Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật V Mùa Chay, năm C, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật V Mùa Chay, năm C, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

(Is 43, 16-21; Pl 3, 8-14; Ga 8, 1-11)

“Thôi, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”

3-31-2019 6-54-32 PMTin mừng Gioan 8, 1-11:

Còn Đức Giêsu thì đến núi Ô-liu.

Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”.

Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

Suy niệm:

Sức mạnh tình thương tha thứ của Chúa Giêsu và thái độ thù ghét kết án anh em của các luật sĩ, biệt phái là nội dung bài Tin mừng về người phụ nữ ngoại tình bị kết án tử hình ném đá.

Theo luật Do thái trong sách Lv (20, 10) và TI (22, 21-24): “Kẻ phạm tội ngoại tonhf phải bị ném đá cho đến chết”. Điều luật nghiêm khắc, dã man này ngày nay vẫn còn được áp dụng trong thế giới Hồi giáo, Ngày 17/11/2009, tại Somali (Phi châu), một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Cô bị chôn sống đến thắt lưng, rồi bị một nhóm khoảng 200 người ném đá chị cho đến chết. Người đàn ông phạm tội với chị bị đánh đòn 100 roi, rồi được tha về.

Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình trong Tin mừng hôm nay là cái bẫy mà các luật sĩ và biệt phái âm mưu để làm hại và giết Chúa Giêsu: “Họ thử Người, để có bằng chứng tố cáo Người”.

Vấn đề khó giải quyết và phức tạp. Nếu Chúa Giêsu đồng ý ném đá người phụ nữ ngoại tình, thì Chúa Giêsu vi phạm luật của chính quyền Rôma: chỉ có chính quyền Rôma mới có quyền xét xử tử hình mà thôi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đánh mất uy tín và ảnh hưởng của mình như người bạn của những người tội lỗi và là thầy dạy về lòng yêu thương tha thứ.

Nếu Chúa Giêsu không giữ luật Môsê, không ném đá chị ta, thì Chúa Giêsu ủng hộ cho hành động tội lỗi, vi phạm luật Môsê mà ai cũng phải tuân giữ. Trả lời có hay không đều có thể bị các luật sĩ lên án, trên búa dưới đe không thể thoát được. Đó là âm mưu thâm độc của các luật sĩ và biệt phái. Chúa Giêsu không trả lời và làm thinh cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất… Chúa viết gì, không ai biết. Chúa lúc đó có thể viết về mình, về người, về đời… Với sự im lặng thánh thiêng đầy suy tư sâu sắc làm toát lên một câu nói ngàn đời còn mãi: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném chị trước đi” (Ga 8,7).

Xét cho cùng, thì tội của luật sĩ và biệt phái thâm độc và nặng hơn người phụ nữ rất nhiều, vì họ thù ghét Chúa Giêsu và muốn giết Người. Điều nực cười là người có tội nặng lại cho mình đạo đức để kết án người khác tội nhẹ hơn mình. Họ là những người ném đá dấu tay, giả nhân, giả nghĩa, giả hình.

Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, Người đặt mọi người trước tòa án lương tâm: “Ai vô tội hãy lấy đá mà ném chị ta”. Trở về cõi lòng mình và nhìn lại cuộc sống đã qua, thì ai cũng thấy mình có tội, chẳng ai vô tội cả, tất cả đều là tội nhân trước mặt Chúa. Vì thế, mọi người đều rút lui có trật tự. Người cao tuổi rồi đến người ít tuổi… Chỉ còn một mình Chúa Giêsu với người phụ nữ ngoại tình. Chúa Giêsu nhìn chị với tất cả tâm tình thông cảm, yêu mến và kính trọng, Ngài âu yếm nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Chính tình thương tha thứ của Chúa Giêsu đã biến đổi cuộc đời người phụ nữ tội lỗi trở thành người tông đồ nhiệt thành và đạo đức. Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, người phụ nữ này chính là bà Maria Madalena, chứng nhân đầu tiên về Tin Mừng Phục Sinh.

Bài Tin mừng hôm nay trong bối cảnh tuần cuôic cùng của Mùa Chay để sau đó bước vào tuần Thương Khó, Giáo hội mong muốn con cái mình nghe và suy niệm về lời tha thứ mà Chúa Giêsu không những chỉ nói, nhưng còn thực hiện qua cuộc thương khó và cái chết cứu chuộc của Ngài. Hôm nay Chúa cũng lập lại với mỗi người: “Thầy không kết án con, hãy trở về và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Sống đạo là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Hãy bắt đầu lại, trở về cõi lòng mình để ý thức mình là người tội lỗi, nhận ra những lỗi lầm, thiếu sót để sám hối ăn năn và cải thiện cuộc sống. Điều kiện để đón nhận ơn tha thứ của Chúa là dốc lòng chừa tội.

Chỉ có Thiên Chúa là Đấng vô tội mới có quyền xét xử tội nhân, nhưng Chúa không bao giờ kết tội ai, vì Chúa thương yêu, luôn tha thứ và muốn cứu sống chúng ta. Còn chúng ta là những tội nhân, ta phải kết án mình trước, rồi mới kết án tha nhân. Thực ra, chúng ta không nên kết án ai, vì ta là tội nhân. Noi gương Chúa Giêsu luôn yêu thương và tha thứ trong cuộc sống hôm nay.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …