, người ấy mới có thể nhận được tình thương của Thiên Chúa.
Tin vào Thiên Chúa sẽ gặp được tình thương của Ngài, còn chỉ tin vào mình rốt cuộc lại gặp chính mình trong những ảo tưởng chất chồng. Nhưng cũng phải thưa ngay rằng: luôn luôn có một sự quân bình giữa một đàng là tình thương Thiên Chúa và đàng khác là cố gắng của con người. Chỉ ỷ lại vào tình thương Thiên chúa cũng sẽ rơi vào ảo tưởng như là chỉ ỷ y vào sức mình. Thế nên, đạo đức đích thực chính là dung hòa giữa nỗ lực và cậy trông. Xin mượn kiểu chơi chữ của thánh Augustinô để minh họa. Ngài bảo ai càng cảm nhận về sự khốn cùng của mình, người ấy càng gặp được sự khôn cùng của tình thương Thiên Chúa. Ai sống hết mình với cái miseria của mình, người ấy cũng biết cách để tiếp nhận cái misericordia của Thiên Chúa. Giống như người say rượu một khi biết tật của mình mới hết khướt say.
- Mũi nhọn thứ ba: cật vấn hôm nay.
Với hai mũi nhọn trên, dụ ngôn đã trở thành sống động và sở dĩ còn sức sống đến hôm nay là vì mũi nhọn thứ ba: dụ ngôn là lời cật vấn gởi đến mọi kẻ tin, ngân vang tới mọi sinh hoạt tôn giáo và len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống đời thường. Thế nên vấn đề được đặt ra ở đây trên bình diện cá nhân cũng như tập thể với những thích ứng cần thiết là hãy thử nhận diện cuộc sống của mình và của cộng đoàn mình.
Có thể ta không gặp sừng sững một ông Biệt phái lộ liễu ngất ngưỡng ở trong lối sống đạo của ta, nhưng biết đâu cái ảo tưởng an toàn khi chu toàn các bổn phận trong đạo như ông biệt phái lại chẳng lây lan len lỏi lập lòe trong tâm thức của mình? Biết đâu lúc này khác hơn một lần ta đã tự ru mình vào giấc ngủ “tự hào” khi bằng lòng với cách thể hiện đức tin hiện tại? Biết đâu đó đây trong ngày sống ta đã chiều theo ý nghĩ so sánh đời ta với đời người khác về phương diện đạo đức, theo kiểu “Trông lên mình chẳng bằng ai, nhưng khi trông xuống chẳng ai bằng mình?”Xưa Chúa Giêsu gọi đó là “men Biệt phái”, nay có lẽ nên gọi là “virus BP” xin tránh xa. Nếu “virus BP” mà giống “dầu nhớt BP liên tục phát triển” như quảng cáo trên tivi thì nguy quá! Trượt té dài dài.
Có thể ta thấy mình bỗng dưng gần gũi với ông thu thuế vì đời ta vương nhiều tội lụy, vì ta đi lễ thích đứng cuối nhà thờ, và vì ta cầu nguyện chỉ mong thật ngắn chẳng thích dài lời như như Phúc Âm kể: “Ông thu thuế đứng đàng xa, không dám ngước mặt, vừa đấm ngực vừa cầu nguyện: Lạy Chúa xin thương con là kẻ tội lỗi.” Nhưng chưa chắc đâu, bởi ông thu thuế khiêm tốn hết mình để được thứ tha hết tình, còn ta có khi chỉ là khiêm tốn nửa mùa tưởng bở, như thoáng thấy qua trang Nhật Ký của Đức Gioan XXIII ngày nào: “Tôi tưởng mình là cậu bé Séraphim nhưng nhìn kỹ tôi lại thấy mình là một chú Lucife nhỏ”.
Và vượt lên tất cả chính là lời thầm nhủ: hãy tin vào tình thương của Chúa mà sống tốt cuộc sống Ki-tô của mình. Với người này có thể trút bỏ những ảo tưởng tự hào, với người kia có thể là nhen lên lòng sám hối khiêm cung. Riêng cá nhân tôi nhân ngày tròn bảy năm linh mục, cùng với lời tạ ơn Thiên Chúa, lời cảm tạ cha sở và cộng đoàn, cũng sẽ là một lời kinh âm thầm xin được luôn tin vào tình thương Thiên Chúa.
Chiều qua khi đang sắp xếp lại sách vở, nghe cassette nhà ai mở bài “L’amour c’est pour rien” với lời hát “Tình cho không biếu không chớ nên mua bán tình yêu”, bất giác tôi nghĩ về tình thương Thiên Chúa: một tình thương luôn sẵn cho đi, một tình thương chẳng chờ đợi gì, một tình thương không mong đáp trả, một tình thương mãi mãi thứ tha.
Cầu chúc mọi người luôn tin vào tình thương Thiên Chúa để mãi vươn lên trong mọi cảnh ngộ cuộc đời, bởi xét cho cùng mỗi cảnh ngộ cũng là một dụ ngôn sống động ẩn chứa những mũi nhọn xung kích mời ta khám phá không ngừng.
ĐGM Giuse Vũ Duy Thống