SUY NIỆM 3 NGÀY TẾT GIÁP NGỌ
MÙNG MỘT TẾT
THÁNH LỄ TÂN NIÊN
Lễ Tạ Ơn Mừng Năm Mới
Có lẽ bạn đã nghe qua câu chuyện về ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên, nhưng có thể bạn không quen thuộc với cách nào mà nó đã mở rộng như một ngày lễ quốc gia.
Vào mùa thu năm 1621, những Người Hành Hương của Thuộc Địa Plymouth đã mời những người bạn Wampanoag của họ tới một bữa tiệc để cám ơn Thượng Đế cho một mùa gặt dư dật mà sẽ nuôi sống họ suốt mùa đông. Chỉ vài tháng trước đây, mùa đông khắc nghiệt đầu tiên của họ ở Plymouth đã tàn phá những Người Hành Hương không chuẩn bị, giết hết phân nửa thuộc địa. Bây giờ họ được tràn đầy với lòng biết ơn rằng mùa đông này khác hẳn. Để ăn mừng mùa màng và thờ phượng Thượng Đế mà không có nỗi lo sợ của sự thất mùa, họ đã dùng ba ngày để ăn mừng và cầu nguyện.
Những Người Hành Hương đã lập lại tiệc ăn mừng mùa màng này vào những năm tiếp sau đó. Truyền thống của lễ tạ ơn hằng năm đã hình thành và lan tràn khắp New England, và sau đó tới những thuộc địa khác. Nhưng cho đến năm 1863, khi Tổng Thống Abraham Lincoln đã ban Lời Tuyên Ngôn của Lễ Tạ Ơn đã nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc công nhận Thượng Đế như là Đấng cung cấp tất cả những ơn phước mỗi năm, do đó Lễ Tạ Ơn đã trở thành một ngày lễ hằng năm được công nhận toàn quốc. Tổng thống đã bắt đầu bài diễn văn của ông bằng những lời sau đây:
“Một năm nữa lại sắp chấm dứt. Chúng ta đi vào những ngày tháng cuối của năm nay với tràn đầy phước lành, với hoa quả của đồng ruộng và bầu trời an lành. Ngoài những phước lành đó, chúng ta còn được nhiều phước lành khác, những ân phước lạ thường. Những ân sủng lớn lao có thể thâm nhập hay đi thấu vào những tấm lòng vốn thờ ơ trước sự quan phòng và dẫn đắt kỳ diệu của Thiên Chúa Toàn Năng, và khiến những tấm lòng thờ ơ đó phải mềm đi.”
Ông Lincoln đã biết ơn bởi vì những sự kiện của năm đó đã xoay chuyển phong trào của Chiến Tranh Dân Chủ, và nó cuối cùng dường như một quốc gia bị gián đoạn lại thấy một cách giải quyết. Giống như những Người Hành Hương, ông Lincoln đã thấy những lần khó khăn và muốn diễn tả thái độ của ông với Thượng Đế cho sự cung cấp cứu trợ. Ông đã kết luận bằng cách qui ra ngày thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một là ngày quốc gia cho Lễ Tạ Ơn.
Truyền thống này đã được duy trì bởi hầu hết những vị tổng thống theo sau cho đến khi những người chủ kinh doanh trong thời-kỳ Khủng Hoảng đã yêu cầu ông Franklin D. Roosevelt để kéo dài mùa buôn bán cho Giáng Sinh bằng cách xem Lễ Tạ Ơn một tuần sớm hơn vào năm 1939. Sau hai năm của Lễ Tạ Ơn sớm, sự lạm dụng công cộng đã làm cho Quốc Hội vào năm 1941 đã đưa ra quy luật củng cố ngày thứ Năm thứ tư của mỗi tháng Mười Một là ngày Lễ Tạ Ơn.
Trong mùa Lễ Tạ Ơn này, bạn nên cảm tạ Thượng Đế điều gì? Câu trả lời là bất cứ điều gì và mọi điều. Hãy cảm ơn Ngài cho gia đình của bạn, những người bạn của bạn, thức ăn bạn ăn và trần nhà che đầu bạn. Nhưng quan trọng hơn hết, bạn có thể cám ơn Ngài vì món quà tuyệt vời là Chúa Giêsu Kitô.
Ngài đã ban cho chúng ta một con đường để chúng ta được cứu – qua sự chết và sự sống lại của Con Ngài, là Chúa Giêsu Kitô. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16).
Có biết bao điều ta phải cảm tạ Thiên Chúa.
Hãy cảm tạ Chúa khi quần áo bạn bị chật, vì điều đó chứng tỏ bạn không thiếu ăn.
Hãy cảm tạ Chúa khi bạn phải vất vả thu dọn sau một bữa tiệc, vì điều đó cho thấy bạn còn có bạn bè và người thân ở bên mình.
Hãy cảm tạ về số tiền thuế bạn phải đóng hàng tháng, vì chứng tỏ bạn không thất nghiệp.
Hãy cảm tạ khi bạn phải làm vườn, cắt cỏ, vì như thế là bạn đang sở hữu ngôi nhà mình ở.
Hãy cảm tạ khi bạn phải trả tiền sưởi trong mùa đông vì chứng tỏ bạn đã được sưởi ấm.
Hãy cảm tạ Chúa khi bạn phải giặt giũ quần áo, vì như thế là bạn có dư quần áo để mặc.
Hãy cảm tạ Chúa khi bạn tìm được một chỗ đậu ở cuối bãi đậu xe, vì bạn còn có sức khỏe, có thể bước đi trên đôi chân của mình.
Hãy cảm tạ Chúa khi trong nhà thờ có người hát lạc giọng, vì nó cho thấy tai bạn vẫn còn bén nhạy.
Hãy cảm tạ Chúa khi có người phê phán phàn nàn chính quyền, vì chứng tỏ bạn đang được sống trong một xứ tự do, bạn có thể nói lên ý kiến của mình mà không sợ gì cả.
Hãy cảm tạ Chúa khi bạn bị đồng hồ đánh thức mỗi sáng, vì điều đó chứng tỏ là bạn vẫn còn sống.
Sưu tầm từ INTERNET
Trong sổ lịch “Những ngày lễ Công Giáo”, vào những ngày “Tết”, là những ngày thiêng liêng dân tộc, không hề có ghi Lễ Tạ Ơn Thiên Chúa, mà chỉ có “xin ơn”. “Mồng Một Tết…Cầu Bình An Năm Mới”. “Mồng Hai Kính Nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ”. “Mồng Ba Thánh Hóa Công Việc Làm Ăn”… Dù nội dung tinh thần Thánh Lễ luôn là Tạ Ơn Thiên Chúa, đặc biệt Lễ Tất Niên (Te Deum).
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ.
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv.135).. (Thánh Lễ Tất Niên).
Thưa anh em, anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô. (1Tx.5,16). (Thánh Lễ Giao Thừa).
Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl. 4,6). (Thánh Lễ Tân Niên).
Người Ki-tô hữu ai cũng hiểu Thánh Lễ trước tiên là tâm tình tạ ơn, dâng lên Thiên Chúa, “Nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô”.
“Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo, và đem lại ơn cứu độ cho chúng con. (Kinh Tiền Tụng).
Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi vinh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời” (Kinh nguyện Thánh Thể).
Ngày đầu năm, MÙNG MỘT TẾT chúng ta CẦU BÌNH AN NĂM MỚI, lời cầu ấy, trước tiên, Lời Đầu Năm, phải là LỜI TẠ ƠN, vì Chúa cho ta có được Mùa Xuân Mới, Năm Mới, với tinh hoa muôn vẻ đẹp cuộc đời.
Lời Đầu Năm là Lời Yêu Thương. Chúng con muốn nói lên lời yêu thương Chúa, từ tâm tình yêu thương ấy, con “muốn cất cao lời ca cảm tạ…”.
Cất cao Lời Cảm Tạ, cũng chính là Lời Cầu xin bình an rồi, vì “Chúa hiểu con cần gì, muốn xin gì, Chúa thấu suốt lòng con”. Chỉ cần con nói lên “con yêu mến Chúa, cảm tạ Chúa”, Chúa không thể nào – và sao nỡ – bỏ rơi ta.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. (Mt.6,7-15).
Cảm Tạ Chúa Năm Mới, là con muốn nói lên rằng “con mãi mãi yêu mến Chúa”. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. (1Tx.5,16). Dù thế nào con cũng yêu mến Chúa.Và như vậy, con xin ơn bình an cho Đức Tin. Cho lòng con đừng đổi thay, dù có chối Chúa như Phê-rô, con cũng tin rằng Chúa luôn yêu thương và tha thứ.
Sự Bình An Đức Tin là quan trọng nhất, là cần thiết nhất đối với chúng ta, những người Ki-tô hữu.
Có thể bão giông, có thể thất bại, có thể dang dỡ, có thể trái ngang, có thể bệnh tật, có thể không may…nhưng ta vẫn luôn luôn yêu mến Chúa. Ngay cả lúc ta yếu đuối, trong tận cùng lòng ta, ta vẫn luôn muốn ở bên Chúa và được Chúa luôn ở bên ta. Đó là nguồn cội của sự bình an.
Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta. (Rm 8,35.37-39)
Tạ Ơn Chúa, vì cho đến hôm nay, ta vẫn còn được cơ hội cất cao lời cảm tạ Chúa.
Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. (Lời Tiền Tụng chung IV).
LỜI NGUYỆN
Tạ ơn Chúa cho con
Lòng thanh thản an bình
Với muôn ơn lộc Chúa
Con còn phải lo chi ?
Trời hôm nay bình an như nguyệt bạch…(HMT)
Xin cho lòng con mãi yên vui
Trong niềm tin yêu con phó thác trọn đời..
Lòng bình an trong mọi cơn thử thách. Amen.
_________________
MỒNG HAI TẾT
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ
Cội Nguồn
Chúng ta từng nghe nhiều về những câu chuyện về Tình Cha, Nghĩa Mẹ. Ngay từ nhỏ, chúng ta cũng từng được dạy nhiều về những câu chuyện của những đứa con hiếu thảo, thí dụ tập truyện “Nhị Thập Tứ Hiếu” rất quen thuộc một thời đối với thiếu nhi và cả giới trẻ khi nền đạo lý chưa xuống cấp đáng sợ như ngày nay.
Chữ Hiếu là yếu tố quan trọng tạo nên gia đình hạnh phúc. Tình yêu của vợ chồng nhiều khi đứng ở bờ vực sụp đổ, nhờ những đứa con hiếu thảo, đã giúp vợ chồng vượt qua được sóng gió của chuyện trăm năm. Ngược lại, những đứa con hiếu thảo biết nương tựa và lắng nghe cha mẹ, nhiều khi đã vượt qua được những sai lầm bồng bột của tuổi trẻ.
Có câu chuyện về “Tâm nguyện cuối cùng” cảm động như sau:
Bà mẹ 26 tuổi lặng nhìn đứa con trai đang kiệt sức vì căn bệnh hay chảy máu. Cũng như những ông bố bà mẹ khác, chị mong con trai mình có thể khôn lớn thành người, có thể thực hiện mọi giấc mơ. Giờ đây, tất cả những điều này đều không thể, dù vậy, chị vẫn mong giấc mơ của con trai mình trở thành hiện thực.
Chị nắm lấy tay con rồi hỏi: “Con trai, con có từng nghĩ đến việc sau này lớn lên sẽ làm gì không? Con có từng mơ ước gì cho cuộc đời mình không ?”
“Mẹ ơi, con luôn ao ước lớn lên có thể trở thành lính cứu hỏa”.
“Người mẹ cố nén đau thương, mỉm cười nói: “Để mẹ nghĩ xem có thể biến giấc mơ của con thành hiện thực không nào”.
Tối hôm đó, chị đến đội cứu hỏa ở thành phố Phoenix bang Arizona, tìm gặp anh lính cứu hỏa Bob – người có một trái tim nhân từ. Người mẹ này giải thích tâm nguyện cuối cùng của con trai mình, đồng thời hỏi anh có thể cho cậu bé ngồi lên xe cứu hỏa chạy vài vòng ở góc phố không.
Bob nói: “Không chỉ thế, chúng tôi còn có thể làm tốt hơn nữa. 7 giờ sáng Thứ Tư chị đưa bé đến đây, chúng tôi sẽ cho bé làm lính cứu hỏa danh dự một ngày. Cậu bé có thể đến đội cứu hỏa, cùng chúng tôi dùng bữa, cùng chúng tôi xuất phát. Đúng rồi, nếu chị cho chúng tôi biết vóc dáng của cậu bé, chúng tôi còn có thể giúp đặt một bộ đồ đồng phục lính cứu hỏa thật sự, kèm theo một chiếc nón cứu hỏa thật, chứ không phải nón đồ chơi, trên đó có cả huy hiệu của đội cứu hỏa thành phố Phoenix, in cả trên áo chống thấm màu vàng và ủng cao su nữa. Những thứ này đều được làm từ thành phố Phoenix, nên có thể lấy được rất nhanh”.
Ba hôm sau, anh lính cứu hỏa Bob đến gặp cậu bé, giúp cậu mặc đồng phục, hộ tống cậu từ giường bệnh trong bệnh viện lên xe cứu hỏa. Cậu bé phảu ngồi phía sau xe, Bob đưa cậu bé vể đội cứu hỏa, cậu bé dường như đang ở trên thiên đàng.
Hôm đó, thành phố Phoenix có ba vụ báo cháy, lần nào cậu bé cũng được xuất phát với đội. Cậu được ngồi trên những chiếc xe cứu hỏa khác nhau, cả xe cấp cứu, thậm chí là xe của đội trưởng đội cứu hỏa. Cậu còn được ghi hình cho tiết mục tin tức trong vùng.
Nhờ vào giấc mơ đã trở thành hiện thực và nhận được tất cả sự yêu thương cũng như chăm sóc, cậu bé hạnh phúc ấy sống thêm được ba tháng.
Một tối nọ, mọi dấu hiệu sống của cậu bé bắt đầu giảm nhanh, y tá trưởng gọi điện thông báo người thân đến bệnh viện.
Sau đó, cô nhớ cậu bé từng là một lính cứu hỏa, nên gọi cả cho đội trưởng đội cứu hỏa, hỏi anh có thể cho một anh lính mặc đồng phục đến bệnh viện, ở cạnh cậu bé, trước khi cậu bé ra đi không. Đội trưởng trả lời: “Chúng tôi có thể làm tốt hơn thế. Chúng tôi sẽ đến trong 5 phút nữa. Cô có thể giúp chúng tôi một việc không? Khi cô nghe tiếng còi báo và thấy đèn báo nhấp nháy, hãy thông báo với bệnh viện, đây không phải là một vụ cháy thật, đây chỉ là đội cứu hỏa đến gặp người bạn thân lần cuối. Cô hãy mở cửa phòng cậu bé ra, cám ơn cô”.
Khoảng 5 phút sau, một chiếc xe cứu hỏa đến bệnh viện, đưa thang lên trước cửa sổ tầng ba của cậu bé, 14 anh lính cứu hỏa leo lên thang vào phòng của cậu. Được sự đồng ý của mẹ cậu, họ ôm lấy cậu, nắm lấy tay cậu, bảo với cậu rằng họ yêu cậu biết bao.
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cậu bé nhìn đội trưởng đội cứu hỏa, hỏi : :Anh đội trưởng, giờ em phải là lính cứu hỏa thật sự không ?”
“Có chứ !”. Đội trưởng đáp.
Mang theo những lời nói đó, cậu bé mỉm cười nhắm mắt ra đi.
Mọi sự bắt đầu từ tấm lòng của ngưởi mẹ.
Chị nắm lấy tay con rồi hỏi: “Con trai, con có từng nghĩ đến việc sau này lớn lên sẽ làm gì không? Con có từngmơ ước gì cho cuộc đời mình không ?” (Tâm nguyện cuối cùng).
Để nuôi con khôn lớn, đưa con mình đến được bến bờ mơ ước, công ơn của cha mẹ là như trời biển.
Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày. (Ca dao)
Phận làm con, phải nhận ra tình yêu của cha mẹ, có nhận ra, hiểu được tình yêu ấy, mới có thể phần nào đền đáp công ơn các đấng sinh thành.
Đền đáp công ơn cha mẹ, là chăm sóc cha mẹ khi tuổi già yếu đã đành, còn phải trở nên người hữu ích cho đời, xứng đáng với những hy sinh cha mẹ dành cho ta.
Kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ, không chỉ là Đạo Hiếu, với Ki-tô hữu, còn là dịp để ta nhớ đến “cội nguồn đích thực” của đời ta. “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (Mt.6,9-13). Đó chính là Đạo Hiếu đối với Thiên Chúa, là Cha, là nguồn cội của sự sống con người.
Quả vậy, khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Nhưng phải nhờ ơn Cha mạc khải, chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con. Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. (Lời tiền tụng Mồng Hai Tết).
Là Ki-tô hữu, là con cái Chúa, nếu tiếng Chúa vang vọng trong lòng ta : “lớn lên ta sẽ làm gì? Ước mơ gì?”. Nếu là một đứa con hiếu thảo, biết lắng nghe lời Cha – Lời Chúa – muốn sống đẹp lòng Cha, đẹp lòng Chúa, hẳn ta sẽ tìm ra được câu trả lời, để cố gắng sống sao cho xứng đáng là con cái Chúa với tất cả lòng thành của Ta.
“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an.Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp. Phúc cho ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được thoả lòng.Phúc cho ai xót thương, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng anh em ở trên trời thật lớn lao. Các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế. (Mt.5,1-12).
Và Chúa là Người Cha giàu lòng thương xót, sẽ ban muôn ơn lành cho ta đến bến bờ mơ ước của đời ta.
LỜI NGUYỆN
Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. (Lời nguyện Nhập Lễ).
Và, cũng xin cho chúng con luôn biết sống ngoan đạo. Luôn yêu mến Chúa và luôn được Chúa yêu thương. Amen.
____________________
MỒNG BA TẾT
THÁNH HÓA CÔNG VIỆC LÀM ĂN
Làm việc là phục vụ
Chúng ta suy ngẫm về câu chuyện “Phòng khách nhà bà Marie Curie”:
Bà Marie Curie, nhà khoa học Pháp gốc Balan, là nhà khoa học nữ duy nhất trên thế giới cho đến hiện nay, đã hai lần được nhận giải thưởng Nôben vể khoa học cao quý.
Sau khi bà thành lập gia đình, phòng khách trong căn hộ của hai vợ chồng nhà khoa học nổi tiếng thế giới chỉ có duy nhất 2 chiếc ghế ngồi và một cái bàn ăn hết sức thô sơ. Biết được hoàn cảnh khó khăn của con gái và con rể khi mới thành lập gia đình, ông bố của bà viết thư nói, bà cần gì cứ liệt kê ra, ông sẽ mua và gửi đến Paris cho họ.
Nhận được thư cha, bà rất cảm động và biết ơn. Sau một hồi suy nghĩ, bà bàn với chồng:
“Cha bảo sẽ tặng cho nhiều đồ gia dụng. Nhưng nếu có thêm chiếc đi-văng hay ghế tựa mềm và nhiều thứ khác, thì hàng ngày lại phải mất thời gian lau chùi, quét dọn. Đó sẽ là một sự lãng phí thời gian và sức lực rất vô ích”
Ông Curie bàn với vợ mới cưới:
“Có lẽ chúng ta không cần đi-văng hay ghế tựa mềm. Hiện tại chúng ta chỉ có hai chiếc ghế, có thể chỉ cần thêm một chiếc nữa để cho khách ngồi là đủ. Thỉnh thoảng có khách đến bàn công việc hay thảo luận về các vấn đề khoa học cũng cần có ghế ngồi, phải không em ?”
Nhưng bà Marie liền có ý kiến phản bác:
“Nhưng nếu là những khách nhàn rỗi đến chơi, có ghế ngồi thì họ sẽ ngồi nói chuyện phiếm rất lâu, rất mất thời gian. Lúc đó chúng ta sẽ xử trí thế nào ?”
Cuối cùng, hai vợ chồng bà quyết định không cần tăng thêm đồ dùng gia đình nữa.
Những vĩ nhân thường có những ý nghĩ lạ, đôi khi rất khác thường, lập dị, nhưng điều chúng ta muốn nói ở đây là việc tận dụng thời gian để làm việc bổ ích cho chính ta, cho cuộc đời.
Trong bài suy niệm “Ước được trở về tuổi thơ”, Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền đã viết:
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Nó rất vô tình. Hãy dùng nó cho có ý nghĩa. Hãy tận dụng từng thời khắc cuộc sống kẻo thật uổng phí thời gian. Có lẽ, không có cụm từ nào tai hại cho bằng ba chữ “Giết – thời – gian”. Nhiều người tìm những thú vui, tìm những việc làm để chỉ mong giết thời gian. Có người giết thời gian trong đam mê cờ bạc. Có người trong tửu sắc. Có người hoang phí trong những tiệc tùng thâu đêm vô bổ hay rong chơi đàn ca hát sướng.
Thật ra chúng ta được ban cho thời gian để sử dụng chứ không phải để giết chúng. Lời Chúa trong thơ của thánh Phaolo gởi tín hữu Ê-phê-sô (5,16) đã đề cao giá trị về thời gian như sau: “Thế thì anh chị em hãy cẩn thận về cách sống của mình; đừng sống như kẻ dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy tận dụng thì giờ, vì thời buổi nầy thật đen tối” (Ước được trở về tuổi thơ – Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền).
Cách sử dụng thời gian như thế – Giết thời gian – chẳng khác nào “chôn nén bạc dưới đất”, như chôn vùi đời mình, cùng với sự nhàn rỗi vô bổ, ích kỷ, hẹp hòi.
Cách nói “(thánh hóa) công việc làm ăn” nghe nặng về việc “làm ăn mua bán”, trong khi điều mà chúng ta nhắm tới và muốn nhấn mạnh, là mọi “việc làm” mà chúng ta phải cố gắng thực hiện vì bổn phận và trách nhiệm của mỗi người.
Ai cũng phải làm việc. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Bồng em thì khỏi xây lúa”. Trong tiểu gia đình đã vậy, trong đại gia đình cộng đoàn, xã hội, nhân loại… còn có trách nhiệm và bổn phận lớn lao biết bao !
Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. (2Tx.1,10-11).
Không phải mọi việc làm đều là để “hái ra tiền”, mà là “sinh lợi”, cái lợi vật chất và tinh thần, hướng con người đến Chân-Thiện-Mỹ để làm cho cuộc sống con người cao đẹp hơn, thế giới tốt đẹp hơn.
“Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1Cor 10, 31).
Làm đẹp cuộc đời, dưới ánh sáng của Lời Chúa, để tôn vinh Chúa, thì đâu có phân biệt việc làm nào là tầm thường, việc làm nào là vĩ đại, việc làm nào là hèn hạ, việc làm nào là sang trọng. Trước mặt Chúa, là như nhau. Hai đồng của bà góa, hay một túi tiền vàng của người quyền quý dâng lên Chúa, chưa hẳn gì ai nhiều hơn ai.
Có câu:“Gọt khoai trong yêu thương cũng có giá trị như xây một nhà thờ chính tòa” (Guy de Larigaudie).
Mọi việc làm đều là phục vụ. Ta vẫn thường thấy ở những cơ sở mua bán, cây xăng, bến đò… có câu “Hân hạnh phục vụ Quý khách”, “Phục vụ 24/24”… Thật đáng tiếcđằng sau hai tiếng “phục vụ” rất nhiều trò gạt gẫm, chém đẹp, lừa đảo, gian xảo…
Từ “Phục vụ” rất đẹp, vì đó là hoa trái của Đức Ái.
Làm việc vì Đức Ái, thì “làm việc chính là phục vụ”. Phục vụ nhau là trả cho nhau “nợ tình yêu”.
“Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài tình thương mến (I Cor.13,13)”.
Thánh hóa mọi việc làm của chúng ta, chính là làm những điều đẹp lòng Chúa, và cũng là làm đẹp lòng nhau. Có thể nào miệng lưỡi ta cất cao lời ca cảm tạ Chúa mà lòng lại toàn toan tính những chuyện tệ hại cho nhau ?
“Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl. 3, 17).
LỜI NGUYỆN
“Lòng người sao mà sâu thẳm và đầy hôi thối”, (Blaise Pascal)
Lạy Chúa, xin thánh hóa mọi việc con làm,
Nhịp đời trôi phút dừng chân sám hối…
Hỏi được bao nhiêu hoa trái từ tâm ?
Xin cho lòng người như hoa xuân rực rỡ
Trong ánh bình mình chói lọi của Lời Ngài
Tất cả là Hồng Ân trong cõi trần ai
Con hạnh phúc khi dâng lời cảm tạ. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
Nguồn: canhdongtruyengiao