Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 4 TN-A của LM.Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 4 TN-A của LM.Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Hạnh phúc

Hạnh phúc là một trong những niềm khao khát căn bản của con người, vì thế, từ xưa cho đến nay, con người ở mọi nơi, mọi thời đều mong ước hạnh phúc. Nhà bác học đồng thời cũng là triết gia và văn sĩ nối tiếng của nước Pháp ở thế kỷ XVII, ông Pát-can đã nói : “Mọi người, bất kỳ ai, đều lấy hạnh phúc làm mục đích, phương tiện có khác nhau, nhưng mục đích chỉ có một”. Vậy, phải tìm hạnh phúc ở đâu ? làm sao để có hạnh phúc ? hay hạnh phúc là bởi cái gì ?

Có người cho rằng hạnh phúc ở tại tiền bạc, tiền bạc là con đường đưa tới hạnh phúc. Theo họ, có tiền mua tiên cũng được, nên với tiền bạc họ sẽ hóa giải được hết mọi sự như câu tục ngữ Anh : “Tiền là chìa khóa vàng mở được mọi cánh cửa” : có tiền là có nhà lầu xe hơi, có tiền là có đủ mặt bạn bè, có tiền là có người bênh che và phục vụ. Theo quan niệm một chiều, họ rất có lý. Nhưng họ có ngờ đâu trong thực tế “hoàng kim hắc thế tâm” : tiền vàng làm lòng người ra đen tối”. Tìm hạnh phúc ở tiền bạc chỉ là trò chơi “cút bắt”, chẳng bao giờ làm chúng ta thỏa mãn, có một triệu, chúng ta lại muốn được hai triệu, có hai triệu, chúng ta lại thèm ba triệu, có ba triệu, chúng ta lại ước bốn triệu. Cuộc  săn đuổi cứ tiếp tục leo thang, thỏa mãn là hai tiếng thật xa vời. Đàng khác, tiền là “bạc”. bạc không phải chỉ là một loại quý kim, mà còn có nghĩa là bạc bẽo, bạc tình, bạc nghĩa. Vì tiền mà mất cha mất mẹ, mất vợ mất chồng, mất bạn hữu, mất họ hàng. Nguyễn Du trong truyện Kiều đã phải thú nhận: “Trong tay đã sẵn đồng tiền. Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì ?”.

Tiền bạc không phải hạnh phúc, vậy phải chăng hạnh phúc ở tại chức quyền danh vọng ? Trong thực tế, ai ai cũng muốn được người khác yêu mến, quý trọng, kính nể, và từ đó con người đâm ra ham chức quyền, danh vọng. Theo một nghĩa rất tương đối, thì chức quyền, danh vọng là một trong những yếu tố góp phần vào hạnh phúc của con người. Nhưng thật sự chức quyền danh vọng có đem lại hạnh phúc không ? Chúng ta có thể trả lời ngay là không, bởi vì “càng cao danh vọng, càng đầy gian truân”. Biết bao nhiêu người trên cực điểm danh vọng, mà hạnh phúc vẫn chẳng ở tầm tay, thậm chí còn rớt xuống, thân bại danh liệt, chẳng hạn, ông Ních-xơn, nguyên thủ của một quốc gia vào bậc nhất thế giới, thế mà đã phải tủi nhục từ chức, về vườn không kèn không trống. Thật là “vèo trông lá rụng đầy sân. Công danh phù thế có ngần ấy thôi”.

Hạnh phúc không ở tiền bạc, không ở danh vọng, phải chăng ở lạc thú ? cũng gọi là thú vui xác thịt hay nhục dục, nghĩa là có người coi thú vui xác thịt là con đường hạnh phúc ở đời. Nhưng lịch sử nhân loại đã chứng minh biết bao người đi vào con đường đó, họ chẳng hạnh phúc chút nào. Như vậy, khách quan mà suy xét, và nhìn vào thực tế của xã hội, cũng như căn cứ vào kinh nghiệm và sự khôn ngoan của những người đạo đức hay của những người có sự nhận xét thành thực chính đáng, chúng ta có thể nói rằng lạc thú thay vì đem lại hạnh phúc, lại gây nên những đau khổ khôn lường. Ngay trong hôn nhân, những lời cầu chúc cho tân hôn, như “Bách niên giai lão”, “Trăm năm hạnh phúc”, “Sắt cầm hòa hợp” chẳng mấy khi thấy được thực hiện, hay chỉ thực hiện một phần nào thôi, còn cảnh trái lại : anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, hay là những lủng củng cũng chẳng hiếm.

Hạnh phúc không ở tiền bạc, không ở danh vọng, không ở lạc thú, vậy thì ở đâu ? Tiền bạc, danh vọng, sức khỏe, sắc đẹp, vợ chồng, con cái, nhà cửa, xe cộ, sống lâu,… đó là nội dung của phúc lộc thọ mà chúng ta thường cầu chúc cho nhau trong dịp Tết. Nhưng phúc lộc thọ vẫn chưa phải là điều thỏa mãn khát vọng sâu xa về hạnh phúc của lòng người. Tận thâm tâm, con người muốn có thứ hạnh phúc vĩnh cửu : tài sản không tiêu tan, sắc đẹp không phai tàn và cuộc sống vô tận, đó mới chính là hạnh phúc thật sự đáng mơ ước. Hạnh phúc này chỉ có thể tìm được nơi Thiên Chúa, vì Ngài là cội nguồn của sự sống và của chân thiện mỹ. Vì thế, khi công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã nói rõ hạnh phúc thật mà con người phải đạt tới là hạnh phúc Nước Trời, nghĩa là Chúa Giêsu không hứa ban cho con người thứ hạnh phúc ăn ngon mặc đẹp, hạnh phúc của tự do, của thế lực, tiền tài, danh vọng và lạc thú. Chúng ta thấy Chúa Giêsu không nói : phúc cho bạn, vì bạn có nhiều tiền, vì bạn có thế lực, vì bạn tắm gội trong lạc thú, danh vọng…, không, hạnh phúc Chúa Giêsu hứa ban không phải là vật chất, tạm bợ ngay ở trần thế này, nhưng là hạnh phúc tâm linh, vĩnh cửu, chỉ được thực hiện ở bên kia thế giới hữu hình, đó là hạnh phúc Nước Trời.

allsaints5

Đó là mục đích, là lý tưởng mà con người cần phải đạt tới, nên Chúa đã chỉ dạy những cách thế, những bí quyết, đó là hãy sống siêu thoát đối với tiền bạc vật chất, hiền lành, trong sạch, thuận hòa, yêu thương, chấp nhận gian khổ. Vì thế, chúng ta hãy nhớ : trần gian này chỉ là quán trọ, là hành trình đi về Nước Trời, chúng ta hãy cố gắng thực hiện những cách thế Chúa chỉ dạy để đạt tới đích hạnh phúc đó.

Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …