Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

LÀM CHỨNG NHÂN CHO THẦY

(Lc 24,46-53)         

tải xuốngTrong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “chính các con làm chứng về những điều ấy” (Lc 24, 48), tức là làm chứng cho chính Thầy.          

Vậy làm chứng là gì? Làm chứng là nhận thức một sự kiện mà chính mình đã kinh nghiệm. Nói rõ hơn, làm chứng là chứng nhận bằng lời nói hay bằng hành động một sự việc đã xẩy ra, một sự kiện có thật mà mình đã thấy, đã trải qua.         

Còn chứng nhân hay người làm chứng, là kẻ nghe gì thì nói lại y như vậy, thấy sao thì thuật lại như vậy, rất chính xác, rất trung thực. Ngược lại thì người ta gọi là phản chứng.  Ở tòa án, chứng nhân hay nhân chứng là người nói sự thật những điều tai nghe mắt thấy. Trong đời sống hằng ngày, chứng nhân là người sinh sống và hành động như mình biết, tin tưởng và xác tín. 

Chính vì thế khi Chúa về trời thì cũng là lúc các tông đồ phải ra đi. Ra đi tuyên xưng niềm tin, niềm tin vào Đấng đã chết nhưng nay đã phục sinh, vào Đấng đã chiến thắng tử thần và nay đang được tôn vinh.

Đến lượt chúng ta hôm nay, mỗi người cũng phải là một chứng nhân. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “mỗi tín hữu, trong bản chất, là một chứng nhân”.  Bởi vì khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, nhất là bí tích Thêm Sức, là chúng ta đã được Chúa Kitô trao sứ mệnh làm chứng cho Chúa và cách thức làm chứng tốt nhất là bằng chính đời sống tốt lành thánh thiện của chúng ta.      

Con người thời nay thích nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, cũng như họ xác tín vào điều đã trông thấy tận mắt hơn là chỉ được nghe nói. Họ không thích chúng ta chỉ làm chứng bằng lời nói, nhưng là bằng chính cuộc sống xả thân, phục vụ và yêu thương. Babin đã nói một câu thật ý nghĩa: “người ta chỉ có thể tin vào Đức Kitô, khi họ tin vào tình yêu của những kẻ loan báo Đức Kitô”.

Làm chứng cho Đức Kitô là làm sao diễn tả được dung mạo của Ngài ngay trong cuộc sống của mình. Làm chứng cho Đức Kitô là làm sao cho người khác cảm nhận được sự hiện diện của Ngài ngay trong môi trường mình đang sống. Làm chứng cho Đức Kitô là làm sao diễn tả được hình ảnh của Nước Trời đang ở giữa chúng ta.

Để có thể làm chứng về Chúa Giêsu cho những người khác, chúng ta phải thực hiện nơi chính bản thân của chúng ta như trong ngạn ngữ của Trung Hoa:

 “Tiên chánh kỳ tâm hậu tu kỳ thân,

Tiên tu kỳ thân hậu tề kỳ gia,

Tiên tề kỳ gia hậu trị kỳ quốc

Tiên trị kỳ quốc hậu bình thiên hạ”.

(Tâm hồn có chân chính thì bản thân mới tốt đẹp,

Bản thân có tốt đẹp thì gia đình mới thuận hòa,

Gia đình có thuận hòa thì quốc gia mới thịnh trị,

Quốc gia có thịnh trị thì thế giới mới hòa bình). 

Cũng thế, muốn rao giảng Đức Giêsu cho thế gian, chúng ta phải đưa Ngài vào chính cuộc sống chúng ta trước, sau đó lời rao giảng về Ngài mới tỏa lan khắp cùng thế giới. Làm chứng một cách mạnh dạn như tổng thống Putin: báo ‘Le Figaro’ đăng trả lời phỏng vấn của tổng thống Nga Putin. Trong đó có câu hỏi như sau:

Hỏi: Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Nga, ông cho biết là đã đến cầu nguyện tại mộ Chúa Giêsu ở Giêrusalem, trong tay cầm Thánh Giá. Nhưng ông lại là cựu sĩ quan của tình báo KGB. Ông nghĩ thế nào về sự trái ngược đó?

Trả lời: Cuộc sống được tạo nên bằng những điều trái ngược. Khi không còn những điều trái ngược thì đó là cái chết. Nước Nga không phải là một quốc gia giả tạo mà nó có một lịch sử lâu đời. Thời kỳ còn là nước Liên Xô, đã có nhiều ý đồ làm thay đổi truyền thống, nhưng vẫn không sao tách nước Nga khỏi những giá trị văn hóa của dân tộc. Nền văn hóa đó, cũng giống như cây cỏ mọc trên các đại lộ của thành phố, xuyên thủng nhựa đường để tồn tại.

Mẹ tôi là một phụ nữ theo đạo, mặc dù đi lễ nhà thờ không phải là không nguy hiểm thời Liên Xô trước đây. Mẹ tôi đã bí mật làm lễ Rửa Tội cho tôi tại nhà thờ. Vậy tại sao các ông lại có vẻ ngạc nhiên khi tôi cầm Thánh Giá cầu nguyện tại mộ Chúa Giêsu?

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ sứ mạng cao cả: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”. Người muốn chúng ta làm chứng nhân cho Người đến tận cùng trái đất, rao giảng danh Người cho đến tận thế. Tổng thống Nga Putin quả là một chứng nhân anh dũng. Ông đã công khai tuyên xưng mình có đạo, tin đạo, sống đạo. Ông đã công bố trước báo chí: “tôi tự hào là một người tín hữu… niềm tin của tôi cho tôi thêm tinh thần và sự bình an trong tâm hồn”.

Trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta dành ra ít phút ngước nhìn lên quê trời để nhìn ngắm hạnh phúc vô biên mà Chúa sẽ ban cho chúng ta. Những phút đó thật là quý giá, là niềm vui, là nguồn an ủi, là sự khích lệ cho chúng ta, nhưng chúng ta cũng sẽ không được thụ động mải mê chiêm ngắm hạnh phúc tương lai ấy. Chúa đã nhắc nhở chúng ta hôm nay: Đấng Kitô phải chịu đau khổ, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,46-53). Phải trải qua đau khổ mới có thể tham dự vào vinh quang của Chúa. Phải cùng Chúa vác Thập Giá thì mới được vào vinh quang thiên quốc, cùng với Chúa hưởng niềm vui trên cõi trời.Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …