Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Lạy Chúa Thánh Thần, Xin Ngài Ngự Đến

SUY NIỆM THÁNH LỄ VỌNG

 (Ga 7, 37-39)

h3Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng về với Chúa Giêsu và chiêm ngắm Người vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, nghe Chúa giảng : Ai khát hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông” (Ga 7, 37-38). Người muốn nói điều ấy về Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất

Nếu như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa tự sức riêng của mình muốn “xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời” (x. St 11,4). Hậu quả của hành động đó là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.

Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo

Câu đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết : “Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo...” làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang (x. St 1,2).

Phải khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là cộng cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, là lễ của Giáo hội. Nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Và vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa : “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm” (Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto nói : “Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa” (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).

Ðứng trước những hình thức khác nhau của việc lạm dụng trái đất, “mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta“. (Rm 8,22-24)

Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài? Bằng cách nào, chúng ta đến với Ngài và Ngài đến với chúng ta? Ngài tác động điều chi? Câu trả lời cho câu hỏi Chúa Thánh Thần là gì, Ngài làm điều chi và làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài. Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã buớc vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống và sự tự do. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.

Từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra

Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, các môn đệ nói mà không sợ hãi. Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban xuống cho Giáo hội như là “nước hằng sống chảy ra như giòng sông” (Ga 7,38) vì nước ấy ở trong cung lòng của Thiên Chúa, cùng một lúc, chúng ta khám phá ra rằng, cũng trong Giáo hội, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống thật. Thường chúng ta đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong phương diện cá nhân, tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay hiển nhiên cho thấy tác động Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Kitô hữu: “Thánh Thần mà những kẻ tin Người sẽ lãnh lấy” (Ga 7,39). Thánh Thần duy nhất biến cộng đoàn thành một thân thể duy nhất, thân thể Chúa Kitô. Hơn nữa, Ngài là suối bẩy nguồn đa dạng về các ơn : ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như : tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… làm cho mỗi người chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.

Sự duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu. Điều quan trọng nhất của Giáo hội chính là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống. Với con mắt loài người nhìn vào Giáo hội, chúng ta không thể nhận ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để “các dân tộc chia tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa.” (Lời nguyện nhập lễ)

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa!” Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

Thánh Thần khấn xin ngự đến

Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

(Ga 20, 19-23)

h240 ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp đến Giáo hội làm tuần cửu nhật thiết tha cầu xin : “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến…”.

Giáo hội xin Chúa Thánh Thần đến để làm gì ? Thưa, Chúa Thánh Thần đến để rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường… (Ca tiếp liên). 

  1. Đức Chúa Giêsu lên trời có bỏ chúng ta mồ côi không?
  2. Không, Đức Chúa Giêsu lên trời đoạn, khỏi 10 ngày đã sai Đức Chúa Thánh Thần xuống trên các thánh tông đồ để ở lại với Hội Thánh mãi cho đến tận thế.

Đúng 10 ngày sau khi Chúa về Trời, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên và hiện diện trong lịch sử Giáo hội, hành động không biết mệt mỏi.

Nếu như khi xưa Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người cùng ban đầy đủ các ơn với các sự kiện bên ngoài, thì hôm nay chúng ta tin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta một cách đặc biệt trong ngày lễ của Ngài.

Trước hết Chúa Thánh Thần đến với chúng ta qua các bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe, vì Ngài là tác tác giả thần linh. Tôi thấy cộng đoàn lắng nghe sốt sáng với lòng khao khát được gặp gỡ Ngài, tiếp xúc với Ngài, được Ngài dạy dỗ, soi sáng và hướng dẫn. Chúa Thánh Thần còn đến với chúng ta qua những lời cầu nguyện của Giáo Hội và của từng người trong chúng ta. Tôi thấy mọi người hát kinh Vinh Danh sốt sáng lắm, hẳn phải có Chúa Thánh Thần. Ngài khơi dậy sự cầu nguyện, khơi dậy những tâm tình đạo đức nơi chúng ta; Ngài đốt lửa kính mến Chúa nơi chúng ta. Nếu không có ơn Chúa Thánh Thần thì chúng ta chẳng đến đây làm gì, và có đến thì cũng chỉ ngồi yên thôi.

Chúa Thánh Thần còn đến với chúng ta qua lời giảng dạy của Giáo Hội, Ngài khơi dậy đức tin nơi chúng ta. Ngài dạy ta tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, lát nữa đây chúng ta sẽ tuyên xưng khi đọc kinh Tin Kính. Ngoài ơn đức tin là hồng ân trọng đại, Chúa Thánh Thần còn ban cho Giáo Hội rất nhiều ân sủng khác, mỗi người một kiểu một cách, không ai thiếu ân sủng của Ngài, để mỗi người chúng ta dùng những ơn đó mà xây dựng ích chung cho Giáo Hội: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như : tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… mỗi người mỗi ơn rất phong phú và đa dạng.

  1. Chúa Thánh Thần là Đấng nào?
  2. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba. Ngài bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Ngài là Thiên Chúa Thật, cùng uy quyền và vinh quang như Chúa Cha và Chúa Con.

H.Chúa Thánh Thần còn được gọi bằng những danh hiệu nào?

T.Ngài thường được gọi là Thần khí của Thiên Chúa,là Thần khí của sự thật,là Đấng an ủi và là Đấng ban sự sống.

Chúa Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi, là Bình An, là Niềm Vui, là Sự Sống.

Chúa Thánh Thần là Ơn Bình An mà Chúa Kitô Phục Sinh mang đến, khi hiện ra với  các Tông Đồ, khi đến với Giáo Hội, đến với Cộng đoàn phụng vụ chúng ta. Ngài là Sự Bình An mà thế gian không thể ban tặng như Chúa Giêsu đã nóiCó Chúa Thánh Thần, lòng ta sẽ được bình an, một sự bình an kỳ diệu, đồng nghĩa với hạnh phúc, với ơn cứu độ và sự sống đời đời.

Chúa Thánh Thần  là Niềm Vui, mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho ta, một niềm vui khôn tả. Các môn đệ ngày xưa vui mừng vì được thấy Chúa Phục Sinh, chúng ta ngày hôm nay không nhìn thấy Chúa bằng giác quan, nhưng thấy Chúa bằng đức tin, thấy Chúa trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Niềm Hoan Lạc ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi, là Niềm Vui mà Chúa Kitô Phục Sinh chia sẻ cho chúng ta, để chúng ta thông phần hạnh phúc của Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần là Sự Sống, là Thần Khí, là Hơi Thở mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho Giáo Hội, khi Người thổi hơi vào các thánh Tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20, 23). Chúng ta nghe nói nhiều đến ơn cứu độ, nhưng có lẽ chúng ta vẫn chưa am hiểu và còn cảm thấy trừu tượng, xa vời. Theo đoạn Tin mừng Gioan hôm nay, ơn cứu độ chính là Thần Khí Phục Sinh của Chúa Kitô, nhờ đó mà mọi người  được Thiên Chúa vừa ban cho ơn tha tội, vừa ban cho sự sống mới, thông phần Sự Sống Lại của Chúa Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, trước khi về Trời, Chúa đã hứa là xin Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến với chúng con, thì xin Chúa giữ lời mà ban cho chúng con Thánh Thần Chúa để Ngài ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …